“Sửa LĐT cho đúng: Chỉ mất 5 phút”

Thứ Bảy 17:30 20-05-2006
"Sửa luật đầu tư cho đúng: Chỉ mất 5 phút!"

(VietNamNet) - Sửa Luật đầu tư, với cơ quan soạn thảo chỉ mất 5 phút! Nhưng nếu không thay đổi tư duy quản lý thì kéo dài nữa thời gian làm luật cũng vô ích. Bà Phạm Chi Lan khẳng định.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với một thành viên của Ban nghiên cứu Thủ tướng về khả năng sửa đổi dự luật Đầu tư.

Nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu bằng "chân"!

- Các nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn rằng dự thảo Luật đầu tư lần này là một bước lùi. Theo bà, một người rất gắn bó và hiểu doanh nghiệp, nhận xét này có cơ sở không?

- Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà các DN trong nước cũng coi đây là bước lùi vì Luật đầu tư hiện hành không đòi hỏi phải đăng ký tất cả các dự án, mà chỉ các dự án có điều kiện thôi. Nói như cách của Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm VPQH là "Nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu bằng chân chứ không phải bằng tay", nghĩa là người ta sẽ đi.

- Theo bà, những điểm gây bất lợi nhất cho DN trong nước của dự thảo Luật là gì?

- Đó là những đòi hỏi, phép tắc tăng thêm ở khâu đăng ký đầu tư, có gọi tên khác đi thì vẫn là phép, vẫn là kiểu xin - cho, gây ra những phiền toái kèm theo...

Ai cũng nghĩ đăng ký là dễ dàng, nhưng thật ra đó là một nhiệm vụ quá lớn, cơ quan đăng ký kinh doanh hiện nay sẽ không thể làm xuể được. Đăng ký kinh doanh lẽ ra chỉ xem xét tính hợp lệ của bộ hồ sơ, chứ không thể đủ năng lực, thời gian và quyền hạn để xem xét các yếu tố của từng dự án.

Đã có cơ quan đất đai, môi trường, công nghệ, lao động, thương mại... một bộ máy khổng lồ để thanh tra, kiểm tra từng mặt của DN. Bây giờ lại có một cơ quan đăng ký kinh doanh muốn làm hết thì làm sao làm được? Họ có thể chịu trách nhiệm toàn bộ được không?

Mới chỉ là đề xuất ý tưởng đầu tư, sao đã phải đăng ký?

- Nhưng rõ ràng, trong quá trình soạn thảo luật, đã có sự tham vấn DN rộng rãi. Tại sao lúc đó, các DN không nêu rõ những yêu cầu của mình?

- Chưa bao giờ làm luật mà có tham vấn doanh nghiệp rộng rãi như Luật DN và Luật đầu tư chung lần này. Ngay từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Nghiên cứu đã tổ chức tham vấn rộng rãi xem những tư tưởng chính của Luật như vậy, các DN có chấp nhận được không? có gì cần bổ sung? Các DN đều thống nhất rất cao, và ta triển khai cụ thể theo hướng đó.

Đến tháng 7/2004 Thủ tướng Chính phủ thông qua tư tưởng chủ đạo và trao cho các ban soạn thảo để thiết kế rõ ra các điều khoản cụ thể, thì tất cả các bản dự thảo đầu tiên cũng được đưa ra tham vấn các DN. Cả các DN trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu, so sánh với các luật khác cũng như luật nước ngoài, đưa ra những kiến nghị rất cụ thể và xác đáng theo con mắt DN.

Tiếc rằng, sau khi tiếp thu những ý kiến đó thì các bản mới cũng không nhiều sửa đổi, nhất là những sửa đổi mà các DN mong chờ được thấy nhất. Đến bản cuối cùng trình lên QH ngày 20.9 thì mức độ sửa lẫn những điểm then chốt nhất vẫn không đáp ứng được yêu cầu của DN. Vì thế mới có chuyện các tổ chức phải gửi thư kiến nghị lên QH, bởi họ đã nói hết với Chính phủ rồi mà không được giải đáp nên họ phải gửi cho cơ quan xem xét luật.

