Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Minh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Ba 15:27 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin phép phát biểu một số ý kiến về Bộ Luật thi hành án.

Trước hết, qua xem xét bản tiếp thu, chỉnh lý, thấy có rất nhiều nội dung mà qua ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, chúng tôi cho đây cũng là sự cố gắng rất lớn của các cơ quan soạn thảo và thẩm tra trong phần chuẩn bị.

Về nội dung cụ thể, chúng tôi xin tham gia vào 3 nội dung chính như sau:

Thứ nhất, câu hỏi bây giờ là 1 luật hay 3 luật, theo tôi, câu chuyện này chúng ta cũng bàn dài rồi, tại kỳ họp thứ 9 có 19 ý kiến tán thành nội dung 1 luật, trong đó cụ thể hoá nội dung cho tốt, còn 3 ý kiến cho rằng chưa ra. Quan điểm của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng việc để một luật hay nhiều luật, đây hoàn toàn là kỹ thuật lập pháp thôi, mà quan trọng là nội dung, chúng tôi đã có dịp phát biểu như vậy rồi.

Hai nữa, tính khả thi ở đây là hoàn toàn có thể, vì thực ra công tác thi hành án của chúng ta không phải là mới, chúng ta có bề dày cũng dài rồi, hiện nay Pháp lệnh thi hành án dân sự vừa mới được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2004, văn bản hướng dẫn cũng rất nhiều, Nghị định rất cụ thể, bây giờ mình pháp điển hoá lên, còn thi hành án phạt tù thì Pháp lệnh cũng có cái cũ là từ năm 1993, nhưng các văn bản liên quan đối với Toà án thì cũng có một Nghị quyết và 18 Thông tư liên tịch liên quan đến thi hành án phạt tù, bên Chính phủ cũng có rất nhiều Nghị định liên quan đến thi hành án phạt tù. Bây giờ chúng ta tập trung pháp điển hoá nó lên, điều đó hoàn toàn trong tầm tay của chúng ta.

Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta có hăng hái để làm hết không, nếu thực sự muốn làm thì tôi nghĩ không có gì bó tay chúng ta cả. Còn thế giới bàn về Bộ luật thi hành án thì đúng là thế giới họ không cần có Bộ luật thi hành án là bởi vì việc thi hành án đã được quy định ngay trong các Bộ luật tố tụng của họ và những văn bản pháp luật có liên quan thì làm gì, mà họ phải đi xây dựng Bộ luật thi hành án cho mất thêm công sức và thời gian và cũng không cần thiết. Bởi vì những vấn đề đó đã được quy định ngay trong tố tụng rồi, quan niệm của họ đây là giai đoạn tiếp tục của quá trình thực thi bản án, cho nên tố tụng quy định luôn. Có những Bộ luật người ta quy định hẳn một phần có rất nhiều chương về thi hành án. Rõ ràng vấn đề ở đây về mặt kỹ thuật là không nên đặt ra, cho nên khi chúng ta nghiên cứu tiếp thu thì cũng không chỉ đơn giản nghĩ rằng họ có hay không có, mà vì sao họ không có mới là điều quan trọng.

Cũng như trên thế giới hiện nay quản lý thi hành án, hầu hết những thông tin mà cơ quan soạn thảo cung cấp cho chúng tôi cũng như những thông tin chúng tôi biết được thì hầu hết việc quản lý thi hành án là do Bộ Tư pháp và nói chung là các cơ quan dân sự, không phải là lực lượng vũ trang. Chúng tôi hiểu rằng xu thế dân sự hóa công tác quản lý thi hành án phạt tù cũng là một xu thế, muốn hay không muốn chỉ sớm muộn thôi chứ chúng ta không thể đứng ngoài xu thế đó được, vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố như nhiều ý kiến các đồng chí phân tích, chúng tôi không nói lại. Từ đó chúng tôi thấy rằng vấn đề phân công ai quản lý là một vấn đề nổi lên cũng cần bàn, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng Bộ luật này như thế nào về nội dung, để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, đó là điều tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ và đầu tư nhiều thời gian hơn. Còn việc quản lý trước mắt cũng như lâu dài chắc chắn chúng ta cũng bàn, nhưng tôi cho rằng đó cũng chỉ là một phạm vi hẹp. Nói rằng lớn thì cũng rất lớn, nhưng dù ai quản lý thì vấn đề nội dung quy định cho việc thi hành án nói chung là vấn đề chúng ta phải hết sức quan tâm.

