Quy định về Hội nghề nghiệp, một vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi xây dựng và ban hành Luật Kiểm toán độc lập

Thứ Năm 14:06 08-04-2010
Quy định về Hội nghề nghiệp, một vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi xây dựng và ban hành Luật Kiểm toán độc lập
Bùi Văn Mai
Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính

Tạp chí Kiểm toán phỏng vấn Ông Bùi Văn Mai-Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính

Được biết việc xây dựng dự thảo Luật Kiểm toán độc lập hiện đã được khởi động, ông có thể cho biết một số thông tin về vấn đề này?

Năm 2003 Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Pháp lệnh về kiểm toán độc lập (KTĐL), sau đó sẽ nâng lên thành luật. Tuy nhiên, khi đó Quốc hội chỉ đạo tập trung ban hành Luật KTNN và Luật KTĐL sẽ ban hành sau. Nay Luật KTNN đã đi vào thực hiện, mối quan hệ giữa hai lĩnh vực đã được xác định rõ, đã có đủ điều kiện để tiếp tục triển khai.

KTĐL ở Việt Nam đã trải qua 16 năm hoạt động với vốn kinh nghiệm thực tế khá phong phú, điều kiện quan trọng để tiến tới luật hóa. Xây dựng và ban hành luật là bước quan trọng hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này trong xu thế hội nhập, mở cửa và cũng là để xác lập địa vị của người lao động trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán một cách ngang tầm. Từ đầu năm 2007, Bộ Tài chính đã đề xuất chủ trương xây dựng luật với Chính phủ, trình xin ý kiến Quốc hội thông qua kế hoạch xây dựng luật vào tháng 11/2007. Theo kế hoạch này, Dự án Luật KTĐL sẽ trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp giữa năm 2009 để có thể thông qua trong kỳ họp tháng 11 cùng năm 2009. Hiện Bộ Tài chính đã chủ động tiến hành các công tác chuẩn bị.

Đến nay chúng tôi đã và đang triển khai một số nội dung: Thứ nhất, sẽ tổng kết 16 năm hoạt động KTĐL; thứ 2 là sưu tấm và hệ thống hoá những văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến kiểm toán nói chung và KTĐL nói riêng. Để đáp ứng việc xây dựng luật với đủ các yếu tố trước yêu cầu hội nhập, chúng tôi sẽ thu thập các luật và những quy định về KTĐL của các nước trên thế giới. Hiện cũng đã thuy thập đuợc văn bản luật của gần 20 quốc gia. Việc mời chuyên gia nước ngoài sang làm việc nhằm tìm hiểu kinh nghiệm của các nước về KTĐL cũng đang được tiến hành, đến nay chuyên gia đã sang làm việc hai lần. Trong tháng 7 vừa qua chúng tôi cũng đã tổ chức một đoàn chuyên gia Việt Nam sang Hà Lan để tìm hiểu về cách tổ chức, hoạt động KTĐL. Theo dự kiến, đầu năm 2008 sẽ thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc để triển khai soạn thảo, phấn đấu đúng kế hoặc của Chính phủ về việc trình dự thảo lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vào giữa năm 2009.


Vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong quá trình xây dựng dự thảo luật trong thời điểm này là gì, thưa ông?

Có thể nói những nội dung của Luật KTĐL đã định hình khá đầy đủ. Vấn đề chính là việc hệ thống hoá và nâng tầm lên thành văn bản luật. Tuy nhiên, đáng quan tâm nhất sẽ là việc xác định vai trò của hội nghề nghiệp, mối quan hệ của hội nghề nghiệp về kiểm toán với cơ quan quản lý nhà nươc.

Hiện nay hội nghề nghiệp về kiểm toán (VACPA) đã ra đời và đi vào hoạt động, là một cơ sở tốt để xây dựng các nội dung của luật cho phù hợp. Nhìn nhận một cách tổng thể, vấn đề này có liên quan và chi phối nhiều nội dung khác. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2005/NĐ-CP ngày 01/07/2005 về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính, trong đó cũng đang tính đến việc xây dựng những cơ ché chính sách về quản lý tài chính, kế toán. Câu hỏi đang đặt ra là Bộ- với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, có tiếp tục đảm nhiệm những công việc lẽ ra thuộc về chức năng của hội nghề nghiệp như trước đây? Kết quả khảo sát, học tập kinh nghiệm một số nước cũng cho thấy, cơ quan nhà nước chủ yếu đảm nhận chức năng hướng dẫn thi hành luật và kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động. Việc hướng dẫn các thủ tục, nguyên tắc kỹ thuật, xây dựng và công bố các chuẩn mực kê toán- kiểm toán và quản lý người hành nghề là do các tổ chức nghề nghiệp đảm nhiệm. Như vậy, nếu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Bộ thì đương nhiên nhiệm vụ đó cũng phải được quy định trong Luật KTĐL. Xây dựng Luật KTĐL vào giai đoạn này sẽ đạt được yếu tố đồng bộ ở chỗ đó. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang bàn đến việc hình thành Cục kiểm tra, giám sát các dịch vụ tài chính (bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán) và có thể cả dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Vì vậy, tiến độ xây dựng dự thảo luật sẽ phụ thuộc một phần vào việc quyết định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.


Sự liên quan và việc xử lý mối quan hệ giữa KTĐL với các loại hình kiểm toán khác sẽ được đề cập trong Luật KTĐL như thế nào, thưa ông?

