Thuế thu nhập cá nhân cần sớm được sửa đổi

Thứ Hai 16:53 24-01-2011

Nhiều ý kiến cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế đã trở nên quá lạc hậu, nhất là trong tình hình hiện nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, lạm phát vượt mức 2 con số.

Thời điểm áp dụng Luật Thuế TNCN, thu nhập bình quân đầu người là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay sau 2 năm áp dụng, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2 triệu đồng/người/tháng.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định các cá nhân nằm trong diện chịu thuế được giảm trừ tối đa cho mình 4 triệu đồng một tháng, tương đương với 48 triệu đồng mỗi năm. Còn các cá nhân phụ thuộc như cha mẹ, người già, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi... là 1,6 triệu đồng một tháng.

Điều này có nghĩa, người chịu thuế sau khi chiết giảm cho cá nhân mình 4 triệu đồng mỗi tháng và 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, khoản tiền dôi dư còn lại mới bắt đầu tính thuế. Như vậy, nếu một người có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc, thì sau khi trừ 4 triệu đồng cho bản thân, số tiền 1 triệu đồng còn lại sẽ phải chiết khấu 5% để đóng thuế TNCN. Phần thu nhập ở mức cao hơn sẽ phải đóng thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, gồm 7 bậc.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế đã trở nên quá lạc hậu, nhất là trong tình hình hiện nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, lạm phát vượt mức 2 con số. Về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, thuế biểu hiện thu nhập, sự đóng góp của người dân.

Thu nhập thay đổi thì đóng góp cũng cần phải thay đổi để kích thích ý thức đóng góp, làm ăn của người dân. Người có thu nhập mà không đóng là rất không hợp lý, nhưng thu nhập và chất lượng cuộc sống giảm mà mức thuế không thay đổi cũng không hợp lý. “Nếu trong điều kiện bình thường, chỉ số CPI khoảng 5% thì mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân hiện hành có thể vẫn còn tính hợp lý, tuy nhiên, năm nay CPI đã ở mức 11,75%, cao so với nước ta và thế giới”, ông Kiêm khẳng định.

Cùng với mức khởi điểm chịu thuế quá thấp, người nộp thuế còn thiệt thòi vì khoảng cách giữa các bậc thuế theo biểu lũy tiến từng phần quá dày: phần thu nhập tính thuế từ 1 triệu đến 5 triệu: 5%; từ 5-10 triệu đồng: 10%; từ 10-18 triệu đồng: 15%; từ 18-32 triệu đồng: 20%; từ 32-52 triệu đồng: 25%; từ 52-80 triệu đồng: 30% và từ 80 triệu đồng trở lên: 35%.

Như vậy, khoảng cách giữa bậc 1 (thuế suất 5%) và bậc 2 (thuế suất 10%) cách nhau chỉ 5 triệu đồng, chênh lệch giữa bậc 2 và bậc 3 (thuế suất 15%) là 8 triệu đồng. Tính ra, một người thu nhập 10 triệu đồng/tháng phải nộp thuế bậc 2 là 10%, tương đương với 550 nghìn đồng/tháng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Các ý kiến về Luật Thuế thu nhập cá nhân chúng tôi sẽ lắng nghe. Bộ Tài chính đang yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, để chậm nhất hết quý I/2011 sẽ tổng hợp, đánh giá các kiến nghị nhằm đưa ra phương án sửa một số điểm của luật thuế này.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, xem xét toàn diện các vấn đề, nếu thấy cần thiết phải trình sửa luật thì chúng tôi sẽ trình. Thời gian qua giá cả leo thang, lạm phát cao lên tới 2 con số (11,75%) đã làm cho đời sống của người dân khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc tăng lương tối thiểu lên 830.000 đồng/tháng vào tháng 5 tới, Bộ Tài chính cần đưa ra phương án đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm gánh nặng nộp thuế cho người dân.

Thu Hương

Nguồn: Báo Giao thông vận tải

Các văn bản liên quan