Đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế – một số đề xuất

Thứ Hai 08:58 09-07-2007
ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ THU NHẬP CHỊU THUẾ - MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

TS. Dương Anh Sơn, Khoa Kinh tế, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

1. Khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO thì ngân sách sẽ bị giảm do nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ bị giảm đáng kể ít nhất là trong những năm đầu khi chúng ta chưa có được một cơ chế chặt chẽ cho phép có thể thu đủ các loại thuế nội địa, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Để bổ sung khoản thiếu hụt ngân sách, tăng ngân sách nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tế xã hội của nước ta, nhà nước ta cần phải xây dựng và ban hành nhiều sắc thuế. Mặt khác, việc kinh tế xã hội càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng thì nhu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước càng lớn. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến cơ cấu thu ngân sách thay đổi theo hướng nguồn thu từ tích lũy trong nước được tăng dần và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Theo đó thuế TNCN sẽ góp phần nâng cao tỷ trọng thu nội địa để ổn định thu cho ngân sách Nhà nước trong quá trình hội nhập. Chính vì lẽ đó nên việc xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi thì thuế thu nhập cá nhân là sự xung đột lợi ích giữa những người nộp thuế và lợi ích của nhà nước. Chính vì vậy, để Luật này phát huy hiệu lực trong cuộc sống, trở thành công cụ pháp lý đảm bảo công bằng xã hội thì các nhà làm luật phải: i) giải quyết được mâu thuẫn nói trên; ii) Luật thuế thu nhập cá nhân là công cụ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập và; iii) Các quy định phải được xây dựng rõ ràng để có thể áp dụng được ngay. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân và các ý kiến, quan điểm khác nhau xung quanh dự thảo luật này, tôi có một số ý kiến muốn bày tỏ.

2. Trước hết chúng tôi muốn bàn đến đối tượng nộp thuế.Trong dự thảo Luật, đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả cá  nhân, chủ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, chủ hộ gia đình có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đang nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Theo ý kiến của Ban soạn thảo và của một số người thì quy định như vậy là hợp lý, bởi thay vì cách tính thuế TNDN, GTGT ấn định chung (khoán) một cách cảm tính, bị nhiều hộ cá thể kêu ca, hàng vạn hộ kinh doanh cá thể chuyển sang diện nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của cá nhân và phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ tính toán.

Tôi cho rằng, nếu thay thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng của các hộ kinh doanh cá thể bằng thuế thu nhập cá nhân thì sẽ là không hợp lý. Bởi lẽ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là hai câu chuyện độc lập. Tiền thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp được Nhà nước sử dụng để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Thuế giá trị gia tăng là khoản tiền mà cá nhân kinh doanh thu hộ, bởi người nộp không phải là cá nhân kinh doanh mà là người tiêu dùng. Nếu thay thuế giá trị gia tăng bằng thuế thu nhập cá nhân thì sẽ tạo ra sự không bình đẳng giữa cá nhân kinh doanh và các loại hình doanh nghiệp khác. Khoản 3 Điều 4 Dự thảo Luật quy định, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm thu nhập từ đầu tư vốn bao gồm lãi cho vay, lãi trái phiếu, lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn khác. Đối với người góp vốn trong các loại hình doanh nghiệp khác họ chỉ được chia lợi tức sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Chúng tôi cho rằng, cách tính thuế TNDN, GTGT ấn định chung (khoán) một cách cảm tính, bị nhiều hộ cá thể kêu ca  theo pháp luật hiện hành là do cách xác định thuế thu nhập của hộ kinh doanh cá thể của chúng ta chưa rõ ràng. Điều này được lý giải bởi việc pháp luật của chúng ta không có cơ chế giám sát hoạt động của họ, cụ thể là giám sát giá mua vào và giá bán ra. Ở các nước, mỗi một điểm kinh doanh của hộ kinh doanh đều có một thiết bị tính tiền, còn ở Việt Nam, ngoài hệ thống siêu thị, hàng chục vạn hộ kinh doanh cá thể không trang bị thiết bị đó, vì thế nên mới quy định thuế thu nhập họ phải nộp theo cảm tính. 

Liên quan đến đối tượng nộp thuế, Dự thảo Luật phân chia đối tượng nộp thuế thành hai loại: Thứ nhất, cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 4 của Luật này phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam: i) có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm dương lịch; ii) có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam và; thứ hai, cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 4 của Luật này phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định của khoản 4 Điều 3, cá nhân không cư trú là cá nhân không thoả mãn hai điều kiện nói trên. Tôi cho rằng, việc quy đinh cá nhân không cư trú như vậy là chưa rõ ràng. Cần phải quy định rõ ràng hơn về người không cư trú, ở một ngày khác với ở 182 ngày.

