Góp ý của công ty INVENCO

Thứ Hai 14:25 22-05-2006
Công ty Sở hữu trí tuệ Thảo Thọ Quyến (INVENCO)
Chủ tịch Lê Xuân Thảo


Công ty Invenco hoàn toàn nhất trí và hoan nghênh chủ trương sửa đổi Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực SHCN để thi hành hiệu quả hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về SHCN, đảm bảo cho các quy định quản lý và chống xâm phạm quyền về SHCH được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và có hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, để tăng cường công cụ cho hoạt động thực thi quyền SHCN.

Mục a khoản 3 Điều 3: quy định một trong các căn cứ để xem xét yếu tố vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá, tên thương mại có bao gồm Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Vậy đề nghị cần nhanh chóng ban hành quy định về vấn đề này.
Mục 2 khoản 4 Điều 3: quy định về dấu hiệu của nhãn hiệu hàng hoá có yếu tố xâm phạm: “dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng… hoặc tương tự (có một số điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự tới mức không thể dễ dàng phân biệt với nhau)”, cần quy định rõ là điểm độc lập hay điểm phụ thuộc hay bao gồm cả hai.

Khoản 6 Điều 3 quy định “Sản phẩm hoặc quy trình có dấu hiệu xâm phạm đối với sản phẩm hoặc quy trình được bảo hộ khi tất cả các dấu hiệu (đặc điểm kỹ thuật) thuộc từng điểm trong yêu cầu bảo hộ so với các dấu hiệu của sản phẩm hoặc quy trình bị nghi ngờ xâm phạm là đồng nhất hoặc là biến thể tương đương”. Cần làm rõ như thế nào là vi phạm tất cả các dấu hiệu thuộc từng điểm.

Mục b khoản 10 Điều 3 quy định một trong những yếu tố vi phạm quy định quản lý nhà nước về SHCN bao gồm: “Xâm phạm quyền SHCN gây thiệt hại tới lợi ích hợp pháp của nhà nước và xã hội”. Đề nghị bổ sung như sau: “Xâm phạm quyền SHCN gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của nhà nước, xã hội và người tiêu dùng”.

Mục c khoản 10 Điều 3 quy định một trong những yếu tố vi phạm quy định quản lý nhà nước về SHCN bao gồm: “Sản xuất, buôn bán hàng giả SHCN”, chúng tôi đề nghị sửa đổi như sau: “sản xuất, buôn bán và lưu thông hàng giả về SHCN”.

Mục a khoản 11 Điều 3 quy định về yếu tố hàng giả về SHCN: “Dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng hoặc giống đến mức không thể phân biệt được với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ…”. Đề nghị sửa đổi như sau: “Dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng hoặc giống đến mức khó có thể phân biệt được với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ…”.

Khoản 2 Điều 5:đề nghị bổ sung hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tại các quy định về mức phạt với hành vi buôn bán hàng giả về SHCN (Điều 12), hành vi sản xuất hàng giả về SHCN (Điều 13), đề nghị quy định mức phạt tối thiểu là gấp 3 lần và tối đa là gấp 5 lần giá trị lô hàng giả bị bắt giữ.


Khoản 3 Điều 18 quy định “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và hồ sơ, chứng cứ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước về SHCN phải có ý kiến bằng văn bản trả lời người trưng cầu giám định”. Theo chúng tôi thời hạn 5 ngày là quá dài, đặc biệt trong trường hợp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như việc tạm giữ của Hải quan đối với lô hàng bị nghi ngờ có yếu tố vi phạm SHCN thì thời hạn 5 ngày nói trên sẽ phát sinh những khoản chi phí lớn cho người có yêu cầu bảo hộ. Chúng tôi đề nghị rút ngắn thời hạn này xuống còn từ 1 đến 2 ngày.

Các văn bản liên quan