Sẽ đưa vào dsách “đen” trên web vi phạm đấu thầu

Thứ Hai 10:57 22-05-2006
Sẽ đưa vào danh sách "đen" trên web vi phạm đấu thầu

(VietNamNet) - Ông Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, người trực tiếp phụ trách thẩm tra dự án Luật đấu thầu đã cho VietNamNet biết như vậy.

Chống khép kín trong đấu thầu, không thể làm ngay?

- Dự thảo Luật đấu thầu đưa ra lộ trình 3 năm kể từ khi Luật có hiệu lực (từ 1/7/2006 ) để khắc phục "khép kín" trong đấu thầu. (Chẳng hạn: Tư vấn lập báo cáo khả thi không được cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật; Nhà thầu, chủ dự án không được cùng một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính…). Thưa ông, lộ trình này có khả thi không?

- Việc tách bạch các chủ thể, các khâu, công việc như trên là để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Điều này xuất phát từ thực tế những năm vừa qua, trong hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng, tình trạng "khép kín" là nguyên nhân của nhiều tiêu cực.

"Khép kín" trước hết là quan hệ giữa chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định, xây dựng, nghiệm thu. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ để tiến tới xoá bỏ tình trạng này. Tuy nhiên, đây là vấn đề về tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành nằm trong chương trình tổng thế cải cách hành chính của Chính phủ gắn liền với quá trình cải cách hệ thống DNNN nên việc thực hiện cần có thời gian quá độ chậm nhất là 3 năm để Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị.

Tôi cho rằng lộ trình này đến năm 2009 là có tính khả thi. Hiện nay, còn một số bộ đang trực tiếp quản lý hàng trăm doanh nghiệp, không thể thực hiện ngay quy định trên được!

Vi phạm đấu thầu sẽ bị đưa vào danh sách "đen" trên web

- Về các hành vi bị cấm trong đấu thầu như lợi dung ảnh hưởng cá nhân để can thiệp, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, tiết lộ thông tin, dàn dựng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu thầu…. Theo ông, các quy định kiểm soát và chế tài trong dự thảo Luật có ngăn chặn được?

- Thực tế có nhiều tiêu cực và lựa chọn nhà thầu còn hình thức! Dự thảo Luật quy định 15 nhóm hành vi bị cấm trong đấu thầu, đồng thời quy định chung về chế tài xử lý các hành vi vi phạm đó. Tuy nhiên, với từng hành vi cụ thể sẽ được chi tiết hoá theo hướng dẫn của Chính phủ. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định việc đăng tải tên và nội dung vi phạm của tổ chức, cá nhân đó trên tờ thông tin về đấu thầu và trang web về đấu thầu của Nhà nước.

Tuy những hình thức xử lý vi phạm trong dự án Luật được quy định theo hướng không "hình sự hoá" các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, nhưng cũng đủ sức răn đe và xử lý những tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu mà thực tế thời gian qua đã xẩy ra. Chế tài xử lý vi phạm là cần thiết, song vấn đề cốt lõi vẫn là con người tham gia các quan hệ và thực tế pháp luật về đấu thầu. Quan trọng hơn cả là cần đề cao trách nhiệm!

- Có một thực trạng là bỏ thầu giá thấp, ‘trúng thầu bằng mọi giá’ sau đó tìm cách điều chỉnh giá gói thầu, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Làm sao để khắc phục được thực trạng này, thưa ông?

- Việc bỏ thầu với giá dự thầu thấp hơn nhiều so với giá dự toán là vấn đề bức xúc trong công tác đấu thầu. Nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu một số nhà thầu do sức ép giải quyết công ăn việc làm, phải trúng thầu bằng mọi giá; bỏ thầu giá thấp sau đó trong quá trình thực hiện lại xin điều chỉnh tăng vốn hoặc cũng có thể là "chiến lược" của nhà thầu… Nhưng cũng có nguyên nhân do khâu dự toán không chính xác, không tính hết các khoản mục chi phí phát sinh.

Việc bỏ thầu giá thấp xa so với giá dự toán sinh ra hậu quả, sau khi trúng thầu là bán thầu, kéo dài tiến độ dự án thực hiện, điều chỉnh dự toán, dẫn tới chất lượng công trình, dự án kém.

Để giải quyết trình trạng trên, qua theo dõi thực tiễn và xử lý cụ thể trong công tác đấu thầu, Ban soạn thảo dự kiến quy định xử lý tình huống liên quan tới giá dự thầu, giá ký hợp đồng trong một số trường hợp như: đơn giá bỏ thầu thấp bất thường; giá bỏ thầu thấp hơn so với dự toán được duyệt; giá đề nghị ký hợp đồng vượt giá trúng thầu hoặc vượt giá gói thầu được duyệt…

Vấn đề này sẽ được bàn thảo kỹ trong thảo luận và quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này. Trong đấu thầu, ngoài tiêu chuẩn tài chính (về giá), còn tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật cũng hết sức quan trọng! Nhà thầu cần đáp ứng các tiêu chuẩn này, bảo đảm mục tiêu đồng tiền Nhà nước bỏ ra đem lại sản phẩm tương ứng, không để tình trạng "trúng thầu bằng mọi giá".

Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng hơn cả là cần đề cao trách nhiệm và nâng cao chất lượng các khâu lập dự toán, xây dựng hồ sơ mời thầu và đặc biệt là việc giám sát thực hiện gói thầu. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng trên.

Khép lại điều kiện đối với đầu thầu hạn chế, chỉ định thầu.

- Lâu nay các hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, tự thực hiện chiếm đến 85% các dự án đấu thầu đã phát sinh tiêu cực. Để siết chặt lại, Luật cần quy định như thế nào?

- Đúng là trong những năm qua, mặc dù Quy chế đầu thầu được thực hiện nhưng phần lớn là đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và tự thực hiện. Vi phạm pháp luật về đấu thầu khi thực hiện các hình thức lựa chọn nhà thầu còn phổ biến.

Việc mua sắm hàng hoá bằng kinh phí nhà nước hàng năm cũng rất lớn và không ít tiêu cực. Do vậy, vấn đề mấu chốt ở chỗ Luật quy định cụ thể trong trường hợp cụ thể nào được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu nào để hạn chế tối đa sơ hở, lợi dụng.

Dự án Luật đã quy định khép lại các điều kiện đối với từng hình thức lựa chọn nhà thầu trên so với quy định hiện hành. Theo đó, chỉ định thầu chỉ áp dụng với những gói thầu có điều kiện hết sức cấp thiết như trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch hoạ, sự cố cần khắc phục ngay hoặc có yêu cầu khẩn cấp cho phép chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó chỉ định ngay nhà thầu để thực hiện gói thầu. Hoặc gói thầu thuộc dự án, công trình có yêu cầu cấp bách vì lợi ích quốc gia do Thủ tướng quyết định.

Đấu thầu hạn chế áp dụng theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với nguồn vốn sử dụng cho gói thầu hoặc gói thầu có yêu cầu về kỹ thuật cao hoặc kỹ thuật có tính đặc thù; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm mà chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Lần đầu tiên tạo cơ sở pháp lý cho đấu thầu qua mạng

- Có đề nghị nên thành lập sàn giao dịch đấu thầu, ý kiến này có được tiếp thu vào Luật không, thưa ông?

- Thiết lập sàn giao dịch về đấu thầu là một hướng chuyên nghiệp hoá hoạt động đấu thầu hay rộng hơn là hoạt động mua sắm công. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

Đối với nước ta, hoạt động đấu thầu tuy thực hiện hơn 10 năm nhưng mới ở giai đoạn đầu, cách hiểu, vận dụng và thực thi pháp luật còn mức độ. Nếu quy định ngay trong Luật sẽ khó khả thi, cần có bước tập dượt để chuyên môn hoá cao hơn.
Hơn nữa, việc hình thành sàn giao dịch về đấu thầu sẽ liên quan đến việc hình thành những tổ chức, chủ thể trong sàn giao dịch, phải có bước chuẩn bị kỹ hơn, đồng bộ hơn. Tuy nhiên, bước đầu, dự án Luật đã có quy định về đầu thầu qua mạng.

Đây là cách thức đấu thầu tiên tiến, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

- Các doanh nghiệp cổ phần hoá đang băn khoăn bởi quy định phải tổ chức đấu thầu những dự án có 30% vốn nhà nước trở lên. Quy định này có trái với Luật doanh nghiệp khi Nhà nước chỉ là một cổ đông?

- Trong quá trình chuẩn bị và thảo luận về dự án Luật này, chúng tôi có nhận được một số ý kiến về vấn đề nêu trên. Đúng là sẽ có trường hợp xảy ra trong công ty cổ phần khi phần vốn nhà nước chiếm trên 30% nhưng không giữ vai trò chi phối thì việc quyết định các gói thầu trên là do Hội đồng quản trị công ty đó. Điều này phù hợp với Luật doanh nghiệp.

Nhưng mặt khác, gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước nên cũng phải theo những quy định riêng về quản lý, sử dụng nguồn vốn đó làm sao cho hiệu quả và bảo toàn vốn. Những quy định đan xen là cần thiết! Vấn đề là Nhà nước điều hành như thế nào, sau này trong văn bản hướng dẫn phải quy định rõ.

- Xin cảm ơn ông!

Văn Tiến thực hiện - 09/11/2005

Các văn bản liên quan