Tổng hợp ý kiến góp ý

Thứ Hai 15:03 22-05-2006
Bài viết này là tập hợp một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ một số chuyên gia, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, các tổng công ty, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập hợp tại các cuộc Hội nghị, Hội thảo và qua phiếu thăm dò ý kiến. Bài viết còn chưa diễn đạt được hết mong muốn của các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của mọi người có nhiệt huyết cho một môi trường kinh doanh lành mạnh tại Việt nam.

I. Các phạm trù chung Luật sửa đổi cần phải hướng tới và đạt được:

- Luật thuế XNK phải tương thích với các luật khác và đạt được những chuẩn mực chung để đảm bảo cho hội nhập WTO vào cuối năm 2005, tiên liệu được những phát sinh khi hội nhập WTO, nâng cao tính ổn định của Luật.

- Phải rõ ràng, công khai, minh bạch và đặc biệt là cụ thể hoá những hành vi cấm, từ đó đi đến thống nhất những gì Luật không cấm sẽ đương nhiên được thực hiện.

- Luật phải được hiểu và áp dụng theo một hướng và được áp dụng nhất quán, bình đẳng với mọi đối tượng, tại mọi nơi luật được thực thi.

- Tạo quyền tự chủ cao cho doanh nghiệp đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tư vấn, hướng dẫn thực hiện luật.

- Luật càng cụ thể càng dễ thực hiện và áp dụng. Những điều có thể chi tiết được thì nên đưa vào Luật, những gì không thể chi tiết được ngay trong Luật thì phải được hướng dẫn đầy đủ và chi tiết trong văn bản dưới luật. Những gì đã quy định cụ thể trong Luật thì thôi không đưa lại trong Nghị định để dễ hiểu, dễ đọc, dễ áp dụng. Hạn chế tối đa những khái niệm khó hiểu hoặc hiểu theo suy luận.

- Công chức hải quan là người kiểm tra và thu thuế phải được đào tạo đầy đủ kiến thức về luật này, am hiểu, làm hết trách nhiệm và phải có trách nhiệm đầy đủ khi được doanh nghiệp yêu cầu hướng dẫn, giải đáp trong những trường hợp cụ thể.

- Trong xu hướng hội nhập khu vực và Thế giới, cần xem xét việc giảm thuế xuất cho một số mặt hàng hay nhóm hàng mà Việt nam chưa sản xuất được để giảm nguy cơ buôn lậu và tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh cho phát triển sản xuất trong nước.

- Cần có bộ Hồ sơ hoàn thuế mẫu để Doanh nghiệp biết và thực hiện. Khi nhận Hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế cần có biên lai nhận hồ sơ trong đó có các tiêu chí thể hiện tình trạng đủ hoặc thiếu chứng từ gì, thời gian yêu cầu DN phải hoàn thiện…

II. Một số góp ý cụ thể (theo như dự thảo ngày 6/05/2005)

- Điều 11: Dự thảo Điều này mới chỉ đề cập đến cơ quan ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, đề nghị bổ sung thêm cơ quan ban hành Biểu thuế Xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu thông thường.

- Điều 12 khoản 2 cần bổ sung thêm như sau: Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra và thu thuế theo quy định của Luật này và Luật hải quan và có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn cách xác định số thuế phải nộp trong các trường hợp cụ thể nếu đối tượng nộp thuế có yêu cầu.

- Điều 13: Nên chuyển phần “Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được tính trên cơ sở thuế suất, giá tính thuế và tỉ giá tính thuế (do Ngân hàng Nhà nước Việt nam công bố tại thời điểm tính thuế)” về Điều 8 cho phù hợp với nội dung của từng điều.

- Điều 14 khoản 2 mục a: Cần làm rõ, cụ thể khái niệm “chấp hành tốt pháp luật vế thuế” và “hành vi gian lận thương mại” vì đây là những khái niệm không định lượng được và có nhiều cách hiểu khác nhau, dễ có sự tuỳ tiện áp dụng.

- Điều 15 khoản 2: bổ sung thêm như sau: “hàng là tài sản di chuyển theo quy định của Chính phủ Việt nam để rõ ràng hơn khi thực hiện.
Cũng tương tự, tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 mục e cũng cần bổ sung thêm cụm từ Việt nam vào sau cụm từ Chính phủ.

Khoản 6 mục b: cần quy định chi tiết hơn một số khái niệm “linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, phụ kiện đi kèm với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng” để tránh những cách hiểu và áp dụng không thống nhất như hiện nay. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm “các hồ sơ, tài liệu liên quan đi kèm”.

Khoản 8 nên tách làm 2 mục:
+ Mục a: hàng hoá nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước chưa tạo ra được.
+ Mục b: hàng hoá là máy móc phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được; tài liệu, sách báo, băng đĩa chứa đựng nội dung giáo dục và khoa học.

- Điều 16 khoản 2 bổ sung thêm danh từ Việt Nam và sau cụm từ Chính phủ để rõ và cụ thể hơn khi áp dụng thực hiện.

- Điều 18 khoản 1 mục a: nên viết lại như sau: Hàng hoá nhập khẩu đang lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, đã nộp thuế Nhập khẩu và được phép tái xuất.
Mục d: “Hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu đã nộp thuế nhập khẩu.”

Khoản 2 nên viết lại cho dễ hiểu hơn, có thể là: Trường hợp có sự nhầm lẫn trong kê khai, tính thuế thì chỉ được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa trong khoảng thời hạn là 1năm (365 ngày) kể từ ngày kê khai, tính thuế nhầm.

- Điều 19 khoản 1: cần bổ sung, sửa đổi lại như sau: “…Quá 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ mà đối tượng yêu cầu hoàn thuế vẫn chưa nộp bổ sung đủ hồ sơ hoặc không có kiến nghị nào thì không được hoàn thuế…”

- Điều 20: Bổ sung từ “truy” vào câu sau: “…được sử dụng khác với mục đich miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế thì phải truy thu đủ thuế theo quy định”.

- Điều 21: Cần mở rộng các trường hợp được quyền khiếu nại hoặc quyền khởi kiện hơn nữa và để nghị sửa lại như sau: “Trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với một hoặc nhiều quyết định của cơ quan hải quan, cơ quan thuế khi thực hiện luật này và luật hải quan thì vẫn phải thực hiện nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt, chấp hành biện pháp xử phạt đó, đồng thời có quyền khiếu nại lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.”

- Điều 22: khoản 4 mục b: cần cân nhắc lại việc kê biên tài sản vì đây là một vấn đề liên quan đến sự sống còn của một doanh nghiệp và nhiều vấn đề xã hội khác nữa.

- Điều 23: khoản 2 nên sửa lại như sau: “Cán bộ, công chức hải quan do thiếu tinh thần trách nhiệm xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp thuế hoặc người bị xử lý thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại….”

III. Ngoài ra một số doanh nghiệp còn kiến nghị thêm:

- Đối với DN Nhập khẩu sách báo có kiến nghị: vì giá trị những lô hàng NK thường là thấp nên không được đối tác cung cấp C/O do đó không đươc hưởng thuế suất ưu đãi, kiến nghị có cách nào tháo gỡ hoặc cho Dn được hưởng thuế suất ưu đãi mà không cần nộp C/O.

- Vì trong biểu thuế XNK không gi rõ nên cơ quan Hải quan đã không chấp nhận cho DN nhập khẩu sách và giáo trình dạy tiếng nưóc ngoài được miễn thuế VAT cho đĩa CD, VCD, băng Video đi kèm để bổ trợ cho sách mặc dù trong Thông tư 120/2003/TT-BTC quy định là được miễn.

- Đề nghị có quy định chi tiết hơn đối với một số loại sách hỗ trợ giảng dạy khác như sách minh hoạ, biểu tượng minh hoạ… nhằm giúp cho giáo viên, sinh viên và các nhà thiết kế sáng tạo có ví dụ thực tế nhằm tránh việc áp chúng vào ấn phẩm quảng cáo và chịu thuế cao.

- Đề nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng như: vàng bạc, đá quý, kim cương, phân bón, vật tư nông nghiệp, sợi…

Các văn bản liên quan