Thuế thu nhập cá nhân: thực tiễn và giải pháp

Thứ Hai 09:02 09-07-2007

 Thuế thu nhập cá nhân: thực tiễn và giải pháp 

 TS. Phùng Văn Hùng      
                                          
 
Lâu nay, chúng ta vẫn thường được nghe hoặc nhìn thấy những khẩu hiệu: “Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước”; “Đóng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân”. Những khẩu hiệu đẹp đẽ này có lẽ vẫn còn là mục tiêu để ta phấn đấu trong nhiều năm tới hơn là phản ánh thực tế vai trò của thuế trong tổng nguồn thu NSNN hàng năm của ta, khi mà tỉ trọng thu từ bán dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm từ 40-50%. Tính bền vững của hai nguồn thu này không cao: nguồn tài nguyên rồi sẽ hết và khi hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng thế giới thì thuế xuất nhập khẩu cũng sẽ không còn nữa. Trong khi thuế thu nhập cá nhân gồm thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và thuế chuyển quyền sử dụng đất của năm 2006 chỉ chiếm khoảng 2,4% ngân sách. Vì vậy, cần phải tạo nguồn thu mới, nuôi dưỡng và tận thu các nguồn thu nội địa cho ngân sách là nhiệm vụ quan trọng của bộ máy nhà nước.

Xét về góc độ phát triển, hệ thống thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân thể hiện mức độ phát triển và trình độ văn minh của mỗi quốc gia. Một quốc gia chỉ được coi là ở đỉnh cao của nền văn minh nhân loại khi mỗi người dân thấy được trách nhiệm và lợi ích của hành vi nộp thuế thu nhập của mình và thuế thu nhập cá nhân chiếm tỉ trọng quan trọng trong tổng thu NSNN. 

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế thu trên tổng thu nhập về tài chính của mỗi cá nhân, trong đó có khấu trừ đi một số khoản trước khi tính thuế theo qui định của pháp luật mỗi quốc gia. Thuế thu nhập cá nhân có thể được thực hiện theo hình thức lũy tiến hoặc áp dụng một mức thuế chung( còn gọi thuế phẳng) cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, hình thức thuế lũy tiến là hình thức có tính khoa học và công bằng cao và được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới., nhưng việc áp dụng khá phức tạp, nhất là trong điều kiện nền kinh tế sử dụng tiền mặt là chủ yếu và hệ thống các cơ quan thuế còn chưa thật hoàn chỉnh.

Thực tế ở nước ta, vấn đề thuế thu nhập cá nhân chỉ mới được đặt ra trong quá trình đổi mới nền kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nhà nước chủ trương tính hết các nhu cầu cơ bản về vật chất của mỗi người vào thu nhập và chỉ quy định mức thu nhập tối thiểu; mặt khác, các loại hình doanh nghiệp được đa dạng hóa và có sự cạnh tranh lẫn nhau trên mọi mặt nên thu nhập đã có sự phân hóa ngày càng rõ. Đồng thời, nền kinh tế tăng trưởng cao và khá ổn định đã tạo điều kiện cải thiện đời sống của cả xã hội nói chung, đặc biệt là nhóm cộng đồng, những người có trình độ, kiến thức. Đó chính là lý do nhà nước cần phải hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân vừa để hài hòa bình diện thu nhập trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng nguồn thu cho NSNN và thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước, trong đó có chính sách an sinh xã hội; vừa là để hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.  

Để điều chỉnh và quản l‎ý nguồn thuế thu nhập cá nhân, hiện nay chúng ta có ba văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực khác nhau: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cá nhân đang kinh doanh; Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất đối với người có thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất; và Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Thực tiễn quá trình phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều loại thu nhập mới như thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển giao công nghệ,… Như vậy hiện nay, nhà nước đang bỏ ngỏ các nguồn thu do những hình thức hoạt động kinh tế mới tạo nên.(chúng ta cũng không thể quên được là nhiều người đã giàu lên cực kỳ nhanh chóng nhờ sự sốt đất và sốt giá cổ phiếu vừa qua).  Nếu với mỗi loại hình thu nhập mới lại ban hành một văn bản qui phạm pháp luật thì hệ thống pháp luật về thuế sẽ trở nên cồng kềnh, công tác quản l‎ý kém hiệu quả. Do vậy việc ban hành một văn bản qui phạm pháp luật chung điều chỉnh thuế thu nhập của tất cả các loại hình thu nhập khác nhau là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, Chính phủ đã soạn thảo dự luật Thuế thu nhập cá nhân trình ra Quốc hội cho ý kiến. Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản nó đã phản ánh được thực tiễn của xã hội và nhu cầu phát triển và hội nhập. Thự thảo có tính khoa học cao và đã nhận được rất nhiều phản biện của xã hội. Nghiên cứu bản dự thảo, nó đã đạt được ba yêu cầu: Một là tính công bằng trong xã hội. Người có thu nhập cao thì đóng thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp hơn; Người có thu nhập thấp sẽ không phải đóng thuế; Hai người có thu nhập ngang nhau thì người nào có gia cảnh khó khăn hơn phải đóng thuế thu nhập cá nhân ít hơn; Các cá nhân kinh doanh sẽ không phải nộp thuế theo sắc thuế thu nhập doanh nghiệp, một sắc thuế rất bất công bằng vì nó được tính theo một biểu thuế chung và thu nhập tính thuế tính cả các khoản chi phí liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế; Hai là Luật đã khắc phục được yêu cầu về hội nhập: Luật không còn có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người trong nước trong việc thu thuế thu nhập cá nhân. Ba là Luật đã tạo được một khuôn khổ pháp lý chung cho các khoản thu nhập của cá nhân bằng cách đưa vào và phân thành 6 loại thu nhập chịu thuế gồm thu nhập từ sản xuất kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ. Việc ban hành một đạo luật về sắc thuế TNCN là một bước tiến dài,  góp phần cải cách và đổi mới công tác quản lý thu nhập cá nhân của các cơ quan thuế của nhà nước. Đó là những thành công lớn của dự thảo luật. Để áp dụng được dự thảo luật này vào trong cuộc sống, chúng ta cần có những điều kiện nhất định. Các điều kiện gồm:
 
1, Một hệ thống thanh toán chuyển khoản là chủ yếu. Yêu cầu này là một thách thức lớn đối với chúng ta, vì từ trước tới nay, chúng ta quen với việc sử dụng tiền mặt làm công cụ thanh toán. Khi phải sử dụng chuyển khoản, nhiều người có cảm giác như là không phải tiêu tiền của mình, hoặc lo ngại là mình không thể kiểm soát được số tiền mình có vì tiền của mình lại bị người khác giữ liệu có an toàn không, nên họ không sẵn sàng sử dụng các hính thức thanh tóan tiên tiến không dùng tiền mặt. Mặt khác, chính văn hóa tiền mặt đã tạo nên kẽ hở lớn giúp những kẻ lợi dụng (cả cán bộ thuế lẫn người đóng thuế) để trốn thuế. Các thanh toán không được thể hiện hoặc lưu trên bất kỳ phương tiện nào. Ở các nước phát triển, trên 90% các khoản thanh toán không sử dụng tiền mặt. Mọi giao dịch về tài chính đều phải qua ngân hàng. Các khoản tiền thanh toán qua ngân hàng đều có nguồn gốc. Từ đó nhà nước kiểm soát được các nguồn thu của cá nhân, hạn chế được đáng kể tình trạng trốn thuế của Nhà nước.

2, Hệ thống pháp luật hoàn thiện và đồng bộ. Để xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta phải phát triển một hệ thống pháp luật đồng bộ gồm nhiều văn bản quy pháp pháp luật diều chính nhiều quan hệ kinh tế, xã hội khác nhau. Để thực hiện tốt Luật Thuế thu nhập cá nhân, thì các luật khác như Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự cũng cần phải có những điều khoản phù hợp giải quyết những trường hợp vi phạm của các cá nhân, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý thuế; Các vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục thu thuế. Điều này liên quan đến cải cách hành chính trong các cơ quan thuế quan.