3. Vấn đề tiếp theo là quy định của Dự thảo luật về thu nhập không chịu thuế. Quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật quy định các khoản thu nhập không chịu thuế theo ý kiến của tôi cơ bản là hợp lý, tuy nhiên còn có một số vấn đề cần phải xem xét lai bởi chúng không tương thích với pháp luật của quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tôi đồng ý với Ban soạn thảo rằng, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì không phải nộp thuế. Quy đi như vậy là hợp lý bởi đây không thể được coi là thu nhập. Bán nhà đang ở và mua nhà khác để ở chỉ là việc thay đổi chỗ ở. Tuy nhiên nếu coi thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở của cá nhân đã có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở từ năm năm trở lên là thu nhập không chịu thuế thì cần phải xem xét lại. Theo tôi, loại thu nhập này cũng phải được coi là thu nhập chịu thuế. Việc chuyển nhượng tài sản trong trường hợp này mang đến cho người chuyển nhượng một khoản lợi nhuận so với vốn bỏ ra ban đầu. Mặt khác, cũng là một loại thu nhập, bản chất như nhau, thế nhưng nếu chuyển nhượng dưới thời hạn năm năm thì phải nộp thuế, còn trên năm năm thì không phải nộp thuế. Dựa trên cơ sở nào để ban soạn thảo xây dựng quy định này?

Theo quy định tại khoản 7, Điều 5 Dự thảo luật thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu nội, cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau không thuộc loại thu nhập phải chịu thuế. Tôi cho rằng quy đinh này trong một mức độ nào đó tạo ra sự không công bằng giữa các chủ thể trong mối quan hệ với nhà nước. Mọi cá nhân có quyền như nhau thì phải có nghĩa vụ với nhà nước như nhau và như vậy quy định này làm cho Luật thuế thu nhập cá nhân không còn là công cụ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập một cách có hiệu quả.

Theo quy định tại khoản 9, Điều 5 Dự thảo luật thì thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ và chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi và con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và cháu nội, cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau không thuộc diện thu nhập chịu thuế. Quy định này là hệ quả tư duy từ quy định nói trên. Trong pháp luật của hầu hết tất cả các nước, các khoản thu nhập nói trên đều phải chịu thuế, tuy nhiên chúng có thể quy định trong các luật khác nhau và có các cách thức tính thuế khác nhau. Thông thường mức thuế được xác định tuỳ thuộc vào giá trị của tài sản được thừa kế. Pháp luật của hầu hết các nước đều quy định rằng, người được thừa kế chỉ phải nộp thuế thu nhập (hoặc thuế thừa kế di sản) khi giá trị của tài sản thừa kế vượt một mức nào đó và tuỳ thuộc vào việc, đối tượng nộp thuế thuộc hàng thừa kế nào.Ví dụ, theo pháp luật của Liên bang Đức (khi đồng ERO chưa lưu hành), vợ chồng, con cái, nếu được thừa kế tài sản trị giá từ 50.000 DM, phải nộp 3% thuế trên giá trị tài sản đó. Nếu tài sản lớn hơn 100 triệu DM thì người thừa kế phải nộp 35% giá trị tài sản. Nếu người thừa kế là cháu nội, cháu ngoại, cha me. Thì số thuế phải nộp tương ứng là 6% và 50% giá trị tài sản thừa kế, những người thuộc hàng thừa kế khác có thể phải nộp một mức thuế lên đến 70% giá trị tài sản được thừa kế. Pháp luật của Liên bang Nga có cách quy định tương tự pháp luật của Liên bang Đức. Pháp luật của một số nước lại quy định người thừa kế phải nộp thuế với mức 25% giá trị tài sản thừa kế không phụ thuộc vào hàng thừa kế (ví dụ, Cộng hoà Nam Phi)[1].

Theo quan điểm của chúng tôi, theo cách này hay cách khác, pháp luật nên coi các loại thu nhập được quy định tại khoản 7 và khoản 9 Điều 5 Dự thảo luật là các loại thu nhập chịu thuế vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, tạo ra sự bình đẳng trong xã hội. Mỗi một người cần phải sống bằng chính sức lao động của mình. Làm việc tốt thì có điều kiện sống tốt. Ở Việt Nam chúng ta có không ít người không làm việc nhưng cũng có một cuộc sống rất tốt bởi họ được hưởng một di sản lớn.

Thứ hai, có quy định như vậy thì Luật thuế thu nhập cá nhân mới trở thành công cụ pháp lý đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập.

