Trích ý kiến của Đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:45 26-05-2009

Trước hết, tôi nhất trí và đánh giá cao với bản Dự thảo luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà Ban soạn thảo đã trình ra Quốc hội kỳ này. Tuy nhiên qua nghiên cứu chúng tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Về tên gọi của luật, tại kỳ họp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo trình ra Dự thảo luật là Luật Bồi thường Nhà nước và lần này chúng ta thay đổi lại tên của luật là "trách nhiệm bồi thường của Nhà nước". Chúng ta cho rằng cái đó đã thể hiện rất rõ nội dung của luật. Nhưng theo quan điểm của tôi xin báo cáo với các đại biểu Quốc hội, trong dự thảo luật của chúng ta có hai nội dung rất rõ.

Nội dung thứ nhất là trách nhiệm của nhà nước bồi thường đối với công dân khi mà người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Nội dung thứ hai là nhà nước được người gây thiệt hại cho công dân mà nhà nước phải đứng ra bồi thường, bồi thường ngược trở lại.

Như vậy ở đây có hai nội dung và nếu như chúng ta lấy tên Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì không bao quát, không đầy đủ. Cho nên chúng tôi đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể lấy lại tên cũ, tên Luật bồi thường nhà nước tôi rằng vừa ngắn gọn lại rất đầy đủ, không có gì sai cả. Đấy là nội dung thứ nhất.

Nội dung thứ hai là về phạm vi điều chỉnh. Ở trong này nếu như chúng ta mà thay đổi tên gọi của luật thì đương nhiên phạm vi điều chỉnh của luật cũng có sự thay đổi nhất định. Còn ba trường hợp về quản lý hành chính, về tố tụng, về thi hành án thì nội dung điều chỉnh này chúng tôi hoàn toàn nhất trí.

Nội dung thứ ba tại Điều 10 của phần chung quy định nghĩa vụ thi hành công vụ của người thi hành công vụ thì quy định ở hai khoản. Trong đó Khoản 1 có hai điểm, một là người thi hành công vụ được thông báo nhận quyết định liên quan đến việc bồi thường, hai là người thi hành công vụ có quyền khiếu nại, tố cáo quyết định hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết bồi thường. Xin báo cáo với các đại biểu Quốc hội đây là một phần chung, các nguyên tắc chung thế mà thẩm quyền, quyền của người thi hành công vụ cũng có quyền khởi kiện nếu như người ta không thống nhất quyết định bồi thường của cơ quan có thẩm quyền quyết định bồi thường. Vì vậy về mặt nguyên tắc chung chúng tôi đề nghị bổ sung thêm quyền của người thi hành công vụ ở đây là quyền được khởi kiện trước Tòa án.

Tại Điều 19, quy định về thương lượng bồi thường, Khoản 2 quy định trong trường hợp cần thiết người thi hành công vụ được mời tham dự cuộc thương lượng. Theo quan điểm của tôi thì quy định như vậy là chưa được. Báo cáo các vị đại biểu Quốc hội là việc người thi hành công vụ gây ra thiệt hại phải bồi thường nó gắn với trách nhiệm của họ sau này họ phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính vì vậy cho nên các cuộc thương lượng liên quan trực tiếp đến quyền không phải quyền của họ, họ có mặt ở các cuộc thương lượng không chỉ bảo vệ quyền lợi cho họ, mà họ còn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, nếu chúng ta quy định cần thì chúng ta mời mà không cần thì thôi. Đặc biệt đối với các trường hợp người thi hành công vụ người ta đã chuyển đi công tác ở cơ quan khác thì có thể nó sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng đồng thời việc giải quyết sau này tức là tổ chức thi hành quyết định bồi thường sau này rất khó khăn. Cho nên chúng tôi đề nghị trong trường hợp này quy định bắt buộc các cơ quan giải quyết bồi thường phải có người thi hành công vụ người ta được tham gia các cuộc đó.