Thứ hai, chúng tôi xin được phát biểu về nội dung các quy định trong dự thảo, phần này chúng tôi thấy ít được đề cập, vì chúng ta mải lo bàn chuyện người quản lý nên nội dung này ít để ý, cho nên chúng tôi xin được phát biểu một số ý như sau.

Về thi hành án dân sự chúng tôi thấy thể hiện trong dự thảo là khá tốt, ở đây chỉ có một vài điểm chúng tôi đề nghị lưu ý thêm. Ví dụ như vấn đề lệ phí, người tự nguyện thi hành án hoặc người phải thi hành án tự nguyện thi hành án khi nộp đơn tự nguyện có cần phải thu phí không. Đây là vấn đề phải hết sức cân nhắc, để khuyến khích người phải thi hành án người ta tự nguyện, mình không nên đặt ra những rào cản như vậy. Hai nữa là về án phí, án phí trong này thì các đối tượng người ta cũng nộp rồi không cần phải tính. Xác định rõ điều kiện để thi hành án, có điều kiện để thi hành án thì nên pháp điển hóa tức là phải từ các văn bản dưới luật đã có, thì chúng ta cần phải chi tiết hơn để cho việc tổ chức thi hành tốt.

Về thi hành án phạt tù, chúng tôi thấy quả là còn nhiều nội dung mà đề nghị cần tập trung đầu tư nhiều hơn. Việc thi hành án hiện nay, vấn đề phân loại trại 1, 2, 3 hiện nay là hợp lý chưa? Chúng ta phải cân nhắc xem để có bổ sung ngay trong dự án luật này cho nó phù hợp. Ví dụ như có những người là dân tộc H'Mông, từ Điện Biên, Lai Châu, Sơn La về Ninh Bình để thi hành án, mà họ lại phạm tội ma túy, phụ nữ có tuổi và rất nhiều người không biết chữ, tiếng Kinh nói chưa rõ thì không biết việc đó có nên tiếp tục như vậy không? hay là chúng ta phải tính toán lại cho nó phù hợp hơn. Chúng tôi đề nghị rất cân nhắc.

Thứ hai, chế độ giáo dục phạm nhân, hiện nay vấn đề đặt ra rất lớn, chúng ta nói là mục đích hình phạt là giáo dục cải tạo họ, cảm hóa họ để trở thành người tốt. Vâng, rất đúng, chính sách thì rất đúng, nhưng tổ chức thực hiện hiện nay như thế nào? Nếu chúng ta vào trong các trại cải tạo phạm nhân thì chương trình giáo dục chưa có một chương trình học tập một cách đầy đủ, toàn diện, quy củ. Thời gian học tập như thế nào? hình thức học tập ra sao? người tham gia vào giáo dục ở đây là ai? theo tôi cũng phải được cụ thể hóa trong luật để tổ chức thực hiện.

Tôi rất đồng tình với ý của đồng chí Trần Ngọc Đường là có thể những nhà sư phạm rất giỏi tham gia vào đây thì mới cảm hóa được, mới giáo dục được, chứ không phải chúng ta bằng lực lượng cảnh sát để mà giáo dục thì không cảm hóa được. Về mặt sư phạm, cái đó là phải tính toán, cho nên luật này phải quy định chứ không thể không quy định.

