Chưa thấy tác động tích cực của LDN & LĐT đối với các doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ!

Thứ Tư 00:28 23-05-2007

CHƯA THẤY TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP VÀ LUẬT ĐẦU TƯ

ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP DÂN DOANH VỪA VÀ NHỎ

 

                           Luật sư Trần Vũ Hải

 

1/ Thời gian qua rầm rộ những tin tức về thị trường chứng khoán và các tập đoàn đa quốc gia đua nhau xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Nhiều công ty trong nước cũng tìm mọi cách để trở thành các tập đoàn. Có vẻ như nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, những khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa được tháo gỡ. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trừ một vài vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm trước đến nay đã thực hiện được (Ví dụ: cơ chế hành chính “Ba cửa” làm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và mã số thuế tại một nơi). Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự tiếp nhận tích cực đối với hai bộ luật mới này. Có một thực tế là Nhà nước Việt Nam chỉ mở cửa dịch vụ cho doanh nghiệp tư nhân trong nước nếu như họ buộc phải mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài (Ví dụ: dịch vụ hàng không) nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện ràng buộc mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lòng đáp ứng. Nếu những chính sách là chủ trương thật sự, nhằm chỉ ưu tiên tư nhân nước ngoài mà không khuyến khích tư nhân Việt Nam trong một số lĩnh vực nhất định sẽ là một điều nguy hiểm cho đất nước. Chúng tôi hy vọng đây chỉ là những sai lầm của một số cơ quan nhà nước, Chính phủ sẽ nhanh chóng sửa chữa bằng việc mở cửa cho tất cả doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam và cho họ hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất có thể được và không trái với các cam kết quốc tế.

2/ Về phát triển thị trường dịch vụ: Hiện nay, hầu hết các dịch vụ đều được coi là những ngành nghề nhạy cảm như: matsa, vũ trường, karaoke, game online, đại lý internet, dịch vụ bảo vệ, thám tử tư, đòi nợ, môi giới hôn nhân, và nhiều dịch vụ tư vấn khác... Có vẻ như các cơ quan nhà nước lo ngại không quản lý được những dịch vụ đó nên tìm cách hạn chế, thậm chí cấm đoán với lý do các vi phạm pháp luật dễ xảy ra khi cung ứng những dịch vụ này. Hoặc cơ quan nhà nước đưa thêm các điều kiện ngặt nghèo mà những cơ sở thực hiện dịch vụ đó nếu hành nghề đều phải vi phạm. Khi có bất kỳ sự việc nào đó xảy ra thì những cơ sở này đều có thể phải đóng cửa, lý do không đảm bảo điều kiện để hoạt động. Điều này gây ra sự lo lắng cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến nhu cầu giải trí của người dân, gián tiếp làm phát triển tệ nạn xã hội khác. Ví dụ: Một vũ trường đã hoạt động hơn 10 năm tự nhiên bị đóng cửa mà không có một quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền. Hàng trăm người lao động thất nghiệp. Ông chủ vũ trường bị bắt vì lý do nghi tàng trữ trái phép ma tuý. Bên cạnh đó, việc tiến hành chiến dịch kiểm tra gắt gao các vũ trường khác của một số cơ quan quản lý dẫn đến việc họ phải tạm ngừng hoạt động. Đối với việc kinh doanh karaoke hoặc game online cũng gặp những khó khăn tương tự. Chính việc hạn chế này dẫn đến nhiều cơ sở karaoke không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động dưới sự làm ngơ của cấp chính quyền cơ sở, hoạt động càng phức tạp hơn, hoặc thanh thiếu niên chuyển chơi game online của nước ngoài do bị hạn chế giờ chơi. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh những hạn chế, cấm đoán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu giải trí phong phú của các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi cho rằng tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch Việt Nam vì người nước ngoài không biết nên đi đâu, làm gì vào buổi tối nên có thể sẽ về nước sớm. Thanh niên không có chỗ vui chơi sẽ phải tìm đến một nơi khác “bí mật” hơn, đương nhiên phát sinh thêm nhiều tệ nạn xã hội khác.

Để đáp ứng nhu cầu giải trí vui chơi đa dạng của các tầng lớp nhân dân, Nhà nước không nên cấm đoán mà phải khuyến khích, đặc biệt khi Nhà nước không xây dựng được những nơi vui chơi giải trí công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Nếu có sự việc gì xảy ra thì cũng coi đó là chuyện hết sức bình thường, không nên cấm hoạt động mà chỉ nên xử lý theo pháp luật.

Còn nếu tiếp tục duy trì tư duy không quản lý được, không chặn được các tệ nạn, vi phạm pháp luật thì cấm đoán, đình chỉ, chúng tôi đề nghị tư duy đó cũng được áp dụng trong các lĩnh vực sau đây để hạn chế những tệ nạn, vi phạm pháp luật:

a.       Đình chỉ mở các trường lớp của ngành giáo dục đào tạo vì tình trạng tiêu cực trong nhà trường vẫn đang tiếp diễn phức tạp. Tương tự như vậy cũng đình chỉ  mở các cơ sở khám chữa bệnh vì việc khám chữa hiện nay cũng có rất nhiều tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Thậm chí, nên tạm đình chỉ những cơ sở này cho đến khi các giáo viên hoặc bác sĩ học tập đầy đủ về đạo đức thầy giáo, y đức trong khi hành nghề và tệ nạn, vi phạm pháp luật trong ngành đó về cơ bản đã được chấm dứt.

b.      Đóng cửa hoặc đình chỉ các cơ quan nhà nước có nhiều biểu hiện tham nhũng, nhằm ngăn ngừa đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước khỏi phạm tội, nhân dân đỡ bị nhũng nhiễu. Ví dụ: ngành địa chính có hàng loạt giám đốc và nhân viên bị bắt do tham nhũng đất đai, cần được tạm đình chỉ hoạt động; cảnh sát giao thông nhũng nhiễu qúa nhiều cũng cần đình chỉ lực lượng cảnh sát này. Thậm chí giới thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên gần đây bị bắt khá nhiều cũng cần tạm đình chỉ hoạt động để chấn chỉnh lại đội ngũ, học lại đạo đức nghề nghiệp.

Chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng những đề nghị trên đây là cực đoan và không thể chấp nhận được. Nhưng đối với các dịch vụ khác, Nhà nước có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc cấm hoạt động để ngăn ngừa tệ nạn, vi phạm pháp luật thì tại sao lại không áp dụng được đối với những ngành này, giới này?

Chúng tôi cho rằng, hầu hết các nhà kinh doanh hiện nay đều mong muốn hoạt động kinh doanh lành mạnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước, đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân nói chung (trong đó có thanh niên, khách du lịch...). Do đó phải tìm mọi cách khuyến khích những dịch vụ ngành nghề này phát triển nhiều hơn. Cơ cấu ngành dịch vụ này trong tương lai không xa sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, các dịch vụ này không gây tác động đến môi trường nhiều như ngành công nghiệp. Do vậy chúng tôi đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho nhà đầu tư đã, đang và sẽ hoạt động trong những lĩnh vực này có cơ hội phát triển. Đó là cách thực hiện tốt nhất Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

 

              

Các văn bản liên quan