Thảo luận Dự án Luật Du lịch

Thứ Hai 15:00 22-05-2006
Ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI
Thảo luận về dự án Luật Du lịch


Sáng 26-5, tại Hội trường Ba Đình, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Du lịch.

Đây là Dự án Luật do Chính phủ soạn thảo, gồm 11 chương, 84 điều, quy định khá cụ thể các vấn đề chung quanh hoạt động du lịch, như: tài nguyên du lịch, quy hoạch phát triển du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, tuyến và đô thị du lịch, khách du lịch, kinh doanh du lịch... và hướng dẫn viên du lịch.

Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn

Điều 6 của Dự thảo Luật- quy định về chính sách phát triển du lịch- ghi rõ: “Nhà nước có cơ chế, chính sách phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”. Như vậy, với việc xác định “ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”, một lĩnh vực hoạt động phổ biến, bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, Dự án Luật Du lịch, trong phiên làm việc buổi sáng, đã thật sự thu hút sự quan tâm thảo luận sôi nổi của các đại biểu QH.

Bên cạnh sự đồng tình, nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật Du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhiều đại biểu cũng cho rằng ngành du lịch Việt Nam những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp với kinh tế du lịch của các nước trong khu vực, đặc biệt là về tính nhạy bén, sự chuyên môn hoá cũng như cách thức tổ chức các “tua” du lịch. Pháp lệnh du lịch, qua năm năm thực hiện, theo đánh giá của các đại biểu, đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc phát triển ngành du lịch, làm thay đổi căn bản về diện mạo ngành du lịch Việt Nam, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, nhờ đó, cũng được nâng cao và được nhiều người biết đến. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, Pháp lệnh này đã tỏ ra không còn phù hợp, nhiều quy định không đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam với tư cách là một “ngành kinh tế mũi nhọn”.

Từ nhận nhận thức đó, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Dự án Luật Du lịch không nên bó hẹp đối tượng điều chỉnh chỉ là “những tổ chức, cá nhân... có hoạt động liên quan đến du lịch”, mà phải mở rộng đến mọi đối tượng, tổ chức, cá nhân trong xã hội, coi du lịch và phát triển du lịch là ý thức trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi công dân. Có như vậy mới tạo ra môi trường hoạt động du lịch, kinh doanh du lịch đồng bộ, nhịp nhàng, có sự phối kết hợp thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, cũng như giữa các bộ ngành với nhau.

Đại biểu Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch, như “lang thang xin ăn, chèo kéo khách du lịch” nhằm tạo ra một môi trường du lịch văn minh, hấp dẫn hơn trong con mắt bạn bè quốc tế mỗi khi đến Việt Nam. Cũng đề cập vấn đề này, đại biểu Trần Công Kích (Ninh Bình) lại đề nghị, Luật phải có quy định rõ ràng về việc cấm các hướng dẫn viên du lịch thông đồng, câu kết với người bán hàng bán hàng cho khách du lịch để hưởng hoa hồng.

Chất lượng du lịch, vấn đề quan trọng hàng đầu

Mục tiêu của du lịch là phục vụ con người, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, thu lợi nhuận, song theo ý kiến của nhiều đại biểu, Dự thảo Luật chưa làm rõ được điều này. Đại biểu Trương Thị Mai (Trà Vinh) tỏ ra băn khoăn về con số thống kê cho thấy, tỷ lệ khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 30%, không biết nguyên nhân do đâu ? Đại biểu này cũng thẳng thắn cho rằng, Dự thảo Luật chưa có sự quan tâm đúng mức đến yếu tố phục vụ của hoạt động du lịch. Phục vụ con người, theo cách lập luận của đại biểu Trương Thị Mai và một số đại biểu khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề an ninh, an toàn cho khách, mà phải được hiểu ở khía cạnh, ý nghĩa rộng hơn, bao quát hơn, đó là “chất lượng du lịch”. Trong khoảng 70% khách du lịch nước ngoài không trở lại Việt Nam, có phải vì chất lượng du lịch của ta quá kém, hay vì lý do nào khác.

Chung quanh vấn đề nhằm nâng cao chất lượng du lịch, ý kiến thảo luận của các đại biểu là khá sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp là thiết thực giúp Ban soạn thảo hoàn chỉnh thêm một bước Dự án Luật Du lịch.

Đại biểu Phạm thị Hoa (Thanh Hoá), sau khi phân tích tầm quan trọng của hoạt động du lịch trong việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đã đề nghị Ban soạn thảo phải có các quy định cụ thể nhằm kiện toàn bộ máy cơ quan nhà nước quản lý hoạt động du lịch, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, không nên để xảy ra tình trạng có nơi có Sở du lịch riêng, nhưng cũng có nơi lại nằm trong Sở Thương mại. Hoạt động du lịch luôn có tính liên ngành, liên vùng và liên quốc gia, vì vậy, ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị bộ máy cơ quan nhà nước quản lý về hoạt động du lịch phải được tổ chức xuống tận cấp quận huyện, phải có cán bộ chuyên trách và các điều kiện làm việc cụ thể, tương xứng mới hy vọng phát triển và đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển lên tầm cao mới. Nếu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, cũng như không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động du lịch, không ít đại biểu đã cho rằng, trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ phải có thêm một Bộ mới, đó là Bộ Du lịch. Điều này, theo đại biểu Nguyễn Văn Mễ (Thừa Thiên – Huế), là rất cần thiết và đã được nhiều nước như Thái-lan, Singapore, Malaysia ... thực hiện.

Hồng Thanh
Nguồn: Báo Nhân dân, số ra ngày 26/5/2005

Các văn bản liên quan