Hệ thống kiểm toán Việt Nam hiện có ba bộ phận là KTNN, KTĐL và kiểm toán nội bộ. Tuy có vài trò, chức năng khác nhau nhưng các lĩnh vực kiểm toán của các bộ phận kiểm toán nếu trên đương nhiên là có mối quan hệ với nhau. Chẳng hạn, trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay sự đan xen giữa tư và công rất phổ biến, các dự án của nhà nước cũng tương tự. Vì vậy, DNNN và dự án Nhà nước tuy do KTNN tiến hành kiểm toán nhưng cũng có thể là khách hàng của KTĐL. Còn kiểm toán nội bộ có cả trong doanh nghiệp tư, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan nhà nước.

Mặt khác, phương pháp kỹ thuật kiểm toán về cơ bản là giống nhau. Trên thế giới, kỹ thuật kiểm toán của KTĐL thường phát triển trước và có tính thích ứng cao. Chính vì thế KTNN các nước có xu hướng khai thác và tận dụng kỹ thuật của KTĐL. Tất nhiên là mỗi loại kiểm toán có những mặt kỹ thuật riêng do không phải quan hệ ngang bằng. Với đơn vị được kiểm toán, KTNN biểu hiện rõ sự gắn liền với quyền lực nhà nước, tiến hành kiểm toán phục vụ nhu cầu về quản lý và hoạch định chính sách; trong khi KTĐL với khách hàng là quan hệ ngang bằng. Về báo cáo kiểm toán, báo cáo của KTNN cũng đòi hỏi tính giải trình cao hơn.

Một vấn đề cũng đang đặt ra, đó là khâu đào tạo kiểm toán viên. Ở nhiều nược, việc đào tạo kiểm toán viên gần như có chung các tiêu chuẩn. Tức là để đào tạo một KTV (cho tất cả các loại hình kiểm toán) có tới 80% kiến thức ngành nghề là giống nhau, chỉ khi thực hành mới có sự khác biệt. Chính vì vậy, kiểm toán viên nhà nước ở các quốc gia có chứng chỉ nghề nghiệp KTĐL là khá phổ biến. Được biết, hiện nay KTNN cũng đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu và cử KTV đi học và thi lấy chứng chỉ của một số hội nghề nghiệp, đó chính là một trong những biểu hiện của xu thế hoà nhập giữa các lĩnh vực kiểm toán với nhau.


Xin ông cho biết rõ hơn vấn đề quản lý nhà nước về kiểm toán dự kiến sẽ được thể hiện trong Luật KTĐL?

Theo quan điểm của chúng tôi, quản lý nhà nước về kiểm toán ngày càng phải được tăng cường nhiều hơn. Trước mắt phải tăng cường về kiểm tra, kiểm soát và xử lý các sai phạm vướng mắc. Quản lý nhà nước không chỉ là việc ban hành văn bản pháp luật và kiểm tra việc thực hiện mà quan trọng hơn là kiểm tra kiểm soát chất lượng hoạt động. Tiếp đến cần phải có một lộ trình thích hợp trong việc chuyển giao một số chức năng, quản lý cho Hội nghề nghiệp về kế toán - kiểm toán. Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời là một giải pháp tăng cường tính độc lập và khách quan của hoạt động KTĐL.

Bốn nội dung chính về quản lý nhà nước chúng tôi sẽ quan tấm khi xây dựng dự thảo Luật bao gồm: ban hành văn bản pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ; chức năng quản lý tổ chức và cá nhân hành nghề; đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên; tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên. Theo tôi, những việc có thể giao ngay cho tổ chức nghề nghiệp thực hiện là quản ký các tổ chức, cá nhân hành nghề; quản ký về đạo đức nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức. Một số nội dung cần sự phối hợp thực hiện là xây dựng, ban hành chuẩn mực, hướng dẫn kỹ thuật; kiểm tra, kiêm soát chất lượng chuyên môn. Về cấo chứng chỉ kiểm toán viên, trước mắt vẫn do Nhà nước thực hiện nhưng sẽ có lộ trình chuyển giao cho hội nghề nghiệp. Đến một thời điểm thích hợp, Nhà nước sẽ chỉ còn ban hành văn bản pháp luật và giám sát, kiểm tra việc thực hiện mà thôi.

Được biết tại các buổi thảo luận về sửa đổi, bổ sung chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để xây dựng Nghị định trình Chính phủ có đề cấp đến KTNN và kiểm toán nội bộ trong phần quản lý nhà nước về kiểm toán, ông có thể cho biết thông tin về vấn đề này?

Trong dự thảo Nghị định có đề cập tới chức năng quản lý nhà nước về kiểm toan, theo tôi hiểu đương nhiên đó là quản lý nhà nước về kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, do không nêu cụ thể phạm vi quản lý về kiểm toán gồm các đối tượng kiểm toán nào nên có đại biểu đặt câu hỏi quy định này có bao gồm KTNN và kiểm toán nội bộ hay không? Tuy nhiên trong Dự thảo hiện nay cũng không nói rõ vấn đề này.


Khi Luật KTNN được ban hành đã tại được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và trong nước, có chăng khi Luật KTĐL được ban hành có giống như vậy?

Luật KTNN ra đời có thể coi như bước ngoặt quan trọng, thay đổi cơ bản địa vị pháp lý và vị thế của KTNN, vì thế thu hút được sự quan tâm rộng rãi. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật về KTĐL hiện đã tương đối đầy đủ, khi xây dựng luật sẽ không có sự thay đổi nhiều. Theo tôi, khi xây dựng và ban hành luật KTĐL, như trên đã nói, vấn đề sẽ thu hút sự quan tâm lớn nhất là quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội nghề nghiệp và mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với Hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay Hội Kiểm toán viên hành nghề cũng đã dần khẳng định được vị thế, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cho thấy được những yêu cầu trong việc chuyển giao chức năng về quản lý nghề nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước sang tổ chức hội.

Xin cảm ơn ông!

(Tạp chí Kiểm toán)

Các văn bản liên quan