Tận lực hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Tư 14:35 24-12-2008

Tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phải trợ giúp các DNNVV phát triển, nhưng hỗ trợ theo cách cũ là không ổn.


Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề lâu dài - Ảnh: Đức Thanh


Không hề biết đến mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bà Nguyễn Thị Lưu, Giám đốc DN tư nhân Lưu Xuân (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) phải đi vay vốn với lãi suất cao từ bên ngoài để kinh doanh. Kết quả là, không những kinh doanh không hiệu quả, bà còn bị lừa, dẫn tới thâm hụt vốn kinh doanh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Thạnh, Giám đốc Công ty Tu bổ di tích và Xây dựng công trình văn hóa Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), cũng chỉ mới biết đến khái niệm quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV thông qua các thông tin trên báo chí trong thời gian gần đây. Có vẻ thích thú với những ưu việt của mô hình này, song ông Thạnh cũng không biết phải đến đâu để có thể được bảo lãnh vay vốn kinh doanh...

Những thực tế trên là hoàn toàn dễ hiểu, bởi kể từ khi có quy định về việc thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV đến nay, mới chỉ có 11 quỹ được thành lập và trên thực tế, cũng chỉ có 3 quỹ đi vào hoạt động. Nguyên nhân từng được ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho là do thiếu nguồn quỹ.

Đáng lẽ, nguồn quỹ này phải được xã hội hóa, do các DN, cộng đồng đóng góp, thì trên thực tế, suốt thời gian qua, lại chỉ được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách. Mà đã là vốn ngân sách, thì đương nhiên rất có hạn. Chính vì thế, đã qua 7 năm, mô hình này tồn tại rất èo uột, nếu không muốn nói là gần như chỉ tồn tại trên giấy tờ, nên đã không đủ sức để hỗ trợ các DNNVV trong suốt thời gian qua.

Vì thế, vấn đề đặt ra lúc này là, làm sao để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, khi lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao, DNNVV khó tiếp cận tín dụng, trong khi sức mua của thị trường thì sụt giảm?
Theo ông Đỗ Văn Hải, Phó cục trưởng Cục Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ DN, song các biện pháp chưa đồng bộ, khâu tổ chức chưa thống nhất. “Hỗ trợ DNNVV là vấn đề lâu dài, các nước trên thế giới cũng phải làm.

Chính vì thế, phải nghiên cứu thêm, vì ngoài chính sách lâu dài, cũng phải có một số giải pháp trước mắt để gỡ khó cho DN, như chính sách về tài chính, thuế”, ông Hải nói và cho rằng, cũng cần phải quan tâm đến việc phát triển các DN, bởi lẽ 4 tháng qua, tình hình gia nhập thị trường của các DN có dấu hiệu giảm sút.

Báo cáo của Cục Phát triển DNNVV cho thấy, 8 tháng đầu năm 2008, cả nước có 43.862 DN đăng ký kinh doanh mới, với vốn đăng ký gần 335.200 tỷ đồng, đạt 129,9% về số lượng và 128,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình 8 tháng qua, mỗi tháng có khoảng 5.400 DN, mỗi ngày có trên 180 DN mới ra đời.

Tính chung, kể từ năm 1991 đến nay, cả nước có 350.000 DN đã đăng ký kinh doanh, trừ đi 35.000 DN đã giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì cả nước vẫn còn 315.000 DN. Như vậy, tỷ lệ DN tồn tại và hoạt động sau 17 năm là 82,5%, trong khi tỷ lệ này của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 60-70% sau 2 năm và 40-50% sau 7 năm hoạt động.

Nhận định sự phát triển về số lượng DN trong thời gian qua là tương đối tốt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, quan trọng trong lúc này là làm sao để hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho các bộ phận chuyên trách của Bộ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.

Liên quan đến mô hình này, khi phát biểu tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, hỗ trợ cho DNNVV mà làm theo cách cũ là không ổn. “Không cần tính cách lập quỹ nữa, vì không biết bao giờ mới ra được quỹ và không có vốn.

Chúng ta có Ngân hàng Phát triển, hãy giao nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cho ngân hàng này”, Thủ tướng nói và khẳng định, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phải trợ giúp các DNNVV phát triển. Biện pháp có thể là vừa hạ lãi suất, vừa bảo lãnh cho DNNVV vay vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, thậm chí giãn nợ, hoặc miễn, giảm thuế cho các DN gặp khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đúng là cần thiết phải miễn, giảm thuế, giãn nợ cho các DN, nhưng các bộ, ngành cần bàn bạc xem nên lựa chọn đối tượng được hưởng chính sách này là ai, miễn giảm thuế nào và giảm bao nhiêu để đảm bảo tính công khai, minh bạch và hỗ trợ đúng đối tượng.

Hà Nguyễn

Nguồn: Báo Đầu tư 01/12/2008

Các văn bản liên quan