3, Hệ thống và phương tiện quản lý thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng phải hiện đại, trong đó sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và hệ thống mã số thuế nhằm tạo cho công việc thu, nộp thuế sao cho thuận lợi nhất. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác thu và sử dụng thuế. Mặc dù, công nghệ thông tin đã trở thành phương tiện không thể thiếu được trong cuộc sống, nhưng việc ứng dụng của CNTT trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là thu thuế vẫn còn hạn chế. Đối với thuế thu nhập cá nhân, thu từ nguồn(do cơ quan chi trả thu nhập) là hiệu quả nhất, nhưng hiện nay các cơ quan chi trả thu nhập rất ngại làm việc này, vì tự nhiên họ lại phải gánh vác thêm một trách nhiệm mà thủ tục còn rất phức tạp. Các thủ tục nộp thuế còn chưa tiện lợi cho người dân, như đối với những người thường xuyên thay đổi nơi làm việc. Cần phải xây dựng hệ thống quản lý sao cho người dân có thể đóng thuế và hoàn thuế thu nhập ở bất kỳ tỉnh nào.

4, Ý thức của người dân trong việc đóng thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là một trở ngại lớn vì công tác tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm và hướng dẫn qui trình thủ tục đóng thuế cho người dân chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng. Hệ thống mã số thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ năm 1998, nhưng rất ít người biết đến. Người dân ít được biết đến các tiền đóng thuế của mình được chi tiêu vào những nội dung gì; mình được hưởng những lợi ích gì nếu mình làm tốt trách nhiệm của người dân trong việc đóng thuế Thu nhập cá nhân.

Đất nước ta đang trong tiến trình hội nhập. Muốn đẩy mạnh phát triển, chúng ta cần quan tâm, tạo điều kiện cho người dân làm quen với khái niệm về thuế thu nhập cá nhân hơn là vấn đề tận thu.

Quan điểm đúng đắn của dự luật là mọi thu nhập, dù lớn hay nhỏ, mỗi người đều phải có nghĩa vụ đóng thuế. Có như vậy mới đảm bảo được sự công bằng trong xã hội, tạo nên tinh thần trách nhiệm trong mỗi người dân, dần hình thành thói quen. Điều này không có nghĩa là nhà nước “tận thu” của cả người có bình quân thu nhập thấp. Nếu tổng thu nhập cá nhân trong kỳ tính thuế sau khi được khấu trừ các khoản chi phí, các khoản trách nhiệm nếu có như nuôi con nhỏ, bố mẹ già, làm từ thiện) dưới mức khới điểm theo qui định thì về mặt pháp lý người đó không phải đóng thuế thu nhập. Như vậy, cuối năm người đó được nhà nước hoàn lại toàn bộ số thuế đã nộp trong năm. Chúng ta hiện nay đã là thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra biển lớn thì ta cần chuẩn bị làm quen với những luật chơi của sân chơi chung.  

Chính vì chưa có khái niệm đóng thuế TNCN, do chưa từng đóng thuế TNCN,  nên nhiều người còn chưa quan tâm đến chi tiêu NSNN của các cơ quan nhà nước, chưa tham gia vào công tác giám sát chi tiêu NS. Đây cũng là một hạn chế của việc chưa có hệ thống thuế thu nhập cá nhân hoàn chỉnh. Ở các nước phát triển, thuế TNCN đóng góp cho NS rất cao(chiếm đến 30-40%(Mỹ, Nhật)
 
Một yêu cầu đặt ra với thuế thu nhập cá nhân là phải thu đúng, thu đủ để đảm bảo nguồn thu cho NSNN và không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, hoặc ảnh hưởng tới động lực lao động và làm giàu của các cá nhân. Chúng ta đều biết, thế giới hiện nay có hai mô hình phát triển dựa trên các nguyên tắc về công bằng xã hội khác nhau: mô hình thứ nhất là công bằng dựa trên nguyên tắc ai làm nhiều được hưởng nhiều. Ở mô hình này, mức cao nhất của biểu thuế thu nhập thường ở mức vừa(30-40%). Mặt mạnh của mô hình này là khuyến khích và động viên mọi người làm giàu. Cái hạn chế của mô hình này là ở chỗ khoảng cách giàu nghèo rất lớn, có khi chỉ một nhóm số ít người nhưng lại nắm phần lớn của cải của đất nước, vì có phải ai cũng có khả năng và điều kiện làm giàu được đâu. Điển hình của mô hình này là Mỹ. Mô hình thứ hai là công bằng dựa trên nguyên tắc mọi người đều có quyền được hưởng những kết quả và thành tựu của phát triển; không ai bị gạt ra một bên lề cả. Nguyên tắc này được thực hiện bằng việc đánh thuế thu nhập cá nhân cao đối với những người có thu nhập cao (có thể lên đến 60%) để thực hiện tái phân phối nguồn lực của xã hội. Ở mô hình này, nguyên tắc phát triển phải đi đôi với an sinh xã hội là hai ưu tiên hàng đầu mà đại diện là các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Ưu việt của mô hình này là mọi người dân có cuộc sống yên ổn và đảm bảo; khoảng cách giàu nghèo không quá lớn. Nhưng mô hình này có hạn chế là làm giảm, thậm chí làm mất động lực làm giàu, động lực kinh doanh, không khuyến khích được tinh thần làm việc và kinh doanh vì vô hình dung chúng ta đã cố cào bằng, binh quân chủ nghĩa.

