Ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam – Trưởng Ban soạn thảo báo cáo một số nội dung liên quan đến các vấn đề của Dự thảo luật

Thứ Tư 09:57 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn và xin tiếp thu nhiều ý kiến phát biểu các đại biểu Quốc hội để cùng với Ủy ban Tư pháp và các Ủy ban chức năng của Quốc hội rà soát lại chỉnh lý trình Quốc hội thông qua, tôi xin phát biểu thêm vài ý như thế này.

Ý thứ nhất, đồng chí đại biểu Nguyễn Ngọc Đào có khen chúng tôi vận dụng, sáng tạo đưa các Luật quốc tế vào, sau đó đồng chí cho tôi một cú là hình như máy móc ôm hết Luật quốc tế vào. Thực sự mà nói tôi cảm ơn dù không tán thành ý kiến của đồng chí.

Tôi xin báo cáo thật với các đồng chí như thế này. Khi biết xây dựng Luật trọng tài thương mại thì chính giám đốc Trung tâm trọng tài quốc tế London sang gặp tôi tại trụ sở Hội luật gia. Họ nói rằng: "Chúng tôi nghĩ rằng xây dựng Luật trọng tài thương mại như thế này trước hết phải lấy hoàn toàn luật mẫu của Liên Hiệp Quốc đưa vào và chỉ trong 10 ngày là các ông làm xong thôi. Cứ chép nguyên đúng luật mẫu vào vì đó là thông lệ nhiều quốc gia khác đã làm.". Báo cáo đồng chí Đào và tất cả các đồng chí, chúng tôi quần đến gần 1 năm nay vì Luật trọng tài thương mại này, rà soát từng điểm, đối chiếu luật mẫu và Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 để vận dụng sáng tạo. Tôi nói ít nhất có mấy vấn đề mà chúng ta vận dụng sáng tạo. Việc thứ nhất là quản lý nhà nước về trọng tài, luật mẫu không nói về quản lý nhà nước, hai là trọng tài viên luật mẫu quốc tế nói không có nước nào quy định tiêu chuẩn trọng tài viên như của ta cả. Ngay điểm nhỏ nhất là về ngôn ngữ, quốc tê quy định ngôn ngữ do bên tự thỏa thuận, ngôn ngữ của ta, tôi nhớ rằng trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội đồng chí Trần Thế Vượng có nói phải đảm bảo chủ quyền của đất nước cho nên chúng tôi đưa vào ngôn ngữ sử dụng nói chung là phải bằng tiếng Việt trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy tức là chúng tôi vào từng chi tiết một đã có vận dụng rất chặt chẽ trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 cũng do Hội luật gia trình với Quốc hội. Xin thưa các đồng chí, các đồng chí yên tâm, chúng tôi không thể và không được bê nguyên xi Luật trọng tài của nước ngoài vào nhưng cũng không thể không quan tâm đến những quy định chung mà nó trở thành thông lệ quốc tế. Xin báo cáo việc thứ nhất.

Việc thứ hai, đi qua nhiều cuộc hội thảo và khảo sát quốc tế người ta rút ra một chân lý như thế này. Trọng tài thương mại chỉ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nếu có sự gắn kết chặt chẽ với tòa án, trọng tài thực chất mà nói là tòa án tư nhưng toà án tư không thể hành chính hoá làm như toà án công được nhưng phải có sự gắn kết ủng hộ của toà án, trọng tài tốt nếu có một toà án tốt, toà án đó ủng hộ các hoạt động của trọng tài nhưng không phải can thiệp sâu vào các hoạt động của trọng tài. Trong này đã xây dựng Điều 6 toà án từ chối thụ lý trong trường hợp đã cho thoả thuận trọng tài thì tôi cho rằng đây là điểm rất hay. Pháp lệnh trọng tài thương mại chưa nói rõ vấn đề này, nhưng khi thảo luận để ngăn chặn tình trạng là cứ một đơn khiếu kiện đưa lên toà án huỷ phán quyết trọng tài sau đó chuyển vụ án sang toà án và sẽ kéo dài không có thời hạn. Đây là một điểm mà chúng tôi cho rằng khi làm thì Ủy ban Tư pháp cũng như các uỷ ban của Quốc hội cùng với chúng tôi và các chuyên gia đã thảo luận rất kỹ từng chi tiết từng điểm một. Đó là mối quan hệ giữa toà án và trọng tài.

