Trích ý kiến của Đại biểu Võ Thị Thuý Loan – Tiền Giang về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:42 26-05-2009
Về Dự án Luật Bồi thường Nhà nước tôi quan tâm ở một số vấn đề như sau.
Thứ nhất, về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại Điều 13, dự thảo luật có bổ sung một quy định mở là các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định. Qua đó cho thấy luật này đã không thể nhất thể hóa, hoàn thiện và nâng cấp được các quy định rải rác về bồi thường Nhà nước trong các văn bản pháp luật có liên quan như quan điểm ban đầu của Ban soạn thảo. Có lẽ quy định như vậy để quán triệt nguyên tắc là trong điều kiện hiện nay, cần phải hạn chế phạm vi các hoạt động công vụ mà Nhà nước phải bồi thường. Nếu chọn giải pháp như vậy, tôi đề nghị cần có một điều luật về áp dụng pháp luật là quy định có tính chất bọc lót và che chắn tốt. Nếu không bồi thường theo luật này thì theo luật khác có liên quan về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bởi vì nếu không có điều luật về áp dụng pháp luật thì luật này sẽ làm mất tính khả thi đối với những hành vi không được liệt kê cụ thể trong Luật Bồi thường Nhà nước nếu gây thiệt hại thì người dân lo sợ rằng Nhà nước sẽ không có trách nhiệm bồi thường.
Thứ hai, về trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan Trung ương là cơ quan có trách nhiệm bồi thường tại Điểm d và Điểm đ của Điều 14. Theo tôi quy định này hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Vì rất khó xác định cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm chính, cơ quan nào chịu trách nhiệm phụ, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm với nhau. Trên thực tế mỗi khi có nhiều người thi hành công vụ dù ở các cơ quan khác nhau nhưng cùng cấp, hay ở các cơ quan Trung ương và địa phương thì cũng phải thành lập đoàn hay tổ, trong đó người có chức vụ cao sẽ được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn hay Tổ trưởng và người này phải ký văn bản quyết định, do đó cơ quan quản lý và người sử dụng đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Thứ ba, về cơ chế giải quyết bồi thường quy định như dự thảo luật tôi xin mạn phép được nói rằng chưa tiến bộ so với cơ chế giải quyết bồi thường như hiện nay, chưa tạo thuận lợi cho người dân, người mà được luật này bảo vệ. Cụ thể là dự luật vẫn tiếp tục hạn chế quyền về mặt tố tụng đối với người bị thiệt hại, nếu như họ muốn sử dụng ngay lần đầu phương thức khởi kiện ra tòa án trong trường hợp họ đã có được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi người dân đã có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì đây là kết quả khó khăn lắm họ mới có được sau khi khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính thành công thì dự luật cũng bắt buộc họ làm thủ tục trước tiên là nộp đơn yêu cầu bồi thường theo thủ tục hành chính để giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, sau đó để đến hết thời hạn giải quyết bồi thường mà các cơ quan này không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì mới được quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường.
Tôi thiết nghĩ quan hệ nhà nước và công dân làm phát sinh quan hệ bồi thường mang bản chất của quan hệ công. Trong đó nhà nước là chủ thể mang quyền lực công nhưng quan hệ bồi thường phát sinh từ các quan hệ công đó lại mang bản chất của quan hệ dân sự phải được giải quyết trên cơ sở các nguyên tắc của Pháp luật dân sự cũng như thông lệ Quốc tế đã làm. Chứ chúng ta không nên tiếp tục hành chính hóa ở giai đoạn sau khi người dân đã có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ nữa. Do đó tôi đề nghị đối với giai đoạn sau này cho phép người bị thiệt hại có quyền lựa chọn 1 trong 2 phương thức sau để yêu cầu Nhà nước bồi thường:
Một là yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết theo thủ tục hành chính và nếu đã chọn lựa phương thức này để giải quyết rồi thì không được quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng hình sự nữa. Đồng thời quyết định của cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo một cách. Tuy nhiên việc thành công trong phương thức giải quyết này chủ yếu là ở khâu thương lượng có thành hay không. Cho nên dự luật cần quy định chặt chẽ hơn, nếu trong trường hợp thương lượng thì phải được bồi thường ngay, đồng thời phải xem lại thành phần tham dự cuộc thương lượng sao cho bảo đảm tính dân chủ và nên quy định người thi hành công vụ gây ra thiệt hại bắt buộc phải tham dự cuộc thương lượng.
Hai là yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự khi người dân có được văn bản của cơ quan Nhà nước xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường. Đây là quyền đương nhiên của người bị thiệt hại do Nhà nước gây ra trừ khi họ tự loại bỏ quyền này bằng cách nộp đơn yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo thủ tục khiếu kiện hành chính, bởi lẽ vấn đề khó khăn nhất trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân mà hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết là việc xác định mức độ thiệt hại cho công dân. Hầu hết các vụ yêu cầu bồi thường đã và đang giải quyết đều có mâu thuẫn giữa cơ quan phải bồi thường và người yêu cầu bồi thường trong việc xác định mức độ thiệt hại. Vì thế dường như tất cả các vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại đều phải đưa ra Tòa án để giải quyết, điều này đã đẩy thêm gánh nặng lên đôi vai của thẩm phán. Hơn nữa dự luật quy định tại Điều 19, Điều 20 cũng cho thấy nếu thương lượng không thành thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường, trong đó họ sẽ ấn định một mức bồi thường cho người bị thiệt hai là bao nhiêu và nếu như người bị thiệt hại không đồng ý thì khởi kiện ra toà án. Thay vì như vậy, luật này cho phép người dân khởi kiện ra tòa án ngay từ đầu thì người dân sẽ đỡ khổ vì đã thoát được vòng luẩn quẩn, Nhà nước khỏi phải tốn kém công sức và thời gian giải quyết nhiều lần. Tôi thiết nghĩ việc quy định bắt buộc người dân phải giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trước khi khởi kiện ra tòa án là vì tư duy của cơ quan công quyền e ngại phải đóng vai trò bị đơn trước tòa án quá nhiều. Đây cũng là một hạn chế cần phải thay đổi.
Về kỹ thuật lập pháp tôi kiến nghị một vấn đề nhỏ là thay từ "đơn" bằng cụm từ "giấy đề nghị", tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa xã hội rất lớn, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc phục vụ nhân dân, thực hiện một bước xác lập Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thực hiện quyền dân chủ. Hơn nữa, Hiến pháp ghi nhận quyền bồi thường thiệt hại cho công dân do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra, nên bản chất của việc đòi bồi thường này là công dân thực hiện quyền chứ không phải đi xin một đặc ân từ phía cơ quan Nhà nước mà đòi hỏi người dân phải có đơn yêu cầu bồi thường. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan