Tổng Công ty Liksin góp ý đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP tại Hội thảo VCCI TP. HCM

Thứ Sáu 09:39 17-10-2014
KIẾN NGHỊ VỀ NGHỊ ĐỊNH 60/2014/NĐ-CP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG IN

          Tổng Công ty Liksin xin có một số ý kiến, kiến nghị về Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in, được Thủ tướng ký ban hành ngày 19/06/2014, như sau:

Kể từ khi Luật xuất bản, luật số 30 /2004/QH11, Luật số: 12/2008/QH12

sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản, và Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/06/2007 về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm được ban hành, đã giúp cho ngành in, nhãn hàng và sản xuất bao bì trong nước phát triển nhanh về số lượng và nâng cao được chất lượng, công nghệ; đáp ứng kịp thời cho các đơn vị sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là từng bước thay thế được việc nhập các sản phẩm in và bao bì nhập khẩu và tham gia xuất khẩu cung ứng các sản phẩm in, bao bì và nhãn hàng cho các nhà sản xuất hàng hóa tại nước ngoài. Không những tiết kiệm mà còn mang lại ngoại tệ về cho nước nhà cùng tạo được việc làm cho hàng chục vạn công nhân lao động trong ngành in và bao bì.

Tuy nhiên qua nội dung Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in đang, chúng tôi nhận thấy một số quy định đã hạn chế hoạt động của ngành in, sản xuất nhãn hàng và bao bì, điều này nếu không được sửa đổi sẽ làm chậm thời gian, mất cơ hội làm ăn và gây tăng chi phí ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp in ấn và sản xuất nhãn hàng, bao bì trên cả nước. Điều chúng tôi nhận thấy là Nghị định 60/2014/NĐ-CP đã lập lại chế độ xin cho như trước khi Nghị định số 105/2007/NĐ-CP được ban hành; cụ thể:

1.     Điều 23, nhận chế bản, in gia công cho nước ngoài, phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in là Bộ TT và TT hoặc UBND cấp tỉnh cấp giấy phép và điều kiện nhận chế bản, in, gia công sau in thì tổ chức, cá nhân đặt in phải cung cấp một số hồ sơ có chứng thực liên quan; và bản sao hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của người đặt in. Ngoài ra ấn phẩm in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải xuất khẩu 100%; trường hợp phát hành, sử dụng tại Việt Nam thì phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật

Trong thực tế hiện nay, ngoài việc gia công thì các doanh nghiệp trong nước còn bán hàng hóa là sản phẩm in, nhãn hàng và bao bì trực tiếp cho các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài qua các hình thức chào hàng trực tiếp, đấu thầu qua mạng … ; ngoài ra một số doanh nghiệp nước ngoài hiện đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất bao bì, nhãn hàng để sử dụng bao gói cho hàng hóa của họ vừa bán tại Việt Nam vừa xuất về nước hay sang nước thứ ba.

Đã xin thì có cho phép hoặc không được, do đó quy định như điều 23 buộc các doanh nghiệp mất thêm thời gian làm thủ tục, gây tăng chi phí và nguy cơ mất cơ hội cung cấp hàng hóa cho nước ngoài là rõ ràng và không thể đáp ứng được một số điều kiện như cấp bản sao hộ chiếu (xuất trình bản chính để đối chiếu) hay phải xuất khẩu 100%. Đề nghị bỏ quy định này đối với ngành sản xuất in, nhãn hàng và bao bì.

2.     Điều 24 Quy định về việc hợp tác của các cơ sở in; điểm 1 quy định việc gia công phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in chấp thuận bằng văn bản, thì cơ sở in mới được hợp tác với cơ sở in khác; ngoài ra điều 24.3.c quy định không được hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in do mình đã nhận hợp tác;

Chúng tôi đề nghị bỏ quy định này, do quy định này can thiệp sâu vào việc làm ăn, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Hãy để các đơn vị tự tính toán lợi ích thiệt hơn trong việc tự làm một mình hay hợp tác có lợi hơn. Ngoài ra trong thực tế hiện nay, có những đơn vị nhận in các sản phẩm như catologue, tờ bướm, tranh ảnh quảng cáo, quà tặng… trong hợp đồng dịch vụ trọn gói cho các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài tổ chức các buổi hội thảo hay tham dự hội chợ triển lãm chuyên ngành … thì ngoài việc thiết kế, trang trí gian hàng triển lãm hay thuê địa điểm tổ chức hội thảo thì các sản phẩm in họ hợp đồng giao lại cho một đơn vị chuyên in ấn lo toàn bộ. Hoặc như trong sản xuất bao bì có những chi tiết nhỏ như đột lỗ, xỏ dây, cột nơ, cán màng, ép nhũ, ép nổi … trên các sản phẩm bao bì nếu đơn vị tự làm thì không kinh tế bằng việc đưa đi gia công. Hoặc có những đơn hàng lớn  mà thời gian giao hàng gấp (thường là hàng xuất khẩu), một đơn vị  không đủ khả năng đáp ứng kịp mà cần 1 hay nhiều đơn vị cùng sản xuất mới đảm bảo thời gian giao hàng. Chưa kể đến trường hợp các đơn vị chuyên in mà chưa hoặc không trang bị các thiết bị thực hiện các chi tiết sau in như nêu trên buộc đưa đi gia công nhiều công đoạn tại các đơn vị khác.

Do đó quy định như điều 24 là không phù hợp với hoạt động thực tiển của ngành in ấn và bao bì, đề nghị bỏ quy định này.

3.     Điều 8 Trách nhiệm thông tin, báo cáo và điều 15.7 và 15.9 Trách nhiệm của cơ sở in, quy định định kỳ 6 tháng/ lần hoặc khi đột xuất phải báo cáo hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in. Cùng báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in khi phát hiện sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 9 Nghị định 60/2014/NĐ-CP.

Hằng tháng, quý và năm (chưa kể đột xuất) các doanh nghiệp đều có báo cáo thuế, liệt kê chi tiết tất cả các sản phẩm in ấn được xuất hóa đơn; cuối năm còn phải báo cáo quyết toán, đối chiếu với cán bộ thuế kiểm tra hàng năm. Ngoài ra   do hoạt động in là hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện, các cơ sở in phải báo cáo hàng quý với lực lượng công an chuyên quản ngành in và còn chịu sự kiểm tra thường kỳ và đột xuất (nhất là các mùa cao điểm cận tết dương lịch, âm lịch) các đoàn quản lý thị trường, thuế, PCCC.. của quận/tỉnh/thành phố.

Chưa kể việc in ấn các sản phẩm đòi hỏi phải có đầy đủ các giấy tờ quy định tại mục 2 Nhận chế bản, in, gia công sau in (từ điều 16 đến điều 22) và việc in , gia công sau in cho nước ngoài phải xin giấy phép các cơ quan chức năng.

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lẫn nhau, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Để tồn tại các doanh nghiệp đã cố gắng rất nhiều, và mất nhiều thời gian trong việc quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp thị tìm kiếm khách hàng/thị trường và chăm sóc các khách hàng; nay còn phải báo cáo như quy định thì thật quá sức và đẩy cái khó về phía doanh nghiệp; khi các cơ quan chức năng có thể thông qua các cơ quan thuế và các cơ quan cấp phép in là có được tất cả các số liệu, sản phẩm mà đơn vị sản xuất. Đề nghị bỏ quy định báo cáo định kỳ 6 tháng/ lần hoặc khi đột xuất phải báo cáo hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in.

4.     Điều 9.6 Những hành vi bị nghiêm cấm, quy định cấm sản xuất, nhập khẩu thiết bị in trái quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc cấm sản xuất các thiết bị in tại Việt Nam là hạn chế quyền tự do sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; đi ngược lại chủ trương khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Trong thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được các thiết bị in như máy in ống đồng và nhất là khâu gia công sau in, máy chia cuộn, máy kiểm tra, máy cán màng, ép nhũ, bế nổi, máy bế đặt tay …. Do đó đề nghị không cấm sản xuất thiết bị in trong nước.

5.     Điều 11 Điều kiện hoạt động của cơ sở in; điểm 1b và c quy định có thiết bị in để thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chế bản, in, gia công sau in và có mặt bằng để thực hiện chế bản, in, gia công sau in ngoài khu dân cư

Đối với điểm 1.b đề nghị bỏ vì nếu là cơ sở in thì chắc chắn phải trang bị máy in, thiết bị chế bản trước và sau in hoặc ít nhất là 1 trong những máy trên. Việc này sẽ dễ dàng kiểm tra trước hoặc sau khi cấp giấy phép hoạt động in.

Đối với điểm 1.c, trong thực tế hiện nay các đơn vị chuyên thiết kế, chế bản và và gia công sau in các công đoạn đơn giản như dán, đột lổ, xỏ dây, vào bao …  hầu hết các đơn vị hoạt động trong 2 lĩnh vực này là các cơ sở nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động mang tính chất gia đình, không cần mặt bằng lớn; quy định mặt bằng

ngoài khu dân cư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở này do phải chi phí đầu tư, thuê mướn mặt bằng tại các khu công nghiệp hoặc các khu ngoại thành mà trong tương lai lại sẽ trở thành khu dân cư … gây tăng chi phí hay hạn chế việc thành lập các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này. Đề nghị bỏ điều kiện ngoài khu dân cư.

6.     Mục 5 Nhập khẩu và quản lý sử dụng thiết bị in (từ điều 27 đến điều 30).

Theo Nghị định số 105/2007/NĐ-CP hiện hành không quy định phải xin giấy phép khi nhập khẩu máy in offset, máy in ống đồng (in lõm), máy in flexo, máy ghi phim, ghi kẽm, máy dao xén giấy, máy gấp sách …  Điều này là một trong những yếu tố giúp ngành in, nhãn hàng và bao bì phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

Nay quy định lại quay về với chế độ xin cho, hạn chế  việc đầu tư phát triển của các doanh nghiệp, gây mất thời gian, tiền bạc khi phải thực hiện theo quy định này. Trong khi nước ta đã là thành viên của WTO và từng bước hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì việc quy định xin phép nhập từng thiết bị hay điều kiện phải có chức năng kinh doanh XNK thiết bị ngành in mới được

nhập thiết bị là kìm hãm sự phát triển chung của ngành in ấn, sản xuất nhãn hàng và bao bì.

Đề nghị giữ nguyên việc tự do nhập khẩu thiết bị in như Nghị định 105/2007/NĐ-CP,  không quy định xin giấy phép và phải có giấy phép hoạt động xuất, nhập khẩu khi nhập khẩu các thiết bị trên.

                                                                   Tổng Công ty Liksin

  P.Tổng Giám đốc

   NGÔ VĂN HÒA

Các văn bản liên quan