Trích ý kiến của ĐBQH Hồ Thị Hồng Nhung – Tỉnh Bến Tre

Thứ Năm 09:39 17-08-2006

Kính thưa Hội nghị.
Trong lúc lấy ý kiến cũng như là trong lúc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh sửa, tôi không có điều kiện đóng góp, nhưng đa số tôi thấy nhất trí với nội dung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình trong kỳ họp này. Tôi chỉ thấy có một vấn đề cần xem xét thêm, vào kỳ họp lần thứ 9 của Quốc hội, tôi có góp ý nhưng tôi chưa thấy ở đây có thể hiện. Đó là việc phải quy định trách nhiệm một tổ chức nào chịu trách nhiệm đối với người lao động khi doanh nghiệp phá sản không theo thủ tục. Ở Khoản 1, Điều 26 quy định doanh nghiệp phá sản theo thủ tục, tức là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định mở thủ tục phá sản v.v... điều đó tôi thấy quy định như vậy là đúng. Nhưng doanh nghiệp không mở thủ tục thì phải cần quan tâm hơn. Bởi vì nếu không mở thủ tục tức là mình không kiểm soát được, mà không kiểm soát được thì nó có rất nhiều điều rắc rối, đặc biệt là đối với quyền lợi của người lao động. Cho nên vì quyền lợi của người lao động tôi đề nghị trong luật phải quy định trách nhiệm của tổ chức nào mà theo tôi không phải là chèn ép Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhưng thấy trách nhiệm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lãnh phần này thì hợp lý. Bởi vì doanh nghiệp khi họ phá sản không theo thủ tục thì đương nhiên nó có nhiều vấn đề xảy ra. Có nhiều ý kiến nói rằng các cơ quan pháp luật nhảy vào để thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi đồng ý, đương nhiên phải như thế. Nhưng đó là vấn đề xử lý về doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp về tài chính hay về tội danh, nhưng về quyền lợi liên quan đến người lao động thì chưa tổ chức nào được quy định trong điều này. Cho nên tôi đề nghị trong luật phải quy định thêm tổ chức chịu trách nhiệm đó là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Các văn bản liên quan