Tại Điều 23, quy định thẩm quyền giải quyết về Tòa án khi có yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định là nhằm tạo điều kiện cho người bị hại. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó, trong này chúng ta quy định là tạo điều kiện thuận lợi cho người bị hại, anh có thể chọn Tòa án nơi anh cư trú, có thể chọn Tòa án nơi anh công tác làm việc, có thể chọn Tòa án nơi xảy ra vụ việc này. Nhưng nếu quy định như thế này rất nhiều Tòa án có thể có thẩm quyền giải quyết, như thế thì cũng rất dễ dẫn đến sự đùn đẩy giữa các Tòa án gây thiệt hại cho người có quyền. Chúng tôi đề nghị trong trường hợp này nên quy định cụ thể, ví dụ trong các trường hợp này nếu chúng ta quy định là tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nơi xảy ra vụ việc vi phạm gây thiệt hại cho người ta, tôi nghĩ sẽ thuận lợi hơn cho cả cơ quan giải quyết, cho cả người bị hại đồng thời cũng thuận lợi hơn cho việc thu thập các chứng cứ giải quyết vụ việc. Quy định như vậy thì các tòa án cũng không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau được và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bị hại.

Tại Điều 47, Khoản 2 quy định: mức lương tối thiểu để tính bồi thường. Ở đây quy định chung là mức lương tối thiểu, theo quan điểm của tôi, không biết tôi có nhớ nhầm hay không, nhưng theo quy định của chúng ta thì lương tối thiểu có nhiều mức. Có thể ở khối hành chính sự nghiệp chúng ta quy định 650.000đ/1tháng nhưng ở khối doanh nghiệp thì cao hơn mức đó. Như vậy ở đây chúng ta cũng phải quy định cho thống nhất, nếu như người bị hại người ta làm ở doanh nghiệp, người ta cứ đòi mức bồi thường thiệt hại theo mức lương của người ta ở doanh nghiệp thì chúng ta tính như thế nào? cho nên trong luật này chúng tôi đề nghị phải quy định thật cụ thể.

Một ý nữa, đề nghị bỏ Khoản 3, Điểm 6 về các trường hợp không được bồi thường, ở đây quy định Nhà nước không bồi thường trong các trường hợp tình thế cấp thiết, bất khả kháng. Tôi cho rằng quy định này không hợp lý, vì xin báo cáo các vị đại biểu Quốc hội, tất cả những hành vi của cán bộ gây thiệt hại cho người dân thì đương nhiên phải bồi thường mà trong các luật chuyên ngành chúng ta đều quy định. Tôi ví dụ quy định tình thế cấp thiết trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản chúng ta cũng quy định nếu gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường, hay trong Luật phòng, chống lụt bão và các luật chuyên ngành khác cũng quy định. Vì vậy nếu chúng ta quy định vào đây thì đương nhiên chúng ta loại quyền của người dân ra, cho nên chúng tôi đề nghị chúng ta bỏ quy định này.

Khoản 3, Điều 39 đề nghị thêm phạm vi trách nhiệm bồi thường thi hành án trong các trường hợp, ví dụ quyết định giảm án, quyết định đặc xá. Nhưng chúng tôi đề nghị ở đây quy định thêm là trường hợp quyết định giảm án tù, quyết định đặc xá hoặc đại xá thì trong những trường hợp này nếu không thực hiện thì họ cũng có quyền yêu cầu được bồi thường.

Cuối cùng, về cơ quan quản lý bồi thường. Chúng tôi nhất trí với dự thảo, bởi vì chúng ta chỉ có một Luật Quản lý nợ công, có 3 cơ quan quản lý về việc này chúng ta thấy phức tạp rồi, đã thấy không quản lý được rồi. Cho nên ở đây rất nhiều cơ quan thực hiện nhiệm vụ bồi thường. Vậy chúng ta cũng cần có một cơ quan để giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này. Ví dụ, hiện nay chúng ta nói quản lý luật sư, quản lý các tổ chức giám định chúng ta giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhưng thực tế Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thể ôm việc này được, mà phải giao cho tư pháp. Nếu như không có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho tư pháp thì ngành tư pháp cũng không thể thực hiện nhiệm vụ này được. Vì vậy về cơ quan quản lý chúng tôi nhất trí với dự thảo là đưa vào, phải có một cơ quan giúp Chính phủ quản lý việc này, tổng hợp, thống kê và tham mưu cho Chính phủ trong việc quản lý.

 

Các văn bản liên quan