Sửa đổi luật hải quan để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế

Thứ Hai 14:26 22-05-2006
Sửa đổi luật hải quan để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế

Theo Nghiên cứu Lập pháp

Chiều 18.5, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan.

Về khái niệm lãnh thổ hải quan

Khái niệm "lãnh thổ hải quan" trong dự luật này được giải thích "là nơi Luật Hải quan được áp dụng, gồm lãnh thổ Việt Nam và các khu vực khác trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam". Theo ĐB Tào Hữu Phùng (Đoàn Hà Tây), nên tiếp thu ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế ngân sách về khái niệm lãnh thổ hải quan sẽ đầy dủ và hoàn chỉnh hơn. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với ý kiến này.

Tuy nhiên, có những ý kiến đề nghị không nên đưa quy định “lãnh thổ hải quan” và Luật vì quy định này rất chung, dễ gây tranh luận không cần thiết. Hơn nữa nội hàm của “lãnh thổ hải quan” đã thể hiện cụ thể trong Điều 6 “Địa bàn hoạt động hải quan”, phù hợp với thực tế phân công, phân nhiệm, sự phối hợp với các lực lượng ở nước ta, nhất là các khu vực trên biển. Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng khái niệm lãnh thổ chỉ dùng trong chủ quyền quốc gia, là thiêng liêng, không nên đưa vào Luật này.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được giải thích: Trước xu hướng hội nhập, khái niệm "lãnh thổ hải quan" là rất cần thiết. Mặt khác, cần phân biệt rõ dự thảo ghi "lãnh thổ hải quan" chứ không phải "lãnh thổ của hải quan". Hai khái niệm này rất khác nhau.

Từng bước hiện đại hóa quản lý hải quan


Công ước Kyoto quy định: cơ quan hải quan phải áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hoạt động hải quan để mang lại hiệu quả cho hoạt động hải quan cũng như cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Nhằm thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan đến hải quan, đòi hỏi hải quan Việt Nam phải đổi mới phương thức quản lý theo yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại với quy trình thủ tục hải quan được xử lý bằng phương tiện điện tử. Đại biểu Mai Anh (Khánh Hòa) đề nghị cần khuyến khích phát triển hải quan điện tử. Quy định rõ bảo đảm sự chính xác theo luật định. Việc lưu giữ chứng từ cũng cần được chú ý vì có nhiều loại khác nhau. Muốn bảo đảm tính khả thi thì định rõ các lô hàng sau thông quan cần chứng từ điện tử ở dạng nào, có giải pháp hợp lý. Đại biểu Nguyễn Nghiễm (Bình Phước) băn khoăn: Hồ sơ có thể bằng giấy hay điện tử, nhưng khi có tranh chấp thì phải dùng chứng từ điện tử theo kiểu nào, vì nó dễ bị thay đổi.

Một số đại biểu cho rằng Luật hiện hành đã có quy định về hiện đại hóa hải quan, khai hải quan điện tử và hàng hóa xuất nhập khẩu bằng phương thức thương mại điện tử nhưng nội dung này chưa đủ để Chính phủ quy định về thủ tục hải quan điện tử. Việc hiện đại hoá quản lý hải quan mà trọng tâm là thủ tục hải quan điện tử so với thủ tục hải quan theo luật hiện hành có những điểm khác biệt về địa điểm làm thủ tục hải quan, hồ sơ hải quan, khai hải quan, tiếp nhận và xử lý hồ sơ, quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, trách nhiệm của hải quan các cấp trong việc quyết định thông quan hàng hóa, quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thủ tục hải quan điện tử… Điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay và trong những năm tới cũng chưa thể chuyển ngay sang việc áp dụng đồng loạt thủ tục hải quan điện tử nên vẫn cần phải áp dụng song song cả hình thức thủ công và chuyển dần sang áp dụng thủ tục hải quan điện tử. Từ những cơ sở nói trên thì sự sửa đổi bổ sung như dự thảo luật là hợp lý.

Kiểm tra và giám định hàng hóa trong thông quan

Đây là nội dung thu hút nhiều đại biểu tham gia thảo luận. Về kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thông quan, nhiều ý kiến tán thành bỏ quy định kiểm tra xác suất (quy định tỷ lệ kiểm tra cụ thể) và giao quyền cho công chức hải quan xem xét, quyết định mức độ kiểm tra thực tế nhiều hay ít.

Một số ý kiến khác lại cho rằng nên giữ nguyên quy định của luật hiện hành vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu, thu hẹp biên độ mà cả hai bên lợi dụng để tiêu cực. Việc quy định tỷ lệ kiểm tra thực tế cụ thể trong Luật đồng nghĩa với công chức hải quan chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong tỷ lệ đó; còn nếu giao cho công chức hải quan có thẩm quyền tự quyết định tỷ lệ kiểm tra thực tế thì đồng nghĩa với việc công chức hải quan phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với toàn bộ lô hàng.

Về việc giám định, phân tích, phân loại trong thông quan hàng hóa, đa số ý kiến nhất trí sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định thật chặt chẽ mục đích của việc giám định, phân tích, phân loại hàng hóa là nhằm xác định bản chất thật của hàng hóa; không chỉ xác định mã số hàng hóa để tính thuế mà còn xác định hàng hóa đó có được nhập khẩu hay không, nhập khẩu phải có điều kiện, có giấy phép. Trường hợp hàng hóa đó có chứa tiền chất gây nghiện, an toàn về giống, thực phẩm, hóa chất gây nổ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nếu cho thông quan, hàng hóa đó đi vào tiêu dùng, sử dụng thì rất khó quản lý.

Thống nhất giữa quy định của Hiến pháp và các đạo luật

Cuối buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu ý kiến. Đồng chí nói: vừa qua có một số đồng chí gửi thư, gọi điện băn khoăn về sự thống nhất giữa các quy định của Hiến pháp và các dự án luật đang được Quốc hội thảo luận. Chúng tôi đã xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể thì thấy như sau:

Trong Hiến pháp khi quy định chế độ sở hữu, có sở hữu toàn dân; tuy không định rõ hình thức sở hữu nhưng có ghi rõ một loại sở hữu của nhà nước và thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật dân sự khi quy định các hình thức sở hữu có hình thức sở hữu nhà nước là không trái với Hiến pháp.

Về dự thảo Luật giáo dục, có quy định cấp học mang tên trung học cơ sở, tên gọi cấp học này cũng được ghi trong Hiến pháp, khi quy định về việc tiến tới phổ cập cấp trung học cơ sở toàn dân.

Trong Hiến pháp có quy định việc Quốc hội quyết định tổ chức và chức danh của một số cơ quan nhưng không thấy nói đến cơ quan kiểm toán nhà nước và chức danh Tổng kiểm toán nhà nước. Nhưng điều khoản được dẫn ra- Điều 84 là quy định đối với các cơ quan quyền lực nhà nước. Còn các cơ quan khác thì Quốc hội được phép tùy yêu cầu, có thể quyết định về tổ chức và chức danh khi cần. Vì vậy, dự thảo Luật kiểm toán nhà nước quy định: Quốc hội quyết định tổ chức kiểm toán nhà nước và chức danh Tổng kiểm toán nhà nước là không trái Hiến pháp.

Đồng chí khẳng định: Như vậy, luôn có sự thống nhất giữa Hiến định và Luật định.

Tổng hợp[color=darkblue][/color]

Các văn bản liên quan