Phát hành cho cổ đông hiện hữu: Rắc rối từ Nghị định 01

Thứ Ba 11:24 15-02-2011

Chốt danh sách phát hành cho 65 NĐT là cổ đông hiện hữu, nhưng trên thực tế, số NĐT mua cổ phần lại lên tới 112 người, khiến CTCP LICO đang không biết phải ứng xử thế nào. DN chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ hay chịu sự điều chỉnh của quy định chào bán chứng khoán ra công chúng?

Ngay từ khi được ban hành, Nghị định 01 đã gặp phản ứng của nhiều thành viên tham gia thị trường khi quy định, mọi đợt phát hành cho dưới 100 NĐT (áp dụng với cả các DN chưa phải là công ty đại chúng) là phát hành riêng lẻ và phải hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm. Bất cập xảy ra là: với những DN có dưới 100 cổ đông thì việc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ phải tuân theo nghị định này, thêm nhiều thủ tục phức tạp hơn, mà mới đây nhất, theo ghi nhận của ĐTCK là trường hợp của CTCP LICO.

Theo nghị quyết ĐHCĐ của CTCP LICO hồi tháng 4/2010, Công ty dự kiến phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:1 để tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Do LICO chỉ có 65 cổ đông tại ngày chốt quyền nên đợt phát hành này chịu sự điều chỉnh của Nghị định 01 về phát hành riêng lẻ. Áp dụng theo Nghị định 01, 5 tỷ đồng theo mệnh giá của số cổ phần phát hành thêm sẽ bị giới hạn chuyển nhượng trong một năm. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh ngoài dự kiến đã xảy ra. Một số cổ đông của LICO, vì những lý do riêng, đã không thực hiện quyền mua cổ phần, mà chuyển nhượng cho các NĐT khác. Vì vậy, tại thời điểm chốt danh sách thực hiện quyền mua, tổng số NĐT thực hiện mua cổ phần lên tới 112 người, tức là trên 100 NĐT.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra lúc này là: đợt phát hành trên là phát hành riêng lẻ hay phát hành ra công chúng? Xét tại thời điểm thực hiện đợt phát hành (xin giấy phép và chốt danh sách phát hành) thì đây là đợt phát hành  riêng lẻ. Theo đó, đợt phát hành chịu sự điều chỉnh của Nghị định 01, nhưng các cổ đông chuyển nhượng quyền mua có bị coi là sai luật? (do số cổ phần phát hành thêm bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm). Trên thực tế, Điểm c Khoản 1 Điều 87 Luật Doanh nghiệp quy định: cổ đông có quyền chuyển quyền mua cổ phần của mình cho người khác. Như vậy, điều dễ nhận ra là đã có sự “vênh” nhau giữa quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 01 liên quan đến chuyển nhượng cổ phần. Không được phép chuyển nhượng cổ phần, nhưng lại được phép chuyển nhượng quyền mua chính cổ phần đó, xem ra đã tạo ra “kẽ hở” cho những cổ đông muốn “lách” Nghị định 01.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chốt danh sách của đợt phát hành, số NĐT được phân phối mua chứng khoán của LICO thực tế lên tới 112 người. Trở lại khái niệm chào bán chứng khoán ra công chúng quy định tại Luật Chứng khoán thì đây phải được coi là chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, có 2 vấn đề phát sinh là: hồ sơ chào bán (vốn chỉ được gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư) nay có phải gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (đơn vị quản lý việc chào bán chứng khoán ra công chúng) và số cổ phần phát hành liệu có bị giới hạn chuyển nhượng (lúc này, đợt chào bán không bị điều chỉnh bởi Nghị định 01)?

Đến thời điểm này, đợt phát hành đã được DN thực hiện xong (LICO hoàn thành chốt danh sách thực hiện quyền đầu tháng 9/2010 và hoàn thiện hồ sơ tăng vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư), nhưng cả DN lẫn tổ chức tư vấn đều đang lúng túng chưa biết ứng xử ra sao cho hợp lý. Hạn chế chuyển nhượng cổ phần mới phát hành hay không là điều mà DN không rõ nhất. Đơn vị tư vấn phát hành cũng cảm thấy khó xử vì không biết phải tư vấn cho DN như thế nào trong tình huống này. “Chúng tôi có hỏi chuyên viên của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng câu trả lời rất chung chung và sau câu trả lời này thì vẫn chưa biết phải làm gì? Điều ngại nhất là, nếu không giải quyết tốt vấn đề trên thì hoặc cổ đông bị thiệt thòi do bị hạn chế chuyển nhượng, hoặc DN bị phạt khi làm hồ sơ đăng ký công ty đại chúng”, anh Bảo, người tư vấn trực tiếp trường hợp trên nói.

Hiện LICO đang hy vọng sớm có sự hướng dẫn rõ ràng hơn từ cơ quan quản lý để DN vừa đảm bảo quyền lợi của cổ đông, vừa không phạm luật. Nhưng việc gộp phát hành cho cổ đông hiện hữu với các CTCP có dưới 100 cổ đông cũng là phát hành riêng lẻ và phải chịu hạn chế chuyển nhượng đã và đang gây ra nhiều bất cập cho DN. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích tăng đầu tư, thu hút các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, thì quy định trên có thể làm nản lòng NĐT.

Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử  ngày 28/09/2010



Các văn bản liên quan