Trích ý kiến của ĐBQH Dương Ngọc Ngưu – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Sáu 09:55 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình tôi xin có một số ý kiến như sau:

Trước hết, tôi cho rằng đây là một luật khó và Ban soạn thảo đã rất tích cực trong việc khảo sát, tổ chức Hội thảo, tham khảo kinh nghiệm của thế giới để dự thảo luật lần này, đã đưa ra được một số hành vi bạo lực gia đình, một số biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, xử lý vi phạm người có hành vi vi phạm.

Bạo lực gia đình là một vấn đề mang tính xã hội, vi phạm quyền của công dân, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và gắn với nhân thân của từng người. Bạo lực gia đình xảy ra ở nhiều nơi, ở nhiều lĩnh vực, xảy ra ở nhiều đối tượng có trình độ nhận thức khác nhau. Đây là 1 bức xúc trong xã hội, cho nên việc ban hành một luật về phòng, chống bạo lực trong gia đình là cần thiết.

Vấn đề bạo lực trong gia đình có liên quan đến nhiều lĩnh vực đã được quy định trong văn bản đã và sắp ban hành. Ví dụ: Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Người cao tuổi, Pháp lệnh vi phạm hành chính và Luật Bình đẳng giới dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Do vậy, vấn đề đặt ra là khi quy định trong dự án luật này phải tránh được việc trùng lặp với các văn bản pháp luật đã quy định.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về tính khả thi của pháp luật, trình tự thủ tục áp dụng một số biện pháp mới, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đã đi vào phân tích nhiều vấn đề có liên quan đến việc áp dụng biện pháp trong việc phòng, chống bạo lực trong gia đình, cần được tiếp tục nghiên cứu để chỉnh lý sau khi Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này. Do vậy về tính khả thi của dự án luật, cần khắc phục được các vấn đề đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, tránh tình trạng quy định trùng lặp về đối tượng, phạm vi điều chỉnh với các văn bản pháp luật đã nêu trên và các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, phù hợp với đặc thù truyền thống gia đình của Việt Nam, phong tục tập quán thuần phong mỹ tục và còn cả vấn đề nhận thức của xã hội đối với lĩnh vực này.
Do đặc điểm và mối quan hệ đối với các đạo Luật có liên quan, tôi cho rằng tính khả thi của dự án Luật được xác định khi Dự thảo quy định rõ, cụ thể các hành vi bạo lực trong gia đình, làm cơ sở cho việc thông tin tuyên truyền giáo dục phòng ngừa và thuận tiện cho việc áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm có tác dụng cảnh báo, răn đe trong xã hội để mọi người biết được đó là hành vi vi phạm pháp luật, đấy là những vi phạm bạo lực trong gia đình và nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đồng thời với việc quy định rõ hành vi bạo lực gia đình cần đề cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, các đoàn thể, dòng họ, cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống bạo lực trong gia đình. Đây cũng là những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo việc phòng chống bạo lực trong gia đình.

Riêng về Chương III quy định về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực trong gia đình có những biện pháp mới. Chính những biện pháp này nó sẽ khó đảm bảo tính khả thi của pháp luật. Do vậy, tôi thống nhất với quan điểm là bỏ Chương này, đồng thời đưa các điều khoản có tính chất phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực về Chương II, đưa các quy định về xử lý người có hành vi bạo lực trong gia đình về Chương V. Còn các điều khoản về cơ sở trợ giúp, về Chương IV trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, gia đình trong phòng chống bạo lực trong gia đình và cần lưu ý là loại bỏ những biện pháp không có tính khả thi, khó thực hiện trong quá trình thực thi pháp luật. Sở dĩ bỏ chương này nó quy định rõ được kể cả 2 loại, tức là có một chương về phòng và có một chương về chống và nó cũng phù hợp với quy định của các đạo luật mà có quy định về phòng, chống nói chung hiện hành.

Về vấn đề tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, chúng tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội như sau: pháp luật của nước ngoài rất khác chúng ta, phạm vi điều chỉnh ở lĩnh vực này của pháp luật nước ngoài thường là phạm vi điều chỉnh và đối tượng hẹp hơn, ví dụ chỉ đối với phụ nữ và đối với trẻ em và trẻ em là do phụ nữ là thành viên trong gia đình sinh ra. Đối tượng điều chỉnh trong luật cũng khác với chúng ta, đặc biệt ở nước ngoài có cơ chế họ dùng luật này để sửa luật khác và quy định các chế tài của luật này có thể khác với Bộ luật hình sự. Nói chung ở nước ngoài các tổ chức của họ cũng khác với chúng ta, cho nên việc áp dụng biện pháp cách ly xã hội mà ở nước ngoài người ta áp dụng khi ra lệnh bảo vệ thì nó cũng thuận tiện hơn. Ở nước ngoài thì họ xây dựng các cơ sở, các nhà tạm lánh hoặc của Nhà nước, hoặc của các cơ sở tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ, cho nên rất thuận tiện trong việc áp dụng biện pháp này. Đối với điều kiện của chúng ta thì việc cách ly những người có hành vi bạo lực trong gia đình ra khỏi nơi họ sinh sống rất khó khăn.

Về xử lý hành vi bạo lực trong gia đình, cũng như tôi đã nói người ta có thể quy định chế tài khác với quy định của Bộ luật Hình sự, mọi hành vi ở bên đó họ rất hạn chế xử lý các hành vi hành chính, các hành vi mà chúng ta xử lý hành chính ở đây thì nước ngoài họ coi như loại tử hình mà do Toà án giải quyết. Do vậy, thẩm phán của Toà án rất lớn, họ có thể ra lệnh bắt người, cho nên việc áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với Toà án nước ngoài thì nó dễ hơn chúng ta rất nhiều. Việc áp dụng cách ly người có hành vi bạo lực trong gia đình ra khỏi nơi ở của họ quy định trong Điều 18, Điều 19 thì cũng cần phải nghiên cứu, mà theo quan điểm của chúng tôi thì không nên áp dụng hình thức này.

Về các vấn đề cụ thể, tôi xin có một số vấn đề như sau. Về tên Luật tôi thống nhất với ý kiến phân tích trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật cần phải nghiên cứu về khái niệm bạo lực trong gia đình, mà có thể nên lấy tên là Luật phòng, chống bạo hành trong gia đình thì đúng hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng ở Điều 41 áp dụng Luật này đối với cả nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng, hoặc đã ly hôn vẫn về chung sống với nhau mà không đăng ký lại.

Tôi thống nhất với một số ý kiến là đề nghị bỏ điều này, không nên mở rộng đối tượng đối với những đối tượng không đăng ký kết hôn mà sống với nhau như vợ chồng, hoặc đã ly hôn mà không kết hôn lại. Vì luật này là Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình cho nên chỉ điều chỉnh đối với đối tượng là thành viên trong gia đình. Nếu như những đối tượng này mà pháp luật về hôn nhân gia đình không công nhận đó là 1 gia đình thì không thể điều chỉnh trong đối tượng này, khi xảy ra những bạo lực trong gia đình thì rất khó xác định đâu là bạo lực trong gia đình, đâu là bạo lực ngoài xã hội và việc xử lý được đối tượng này đối với việc bạo lực ở ngoài xã hội còn dễ hơn rất nhiều.

Ví dụ: ngay việc bồi thường khi thiệt hại xảy ra đối với những người này không có tài sản chung được pháp luật bảo vệ, cho nên khi xảy ra thiệt hại là phải bồi thường theo quy định của pháp luật, nói chung việc cách ly cũng dễ dàng hơn. Ví dụ: cách ly với người mà trong hành vi bạo lực gia đình, đây là ngay trong nhà của họ, họ mời bạn của họ đến ở chung sống với nhau như vợ chồng, bấy giờ ta cũng bảo là áp dụng biện pháp cách ly mà đưa họ ra khỏi nhà thì rất khó.

Các văn bản liên quan