Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thuận – Quảng Nam

Thứ Ba 09:27 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi xin đồng tình cao với nhiều ý kiến của Ủy ban Kinh tế và của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi về mấy nội dung:

Thứ nhất, về chính sách liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ quốc gia,

Thứ hai, giữ lãi suất cơ bản hay gọi là lãi suất định hướng, ở đây xin nói thêm với đại biểu Vũ Viết Ngoạn rằng các đại biểu Quốc hội không hiểu nhầm về khái niệm mà các đại biểu hiểu đúng bản chất của vấn đề,

Thứ ba là bỏ vai trò chủ sở hữu của ngân hàng Nhà nước như ý kiến của Ủy ban Kinh tế,

Thứ tư, xung quanh vấn đề sử dụng tạm ứng ngân sách,

Thứ năm, vấn đề thị trường ngoại hối tập trung để làm sao không biết chúng ta tồn tại đến bao giờ có hai chính sách ngoại hối. Chính sách ngoại hối ở bên ngoài và chính sách ngoại hối bên trong để có những đại biểu Quốc hội là những nhà kinh doanh đã phải nói với báo chí và gửi chất vấn rằng: muốn đổi tiền ở trong ngân hàng thì phải mất mỗi một đô la mất 400 - 500 đồng, rồi xung quanh vấn đề giải trình, trách nhiệm giải trình và nhiều những vấn đề khác nữa. Tôi cho rằng những nội dung này cần phải được nghiên cứu rất căn cơ để xử lý có như vậy mới nâng cao được chất lượng của Luật ngân hàng mà chúng ta định sửa đổi.

 Tôi xin phát biểu về hai nội dung:

Thứ nhất, là xung quanh địa vị pháp lý của ngân hàng nó liên quan đến chức năng, nhiệm vụ chúng ta xử lý trong luật này thế nào? Trước hết tôi đồng tình với địa vị pháp lý của ngân hàng:

Một, là chức năng quản lý Nhà nước, hai là Ngân hàng của các ngân hàng tức là Ngân hàng Trung ương.

Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu kể cả luật hiện hành cũng như dự thảo luật chưa làm rất rõ được những chức năng quản lý Nhà nước của ngân hàng là như thế nào? Có phải như các Bộ và cơ quan ngang Bộ khác không? Hay phải chăng nó tập trung vào mấy việc, ví dụ quy định lãi suất cơ bản hoặc lãi suất định hướng và kiểm tra việc thực hiện lãi suất đó, đấy là chức năng quản lý Nhà nước có phải không? Hoặc việc thực hiện và tổ chức hoạt động tín dụng và như thế nào? Ngay cả việc cho tổ chức cấp phép thành lập ngân hàng cũng phải căn cứ vào những yêu cầu nào? Chẳng hạn ví dụ với một nền kinh tế ở nước ta như thế này thì khả năng hấp thụ tài chính như thế thì bao nhiêu ngân hàng là vừa? bao nhiêu ngân hàng nước ngoài, còn bao nhiêu ngân hàng trong nước, những nội hàm đó chưa được giải quyết. Hoặc việc kiểm tra thực hiện quy định pháp luật về hoạt động tín dụng chúng ta nên như thế nào, rồi chế độ trách nhiệm, tóm lại xung quanh lĩnh vực Nhà nước như vậy.

Còn về làm thế nào để ngân hàng có thể trở thành Ngân hàng Trung ương của các ngân hàng. Có phải chăng là đấy là trách nhiệm về điều hành lãi suất, rồi trách nhiệm tổ chức hoạt động giao dịch như đại biểu Loan đã nói, tức là để thông qua tổ chức tín dụng, để tránh sử dụng kinh tế tiền mặt hoặc vấn đề tín dụng, rồi bảo lãnh vay. Vấn đề này nó liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội xung quanh đến chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thế nào. Tôi cũng không phải là nhà kinh tế nhưng nghiên cứu thì thấy nó có mấy việc thế này thì chúng ta xử lý thế nào. Ví dụ xung quanh thẩm quyền quyết định về ngân sách, chính sách tài chính tiền tệ có liên quan gì đến quyết định ngân sách không. Chính sách thu chi, xung quanh vấn đề lạm phát có thể quyết định định hướng hay chúng ta phải quyết định lạm phát.

Thứ ba là phát hành tiền thế nào, khi nào thì được phát hành và khi nào không, phát hành bao nhiêu, không phải là bao nhiêu tiền phát hành mà phát hành làm thế nào để bảo đảm được an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Thì vấn đề này quyền của Quốc hội đến đâu, tiền phát hành ra nó có thuộc ngân sách không hay nó thuộc chỗ nào. Chắc chắn nó phải thuộc ngân sách chứ, thế Quốc hội quyết định thu chi ngân sách hàng năm quyết định từng này, thế chúng ta phát hành một lượng tiền làm gì để bỏ tiền đó mua ngoại tệ hay để đồng tiền đó làm gì. Nó có liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội hoặc là dự trữ ngoại tệ sử dụng nó thế nào, ai có quyền quyết, quyết một đồng ra ngoài thì nó ảnh hưởng ngay sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Và các nhà kinh tế của thế giới người ta nói thế này "hãy nhìn vào con đường đi của đồng tiền thì hiểu được hiệu quả hoạt động quản lý điều hành của quốc gia đó thế nào mà trực tiếp là quản lý của Chính phủ".

Xung quanh vấn đề bảo lãnh vay, điều kiện nào được bảo lãnh các đại biểu nói rồi, mức bảo lãnh đến đâu và ai quyết định. Tất cả những nội dung này thì không thể chỉ có vài ba câu chung chung như trong luật được.

Nội dung thứ hai, chúng tôi muốn tham gia là có hay không hội đồng chính sách tài chính tiền tệ trong ngân hàng. Tôi rất tán thành cách đặt vấn đề như đại biểu Nguyễn Văn Phúc. Nếu chúng ta cho rằng Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chỉ là cơ quan tư vấn thì thực ra ý nghĩa không nhiều, như vậy chẳng cần quy định trong luật làm gì, cứ phải tuân thủ theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, nếu là cơ quan tư vấn thì Chính phủ, còn nếu chúng ta thực sự đổi mới thì Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải có thẩm quyền quyết định chứ không phải là cơ quan tư vấn cho Thống đốc được, chỗ này cần phải nghiên cứu các quy định của các nước, đặc biệt là một số nước có thể chế chính trị giống ta chẳng hạn như Trung Quốc, ta xem vai trò, trách nhiệm của Hội đồng này trong ngân hàng thế nào. Nếu chỉ là cơ quan tư vấn thì sự thực trách nhiệm cũng không rõ ràng lắm mà lại nở thêm tổ chức bộ máy. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan