Góp ý của VCCI

Thứ Ba 16:01 26-08-2008

PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
***
Số:                       /PTM-PC
 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------------------------
Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2008


Kính gửi:      TỔNG CỤC THUẾ 
                  BỘ TÀI CHÍNH


V/v:     Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 89/2002/NĐ-CP


 
Phúc đáp công văn số 2430/TCT-CS của Tổng Cục thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 về in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn (Dự thảo) như sau:

I. Nhận xét chung

Để đảm bảo sự hoàn thiện và đi vào cuộc sống, ngoài các tiêu chí được đề cập trong Dự thảo, Dự thảo cần đáp ứng năm (05) điều kiện sau:

1.  Phải đảm bảo sự đầy đủ, rõ ràng, minh bạch.

2. Phải đảm bảo sự thống nhất với các văn bản pháp luật cao hơn và các quy định liên quan.

3. Cần đảm bảo tính khả thi, dễ thực hiện.

4. Phải phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Phải đảm bảo tính hiệu quả khi thực thi. Dự thảo khi ban hành cần xử lý các hạn chế và bất hợp lý trong việc quản lý và sử dụng hoá đơn hiện hành. Một mặt Dự thảo nhằm nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, mặt khác các quy định phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

II.  Một số góp ý cụ thể

1.  Tính đầy đủ rõ ràng, minh bạch

Một số quy định trong Dự thảo chưa đảm bảo được tính đầy đủ, rõ ràng và minh bạch. Cụ thể:

1.1  Về phạm vi điều chỉnh:

Điều 1 của Dự thảo quy định “Nghị định này quy định về việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (sau đây viết gọn là hoá đơn); quản lý hoá đơn; xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan được giao quản lý nhà nước về hoá đơn; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc in, phát hành”.
Đề nghị bổ sung quy định về hóa đơn trong các trường hợp:

-  Chuyển nhượng dự án đầu tư;

-  Chuyển nhượng vốn;

-  Nhượng quyền kinh doanh;

-  Góp vốn bằng tài sản hữu hình và tài sản vô hình;

-  Các khoản thu hộ; thu lại các khoản phí trả thay;

1.2  Về giải thích từ ngữ:

Khoản 2 Điều 3 quy định: Hoá đơn tự in là hoá đơn do tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các phương tiện, thiết bị như máy vi tính, máy tính tiền... tự in trên giấy chưa ghi các tiêu thức để giao cho người mua hàng hoá, dịch vụ. Đề nghị bỏ cụm từ “ chưa ghi các tiêu thức”, vì  trên thực tế,  một số cơ sở kinh doanh khi sử dụng các thiết bị như máy vi tính, máy tính tiền in đầy đủ các tiêu thức để giao cho người bán.

1.3   Về loại, hình thức và nội dung hóa đơn:

-  Tiết a, khoản 1 Điều 6 của Dự thảo quy định: Hoá đơn xuất khẩu. Nội dung hoá đơn chứa các yêu cầu theo thông lệ quốc tế. Đề nghị quy định cụ thể hơn, về nguyên tắc, yêu cầu theo thông lệ quốc tế hoặc có thể chỉ dẫn các nguồn thông lệ đó trong Dự thảo để các đối tượng áp dụng được đúng đắn và dễ dàng hơn.

-  Trong thực tế hiện nay, Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ cũng là chứng từ quan trọng khi điều chuyển hàng hóa trong nội bộ doanh nghiệp. Đề nghị có quy định cụ thể về loại chứng từ này.

-  Về thông tin về người bán ghi trên hóa đơn: Tiết a, khoản 3, Điều 6, quy định: “Trường hợp người bán là đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì tên người bán được in là tên đơn vị chính; trường hợp người bán là đơn vị phụ thuộc hạch toán độc lập thì tên người bán là tên đơn vị phụ thuộc”.

Hiện nay, khái niệm “Đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc” và “ Đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập” chưa được hướng dẫn đầy đủ và dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Đề nghị sử dụng thuật ngữ: Đơn vị kế toán cấp cơ sở theo Luật Kế toán để thống nhất cách hiểu và thuận tiện cho quản lý, thực hiện. Như vậy, đoạn trên xin sửa lại như sau: “Trường hợp người bán là đơn vị trực thuộc nhưng không phải là đơn vị kế toán cấp cơ sở thì tên người bán được in là tên đơn vị chính; trường hợp người bán là đơn vị trực thuộc và đồng thời là đơn vị kế toán cấp cơ sở thì tên người bán là tên đơn vị trực  thuộc”.

-  Các thông tin về số hoá đơn và xác nhận giao dịch thực hiện: Về ngày lập hoá đơn, chữ ký người bán, chữ ký người mua, Dự thảo quy định: “Trường hợp bán hàng không hiện diện người mua; bán hàng hoá, dịch vụ đặc biệt; các loại tem vé, thẻ có thể không cần in tiêu thức chữ ký người bán, người mua”. Đề nghị có quy định cụ thể riêng cho trường hợp: bán hàng không hiện diện người mua; bán hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

1.4  Điều kiện và thời gian để tổ chức, cá nhân kinh doanh được mua, cấp hoá đơn do cơ quan thuế phát hành;

Khoản 3, Điều 9 DT quy định: “Trong thời gian sử dụng hoá đơn mua, các đối tượng quy định tại điểm a) và điểm b) khoản 1 Điều này phải tiến hành thủ tục đặt in hoá đơn, tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử để sử dụng thay thế cho hoá đơn được mua. Thời hạn thay thế do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự quyết định, nhưng không quá thời hạn được mua và sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế”.

Đề nghị bổ sung cho khoản trên như sau:

“Trong thời gian sử dụng hoá đơn mua, các đối tượng quy định tại điểm a) và điểm b) khoản 1 Điều này phải tiến hành thủ tục đặt in hoá đơn, tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử để sử dụng thay thế cho hoá đơn được mua. Thời hạn thay thế do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự quyết định, nhưng không quá thời hạn được mua và sử dụng hoá đơn do Chính phủ quy định tại Điều…..Nghị định này”.

1.5  Các thông tin về hàng hoá, dịch vụ bán hoặc cung ứng:

Điểm c, khoản 3 Điều 6 quy định: Các thông tin về hàng hoá, dịch vụ bán hoặc cung ứng:Tên, đơn vị tính, khối lượng, đơn giá, thành tiền chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, số tiền thuế GTGT, tổng số tiền thanh toán. Riêng chỉ tiêu tổng số tiền thanh toán phải được viết cả bằng số và bằng chữ. 

  Việc phải ghi rõ thành tiền chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, số tiền thuế GTGT là hoàn toàn đúng nếu như các cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT. Đối với các sở kinh doanh bán hàng hoá dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT thì trên hoá đơn có thể chỉ thể hiện giá thanh toán. Do vậy ở đây  nên được sửa lại thành: 

 Tên, đơn vị tính, khối lượng, đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thanh toán. Riêng chỉ tiêu tổng số tiền thanh toán phải được viết cả bằng số và bằng chữ. Đối với các cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT phải ghi rõ giá chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, số tiền thuế GTGT, tổng số tiền thanh toán.

1.6  Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi tự in, đặt in phát hành, sử dụng hoá đơn cho mục đích bán hàng hoá, dịch vụ.

Về quyền của tổ chức, cá nhân, điểm c, khoản 1 Điều 7, Dự thảo quy định: “Được mua hoá đơn do cơ quan thuế thông báo phát hành hợp pháp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định”. Đề nghị sửa lại là: “Được mua hoá đơn do cơ quan thuế thông báo phát hành hợp pháp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều….Nghị định này”.

Về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, điểm e khoản 2 Điều 7, Dự thảo Nghị định quy định: “giao hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng, trừ một số trường hợp không phải lập hoá đơn”. Đề nghị sửa lại như sau: “giao hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng, trừ một số trường hợp không phải lập hoá đơn quy định tại Điều….Nghị định này

2.      Tính pháp lý

Dự thảo Nghị định căn cứ vào Luật quản lý thuế, các Luật thuế, Luật kế toán, Luật giao dịch điện tử. Để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, cần:

-  Kiểm tra, đối chiếu với những vấn đề có liên quan trong các Luật chuyên ngành như: Luật các tổ chức tín dụng; Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật kinh doanh bất động sản;

-  Kiểm tra bảo đảm sự nhất quán giữa Nghị định này với phần quy định về hóa đơn bán hàng trong Nghị định số 128/2004/NĐ-CP và Nghị định số 129/2004/NĐ-CP.

-  Bổ sung quy định cụ thể về hóa đơn đối với những trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản;

-  Bổ sung quy định cụ thể về phát hành hóa đơn với hoạt động thu hộ cước vận tải quốc tế ở những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic; hoạt động ủy thác nhập khẩu, ủy thác xuất khẩu; xuất khẩu tại chỗ;

-  Bổ sung quy định cụ thể về phát hành hóa đơn trong trường hợp góp vốn thành lập DN, góp vốn liên doanh bằng tài sản; điều chuyển tài sản giữa công ty mẹ và các công ty con, giữa các công ty con trong tập đoàn…

3.  Tính hợp lý, khả thi

Một số quy định trong Dự thảo có tính hợp lý và khả thi không cao, vì:

- Một số quy định “nghiêm cấm” nhưng không có lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nên chỉ là “nghiêm cấm” trên văn bản. Chẳng hạn, nghiêm cấm việc bán hàng không cung cấp hóa đơn cho người mua là quy định có từ lâu nhưng hiện tượng đó vẫn xẩy ra một cách phổ biến….

-  Điều 16, Dự thảo Nghị định quy định:  “Hoá đơn do cơ quan thuế đặt in được bán theo tháng. Số lượng hoá đơn bán cho từng tháng được căn cứ vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị và tiến độ sử dụng hoá đơn”. Quy định nêu trên đang được thực thi hiện nay và đó là quy định quá chặt chẽ, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh không phải là đơn vị kế toán cấp cơ sở. Đề nghị sửa lại như sau: “Hoá đơn do cơ quan thuế đặt in được bán theo tháng. Số lượng hoá đơn bán cho từng tháng được căn cứ vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị. Người đề nghị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng hóa đơn”.

-  Điều 34 quy định: Lộ trình thực hiện tự in, đặt in hoá đơn được áp dụng như sau: “Doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp có thu phí kinh doanh đang sử dụng hoá đơn mua của Tổng cục Thuế được mua và tiếp tục sử dụng số đã mua đến hết ngày 30 tháng 06 năm 2009”. Đề nghị nghiên cứu thêm về lộ trình này đối với những doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp nhưng thuộc loại nhỏ, sử dụng ít hóa đơn. Nếu những doanh nghiệp này buộc phải tự in, đặt in hóa đơn sẽ lãng phí và gây thêm khó khăn cho hoạt động của DN.

4. Tính hiệu quả

-  Các quy định của Dự thảo Nghị định nhằm xử lý những bất hợp lý, thậm chí là những vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn bán hàng hiện nay. Nếu thực hiện được những quy định trong Dự thảo, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế sẽ tăng lên, tình trạng thất thu thuế sẽ được hạn chế. Sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được bảo đảm tốt hơn.

-  Tuy nhiên, về bản chất, quản lý thuế thông qua việc quản lý hóa đơn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ là phương thức quản lý bị động, khó nắm bắt và tính hiệu quả không cao. Số lượng các cơ sở kinh doanh tăng lên nhanh chóng và cũng biến động liên tục, do đó, dù biên chế cho việc quản lý hóa đơn có tăng lên hơn nữa, các biện pháp quản lý cũng sẽ khó triệt để. Mặt khác, hệ thống quản lý này tạo ra rất nhiều thủ tục hành chính, tiêu cực làm phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 về in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan.


Nơi nhận:
-          Như trên;
-          Lưu VT.
 


K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
 
     HOÀNG VĂN DŨNG

Các văn bản liên quan