Vấn đề dạy nghề cho phạm nhân như thế nào? Đây là vấn đề được quy định chi tiết cũng cần phải được quy định trong luật, tôi cho đây là vấn đề rất lớn. Lao động của phạm nhân, việc tổ chức lao động như thế nào phải quy định cụ thể hơn. Thời gian lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân thế nào? Tôi nghĩ phải được quy định trong luật. Hiện nay chúng ta nói rất nhiều vấn đề trở về cộng đồng để hoà nhập, nhưng một người ra tù trong tay không có một nghề, không có một đồng tiền, nghề nghiệp không có, tiền không có thì hoà nhập là cực kỳ khó, không khéo toàn bộ quá trình giáo dục của chúng ta mất hết, tất nhiên hiện nay chưa có tài liệu để tổng kết bao nhiêu người tái phạm, nhưng tôi nghĩ con số này không phải là ít, nếu như rơi vào hoàn cảnh thực sự không có gì cả, chúng ta phải tính, việc giáo dục ở đây phải tính, lao động trong thời gian họ chấp hành hình phạt tù tại các trại như vậy thì thành quả lao động cũng phải được tính toán như thế nào đấy, nếu không đây là một vấn đề rất lớn liên quan đến chính sách hình sự của Nhà nước chúng ta, cần phải được tính.

Vấn đề thứ tư, khám chữa bệnh cho phạm nhân, đây là vấn đề rất lớn phải đặt ra, tình hình phạm nhân trong các trại cũng là vấn đề lớn cần phải có những quy định về mặt pháp lý để tổ chức thực hiện, trách nhiệm của cơ quan y tế đến đâu, của cơ quan quản lý phạm nhân đến đâu, nói chung phải được thể hiện trong luật này. Đó là nội dung tôi đề nghị trong dự thảo cần phải bổ sung cụ thể hơn những nội dung đó để đảm bảo cho Luật thi hành án của chúng ta khi ra đời, rõ ràng nó có một bước đổi mới trong hoạt động, còn việc người quản lý thì chúng ta sẽ tiếp tục bàn. Tôi tin chắc cũng rõ thôi chứ không có vấn đề gì lắm.

Sau cùng, về tổ chức bộ máy, tôi thấy rằng mô hình thiết kế hiện nay tập trung thành một hệ thống ở Bộ Tư pháp, chúng tôi thấy cũng cần thiết phải có mô hình tập trung thống nhất. Tất nhiên, về quản lý thi hành án phạt tù, hiện nay hình phạt tử hình và trục xuất còn có ý kiến khác nhau. Tất nhiên, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, chậm nhất đến năm 2010 chuẩn bị các điều kiện để bàn giao cho Bộ Tư pháp quản lý.

Việc thực hiện lộ trình đó tuỳ điều kiện chúng ta chuẩn bị, trước mắt rõ ràng phương án vẫn giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý tôi thấy vấn đề đó cũng thống nhất cao rồi, chỉ có lộ trình là đến lúc nào thì chúng ta chuyển giao. Theo tôi chỉ còn chỗ đó thôi, vấn đề này không phải quy định trong luật mà bằng Nghị quyết thi hành luật này để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Còn xu hướng đưa về một đầu mối chúng tôi thấy đó là một xu hướng, sớm muộn chúng ta phải làm chứ không thể không làm, đó là vấn đề đặt ra rồi. Lộ trình này là năm 2010 - 2011 hay 2012 thì tôi nghĩ tính toán kỹ để chúng ta ban hành Nghị quyết, còn nội dung khá rõ.

Trong khi thực hiện như vậy thì Bộ Tư pháp phải quản lý toàn bộ thi hành án hình sự, quản lý Nhà nước, còn phần đang thi hành ở Bộ Công an tất nhiên Bộ Công an phải chịu trách nhiệm, ở Bộ Quốc phòng thì Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm. Sau này khi lộ trình được thực hiện thì toàn bộ vấn đề đó chúng ta hoàn thiện hệ thống của chúng ta.

Tôi nghĩ làm được như vậy với sự đầu tư thoả đáng của Nhà nước chắc chắn công tác thi hành án phạt tù, thi hành án hình sự sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Các văn bản liên quan