Sẽ tiếp tục sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Thứ Hai 15:53 24-01-2011

Mặc dù chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành đã góp phần quan trọng vào việc quản lý, thu ngân sách phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, song sau 2 năm có hiệu lực, Luật thuế TNCN đã cho thấy một số bất cập.

Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, Bộ Tài chính đã lên phương án sửa đổi một số điểm của Luật TNCN để phù hợp hơn. Theo đó, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng có thể nâng 6 triệu đồng/tháng hoặc thu hẹp bậc chịu thuế.

Phương án sửa đổi

Thực chất, Luật thuế TNCN đã được Bộ Tài chính xây dựng theo các số liệu tính toán từ năm 2006, thời điểm mà giá cả và lương của CBCNV chỉ bằng một nửa so với hiện tại. Chỉ tính riêng hai năm áp dụng Luật thuế TNCN mới, mức trượt giá đã lên tới gần 18% (năm 2009 là 6,88%, năm 2010 là 11,75%). Điều này cho thấy thì mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp.

Luật thuế hiện hành chưa xét trừ các chi phí cá nhân như thuê người giúp việc nhà, trả lãi vay ngân hàng khi mua nhà... Trong khi đó một số nước, các chi phí này được giảm trừ theo mức khoán và thay đổi định kỳ hàng năm để phù hợp với thực tế. Ngoài ra, việc xét trừ những chi phí cá nhân sẽ khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn để được chiết trừ chi phí tính thuế TNCN. Có như vậy những quy định trừ chi phí cho cá nhân mới thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Phạm Duy Khương - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chỉ cần một chút thông tin tăng lương tối thiểu là giá cả đã leo thang ngay. Mức trượt giá hiện nay ảnh hưởng đến đời sống, đến thu nhập của người lao động và với mức này thì lương cũng không đủ sống.

“Tổng cục cũng nhận thấy sự bất cập này. Tuy nhiên, khi luật hiện vẫn có hiệu lực thì Tổng cục Thuế vẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu muốn sửa Luật thuế thu nhập cá nhân thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp bàn, xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2011”, ông Khương cho biết.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thuế TNCN để chậm nhất hết quý I/2011 sẽ tổng hợp, đánh giá các kiến nghị nhằm đưa ra phương án sửa một số điểm của luật thuế này.

Có hai cách dự kiến được Bộ Tài chính đề xuất, thứ nhất là điều chỉnh tăng mức chịu thuế lên 6 triệu đồng/tháng, hoặc là thu hẹp bậc chịu thuế. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng dự kiến được điều chỉnh bằng 3 lần lương tối thiểu, khoảng 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Ý kiến các chuyên gia

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại chưa đồng tình với phương án này. Luật sư Trần Xoa - đại diện Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng cách tính cố định mức chịu thuế và mức giảm trừ đã trở nên “lạc hậu”. Mức giảm trừ cho người nộp thuế sẽ tính theo điều kiện của người phụ thuộc theo mức tối thiểu chung. Cụ thể nên gấp 10 lần lương tối thiểu chung/tháng cho người nộp thuế và cho người phụ thuộc là bốn lần lương tối thiểu chung/tháng. Cách tính này có lợi ở chỗ khi mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh thì mức khởi điểm chịu thuế sẽ thay đổi theo. Như vậy, sẽ không phải sửa luật nhiều lần.

Việc điều chỉnh theo cách này cũng sẽ tránh được mức giảm trừ không theo kịp mặt bằng giá chung, gây bức xúc cho người nộp thuế như thời gian qua. Phương án này tốt hơn so với việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, vì nếu cứ mỗi lần lạm phát lại một lần điều chỉnh mức khởi điểm thì sẽ làm mất đi tính chất của Luật Thuế TNCN là mở rộng đối tượng nộp thuế.

Đồng tình với ông Xoa, ông Phạm Duy Khương cũng đưa ra quan điểm không nên đưa ra mức cố định mà tính mức khởi điểm chịu thuế dựa trên mức lương tối thiểu. Khi lương tối thiểu tăng thì mức này cũng tăng lên. Tương tự, phần giảm trừ gia cảnh cũng được tính theo phần trăm của mức khởi điểm chịu thuế.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, các mức chịu thuế trong biểu thuế luỹ tiến từng phần hiện nay quá dày, dẫn đến thiệt thòi cho các đối tượng chịu thế, vì vậy, song song với hình thức điều chỉnh mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc thì Bộ Tài Chính nên xem xét để nâng mức thu nhập chịu thuế của từng bậc và giãn biên độ giữa các bậc thuế.

Một điểm không hợp lý nữa là rất nhiều người nhận lương hưu ở mức từ 500 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/tháng không được tính là người phụ thuộc. Trong khi thực tế mức lương hưu này không đủ để họ chi tiêu và họ vẫn phải phụ thuộc sự chu cấp của người thân. Ông Xoa cho rằng, phải tăng hạn mức lên cao hơn nữa, vì một người chỉ thu nhập ở mức 1 triệu đồng/tháng cũng đã rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Trước kia, cơ quan soạn thảo cũng có tính tới việc trượt giá, tăng lương uy nhiên mức độ trượt giá như hiện nay là cao vì vậy cũng cần thay đổi Luật để giảm gánh nặng cho người lao động.

Trong hai cách, giảm mức thuế suất hiện hành hoặc giãn khung nộp thuế thì cách tối ưu hơn là nên mở rộng khung nộp thuế. Ví dụ như thay vì quy định mức 5 triệu đến 10 triệu phải chịu thuế suất 10%, thì sửa 5 đến 20 triệu thu thuế 10%, hoặc 5 đến 30 triệu thuế 5%, cứ như vậy tăng mức lũy tiến theo từng bậc. Nếu sửa như vậy thì tỷ trọng nộp thuế trên thu nhập thực tế của người phải nộp sẽ thấp hơn nhiều so với khung cũ.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyển - Phó chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam

Cần phải có quy định cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cách tính hiện nay người Việt Nam còn chịu không nổi huống hồ là người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Thu nhập của người nước ngoài tính theo USD, vài ngàn USD là đã chịu bậc thuế cao, trong khi luật thuế của mình cho chiết trừ quá thấp thì sẽ khó thu hút được người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Không nên táp dụng mức tính thuế tuyệt đối vì nếu đưa ra một con số tuyệt đối cho mức chiết trừ gia cảnh thì mức đó sẽ chạy không theo kịp so với trượt giá và mức tăng lương. Nếu tính theo quy định hiện hành, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng đối với người lao động. Tuy nhiên, trước đây lương khởi điểm chỉ khoảng 540 nghìn đồng nhưng bây giờ đã 730 nghìn đồng. Nếu tính như vậy thì mức chiết trừ cho người làm ra thu nhập trước đây gấp khoảng 8 lần lương tối thiểu, còn giờ là 10 lần. Hơn nữa, khoảng cách giữa các bậc chịu thuế TNCN hiện nay quá dày, chỉ vài triệu đồng là đã rơi vào bậc thuế khác.

Ông Mai Thanh Tòng - Phó chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam

Luật thuế TNCN sắp tới phải chi phối được hết tất cả các nguồn thu nhập của người dân. Hiện nay luật chỉ mới thu được thuế của các công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan, còn những người hành nghề tự do chẳng hạn như ca sĩ, bác sĩ, tiểu thương ở chợ... thì vẫn rất khó biết được thu nhập thật sự bao nhiêu để tính thuế TNCN.

Theo tôi, không nên quy định cụ thể mức chiết trừ gia cảnh là bao nhiêu mà Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định mức này theo từng thời kỳ.

Hương Ly

Nguồn: Vietnam Business Forum


Các văn bản liên quan