Thứ ba, các đồng chí cũng mong muốn rằng phán quyết, xét xử của trọng tài là thoả thuận trọng tài phải công khai, đây là một nguyên tắc kinh điển của tất cả các trọng tài quốc tế mà mình không thể vận dụng sáng tạo đưa vào Việt Nam là thoả thuận trọng tài phải công khai. Nếu thế thì ai vào đây cả và chúng ta không thể làm được vì ưu điểm của trọng tài là thảo luận, là bảo đảm bí mật của đôi bên, đôi bên ở đây chủ yếu là các nhà kinh doanh hai bên đương sự, trên cơ sở xuyên suốt và tôn trọng sự thoả thuận của hai bên, tất cả thoả thuận này phải giữ kín chứ không phải công khai như xét xử công của toà án. Cho nên đây là nguyên tắc mà tôi nghĩ rằng dù các đại biểu hiểu như thế này hay hiểu như thế khác và yêu cầu buộc phải công khai thì cũng không không thể công khai được trong thoả thuận trọng tài mà xét xử trọng tài phải công khai. Đó là nguyên tắc kinh điển và vừa là lợi thế trong xét xử trọng tài. Đó là điểm thứ ba.

Nhân đây tôi cũng xin báo cáo thêm là chúng ta chưa có thông lệ giải quyết bằng trọng tài cho nên từ Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đến nay, xét xử hiện nay có 8 Trung tâm trọng tài nhưng hoạt động rất yếu, bèo bọt, chủ yếu là trình độ năng lực của trọng tài thương mại chúng ta hiện nay chưa cập nhật và đáp ứng được tiêu chuẩn chung của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là xu thế chung mà trong hội nhập quốc tế, trong các nước người ta đều có khuynh hướng đó, đặc biệt là ở Anh và Singapo trong khu vực chúng ta và ở ngay nước Anh thì 80% giải quyết các tranh chấp thương mại đều thông qua trọng tài. Nước Anh là nước luật pháp và Tòa án có truyền thống rất lâu rồi, nhưng cũng đều giải quyết tranh chấp qua trọng tài. Vì lợi thế giải quyết tranh chấp qua trọng tài là nó vừa nhanh chóng, không xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và phán quyết của trọng tài là chung thẩm thực hiện luôn và đảm bảo bí mật của đôi bên. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải sớm đưa hoạt động của trọng tài vào hoạt động để giải quyết các tranh chấp. Vả lại có một yêu cầu cấp bách với chúng ta nữa là sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới 3 năm thì thị trường về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của nước ta là mở cửa. Nếu chúng ta không tổ chức kịp và nâng cao trình độ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì trọng tài quốc tế các nước sẽ vào đây mà trước hết là Singapo, Hồng Kông là 2 nước sát đây họ sẽ vào hết.

Và gần đây khi thảo luận trong Hiệp hội luật các nước ASEAN thì báo cáo các đồng chí là người ta cũng nói rằng giải quyết tranh chấp ASEAN sẽ chủ yếu bằng trọng tài, mỗi nước phải chọn ra 10 người giới thiệu với Hiệp hội luật các nước ASEAN tự chọn trong số 10 người của mỗi nước, 10 nước của ASEAN thì 100 trọng tài và các ngài tự chọn để giải quyết tranh chấp khi phát sinh những vấn đề của nước mình hay những vấn đề giữa các nước ASEAN với nhau. Cho nên chúng tôi cho rằng việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nó trở thành cấp bách với chúng ta khi chúng ta hội nhập với ASEAN, hội nhập vào Tổ chức thương mại thế giới và chúng ta càng để chậm trễ vấn đề này thì chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu và thua ngay trên sân nhà. Với tinh thần như thế thì chúng tôi làm vừa qua là hết sức cố gắng, hết sức trách nhiệm đặc biệt là Ủy ban Tư pháp rà soát từng điểm một và hết ngày này sang ngày khác, làm cả tuần về dự thảo luật này. Vì vậy các đồng chí yên tâm, nhưng với tư cách là trưởng Ban soạn thảo tôi xin tiếp thu tất cả ý kiến các đồng chí để nghiên cứu một cách nghiêm túc. Cũng mong rằng khen vừa mức độ như đồng chí  Đào, nhưng để đi đến chỗ ủng hộ chúng tôi thông qua Luật trọng tài thương mại ngay tại kỳ họp này, chúng tôi khẩn trương sửa chữa, nếu để lại kỳ họp sau thì không biết đến bao giờ, trong khi đó trọng tài quốc tế sát chúng ta rồi.

Tôi xin thông báo, hỗ trợ của Tòa án với trọng tài, chúng tôi có sang thăm quan và làm việc với Tòa án tối cao Singapo họ có nói: Tòa án Singapo có bộ phận từ 3 - 5 cán bộ, Tòa án các cấp đều có bộ phận từ 3 - 5 cán bộ chuyên theo dõi hoạt động trọng tài ngay từ khi vụ khởi kiện các tranh chấp thông qua trọng tài để có gì Tòa án sẽ hỗ trợ ngay trọng tài. Vì vậy Singapore là thị trường kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh doanh hoạt động trọng tài.

Với tinh thần cấp bách như thế chúng tôi xin một lần nữa cám ơn ý kiến các đại biểu, chúng tôi xin tiếp thu chấn chỉnh hoàn thiện dự án này trình Quốc hội. Rất mong Quốc hội sớm thông qua dự thảo luật này. Xin hết.

Các văn bản liên quan