Các DN trong nước cũng vẫn tiếp tục xem xét và có ý kiến. Ban Nghiên cứu cũng đã soạn thảo một văn bản gửi lên cho Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo xem xét lại.

- Vậy có nghĩa là Ban soạn thảo không tiếp thu?

- Có tiếp thu, nhưng mới theo kiểu: dự thảo ban đầu là 5 tỷ trở xuống thì phải đăng ký, sau thì thành 10 tỷ mà người ta vẫn kêu, bây giờ thì thành 15 tỷ. Như vậy là có nới thêm mức dự án phải đăng ký, chứ không như yêu cầu cơ bản của DN là bỏ đăng ký cho những dự án nhỏ, vì đăng ký không đáp ứng được yêu cầu nào hết.

Với DN thì gây thêm phiền toái, đăng ký mà không có chứng nhận thì cũng không chứng minh được với các cơ quan chức năng khi họ thanh tra. Đăng ký mà chẳng có giấy tờ gì cả thì người ta sẽ lách luật và không đăng ký, như vậy đẩy người ta vào thế vi phạm pháp luật.

Rủi ro thứ 2 là từ định nghĩa "Dự án là tập hợp những đề xuất về đầu tư", mới là đề xuất sao đã phải đăng ký? Tôi có thể thay đổi quy mô, nguồn vốn, số lượng lao động, không lẽ cứ mỗi thay đổi nhỏ để phù hợp với thực tế lại phải đăng ký lại?

Một dự án từ khi thiết kế, đề xuất có ý tưởng cho đến lúc thực hiện có thể mất vài tháng đến 3 - 4 năm, với những thay đổi liên tục, kể cả về cơ cấu người tham gia đầu tư.

Một rủi ro nữa là những đề xuất là những ý tưởng sáng tạo cần được giữ kín để bất ngờ đưa sản phẩm ra thị trường, không ai bắt chước được. Bây giờ bắt phải đăng ký thì không thể đảm bảo các ý tưởng sẽ được giữ kín.

Còn với Nhà nước, bảo để "nắm bắt" nhưng đó chỉ là đề xuất chứ có phải những cái DN đã làm đâu? Nhà nước sẽ nắm những thông tin thất thiệt, chơi vơi, mà nếu dùng nó để điều hành, để cảnh báo cho các nhà đầu tư khác đừng đầu tư nữa vì đã có nhiều người làm thì sẽ rất sai lệch.

- Theo bà, vì sao lại nảy sinh những bất cập như vậy?

- Tư duy "quản được đến đâu thì mở đến đấy", sợ không quản được nên không mở, hoặc mở rồi thì nhà nước phải quản, tư duy đó không đúng. Quyền tự do kinh doanh của công dân đã được Hiến pháp từ năm 92 quy định, mà luật phải dưới Hiến pháp, Luật không có quyền vi phạm Hiến pháp bằng cách đưa ra định chế để "cấm" người ta.

Đó là tư duy dựa trên cơ sở bản thân năng lực nhà nước có hạn, nhưng lại cứ nhìn tất cả xã hội đều năng lực có hạn nên không tin tưởng người khác.

Những người làm luật đã muốn "ôm" quá nhiều trách nhiệm!

- Tuy nhiên, từ phía thành viên Ban soạn thảo nói rằng, việc đề ra quy định đăng ký và thẩm định đầu tư là để kiểm soát những dự án ma, doanh nghiệp ma. Bà nghĩ sao?

- Riêng chuyện dùng từ "ma" của thuật ngữ báo chí mà lại dùng trong QH là cách nói không nghiêm túc. Nhà nước không có quyền gọi người dân, gọi một thực thể đã đăng ký kinh doanh là ma.

Người ta đã đăng ký kinh doanh, có tư cách pháp nhân thì nếu người ta làm sai, anh phải trừng phạt theo quy định của pháp luật. Còn đằng này, không trừng phạt, không tìm ra được thì anh lại bảo người ta là ma. Nhiều khi chỉ là người ta thay đổi địa chỉ, anh liên lạc không được rồi nói như thế là không đúng.

Căn cứ đúng nhất, đơn giản nhất là dựa trên con số thuế thu được. Ngành thuế thu được thuế trên 78% doanh nghiệp, nghĩa là 78% đó có tồn tại.

