THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Thứ Hai 16:29 22-05-2006
Lê Thanh Khương
Trưởng Ban Pháp luật - Tổng Liên đoàn lao động Việt nam

Dự thảo Bộ luật tố tụng Dân sự được chuẩn bị trên cơ sở pháp điển hoá các quy định về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế và lao động. Tuy nhiên, việc giải quyết các tranh chấp lao động có nhiều yếu tố đặc thù; cùng với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc giải quyết các tranh chấp lao động còn chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động (Chương XIV, từ Điều 157 đến Điều 179). Do đó, khi xây dựng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, cần chú ý một số yếu tố đặc thù của việc giải quyết các tranh chấp lao động như sau:
– Mục đích của việc giải quyết tranh chấp lao động không chỉ xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tranh chấp, mà còn nhằm xoá bỏ bất bình, mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp; tạo điều kiện cho các bên tranh chấp tiếp tục quan hệ lâu dài, ổn định với nhau.
– Chính vì mục đích của việc giải quyết tranh chấp lao động có những điểm khác biệt so với việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế như trên nên việc giải quyết các tranh chấp lao động có những nguyên tắc đặc thù. Các nguyên tắc này đã được quy định tại Điều 158 Bộ luật Lao động, cụ thể là:
+ Nguyên tắc đề cao yếu tố thương lượng, hoà giải, trọng tài:
Xuất phát từ mục đích của việc giải quyết tranh chấp lao động là còn nhằm giúp các bên tranh chấp xoá bỏ bất bình, mâu thuẫn để tiến tới tiếp tục quan hệ lâu dài, ổn định với nhau, nên pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động có nguyên tắc đề cao yếu tố thương lượng, hoà giải. Rõ ràng, một vụ tranh chấp lao động nếu được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải thì cơ hội để duy trì, ổn định quan hệ lao động sẽ cao hơn trường hợp vụ tranh chấp đó được giải quyết thông qua phán quyết của toà án.
Thể hiện nguyên tắc này, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động hiện hành quy định việc hoà giải là bắt buộc trong cả giai đoạn chuẩn bị xét xử (Điều 38 Pháp lệnh) và tại phiên toà sơ thẩm (Điều 50 Pháp lệnh). Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định hoà giải là bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là chưa thể hiện được nguyên tắc đề cao yếu tố hoà giải trong việc giải quyết các tranh chấp lao động.
+ Nguyên tắc công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng:
Đây cũng là nguyên tắc đặc thù của việc giải quyết các tranh chấp lao động nhằm xoá bỏ, dập tắt sớm những bất bình, xung đột giữa các bên tranh chấp, không để tình trạng mâu thuẫn kéo dài, ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên tranh chấp cũng như gây khó khăn cho việc hàn gắn quan hệ lao động
Thể hiện nguyên tắc này, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, các quy định về thời hạn giải quyết trong từng giai đoạn đều ngắn hơn so với việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế. Cụ thể là: Thời hạn Thụ lý vụ án (Điều 35 Pháp lệnh; Điều 172, Điều 175 Bộ luật TTDS); Thời hạn chuẩn bị xét xử, bao gồm cả thời hạn từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên toà (Điều 36 Pháp lệnh; Điều 180 Bộ luật TTDS); Thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 61 Pháp lệnh; Điều 246 Bộ luật TTDS).v.v. Đề nghị Bộ luật Tố tụng dân sự cần có sự phân biệt rõ về thời hạn tố tụng trong việc giải quyết các tranh chấp lao động với các loại tranh chấp khác, bảo đảm nguyên tắc kịp thời, nhanh chóng của việc giải quyết tranh chấp lao động như đã nêu trên.
+ Nguyên tắc có sự tham gia của đại diện Công đoàn và của đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Để thực hiện nguyên tắc này, đề nghị Bộ luật cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về sự tham gia của Công đoàn trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Theo đó, các quy định về vai trò của Công đoàn trong pháp luật về tố tụng lao động cần được thể hiện đầy đủ theo hai tư cách:
- Tư cách thứ nhất: Công đoàn tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động với tư cách người tham gia tố tụng:
+ Cần quy định riêng về tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong trường hợp Công đoàn tham gia trong vụ án lao động theo hướng thuận lợi hơn (Điều 62 Dự thảo)
+ Cần bổ sung vào Điều 72 của Dự thảo Bộ luật quy định Công đoàn cơ sở là đại diện theo pháp luật trong vụ án lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động
+ Đề nghị bổ sung vào Điều 161 của Dự thảo Bộ luật quyền khởi kiện vụ án lao động đối với Công đoàn cơ sở.
- Tư cách thứ hai: Công đoàn tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động với tư cách người tiến hành tố tụng:
Đề nghị quy định thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm (Theo Điều 51 của Dự thảo) gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân, trong đó, riêng đối với vụ án lao động, đề nghị cần quy định rõ hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án lao động nhất thiết phải có hội thẩm nhân dân là đại diện Công đoàn.

Các văn bản liên quan