Đầu tư…từ đâu?

Thứ Bảy 17:29 20-05-2006
Đầu tư... từ đâu?

Đầu tư cần chất lượng và bền vững.

Đã bàn đến vấn đề “đầu tư” thì bao giờ cũng phải quan tâm tới hai chữ “từ đâu?”. Đây không phải là chuyện chơi chữ mà là một nguyên tắc cơ bản. Nguồn vốn đầu tư từ đâu bao giờ cũng phải được quan tâm trước hết, sau mới đến bao nhiêu, rồi mới làm gì, và làm như thế nào ?...

Trả lời cho câu hỏi “từ đâu?” có thể từ nguồn gốc địa lý. Trước Luật Đầu tư này ta có Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Lại có thể trả lời bằng tiêu chí về thành phần kinh tế: Nhà nước, tư nhân cổ phần hay liên doanh, v.v... Lại nữa, có thể tìm thấy sự phân loại theo phương thức đầu tư: trực tiếp hay gián tiếp, v.v...

Nhưng còn có một nội hàm cũng quan trọng liên quan đến nguồn gốc đầu tư là sạch hay bẩn. Điều này dự thảo Luật Đầu tư không bàn tới và các đại biểu Quốc hội hình như cũng ít quan tâm.

Coi chừng nguồn tiền bẩn

Rửa tiền giờ đây đã là một hiện tượng diễn ra ở nhiều nơi và từ lâu. Những đồng tiền bẩn được luồn lách vào những dự án đầu tư để biến nó thành đồng tiền hợp pháp sẽ dung túng và khuyến khích những hoạt động kiếm tiền phi pháp khác làm ruỗng nát nền kinh tế và xã hội. Chính những nguồn tiền bẩn này là vũ khí tài chính của “giặc nội xâm” tham nhũng.

Đã có biết bao nhiêu dự án đầu tư đổ bể thành những “dự án treo”, những “công ty ma” hay những vụ đầu cơ trao tay... Nhưng cho đến nay các chế tài của chúng ta hầu như khó tìm ra những vụ rửa tiền qua đầu tư từ trong cũng như ngoài nước. Nói đúng hơn là ta chưa bận tâm đến vấn đề ấy trong khi ưu tiên hàng đầu là lượng đầu tư càng nhiều càng tốt. Dường như chúng ta mải lo rải thảm, mời gọi mà không cần quan tâm đúng mức đến việc tìm hiểu kỹ lưỡng những người đến với mình là ai.

Không thể khuyến khích đầu tư bằng mọi giá

Nhưng ở một khía cạnh khác thì rồi đến lúc nào đó, cũng như với mục tiêu tăng trưởng, chúng ta sẽ buộc phải tính đến tính bền vững và chất lượng của đầu tư, hơn nữa, là phải tính đến sự hợp lý trong quy hoạch đầu tư. Ví như, đến ngày hôm nay các khu vực kinh tế lớn như Mỹ, EU... chưa chiếm một tỉ trọng cao trong danh mục các quốc gia hay khu vực đầu tư vào Việt Nam, thì cũng đừng vì thế chỉ coi tổng số đầu tư quy thành tiền ở các khu vực, mà rõ ràng trình độ kinh tế và công nghệ còn thấp hơn, là tiêu chí duy nhất để đánh giá tăng trưởng. Vì một sự đầu tư những công nghệ lạc hậu (thậm chí là công nghệ phế thải) không chỉ mang lại hiệu quả thấp mà kéo lùi sự tụt hậu một cách không thể khắc phục nổi (bỏ thì thương, vương thì tội), ví như việc nhập công nghệ lạc hậu như xi măng lò đứng một thời.

Hơn thế nữa, hiệu quả đầu tư theo quan niệm hiện nay không chỉ tính ra tiền qua lợi nhuận từ sản xuất mà còn phải tính đến những tác động vào môi trường. Lời cảnh báo về công nghệ lắp ráp và sản xuất ô tô ở nước ta đang cung cấp các loại xe chất lượng rất thấp so với quy chuẩn về tác động ô nhiễm môi trường do xử lý khí thải, cũng là một ví dụ nữa, v.v... Nhiều chuyên gia có lương tâm đã khuyến nghị các nước đang phát triển phải biết biến sự chậm trễ của mình thành ưu thế tiếp cận ngay với công nghệ tiên tiến cho dù phải chịu những sức ép về tài chính còn hơn ham rẻ để tự biến mình thành bãi rác của thiên hạ.

Mới đây, khi bình luận về thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, Phó Thủ tướng Vũ Khoan chẳng đã quả quyết một cách chí lý rằng: “Chúng ta không gia nhập bằng mọi giá”. Vậy với đầu tư, liệu chúng ta có quan niệm “không đầu tư bằng mọi giá” hay không!? Trong dự thảo luật mới chỉ đưa ra những khu vực đầu tư có điều kiện một cách đơn giản như các vùng “cấm địa” (liên quan đến một số lĩnh vực an ninh quốc phòng, môi trường, văn hóa...) mà chưa thấy tạo ra những hành lang mang tính định hướng thu hút khách bằng những khả năng sinh lợi hấp dẫn nhưng phù hợp với ý đồ của chủ nhà.

Một số góp ý

Nếu quả thật tình thế buộc chúng ta không thể bàn đến chuyện sạch hay bẩn vào thời điểm này thì cũng nên coi đây là một giai đoạn quá độ, nhằm mục tiêu tình huống và trước mắt là tăng trưởng về số lượng. Nếu như vậy thì nên gọi bộ luật đang bàn và định thông qua tại kỳ họp này là Luật Khuyến khích đầu tư như đã từng đặt cho đối tác trong nước ở bộ luật cũ. Đặt tên như vậy, ít ra về tâm lý thì các đối tác trong nước cũng không cảm thấy “bị cắt” mất hai chữ “khuyến khích”, còn các đối tác nước ngoài lại được khích lệ bằng sự có thêm hai chữ này. Nhưng quan trọng hơn, với thời kỳ quá độ mang tính khuyến khích này, chúng ta có thời gian chuẩn bị kỹ hơn cho một Bộ Luật Đầu tư thực thụ có giá trị ổn định, lâu dài.

Nói cách khác là đầu tư sạch hay lành mạnh. Vả lại, nếu coi đầu tư là một công đoạn tất yếu cho một hoạt động kinh doanh thì thay vì làm một Bộ Luật Đầu tư riêng, tại sao chúng ta không hoàn chỉnh Luật Doanh nghiệp mà lại tách ra làm hai. Còn một Luật Khuyến khích đầu tư thì vẫn có thể nếu hiểu như một tình huống nhằm nhanh chóng thu hút đầu tư trong một giai đoạn nhất định, tập trung vào 2 tiêu chí cơ bản là thủ tục hành chính (bớt phiền hà) và chính sách ưu đãi ngày một hấp dẫn.

Trong buổi thảo luận về bộ luật này tại Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Văn An từng nêu câu hỏi rằng vì sao ta thông thoáng mà nhiều đối tác lớn ở các nước lớn vẫn chưa chịu vào? Câu trả lời là với nhiều đối tác có thương hiệu lớn, làm ăn nghiêm túc ở các nước phát triển, họ còn “rụt rè” vì không muốn “bằng vai phải lứa” với những đối thủ mà trình độ của họ nhận biết được chất lượng đầu tư của một số đối tác cùng tham gia trên một sân chơi chung, không phân biệt sạch hay bẩn như ở ta (?!). Phản ứng của một số tổ chức mang tính đại diện cho những khu vực đầu tư quan trọng như Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) hay châu Âu (Euchamp)... là những cảnh báo quan trọng mà sự giải trình của Bộ Kế hoạch - Đầu tư ở Quốc hội quả là chưa làm yên lòng người bấm nút để thông qua. Phải chăng ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đòi hỏi chất lượng luật thông qua phải cao và không thể vội vã đã gợi cho chúng ta một thời điểm thích hợp hơn là chưa nhất thiết phải thông qua bộ luật này tại kỳ họp này hoặc chỉ điều chỉnh 2 bộ luật đã có thành một bộ luật chung mang tính chất khuyến khích mà thôi?!

Dương Trung Quốc - 12-11-2005 Người Lao động


Các văn bản liên quan