Sẽ chỉ là cơ hội, QH thông qua Luật GDĐT-Chúng ta được gì?

Thứ Bảy 15:36 20-05-2006
Dự án Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này. Tuy nhiên, vẫn còn có nghi ngại : Liệu Dự Luật có cần thiết không khi giao dịch điện tử ở Việt Nam mới chỉ manh nha? Liệu Dự Luật có khả thi trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn thấp kém? Liệu Dự Luật có mang lại sự đột phá trong thực hiện Chính phủ điện tử và Thương mại điện tử ở nước ta?

Ở nhiều nước (ví dụ Hoa Kỳ hay Singapore), phải đến khi các giao dịch điện tử (GDDT) đã trở nên thật phổ biến họ mới tính đến chuyện soạn thảo luật GDDT để thừa nhận giá trị pháp lý của các giao dịch này. Ở Việt Nam, GDDT hiện đã có nhưng chưa nhiều, với những ứng dụng đơn giản, thiếu tính tương tác. Trong hoàn cảnh này, dường như pháp luật hiện hành cũng đã « đủ dùng », Quốc hội cần tập trung công sức cho những vấn đề cấp bách hơn. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin ở nước ta hiện còn chưa thật hoàn thiện, trình độ cũng như hiểu biết của đại đa số người dân về lĩnh vực này còn hạn chế. Do đó, nếu mọi GDDT đều được thừa nhận giá trị pháp lý tương đương giao dịch truyền thống khác thì sẽ thật rủi ro.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác đi nếu nhìn từ các góc độ tổng thể hơn.

Thứ nhất, Việt Nam theo hệ thống pháp luật thành văn, muốn áp dụng luật thì phải có quy định rõ ràng, không thể suy đoán hay dùng án lệ. Vì vậy, trong khi ở nhiều nước, nếu chưa có luật GDDT, người ta vẫn có thể sử dụng pháp luật hiện có để áp dụng cho những vấn đề đặc thù của GDDT, thì ở Việt Nam cách này là không thể. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp doanh nghiệp, người dân không dám tiến hành giao dịch điện tử chỉ bởi họ sợ rằng nếu giao dịch có trục trặc, sẽ không có pháp luật nào bảo vệ họ. Một số ngành (như Ngân hàng, tài chính…) đã thực hiện GDDT trong một phần hoạt động của mình nhưng vẫn phải duy trì song song hệ thống giấy tờ truyền thống. Vậy là luật GDDT đợi các GDDT thực tế, các GDDT thực tế lại đợi luật. Nếu không ban hành một luật để thừa nhận và tạo khung khổ pháp lý cho các GDDT thì không hiểu đến bao giờ câu chuyện « con gà có trước hay quả trứng có trước » này mới kết thúc.

Thứ hai, luật GDDT không thừa nhận mọi GDDT đều có giá trị pháp lý như giao dịch bằng các phương thức truyền thống khác một cách đương nhiên và vô điều kiện. Có hai giới hạn cho việc này. Một là, luật chỉ thừa nhận một số loại giá trị pháp lý (ví dụ giá trị như văn bản, giá trị làm chứng cứ, giá trị lưu trữ…). Hai là, để được thừa nhận một giá trị pháp lý nào đó, GDDT phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà luật định. Bên cạnh đó, các bên trong giao dịch vẫn phải tuân thủ các quy định của các pháp luật khác có liên quan. Tính rủi ro trong GDDT, do đó, đã được hạn chế tối đa.

Như vậy, Luật GDDT là rõ ràng là cần thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay. Người ta cũng hy vọng rằng luật này sẽ là cơ hội để thúc đẩy các GDDT tại Việt Nam, đặc biệt là thương mại điện tử và chính phủ điện tử. Có Luật, các GDDT được thừa nhận giá trị pháp lý, các chủ thể có thể xác định rõ các quyền và nghĩa vụ liên quan của mình, có khuôn mẫu để thực hiện theo và được bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Đối với thương mại điện tử, việc ban hành luật GDDT với các quy định tương đương với thông lệ quốc tế sẽ môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh qua mạng, đặc biệt khi quan hệ với đối tác nước ngoài. Đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước và dịch vụ hành chính, luật GDDT sẽ là căn cứ pháp lý để tiến hành các GDDT giữa họ với nhau và với người dân, doanh nghiệp một cách thống nhất, nhanh chóng và an toàn.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng sự ra đời của Luật GDDT chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ cho sự phát triển của GDDT. Giống ta xây đường cao tốc vậy : có làn đường, có biển hiệu, có quy tắc về tốc độ không có nghĩa là sẽ có nhiều người đi và đi an toàn ; vấn đề còn phụ thuộc vào điều kiện của người tham gia, chất lượng phương tiện sử dụng, hiểu biết của người đi trên đường… Cũng như vậy, dù đã có khung khổ pháp lý, các GDDT chỉ thực sự phổ biến và an toàn nếu các chủ thể muốn và biết sử dụng phương tiện điện tử cho giao dịch của mình, nếu họ có kiến thức tối thiểu về công nghệ cũng như về pháp lý để tiến hành GDDT… Tương tự, để thương mại điện tử và chính phủ điện tử trở thành hiện thực ở Việt Nam, bên cạnh sự bảo hộ pháp lý của Luật GDDT, điều quan trọng là những người trong cuộc (doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, cán bộ, người dân) nhận thức đầy đủ về những lợi ích mà giao dịch điện tử mang lại và có quyết tâm, có trình độ để không bỏ qua các những lợi ích này.

Tóm lại, Luật GDDT không tự mình tạo ra các GDDT, cũng không thể đảm bảo tính an toàn của mọi GDDT. Nhưng Luật tạo ra một khung khổ pháp lý cho các giao dịch điện tử, và do đó mở ra cơ hội để có những giao dịch điện tử thuận lợi và an toàn. Có nắm bắt và tận dụng được cơ hội đó hay không lại là một câu chuyện dài...

Các văn bản liên quan