Từ hai mô hìn trên chúng ta cần phải hài hòa trong việc đưa ra các biểu thuế phù hợp sao cho vẫn khuyến khích được xã hội phấn đấu làm giàu, và vẫn làm tốt các vấn đề an sinh xã hội. Chúng ta cũng nên nhớ một điều là phải có của cải, phải có nguồn lực thì ta mới triển khai các nhiệm vụ an sinh xã hội được tốt.
 
Các kiến nghị:

Việc xây dựng và ban hành Luật Thuế TNCN là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực hết sức nhậy cảm, vì nó trực tiếp tác động đến đời sống hàng ngày của người dân, nhất là trong khi mức thu nhập của đại đa số người dân còn rất thấp. Để có thể thực hiện tốt Luật này sau khi đã được ban hành theo tôi, chúng ta nên chia thành các giai đoạn:

1, Giai đoạn thứ nhất: Giai đọan chuẩn bị. Giai đoạn này kéo dài khoảng 3 năm kể từ khi ban hành luật đến khi đưa vào áp dụng chính thức. Mục tiêu của giai đoạn này là chuẩn bị các điều kiện xã hội, điều kiện về kỹ thuật và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. Khi có những loại thu nhập mới thì tùy theo mức độ, nhà nước dùng các văn bản dưới luật để điều chỉnh và thu thuế thu nhập cá nhân. Mặc dù tận thu là quan trọng, nhưng không phải là mục tiêu hàng đầu, mà tạo nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu mới là nhiệm vụ cơ bản.
 
2, Giai đoạn 2: Giai đoạn thử nghiệm. Giai đoạn này kéo dài khoảng 5-7 năm kể từ khi đưa luật vào áp dụng chính thức. Sau khi đã có hệ thống pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hoàn chỉnh, hạ tầng cơ sở đã được nâng cấp và đội ngũ cán bộ quản lý thuế đã được chuẩn bị, Luật Thuế TNCN được đưa vào áp dụng thử nghiệm với đầy đủ các nội dung và hạng mục, duy chỉ có biểu thuế để ở mức vừa phải vừa để xã hội làm quen với phương thức mới, với nội dung của luật và hình thành ý thức trách nhiệm trong việc đóng thuế TNCN, đồng thời cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu và có những điều chỉnh cần thiết về khuôn khổ pháp luật xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
 
3, Giai đoạn 3: Giải đoạn áp dụng. Đây là giai đoạn tiếp theo, giai đoạn đưa vào áp dụng chính thức với đầy đủ ý nghĩa và nhiệm vụ của nó. Như vậy, giai đoạn 3 được bắt đầu sau khi giới thiệu Luật được 10 năm, kinh tế đất nước chắc chắn đã có nhiều đổi thay; hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện; nhận thức và ý thức về trách nhiệm đóng thuế của người dân đã nâng lên; đặc biệt, thu nhập của người dân đã có những thay đổi đáng kể. Lúc này là lúc chín muồi để chúng ta có đủ điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội để thu đúng, thu đủ thuế thu nhập cá nhân. Thế giới mất cả hàng trăm năm, nên chúng ta cũng không thể nóng vội được. Nhưng thời gian cũng không cho phép ta chậm chễ.

Xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan