Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Sáu 15:44 18-06-2010

Xin cảm ơn đại biểu.

Cho phép tôi có một số ý kiến kết thúc thảo luận sáng nay.

Kết thúc thảo luận có 24 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Qua ý kiến tổng hợp thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường, tôi xin có ý kiến một số điểm như sau.

Một là trong thời gian vừa qua chúng ta đánh giá một cách khách quan việc quản lý hoạt động khoáng sản còn nhiều yếu kém. Đây là một nguồn lực lớn của nhà nước nhưng còn đang khá lãng phí và phát sinh nhiều hệ lụy không tốt cho cả môi trường, phòng ngừa thiên tai, an ninh trật tự xã hội v v…Cho nên trong thời gian tới kể cả việc quy định ở trong dự án Luật này và trong tổ chức thực hiện phải xác định thật rõ tầm quan trọng của khoáng sản - một tài nguyên rất quý giá, nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước thì phải làm tốt hơn.

Hai, xoay quanh vấn đề chính sách của Nhà nước đối với khoáng sản và nguyên tắc hoạt động khoáng sản, chúng ta phải thể hiện rõ và mang tính khẳng định một số điểm ngoài những nội dung đã nêu trong dự thảo.

Thứ nhất là phải thể hiện tinh thần triệt để tiết kiệm và sử dụng khoáng sản có hiệu quả, đáp ứng cho yêu cầu trước mặt nhưng đặc biệt quan tâm đến đáp ứng cho yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, vì đó là những tài nguyên không tái tạo được.

Thứ hai phải xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản trong việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và xử lý những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện việc thăm dò, khai thác khoáng sản.

Thứ ba là phân cấp, đó là xu hướng chung nhưng phải gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát. Thanh tra từ trên đối với dưới và thanh tra cùng cấp để đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được nghiêm.

Ba, về phân công và thẩm quyền lập các loại quy hoạch. Đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý sự phân công như trong dự thảo luật. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm, chọn điểm dừng ở từng khâu, trong từng lĩnh vực khoáng sản để khi phân công và xác định thẩm quyền của các loại quy hoạch cho phù hợp. Đồng thời làm rõ nội hàm từng loại quy hoạch, giúp cho quá trình quy hoạch xuôi xẻ hơn.

Thứ tư, về phân cấp, cấp phép, đa số các vị đại biểu Quốc hội đồng ý như dự thảo. Có ý kiến cho rằng phải phân cấp mạnh hơn, sau khi phân cấp rồi trong quá trình thực hiện phải thực hiện những quy định về nguyên tắc đấu giá, cả đấu giá thăm dò và đấu giá khai thác. Có đại biểu Quốc hội mong muốn phải tập trung cao hơn quản lý ở cơ quan Trung ương đó là Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường. Nhưng dù phân cấp như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải xác định thật rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương để quản lý nguồn lực hết sức quý giá này của đất nước.

Thứ năm, về lợi ích của địa phương và nhân dân nơi diễn ra hoạt động khoáng sản. Như trên tôi đã nói một phần về nguyên tắc và chính sách, tổ chức và cá nhân có hoạt động khoáng sản phải có trách nhiệm, chứ không phải chỉ khuyến khích tham gia hay không tham gia, làm hay không làm.

Xoay quanh vấn đề quy định về phân chia nguồn thu trong hoạt động khoáng sản. Xin báo cáo Quốc hội trong luật này chỉ nêu có tính nguyên tắc để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, tổ chức đầu tư và nhân dân địa phương. Còn việc phân chia cụ thể nguồn thu như thế nào sẽ được quy định trong Luật ngân sách nhà nước, không thể ghi % trong luật này được và cũng tùy thuộc từng loại khoáng sản quy mô khác nhau.

Thứ sáu, xoay quanh vấn đề đấu giá, chúng ta chỉ đặt vấn đề đấu giá quyền thăm dò và đấu giá quyền khai thác, chứ chưa đặt ra đấu giá mỏ, cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội có nên đấu giá mỏ hay không. Cho nên kỳ này phân biệt rất rõ ở từng khâu một. Đối với khoáng sản nó có đặc thù là khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, giao Nhà nước quản lý, nhưng cấp phép cho một tổ chức nào đó khai thác, thì nó có đặc thù là vô hình chung mình chuyển quyền sở hữu về thực chất là cho tổ chức và cá nhân. Cho nên 3 khâu này phải phân biệt rất rõ ràng xoay quanh vấn đề đấu giá, mà phải đấu giá.

Còn việc thăm dò và khai thác có những quy định về pháp lý cũng khác nhau, nó không thể giống nhau được, tùy từng loại khoáng sản và quy mô khoáng sản cũng như mỏ khoáng sản đó, khoáng sản đó nằm ở địa bàn khác nhau trong phạm vi cả nước. Nó có tính nhạy cảm về kinh tế, về quốc phòng, về an ninh khác nhau chưa được thể hiện ở trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Vấn đề thứ bảy là một số vấn đề khác.

Thứ nhất, xoay quanh vấn đề chuyển nhượng giấy phép khai thác, thăm dò. Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý có quy định này, nếu anh không làm nổi thì anh trả lại Nhà nước và phải có những quy định xử lý là anh không làm nổi, anh trả lại Nhà nước thì không nhất thiết Nhà nước phải xử lý toàn bộ hệ quả xảy ra mà anh không thực hiện được. Anh làm dở dương, anh bới ra đấy, anh vào anh hăng hái, lúc rút ra anh dễ, như vậy là không được. Phải có chế tài xử lý hẳn hoi, chứ không phải tôi đền bù hết tất cả cho anh đâu. Chỗ này phải có quy chế, quy định của pháp luật chặt chẽ hơn.

Thứ hai, về thời hạn thăm dò thì cũng sẽ nghiên cứu thêm cho phù hợp.

Thứ ba, về phân kỳ quy hoạch cũng sẽ tính thêm cho phù hợp với từng loại mỏ và từng quy định về phân cấp.

Thứ tư, xoay quanh vấn đề khai thác các mỏ nhỏ, lẻ ở biên giới, ở đầu nguồn nước. Vấn đề này cũng phải nghiên cứu cho thỏa đáng hơn trong điều kiện thực tế của nước ta.

Vấn đề thứ năm, xoay quanh vấn đề quy định về bảo hiểm thì cũng sẽ cân nhắc xem trong hoạt động khoáng sản này thì có những loại bảo hiểm gì cho phù hợp.

Thứ sáu, giữa tên và nội hàm của một số điều cũng phải rà lại cho nó ăn khớp với nhau.

 Thứ bảy, về phí và thuế nên như thế nào để nó có căn cứ khoa học và đừng để phí và thuế chồng lẫn lên nhau.

Vấn đề thứ chín là quy định những trường hợp đặc biệt thì có lẽ chúng ta cũng cân nhắc thêm, có quy định trường hợp đặc biệt giao cho Chính phủ hay không, hay rõ ràng trong thực tế rồi thì mình quy định hẳn vào trong luật, đỡ phải giải thích pháp luật và phải vận dụng chưa thật thỏa đáng lắm.

Thứ mười, xoay quanh vấn đề về hợp tác quốc tế, chỗ này không đề cập trong luật này vì nội dung của quản lý nhà nước đã có quy định về hợp tác quốc tế là đương nhiên, cho nên trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật một số vấn đề chung nhất sẽ không quy định nữa.

Cuối cùng, xoay quanh tính cụ thể của dự án luật này, các địa biểu Quốc hội lưu ý để tiếp thu quy định làm sao cho rõ ràng, trong sáng về từ ngữ, dễ hiểu.

Đối với Luật khoáng sản (sửa đổi), sau khi chấp nhận thông qua Luật khoáng sản (sửa đổi) có nghĩa là đây là luật mới và đương nhiên luật cũ chấm dứt hiệu lực.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo tập hợp đầy đủ và đây là một trong những căn cứ hết sức quan trọng cho quá trình nghiên cứu, hoàn chỉnh dự án luật này để trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp sau. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan