Góp ý của Hiệp hội Bánh đậu xanh Hải Dương

Chủ Nhật 08:16 28-05-2006

Chúng tôi được biết trong kỳ họp quốc hội khai mạc ngày 16/5/06 lần này sẽ thông qua dự thảo luật BHXH mà đó là 1 đạo luật thể hiện chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, quan hệ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng vạn doanh nghiệp, đến việc làm và đời sống của nhiều triệu lao động. Song rất tiếc rằng bản dự thảo lần trước, đến sát ngày họp quốc hội chúng tôi mới được tham gia ý kiến. Song, ý kiến của chúng tôi cũng không được phản ánh vào bản dự thảo báo cáo trước quốc hội. Từ sau tháng 12/2005 cho đến nay, bản dự thảo được sửa đổi để trình quốc hội lần này, nhưng các tổ chức đại điện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa hề có cuộc họp nào để tham gia ý kiến. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị đồng chí với cương vị của mình phản ánh với quốc hội xem xét những bức xúc của doanh nghiệp trong Hiệp hội chúng tôi và cũng là bức xúc của doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất có mùa vụ, thu nhập không đều đặn, cụ thể như sau:
      
Luật lao động năm 1994 điều 140 (khoản 2) quy định “Loại hình BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện tuỳ thuộc vào loại đối tượng và loại doanh nghiệp để cho người lao động được hưởng chế độ BHXH thích hợp”; điều 141 (khoản 2) đã cụ thể hoá “người lao động làm việc ở những nơi sử dụng dưới 10 người; hoặc làm những công việc thời hạn dưới 3 tháng theo mùa vụ, hoặc làm các công việc có tính chất tạm thời khác, thì các khoản BHXH được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả để người lao động tham gia BHXH theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo về BHXH”
         
Về cơ bản nội dung trên là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cả người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiẹp sản xuất có mùa vụ nhưng cho đến nay đã 10 năm không đuợc thực hiện mà nguyên nhân chính là như đồng chí Bộ trưởng Bộ lao động đã báo cáo trước quốc hội ngày 2/12/2005 “đến nay chưa có quy định cụ thể về loại hình BHXH tự nguyện nên các doanh nghiệp không có điều kiện đóng BHXH bắt buộc không được tham gia BHXH (hiểu là BHXH tự nguyện)”.     Như vậy rõ ràng là vì “chưa có quy định về BHXH tự nguyện, nên các doanh nghiệp sản xuất có mùa vụ (đ/c giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương đã nêu trong c/v số 172 ngày 21/3/2006) thu nhập không đều đặn như các doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh xuất khẩu và các doanh nghiệp chế biến nông sản, không có điều kiện đóng BHXH bắt buộc vì phải đóng đều đặn hàng tháng 1 số tiền cố định; mà BHXH tự nguyện thì ‘chưa có quy định cụ thể” nên cũng chưa được tham gia. Do vậy, ngành BHXH cứ ép tham gia BHXH bắt buộc không được thì nói là “80% các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không tham gia BHXH”. Như vậy lẽ ra vấn đề chủ yếu, là phải bổ khuyết những chỗ chưa hợp lý nhất là phải nghiên cứu quy định chế độ BHXH tự nguyện để các doanh nghiệp sản xuất có mùa vụ có thể tham gia BHXH.
         
Nhưng đến năm 2002, Bộ lao động lại bổ sung điều 141 Luật Lao động bỏ hết 3 loại doanh nghiệp áp dụng loại hình “đưa BHXH vào tiền lương trả cho người lao động…”.Trong đó có các doanh nghiệp sản xuất theo mùa vụ mà chỉ để lại 1 tiêu chí “hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên” thì áp dụng chế độ BHXH bắt buộc.
         
Quy định như vậy vừa không phù hợp với điều 140 luật lao động năm 1994 và 2002 vì thời hạn 3 tháng không thể hiện loại hình doanh nghiệp lại không phù hợp với thực tế vì các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất có mùa vụ, thu nhập không đều qua các tháng, nên không thực hiện được BHXH bắt buộc.
         
