Trích ý kiến của Đại biểu Lê Thị Nga – Thái Nguyên về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:43 26-05-2009
Tôi xin phát biểu các quy định về bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự.
Thưa Quốc hội, chúng tôi có một thời gian tương đối dài theo dõi các vụ giải quyết khiếu nại đối với các trường hợp bị oan, giải quyết yêu cầu đòi bồi thường oan theo Nghị quyết 388. Chúng tôi thấy ngoài những cố gắng của các cơ quan tố tụng thì có một tình trạng dường như người bị oan muốn mở ra các trường hợp được bồi thường còn cơ quan tố tụng cũng có một số trường hợp muốn thu hẹp những trường hợp được bồi thường. Còn dường như cơ quan tố tụng cũng có một số trường hợp muốn thu hẹp những trường hợp được bồi thường. Có một thực tế xảy ra như vậy. Vì vậy chúng tôi xin phát biểu cụ thể vào một số điểm để tránh tình trạng xảy ra tranh cãi khi thực hiện luật này.
Điểm thứ nhất, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 đều có quy định được bồi thường trong trường hợp không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hoặc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. Tôi đề nghị nên sửa dấu phẩy sau từ "phạm tội" thành chữ "hoặc" để tránh trường hợp khi áp dụng gây tranh cãi về điều kiện là không có sự việc phạm tội này phải kèm luôn với hành vi không cấu thành tội phạm. Như vậy nếu kèm 2 điều kiện đó vào một thì sẽ thu hẹp các trường hợp được bồi thường. Nếu thay dấu phẩy này bằng chữ "hoặc" thì chúng ta sẽ có 3 trường hợp rất rõ ràng mà phải bồi thường trong trường hợp người bị oan.
Thứ nhất là hành vi không cấu thành tội phạm.
Thứ hai là không có sự việc phạm tội.
Thứ ba là hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. Chúng tôi cho rằng nếu ghi nhận được cả 3 trường hợp này sẽ là một tiến bộ trong luật này.
Thứ hai, dấu hiệu hành vi không cấu thành tội phạm có phải là dấu hiệu mà khi ta quy định nếu làm oan sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng không? Tôi xin phát biểu là hiện nay đối với hành vi tạm giữ luật quy định theo tôi rất hợp lý. Khoản 1, Điều 26 là người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không có hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, riêng đối với hành vi tạm giữ theo tôi quy định như thế này là hợp lý. Bởi vì tạm giữ có thể lúc đó người ta chưa khởi tố vụ án thì không phải là dấu hiệu là hành vi không cấu thành tội phạm để bắt bồi thường oan trong trường hợp tạm giữ mà đối với tạm giữ phải là điều kiện hoàn toàn không có hành vi thì như vậy phải bồi thường theo tôi quy định này rất hợp lý. Còn hành vi không cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 26 theo tôi là hợp lý, bởi vì hành vi không cấu thành tội phạm là một trong những căn cứ mà không được khởi tố vụ án thì cũng không được tạm giam. Vì hiện nay theo quy định của Luật tố tụng hình sự ở Điều 107 về các căn cứ không được khởi tố vụ án thì có quy định Điều 107 không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
Một, không có sự việc phạm tội.
Hai, hành vi không cấu thành tội phạm.
Ba, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy theo chúng tôi quy định về việc hành vi không cấu thành tội phạm mà nằm trong những trường hợp phải bồi thường theo Điều 26 thì theo chúng tôi rất hợp lý.
Một điểm nữa mà chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc ở Khoản 4, Điều 26 có quy định như thế này. Khoản 4 của Điều 26 và có liên quan đến nó là Khoản 3 của Điều 27. Khoản 4 Điều 26 quy định về điều kiện được bồi thường do bị oan trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội trong cùng một vụ án mà trong đó có tội bị oan, có tội không oan. Việc đưa trường hợp này vào diện được bồi thường theo chúng tôi đây là một tiến bộ của luật so với quy định hiện hành. Tuy nhiên các điều kiện cụ thể để được bồi thường theo tôi còn có những điểm bất hợp lý như sau:
Theo Khoản 4 của Điều 26 thì có thể hiểu là điều kiện thứ nhất chỉ được bồi thường trong trường hợp bị xử phạt tù nhưng mà đã chấp hành hình phạt tù. Ví dụ như ông A bị xử về 3 tội mà đều là bị xử phạt tù nhưng chưa thi hành án thì sau này nếu được kết luật 3 tội đó thì có 2 tội oan còn 1 tội không oan, theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 thì 2 tội oan này cũng không được bồi thường với lý do là ông không thỏa mãn điều kiện đã chấp hành hình phạt tù.
Chúng tôi không hiểu lý do vì sao khi bị xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án mà có những tội bị oan lại phải có điều kiện là tội oan mà đã chấp hành hình phạt tù mới được bồi thường. Trong khi đó cũng theo quy định tại Khoản 3 điều này thì những trường hợp như vậy, nếu tiến hành thành một tội độc lập thì lại được bồi thường, nhưng trong cùng một vụ án thì có tội oan, có tội không thì phải có điều kiện là đã chấp hành xong hình phạt tù thì mới được bồi thường. Điều đó theo chúng tôi vô lý, chúng tôi cũng thấy rằng thực ra khi một người bị điều tra truy tố xét xử về một tội nào đó, kể cả bị xử phạt tù nhưng chưa chấp hành thì đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự, tài sản và cả cơ nghiệp của người ta thì theo chúng tôi là trong trường hợp này nên đưa vào để bồi thường.
Điều kiện thứ hai, theo Khoản 4, Điều 26 chúng ta quy định thế này thì theo tôi cũng chưa hợp lý. Điều kiện thứ hai theo Khoản 4, Điều 26 chúng ta quy định theo hướng là khi đã thỏa mãn điều kiện thứ nhất, tức là đã bị xử phạt tù mà đã chấp hành hình phạt tù thì phải có điều kiện nữa là việc có bồi thường hay không bồi thường về tội bị oan lại phải phụ thuộc vào hình phạt của tội không oan. Nếu hình phạt đó nhỏ hơn thời gian đã tạm giam hoặc đã chấp hành hình phạt tù thì mới được bồi thường về phần vượt quá, còn nếu hình phạt đó lớn hơn hoặc bằng thời gian tạm giam hay thời gian đã chấp hành hình phạt tù thì không bồi thường cho tội đã oan. Chúng tôi thấy quy định như thế này thì nó bất hợp lý ở chỗ như vậy chúng ta đã xác định điều kiện bồi thường không theo tôi mà lại theo vụ án. Chính quy định như thế này chúng tôi thấy không hợp lý, bởi vì theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự của chúng ta hiện nay thì chính sách hình sự, chính sách tố tụng quy định về thời gian tạm giam, tạm giữ, các quy định về hình phạt, xét xử đều căn cứ vào tội danh chứ không căn cứ vào vụ án và ngay cả việc xác định oan hay không oan cũng căn cứ vào các tội danh. Vì vậy, khi đã xác định như vậy, căn cứ vào tiêu chí là tội danh oan hay không oan cũng phải căn cứ vào tội danh. Như vậy tại sao bồi thường lại phải căn cứ vào vụ án để quy định tội này phải dính với tội kia. Theo chúng tôi chúng ta cũng nên minh bạch ở chỗ đã oan về tội nào thì phải bồi thường về tội đó, tội không oan thì vẫn giữ nguyên còn tội nào oan thì phải bồi thường, kể cả trong cùng một vụ án. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan