Nguyễn Ngọc Tuấn - P.Chủ tịch Hội Xuất Nhập Khẩu Đồng Nai góp ý đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP tại Hội thảo VCCI TP. HCM
Hiệp hội In Việt Nam góp ý đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP tại Hội thảo VCCI TP. HCM
HIỆP HỘI IN VIỆT NAM
MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA HIỆP HỘI
IN VIỆT NAM
VỀ VIỆC XÂY DỰNG CÁC CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG IN HIỆN NAY
(Trình
bày tại Hội thảo về chính sách quản lý hoạt động in tại TP. HCM, ngày
08/10/2014)
- Luật xuất bản 2012 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/07/2013 thay thế cho Luật xuất bản 2004 và Luật xuất bản sửa đổi bổ sung 2008.
- Nghị định 60/2014/CĐ-CP của chính phủ quy định về hoạt động in đã được ký ban hành ngày 19/06/2014 và sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/11/2014 thay thế cho Nghị định 105/2007/NĐ-CP ngày 21/06/2007.
- Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 26/08/2014 đã có dự thảo Thông tư quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm, đang lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 10/10/2014.
Đây là ba văn bản pháp luật quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp in do cơ quan quản lý ngành soạn thảo.
1. VỀ LUẬT XUẤT BẢN 2012
Đây là văn bản pháp luật gốc đã được Quốc hội thông qua. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thu nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, trong đó có Ủy Ban Văn Hóa và Giáo Dục của Quốc hội.
Hiệp hội in Việt Nam và các doanh nghiệp in đã đóng góp rất nhiều ý kiến, đặc biệt là những điều khoản được cho là “thụt lùi” so với Luật xuất bản 2004-2008, hoặc “không có gì mới” đối với những quy định cũ, nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập.
Ban soạn thảo, các chuyên gia, các cơ quan liên quan và Quốc hội đã tiếp thu phần lớn các ý kiến đóng góp của Hiệp hội, các doanh nghiệp in và các cơ quan khác, nên Luật xuất bản 2012 ở các điều khoản liên quan đến ngành in đã khác nhiều so với dự thảo ban đầu. Trong đó có những điều khoản đã không đưa vào Luật như: Cấp phép nhập khẩu máy móc, thiết bị ngành in, đăng ký đối với các cơ sở Photocopy v.v…
2. VỀ NGHỊ ĐỊNH 60/2014/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG IN
Một điều khá bất ngờ là những vấn đề nổi cộm không đưa vào Luật xuất bản 2012 như đã nói ở trên lại xuất hiện trở lại trong bản dự thảo Nghị định của Chính Phủ.
Khác với lần lấy ý kiến xây dựng Luật, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định được tổ chức khá sơ sài, các đối tượng chính được điều chỉnh bởi Nghị định như các đơn vị nhập khẩu vật tư, thiết bị ngành in, các cơ sở Photocopy hầu như không được mời tham dự và góp ý. Đại diện Hiệp hội in có được mời tham dự và đã phát biểu quan điểm của mình về những điều khoản có tính “xiết chặt” trong việc quản lý in như đã nói ở trên nhưng đã không được ban soạn thảo tiếp thu. Và ngày 19/06/2014 Chính Phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP. Suốt nhiều tháng qua kể từ khi Nghị định được ban hành, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành in và các cơ sở Photocopy hầu như không hề hay biết gì về Nghị định cho đến khi có bản dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP.
3. VỀ BẢN DỰ THẢO THÔNG TƯ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUY ĐỊNH VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TRONG LĨNH VỰC IN, PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM NGÀY 26/08/2014
Văn bản này còn ít ngày nữa là đến hạn chót lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh và ban hành trong quý 4/2014 và chủ yếu liên quan đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và vật tư ngành in, được cụ thể hóa một số điều khoản của Nghị định 60/2014/NĐ-CP.
Khi có trong tay Nghị định và Thông tư kể trên, các doanh nghiệp, cơ sở in đã khá bất ngờ, “choáng” và bức xúc.