Thứ ba, thuế từ các loại thu nhập nói trên là một nguồn thu bổ sung cho ngân sách không phải là nhỏ, Bởi vì thực tế cho thấy rằng, ít khi xảy ra trường hợp người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ ba và thường thì những người là vợ và chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi và con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và cháu nội, cháu ngoại; anh chị em ruột mới tặng cho tài sản cho nhau. Theo ước tính, thuế từ tài sản thừa kế chiếm khoảng hơn 1% ngân sách quốc gia[2].

4. Điều 18 của dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân quy định khoản giảm trừ gia cảnh không phải tính thuế bao gồm phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế và phần giảm trừ cho người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Liên quan đến vấn đề này có hai loại ý kiến như chúng ta được biết: i)Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế tính theo mức trượt giá và mức độ tăng trưởng kinh tế-xã hội, bảo đảm cao hơn thu nhập trung bình xã hội đến thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2009 (là thời điểm dự kiến Luật thuế thu  nhập cá nhân có hiệu lực) tương ứng là 4 triệu đồng/ tháng (48 triệu đồng/ năm) và phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/ tháng (4 triệu đồng x 40%); ii)  Loại ý kiến thứ hai: Phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế là 5 triệu đồng/ tháng (60 triệu đồng/ năm) trên cơ sở kế thừa mức khởi điểm chịu thuế theo quy định của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Khi đó, phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc sẽ là 2 triệu đồng/ tháng (5 triệu đồng x 40%). Ý kiến này có lẽ được nhiều người là đối tượng phải nộp thuế ủng hộ. Lý do để họ ủng hộ cũng rất dễ hiểu. Tuy nhiên nếu theo cách này thì số thu giảm nhiều.

Về ý kiến này bà Nguyễn Thị Cúc cho biết sở dĩ ban soạn thảo chọn mức giảm trừ 4 triệu đồng đối với người chịu thuế do mức lương tối thiểu hiện nay là 450.000 đồng/tháng, giả sử mỗi năm Nhà nước tăng thêm 20% thì mức lương tối thiểu đến năm 2009 là 650.000 đồng/tháng. Mức lương trung bình hiện nay tương đương với người hưởng lương hệ số 3 (người có trình độ đại học sau 10 năm làm việc) thì đến năm 2009 khoảng 1,95 triệu đồng/tháng. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người năm 2009 - 2010 khoảng 1.000 USD/năm, tương đương 1,6 triệu đồng/người/tháng. Tôi cho rằng, có lẽ ban soạn thảo quên rằng, sau năm 2009 tình hình kinh tế xã hội sẽ thay đổi và không giống với những gì mà bà Cúc dự đoán vào đầu năm 2009. Sau năm 2009 ai có thể biết được mức trượt giá sẽ như thế nào và với 4 triệu có đủ cho đối tượng nộp thuế đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của mình hay không. Cần phải nhớ rằng, thu nhập cao thì chi phí càng nhiều. 

Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh khi mà kinh tế chưa có sự ổn định, lương chưa tăng mà giá đã tăng thì nên quy định một mức cụ thể mà nên căn cứ vào mức lương tối thiểu để xác định mức miễn trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế như kinh nghiệm của một số nước có nền kinh tế chuyển chuyển đổi, chưa có sự ổn định như Việt Nam, ví dụ, Liên bang Nga. Kết hợp hai ý kiến nói trên và điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay Luật nên quy định: i) Mức miễn trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế -10 lần mức lương tối thiểu; ii) Khoản giảm trừ cho người phụ thuộc-4 lần mức lương tối thiểu.

5. Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập là một công việc phức tạp, tuy nhiên việc đảm bảo thực thi lại còn phức tạp hơn nhiều lần. Để đảm bảo Luật được thực thi, Chính phủ cần phải có cơ chế chặt chẽ cho phép giám sát được các khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân. Làm được điều này cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước liên quan. Do đó, dự thảo Luật dự kiến quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, theo quan điểm của tôi là quá sớm. Bởi lẽ đến thời điểm ngày 01tháng 01 năm 2009 tôi sợ chúng ta chưa chuẩn bị xong những điều kiện cần thiết để việc thu thuế thu nhập cá nhân được coi là công cụ công bằng giữa các đối tượng nộp thuế vì rất có thể có nhiều người thuộc đối tượng nộp thuế nhưng không nộp.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế. Những ý kiến này có thể là một tài liệu để ban soạn thảo tham khảo.
           
 

[1] Xem: G.K Dmitrieva, Giáo trình Tư pháp quốc tế, bản tiếng nga, NXB “PROSPECT”, M. 2000, tr. 512

[2] Xem: G.K Dmitrieva, sđd, tr. 512.

Các văn bản liên quan