Tổng hợp các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội

Thứ Ba 16:12 26-08-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
               ***
Số:                        /PTM-PC
 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------------------------
Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2008


Kính gửi:      BỘ TÀI CHÍNH
V/v:     Góp ý Dự thảo Nghị quyết về Biểu khung thuế xuất khẩu


 
Phúc đáp Công văn số 8556/BTC-CST của Bộ Tài chính về lấy ý kiến Dự thảo Nghị Quyết về Biểu khung thuế xuất khẩu (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý như sau:

I.  Nhận xét chung

Thuế là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước nhằm điều tiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo tính ổn định của thị trường trong nước. Để quản lý chặt chẽ đối với hàng hoá xuất khẩu, nhất là tài nguyên khoáng sản không tái tạo, điều tiết hợp lý một số hoạt động xuất khẩu tài nguyên khoáng sản và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện thị trường thế giới có nhiều biến động, việc điều chỉnh Biểu khung thuế xuất khẩu là cần thiết.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh Biểu khung thuế xuất khẩu cũng cần phải hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp.

Phần lớn các nhóm hàng trong Dự thảo Biểu khung thuế xuất khẩu đều tăng khung thuế suất, đặc biệt có những nhóm hàng, khung thuế suất tăng đến 13 lần hoặc hơn (gạo, khoáng sản, ...), một số mặt hàng trước đây không phải chịu thuế xuất khẩu nay cũng được bổ sung vào đối tượng chịu thuế xuất khẩu với khung thuế xuất rất cao ... Điều này dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các nhóm hàng thuộc danh mục biểu khung thuế xuất khẩu.

Nhìn chung, việc tăng khung thuế suất đối với một số nhóm hàng trong Biểu khung thuế xuất khẩu là hợp lý, tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp được tham khảo ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết về Biểu khung thuế xuất khẩu việc tăng khung thuế quá cao đối với một số nhóm hàng vẫn chưa hợp lý và có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

II.  Một số ý kiến góp ý cụ thể

1. Khung thuế suất đối với nhóm hàng chè (Mã số 0902)

Chè là một mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và có tính ổn định cao. Tuy nhiên, chè không phải là ngành có tỷ suất lợi nhuận cao. Để đảm bảo quyền và lợi ích và khuyến khích doanh nghiệp và người trồng trè, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên mức biểu khung thuế như hiện nay.

2. Khung thuế suất đối với nhóm hàng Gạo các loại (Mã số 1006)

Thời gian gần đây, tuy trên thế giới có những biến động lớn về giá gạo, việc quy định tăng biểu khung thuế là hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng một cách đột ngột và lớn như trong Dự thảo (tằng từ 0-3% lên 0-40% tức là gấp hơn 13 lần) là quá lớn, cần được xem xét lại. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giảm khung tối đa xuống một cách hợp lý (như khoảng 25%) hoặc nếu giữ nguyên như Dự thảo thì cần có những nguyên tắc áp dụng nhất định, ví như “Nếu có tăng khung thuế thì Bộ Tài chính không được tăng gấp 04 lần so với mức thuế hiện hành”. 

3. Khung thuế suất đối với nhóm hàng Cao su[a1]  (Mã số 4001)

Cao su nguyên liệu là một trong những nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu tăng dần cùng với cà phê, gạo, điều..[a2] . Nhà nước đã có chủ trương phát triển từ 600.000 ha hiện nay đến 1 triệu ha vào năm 2015-2020 do nhu cầu của thế giới tăng cao. Diện tích cao su tiểu điền phát triển nhanh trong những năm gần đây, hiện có trên 46% tổng diện tích cao su cả nước, dự kiến có thể đạt 50% tổng diện tích cao su[1]. Khung thuế suất hiện tại áp dụng cho nhóm hàng cao su đã tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển các diện tích cao su (điều này cũng có tác dụng bảo vệ môi trường, tạo công việc cho người lao động ...).

Dự thảo đề xuất khung thuế suất mới đối với nhóm hàng này là từ 5-20%. Việc tăng thuế suất cao su nguyên liệu quá nhanh và cao như mức dự kiến có thể gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su. Mặt khác, các nước xuất khẩu cao su trong khu vực như Thái Lan (0,9%), Malaysia (1,4%), Srilanka (1,25%)[2] ... đều có mức thu thuế đối với cao su thiên nhiên rất thấp. Nếu tăng thuế suất cao su sơ chế Việt Nam sẽ làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường cao su thế giới so với các nước trong khu vực.
Do vậy, đề nghị Dự thảo giữ nguyên khung thuế suất như hiện hành cho nhóm hàng này.

4. Biểu khung thuế đối với Kim loại màu, Than, Khoáng sản[a3] 

Theo đề nghị của các doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên biểu khung thuế suất như hiện hành[3].

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo sửa đổi bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý cơ quan.


Nơi nhận:
-          Như trên;
-          Lưu VT.
 


KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


 
                                                                                                                                          
 
 
 
 

[1] Theo ý kiến của Hiệp hội Cao su

[2] Theo ý kiến của Hiệp hội Cao su

[3] Bản góp ý của các doanh nghiệp được gửi kèm theo Công văn này.

 [a1]Khung thuế suất đối với nhóm hàng Cao su (Mã số 4001)

 [a2]Nhà nước đã có chủ trương phát triển từ 600.000 ha hiện nay đến 1 triệu ha vào năm 2015-2010 do nhu cầu của thế giới  tăng cao. Diện tích cao su tiểu điền phát triển nhanh trong những năm gần đây, hiện có trên 46% tổng diện tích cao su cả nước, dự kiến có thể đạt 50% tổng diện tích cao su. Khung thuế suất hiện tại áp dụng cho nhóm hàng cao su đã tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển các diện tích cao su, (điều này cũng có tác dụng bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động …).
Dự thảo đề xuất khung thuế xuất mới đối với nhóm hàng này là từ 5-20%. Việc  tăng thuế xuất cao su nguyên liệu quá nhanh và cao như mức dự kiến  có thể gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su. Mặt khác, các nước xuất khẩu cao su trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có mức thu thuế đối với cao su thiên nhiên rất thấp (Thái Lan là 0,9%, Malaysia 1,4%, Srilanka 1,25%) … Nếu tăng thuế xuất cao su sơ chế Việt Nam sẽ làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường cao su thế giới so với các nước trong khu vực.
Do vậy, đề nghị Dự thảo giữ nguyên khung thuế xuất như hiện hành cho nhóm hàng này.

 [a3]Khung thuế suất đối với nhóm hàng kim loại màu, than, khoáng sản các loại

Các văn bản liên quan