Trích ý kiến của ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng – Tỉnh Bạc Liêu

Chủ Nhật 08:03 28-05-2006

Về dự thảo dự án Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tôi có mấy ý kiến sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề chung, tôi cho rằng trong dự án luật lần này Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể là:

 

Về nội dung dự án luật đã quy định việc xây dựng ban hành áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tiêu chuẩn hóa. Hệ thống tiêu chuẩn được đơn giản hóa thành hai cấp là cấp tiêu chuẩn quốc gia và cấp tiêu chuẩn cơ sở. Đồng thời hệ thống quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng gồm hai cấp là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

 

Về việc ban hành tiêu chuẩn quốc gia, dự án luật đã tập trung cho một cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn hóa do Chính phủ chỉ định, để giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo và nâng cao hiệu quả của toàn hệ thống. Bên cạnh đó dự thảo luật cũng nhấn mạnh đến xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn hóa thông qua sự tham gia rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, các hiệp hội trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

 

Vấn đề thứ hai đối với tên của luật, tôi nhất trí với ý kiến thống nhất của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường là tán thành với tên của luật là Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, vì nó dễ hiểu và thấy rõ hoạt động tiêu chuẩn hóa bao gồm: xây dựng, ban hành áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Hơn nữa theo Hiệp định TBT, Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại. Bên cạnh những tiêu chuẩn còn những quy chuẩn kỹ thuật, đã là tiêu chuẩn thì phải được áp dụng tự nguyện, xây dựng trên cơ sở đồng thuận. Bởi vì tiêu chuẩn là định hướng phấn đấu, là những chỉ tiêu yêu cầu tối ưu đối với các đối tượng tiêu chuẩn hoá cần được đặt trong điều kiện nhất định.

 

Còn quy chuẩn kỹ thuật mới bắt buộc áp dụng, bởi vì quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành, quy chuẩn những chỉ tiêu yêu cầu tối thiểu đối với các đối tượng cần phải đạt được, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, của động vật, của thực vật và môi trường.

 

Thứ hai, cấp tiêu chuẩn trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam ở Điều 9.

Tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm 2 cấp tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở, để thuận tiện cho việc áp dụng, phù hợp với các quy định của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên theo Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hiện nay còn 5% tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc. Tôi đề nghị Ban soạn thảo đưa ra lộ trình chuyển đổi tiêu chuẩn bắt buộc này thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

 

Thứ ba, về thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia ở Điều 10.

Theo hôi chọn phương án 4, có nghĩa là thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia giao cho Bộ Khoa học và công nghệ là phù hợp. Bởi vì theo thông lệ của hoạt động tiêu chuẩn hoá và theo quy định của nhiều nước trên thế giới thì tiêu chuẩn quốc gia do cơ quan tiêu chuẩn là đại diện duy nhất của quốc gia tại các tổ chức quốc tế ban hành. Ví dụ ở Cộng hoà Áo, Cộng hoà Italy chúng tôi đi khảo sát là như vậy. Còn ở Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn hóa là Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ này có sẵn bộ máy là tổ chức tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hơn nữa phương án trên phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, tập trung đầu mối ban hành tiêu chuẩn quốc gia, để đảm bảo tính thống nhất và tính chuyên nghiệp về kỹ thuật dịch vụ, đồng thời khắc phục tình trạng cục bộ, chồng chéo và góp phần nâng cao hiệu quả của toàn hệ thống.

 

Thứ tư, về nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia Điều 21. Theo tôi chọn ý kiến thứ nhất là tiêu chuẩn quốc gia được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định TBT - hàng rào kỹ thuật trong thương mại, phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Thứ năm, về thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Khoản 2, Điều 25. Theo tôi nên giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương và các yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc thù về địa lý, về khí hậu thủy văn, phù hợp với trình độ kinh tế xã hội của địa phương trên nguyên tắc quy chuẩn kỹ thuật địa phương không được trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Vì vậy, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 25 không nên quy định bắt buộc quy chuẩn kỹ thuật địa phương, phải có sự thẩm định của Bộ quản lý chuyên ngành. Theo tôi chỉ đăng ký là phù hợp, còn việc thẩm định quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực tổ chức thực hiện. Nếu giao cho Bộ chuyên ngành thẩm định dễ xảy ra sự phiền hà, sự tiêu cực. Tôi xin chỉ dẫn một số sản phẩm đặc thù của địa phương như sau: nước mắm Phú Quốc thì sản xuất trên một vị trí địa lý nhất định, nuôi tôm sinh thái Cà Mau trong rừng ngập mặn có chỉ dẫn địa lý nhất định, như sản xuất muối Bạc Liêu, chè Tuyết San-Hà Giang thì có chỉ dẫn địa lý đặc thù của địa phương. Đây là những sản phẩm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật cao hơn chuẩn quốc gia, nên giao địa phương xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định, sau đó đăng ký với bộ chuyên ngành thì hợp lý hơn.

Chính vì thế, tôi đề nghị phải chỉnh sửa lại Điểm b, Khoản 2, Điều 25 như sau: quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành, không được trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

 

Cuối cùng, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số quy định cụ thể, chủ yếu là quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng như sau:

 

Một, trách nhiệm của nhà sản xuất về sản phẩm không phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật.

 

Hai, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước không phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật.

 

Ba, cưỡng chế, thu hồi sản phẩm không phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật.

Các văn bản liên quan