Trích ý kiến của Đại biểu Trần Văn Độ – An Giang về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 16:32 26-05-2009
Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước đã được trình ra trước Quốc hội, phải nói rằng dự thảo lần này so với các dự thảo trước đã có rất nhiều tiến bộ và rất sát với thực tiễn. Ở đây tôi chỉ góp ý 3 ý kiến.
Ý kiến thứ nhất là về tên gọi, tôi rất đồng ý phải giữ lại tên là Luật Bồi thường Nhà nước và rất đồng ý với lập luận của đại biểu Trần Du Lịch và một số đại biểu khác. Ở đây tôi nghĩ chúng ta không sở hữu nhầm, bởi thực tế mà nói thì nội dung toàn bộ luật này đã thể hiện nội dung này rồi, cho nên không phải sở hữu nhầm.
Vấn đề thứ hai là phạm vi bồi thường trong hoạt động tố tụng. Thứ nhất về tố tụng hình sự, tôi có mấy vấn đề. Chúng ta nên xem xét lại ở Điều 26 có nên quy định việc bồi thường trong trường hợp bị tạm giữ hay không?
Thứ nhất là thời gian tạm giữ rất ngắn, 24 tiếng hoặc cùng lắm gia hạn mấy lần thì cũng không quá 9 ngày và chế độ tạm giữ thì không có gì nghiêm khắc. Đấy là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai là người bị tạm giữ là người chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không phải buộc tội.
Vấn đề thứ ba, về mặt thủ tục thực ra người bị tạm giữ thì sau này trên thực tế không có một quyết định của cơ quan có thẩm quyền là hủy bỏ quyết định tạm giữ mà thông thường là khi có quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra thì sau đó Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định tạm giữ thì hiểu là cơ quan điều tra là gì? Là trả tự do, để tìm ra một quyết định trên thực tế có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ thì trên thực tế hầu như không có, ở đây tôi thấy nếu chúng ta quy định bồi thường trong tạm giữ thì không hiểu, đặc biệt là tạm giữ chủ yếu là liên quan đến bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp, nếu chúng ta quy định như thế này có ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh ngăn chặn tội phạm hay không.
Vấn đề thứ hai, trong tố tụng hình sự ở Điều 26 từ Điểm 2 đến Điểm 6 và rất nhiều điều sau này đều nói một câu là không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm thì mới được bồi thường. Nhưng trên thực tế báo cáo với Quốc hội, vụ án không chỉ có hai căn cứ này mà chúng ta hiện nay có 7 căn cứ để có thể đình chỉ vụ án.
Thứ nhất là không có hành vi phạm tội.
Thứ hai là hành vi không cấu thành tội phạm.
Thứ ba là chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ tư là không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ năm là tội phạm đã được đặc xá.
Thứ sáu là hành vi phạm tội đã có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ bảy là hành vi đó đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy ngoài 2 căn cứ ở trên, tức là không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm thì 5 căn cứ sau nếu chúng ta đình chỉ thì có được bồi thường hay không. Tôi nghĩ là phải được bồi thường, ví dụ một người có hành vi đã là có một bản án rồi, sau lại khởi tố về hành vi đó để xét xử nữa. Trong quá trình xét xử, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát hiện ra thì đình chỉ, rõ ràng trong trường hợp này phải được bồi thường. tôi nghĩ Điều 26 cần phải thể hiện lại, phải thể hiện rõ cả 7 căn cứ đó, không nên chỉ có mỗi trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm là không có sự việc phạm tội hoặc là đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. Đó là vấn đề thứ hai về tố tụng hình sự.
Vấn đề thứ ba, vấn đề phạm nhiều tội. Tôi đề nghị đối với trường hợp phạm nhiều tội mà tội bị oan nặng hơn tội không bị oan thì phải bồi thường. Ví dụ, 1 người bị truy tố, xét xử về 2 tội, tội thứ nhất là tội giết người, tội thứ hai là tội gây rối trật tự công cộng. Sau này cơ quan có thẩm quyền xác định tội giết người là không có tội hoặc bị oan. Rõ ràng trong trường hợp này nếu chúng ta cho rằng không bồi thường, tôi nghĩ chuyện này đối với xã hội chúng ta chuyện danh dự, anh phạm tội giết người nó khác, mà tội gây rối nó khác hoàn toàn. Chỉ trường hợp lại sai thế này, ví dụ tội nặng nhưng xét xử tội nhẹ thì không sao, nhưng thêm tội mà tội đó là tội nặng hơn thì phải bồi thường, tội nặng hơn là tội oan. Còn tội nhẹ hơn mà tội oan thì không cần thiết phải bồi thường.
Vấn đề tố tụng nữa, tôi cũng rất chia sẻ với ý kiến của đại biểu Phạm Quý Tỵ là Điểm 4 của Điều 28, chỉ một câu là quyết định bản án trái pháp luật trong tố tụng dân sự mà phải bồi thường, đây là việc chúng ta phải suy nghĩ, phải cụ thể hóa. Hiện nay hàng năm chúng ta có khoảng 200 nghìn vụ án dân sự, mà khác với tố tụng hình sự, tức là trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân, chỉ có oan mới bồi thường, còn lọt thì không phải bồi thường. Nhưng đối với án dân sự là 2 đương sự, sai một đương sự này thì dẫn đến đương sự kia, cho nên trường hợp lọt cũng phải bồi thường, sai, oan cũng phải bồi thường. Hàng năm chúng ta cả oan, cả sai về dân sự tỷ lệ khoảng 4-5%, tức là khoảng 8.000 vụ án, mà trong trường hợp này chúng ta giải quyết phải bồi thường toàn bộ tất cả 8.000 vụ án oan hoặc sai trong dân sự. Đấy là vấn đề tôi thấy rất khó khả thi.
Cho nên phải chăng ở đây chúng ta phải quy định rõ hơn, cụ thể hơn để cho tính khả thi chứ không có thì rất khó.
Vấn đề cuối cùng là vấn đề kỹ thuật, tôi đề nghị Quốc hội cũng nên cân nhắc lại là Ban soạn thảo phải thể hiện rõ thế nào là điểm, thế nào là khoản. Ví dụ ở Điều 26, Điều 28 thì chúng ta không thể gọi là khoản được, đó là các điểm thể hiện của một khoản các điều luật đó là chỉ thể hiện một ý thôi, mà các điểm khác nhau thôi. Còn các điểm nào tên điều luật, sau đó có 1, 2, 3 thì khi đó mới là khoản, còn tên điều luật rồi mà có một dòng để diễn giải sau đó là các điểm 1, 2, 3, 4 thì đó là điểm chứ không phải là khoản, về mặt kỹ thuật lập pháp đề nghị chúng ta phải làm rõ vấn đề đó chứ không có sau này chúng ta sẽ rất khó trong áp dụng.

Các văn bản liên quan