Được biết, ban soạn thảo chỉ yêu cầu các cơ sở đóng góp ý kiến về Thông tư, còn Nghị định đã được Chính Phủ ban hành nên không nên có ý kiến nữa. Đây cũng chính là nổi bức xúc lớn nhất trong hội thảo lần này, khi những vấn đề cốt lõi mà các cơ sở quan tâm lại nằm trong nội dung của Nghị định, trong đó có những điểm chính sau đây:
w Về việc cấp phép nhập khẩu thiết bị in:
Luật xuất bản 2004 và các văn bản dưới Luật kèm theo chỉ quy định cấp phép nhập khẩu đối với máy Photocopy màu, nay tất cả các loại máy móc thiết bị in, kể cả phụ tùng, trục in, khuôn in, bản in cũng đều phải cấp phép nhập khẩu. Đây là vấn đề bức xúc lớn nhất đối với ngành in Việt Nam. Khi xây dựng văn bản, ban soạn thảo viện dẫn tinh thần của Chỉ thị số 17/CT-TTG ngày 09/08/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Theo văn bản này, việc nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ phải ưu tiên nhập khẩu máy móc thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến, không nhập máy móc, thiết bị mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, v.v…và theo hướng dẫn của Bộ Khoa Học và Công Nghệ. Thời điểm ban hành Chỉ thị này là sau các sự cố ở Vinashin gây thất thoát lớn cho Nhà nước. Ở đây không nói về sự cấp phép của cơ quan quản lý ngành đối với việc nhập khẩu máy móc thiết bị mà khi nhập khẩu các doanh nghiệp phải căn cứ tiêu chuẩn quy định và phê duyệt của cấp có thẩm quyền, tức là chủ đầu tư.
Trong dự thảo Thông tư, tại điều 5 có liệt kê danh mục hàng hóa trong lĩnh vực in theo mã số HS, có những cụm từ được gạch ngang hoặc gạch dưới là đoạn dự kiến được chỉnh sửa hoặc lược bỏ trong dự thảo Thông tư (Ví dụ: ống in, trục lăn), nhưng vẫn có các cụm từ “dụng cụ”, “bản in”, “bát chữ”, “máy copy”, “máy Fax”, “các phụ kiện”, v.v…Thực ra đây là danh mục nằm trong biểu thuế xuất nhập khẩu do Bộ Tài Chính ban hành. Mà như chúng ta đã biết danh mục máy móc, thiết bị, vật tư trong biểu thuế chẳng có liên quan gì đến danh mục cấp phép nhập khẩu cả.
Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, dự thảo Thông tư đã trích lục các quy định của Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 07 năm 2014 của Bộ Khoa Học và Công Nghệ. Thông tư này, như chúng ta đã biết, đã gặp sự phản đối quyết liệt của các doanh nghiệp về sự bất cập và tính bất khả thi của nó, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã ra lệnh tạm hoãn thi hành trước khi văn bản có hiệu lực. Và Thông tư này cũng chi đưa ra các tiêu chí máy móc, thiết bị được nhập khẩu chứ không nói về chuyện phải cấp phép. Thực tế việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng ở Việt Nam chiếm tới 80%, khá phù hợp với khả năng đầu tư của phần lớn doanh nghiệp in, phù hợp với chất lượng vật tư (giấy in) và mặt bằng giá cả khá thấp của thị trường ấn phẩm Việt Nam và cũng không gây ảnh hưởng đến môi trường như một số ngành khác.
Hiệp hội in Việt Nam đề nghị:
+ Bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng (phụ kiện) và các loại vật tư, công cụ ngành in như khuôn in, bản in.
+ Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng; Bộ Thông Tin và Truyền Thông (chứ không phải Bộ Khoa Học và Công Nghệ) cần quy định niên hạn cho các loại máy móc, thiết bị cho phù hợp với thực tế. Những trường hợp vượt niên hạn quy định các doanh nghiệp nhập khẩu phải giải trình và được sự đồng ý của Bộ Thông Tin và Truyền Thông.
w Về việc cấp phép hoạt động in:
Cần tiến tới xóa bỏ khái niệm tính đặc thù của ngành in, chỉ có thể có một số doanh nghiệp in đặc thù, như in tiền, in báo Đảng, Quân đội, Công An…Trong khi chưa xóa bỏ được thì thủ tục cấp phép hoạt động in cũng cần đơn giản hơn vì thực chất đây chỉ là giấy phép con. Khi đăng ký cấp phép kinh doanh, hầu hết các thủ tục cần thiết đã được thực hiện, ngoại trừ việc đăng ký thêm các mặt hàng theo quy định của Luật xuất bản.
Tiêu chí người đứng đầu doanh nghiệp in phải có bằng Cao đẳng in trở lên hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ in là không hợp lý. Người đứng đầu doanh nghiệp, thường là những người có đầu óc kinh doanh, có năng lực quản lý và điều hành.
Thực tế rất nhiều người đứng đầu doanh nghiệp in rất lớn tại Việt Nam không hề có bằng cao đẳng hoặc đại học, tiến sĩ về in, cũng chưa được bồi dưỡng về quản lý in nhưng họ vẫn điều hành doanh nghiệp rất có hiệu quả, doanh số hàng năm trên dưới 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận và nộp ngân sách rất cao. Chưa kể chất lượng hệ đào tạo Cao đẳng in ở Việt Nam rất thấp, những sinh viên tốt nghiệp làm quản lý hoặc làm công nhân cũng phải kèm cặp, đào tạo lại tại doanh nghiệp. Nội dung các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ in cũng chưa phong phú, chủ yếu là phổ biến về Luật xuất bản và các Thông tư, Nghị định liên quan, mà các kiến thức này người điều hành doanh nghiệp tất nhiên phải biết để không vi phạm luật.
Việc quy định chỉ có Bộ Thông Tin và Truyền Thông mới được cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ in là chưa thỏa đáng. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành có thể tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý ngành đều có thể làm rất tốt công việc này.
w Về việc báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm:
Mục đích của báo cáo để cơ quan quản lý ngành nắm được số liệu, phục vụ cho công tác quản lý. Tuy vậy, nội dung báo cáo cần đơn giản, gọn nhẹ hơn để đỡ mất thời gian của doanh nghiệp và họ cũng không ngại phải báo cáo.
Nếu thời hạn gửi và tổng hợp báo cáo như quy định thì chỉ có thể là số ước thực hiện, nhưng thực tế cũng rất khó thực hiện vì số lượng các doanh nghiệp in hiện nay có tới hàng ngàn, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, do đó Sở Thông Tin và Truyền Thông của 2 thành phố này khó có thể thực hiện được như yêu cầu của Thông tư.
w Về quản lý máy Photocopy hoặc tính năng tương đương:
Theo chúng tôi là không cần thiết và không khả thi.
KẾT LUẬN:
Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có các doanh nghiệp in đang gặp rất nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản ngày một lớn, trong đó có nhiều khó khăn do chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Luật doanh nghiệp sắp tới sẽ được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn. Nhà nước cũng đang rất quyết tâm tháo dỡ những rào cản cho các doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, hiện có 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với hơn 4.700 giấy phép các loại. Theo các chuyên gia, việc bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không cần thiết sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, có thể tăng 1% GDP, tương đương 2 tỷ USD mỗi năm. Do đó trên nhiều diễn đàn đã có những yêu cầu tạo kênh đối chất để loại bỏ giấy phép con, hoặc cần “gươm lệnh” diệt giấy phép con. Một tổ “đặc nhiệm” rà soát giấy phép con bao gồm 49 thành viên do Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Đặng Huy Đông làm tổ trưởng và các thành viên khác thuộc Văn phòng Chính Phủ, Quốc Hội, VCCI,…và các chuyên gia độc lập được thành lập là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp.
Chúng tôi coi Hội thảo lần này cũng nhằm góp phần cùng với cơ quan quản lý ngành hoàn chỉnh hơn nữa các cơ chế quản lý ngành nhằm đảm bảo cả 2 vế là quản lý Nhà nước theo khung pháp lý và tạo sự thông thoáng cho hoạt động của các doanh nghiệp in, tạo điều kiện cho doanh nghiệp in phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp Xuất bản, in phát hành và phát triển kinh tế đất nước.
Chủ tịch
Hiệp Hội In Việt Nam
Nguyễn Văn Dòng