Ma là do nhà nước dù cả bộ máy khổng lồ, xuống đến cấp thấp nhất là phường, xã, tổ dân phố... mà không làm đúng công việc hậu kiểm của mình. Cứ chê trách DN mà không thấy là mình đang làm kém cỏi, không hoàn thành trách nhiệm trước xã hội.

Luật lần này gây quá nhiều chồng chéo. Trong Luật đầu tư cũng đưa ra những quy định về các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, trong khi đã có các quy định chuyên ngành khác rất cụ thể, thì Luật đầu tư nhắc lại quá chung chung, quá cả phạm vi của Luật chuyên ngành, không đủ chi tiết. Lẽ ra, phần đó chỉ nên nêu ra vài lĩnh vực cấm, còn những phần cần quản lý thì hãy để "theo Luật chuyên ngành". Như thế, khi Luật chuyên ngành thay đổi, ta sẽ không phải thay đổi Luật đầu tư.

Đây là do vấn đề về quy trình, cũng như lỗi của những người làm Luật đầu tư quá lo lắng về trách nhiệm, muốn tự nhận về mình rất nhiều trách nhiệm.

Sửa đúng: chỉ mất 5 phút!

- Có những lo ngại rằng nếu QH không thông qua dự luật lần này thì phải chờ đến kỳ họp QH tới vào tháng 6/2006. Trong khi đó, VN đang gấp rút sửa luật cho kịp tiến trình vào WTO. Như thế, nếu để chậm quá, rất có thể VN lại lỡ một dịp. Ý kiến của bà?

- Nhưng cũng không loại trừ chuyện làm luật lủng củng như thế này sẽ gây thêm nghi ngại cho các bên đàm phán để VN gia nhập WTO. Vì chúng ta phải đưa ra cam kết sửa luật cho phù hợp với nguyên tắc của WTO. Các đối tác sẽ kém tin tưởng hơn, vì ngay trong cam kết WTO không bắt buộc nhiều lắm về việc tiêu chuẩn WTO phải thế nào. Họ chỉ yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu cùng 1 sân chơi khó khăn như nhau thì cũng không sao, nhưng họ sẽ nghi ngại.

Mặt khác, chúng ta đã cam kết là sau này nếu luật thay đổi mà ảnh hưởng đến các DN thì phải tham vấn. Nhưng họ thấy tham vấn rất rộng rãi, bao nhiêu ý kiến đóng góp mà không nghe, thì sau này lấy gì đảm bảo là những luật khác sẽ nghe những ý kiến của DN, hay nhà nước cứ quyết theo ý của mình. Như thế có thể gây ra những ngại ngần.

- Nếu sửa ngay để thông qua trong kỳ họp QH lần này, theo bà có kịp không?

- Cách tốt nhất, theo cá nhân tôi mong muốn, vẫn là sửa đổi kịp và thông qua lần này. Bởi nếu kéo dài thêm mấy tháng nữa cũng không giải quyết được. Nếu ta không thay đổi tư duy, nếu những điều được kiến nghị suốt cả năm trời mà không chấp nhận, đến phút cuối cùng họ đưa ra mà vẫn không chấp nhận thì có kéo dài thêm thời gian cũng vô ích. Đây là sự thay đổi về tư duy, nếu bây giờ không thay đổi, lấy gì đảm bảo rằng 6 tháng nữa sẽ thay đổi.

Những cái hợp lý thì nên chấp nhận sửa và thông qua luôn, còn để lại thì sẽ tạo cảm giác "treo", đầu tư vào Việt Nam trong tương lai sẽ trở nên không tiên liệu được, tính minh bạch càng kém, gây tâm lý rằng những tham vấn, ý kiến đều không thực chất. Chủ tịch QH đã tuyên bố khẳng định, luật đầu tư làm cho các nhà đầu tư, vậy thì phải nghe và tiếp nhận ý kiến góp ý.

Ta không phải sửa nhiều, có khi với những người soạn thảo thì chỉ mất 5 phút, vì DN đã phân tích, lập luận hết trong cả năm nay.

- Xin cảm ơn bà!

Việt Lâm - Khánh Linh thực hiện - 18/11/2005


Các văn bản liên quan