Đến lần này dự thảo ngày 27/3/2006 Ban soạn thảo lại mở rộng hơn nữa diện tham gia BHXH bắt buộc nêu trong điều 2 về đối tượng áp dụng, khoản 2 quy định “người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị…(chi từ ngân sách) còn các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể, tổ hợp tác, các tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn sử dụng và trả công cho người lao động”
         
Điều 149 về hiệu lực thi hành, dự thảo quy định “Các quy định tại Luật này thay thế các điều quy định tại chương XII của Bộ luật lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2002”. Như vậy là điều 140 (rất cơ bản) quy định 2 hình thức BHXH bắt buộc và tự nguyện áp dụng đối với từng loại đối tượng và từng loại doanh nghiệp, để người lao động được hưởng chế độ BHXH thích hợp, không còn nữa và tất cả các doanh nghiệp, các đối tượng có quan hệ “thuê mướn sử dụng trả công lao động” không phân biệt loại hình, quy mô, đặc điểm về mùa vụ đều thi hành BHXH bắt buộc; Như vậy là trái với chính sách cơ bản về BHXH đã được thể chế hoá tại điều 140 luật lao động và hoàn toàn không phù hợp với thực tế nên qua 10 năm vẫn chưa thực hiện được vì chưa có quy định cụ thể. Như vậy đối tượng BHXH tự nguyện tại khoản 5 điều 2 bản dự thảo chỉ còn là “công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 điều này”. Nhưng ngay trong khoản 1 điểm “a” quy định người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên là thuộc BHXH bắt buộc; vậy người lao động dưới 3 tháng thì tham gia loại hình nào vì đối với người sử dụng lao động thì chỉ có 1 tiêu chí là có quan hệ thuê mướn, lao động trả công là đóng BHXH bắt buộc không kể thời gian hợp đồng; nếu áp dụng BHXH tự nguyện thì không đúng luật và trong dự thảo không quy định người sử dụng lao động tham gia thế nào; mức đóng bao nhiêu. Như vậy đối với người sử dụng lao động thì có 1 loại hình BHXH bắt buộc.
         
Luật lao động bổ sung năm 2002 vì cứ gò ép vào loại hình BHXH bắt buộc nên không thực hiện được; đến luật BHXH lần này còn mở rộng diện BHXH bắt buộc gấp nhiều lần thì làm sao có khả năng khả thi cao và nếu cứ ép thực hiện sẽ gây ra vô vàn khó khăn cho cả người lao động và người sử dụng lao động (thực tế đã và đang xảy ra) đồng thời tạo ra cửa ngõ cho các vụ hạch sách và tham nhũng vì động đến đâu đều thấy sai và đưa doanh nghiệp đến chỗ chỉ có con đường là “đóng cửa” hoặc “tiêu cực”.
         
Đề nghị nghiên cứu thêm kinh nghiệm “đi trước đón đầu” của Nhật Bản vừa được phổ biến trong cuộc hội thảo về “chính sách công nghiệp” do Bộ công nghiệp và VCCI tổ chức ngày 8 và 9 tháng 5/2005 tại Hà Nội và đăng trên trang 8 Báo diễn đàn doanh nghiệp số 37 ngày 10/5/2005 trong đó nhấn mạnh đến đặc trưng cơ bản “ưu tiên phát triển kinh tế trước phát triển xã hội và phúc lợi”.
         
Chúng tôi cũng hoài nghi về việc tổ soạn thảo luật BHXH làm sao tính trước được sát khả năng “đổ bể” của Quỹ BHXH đến năm 2030 trong khi hiện nay số dư của Quỹ còn 260 nghìn tỷ đồng (nghĩa là 10 năm sau khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp) thậm chí đến năm 2048 (xem GTM + 7 ngày 27/4/2006). Hơn thế nữa như dự thảo luật thi hành vào năm 2008 (BHXH tự nguyện ) 2009 (BH thất nghiệp) có cần thiết phải ban hành ngay trong khi chưa có cơ sở thực tiễn; còn vướng mắc trước mắt về việc đưa BHXH và các quyền lợi khác (bằng 30% chứ không phải 15%) vào tiền lương trả cho người lao động để tham gia BHXH tự nguyện là nguyện vọng chính đáng và cấp thiết của cả người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp sản xuất có mùa vụ chế biến nông sản, làm hàng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động lại không được nghiên cứu giải quyết ngay.

Các văn bản liên quan