Pháp lệnh Quảng cáo: Chiếc áo đã chật

Thứ Hai 15:17 15-12-2008

Pháp lệnh Quảng cáo được xây dựng từ năm 2001 đến nay đã không còn đáp ứng được sự phát triển của ngành quảng cáo. Vừa qua, dự thảo Luật Quảng cáo đã được đem ra lấy ý kiến, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để luật đi vào cuộc sống thì còn nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung.

Theo các nhà quảng cáo dự thảo luật còn nhiều sơ sài về mặt lý luận và thực tiễn, nhiều điều chưa rõ ràng, cần bổ sung hoặc cần thay đổi.

Dự thảo cần nhiều sửa đổi, bổ sung

Cụ thể, theo ông Ngô Quang Chính, Chánh thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, cần đưa thêm vào mục cấm quảng cáo các sản phẩm có tên gọi có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và không nên đưa vấn đề “quảng cáo có yếu tố nước ngoài” vào Luật Quảng cáo vì Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng có những quyền bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam.

Về vấn đề từ ngữ, theo Giáo sư Lưu Văn Nghiên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, thì nên hiểu quảng cáo là hoạt động truyền đạt thông tin đến đối tượng nhận thông tin, vì quảng cáo không chỉ có bán hàng hóa, dịch vụ mà còn là hoạt động đầu tư, còn định hướng người tiêu dùng.

Và trong hoạt động quảng cáo, ông Nghiên đề nghị thay “thực hiện chiến lược tiếp thị” bằng “thực hiện chiến lược marketing” vì tiếp thị chỉ là một công việc nhỏ của kinh doanh, trong khi hoạt động quảng cáo thì rộng lớn hơn cả trong sản xuất, nghiên cứu, đầu tư...

Về sản phẩm quảng cáo, cũng theo Giáo sư Nghiên, nên hiểu đơn giản là thông điệp quảng cáo tới đối tượng của sản phẩm quảng cáo. Và về phương tiện quảng cáo nên chia thành các nhóm phương tiện như nhóm nghe nhìn, nhóm ngoài trời bao gồm trên mặt đất (panô, biển hiệu, mô hình, tượng...) và trên bầu trời (khí cầu, máy bay...), nhóm in ấn, nhóm trong nhà. “Như thế, công chúng dễ hình dung hơn”, giáo sư nói.

Một trong những vấn đề gây nhức nhối đối với các doanh nghiệp làm quảng cáo là tình trạng mỗi một địa phương có một “luật” riêng về quản lý quảng cáo.

Ông Trần Nguyệt Đán, Chủ tịch Công ty Quảng cáo The Time cho biết, có nhiều luật, pháp lệnh không ai thi hành, mỗi địa phương có một cách quản lý riêng. Chẳng hạn như Tp.HCM ra “luật”, gọi là Quyết định 108, không cho quảng cáo tại trung tâm, không cho quảng cáo vào di động nhưng bây giờ sửa sai thì cho làm.

Ông Hà Đình Thái, Chủ tịch Công ty Cổ phần Quảng cáo Hà Thái cho rằng muốn luật đi vào cuộc sống thì các cơ quan quản lý phải có biện pháp quản lý chung, rõ ràng để các địa phương áp dụng vì hiện nay các địa phương vẫn chiểu theo nghị định 194 (ban hành năm 1994).

Ông Lê Đình Chi, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng cho rằng đối với quảng cáo ngoài trời vấn tiếp tục thực hiện cấp phép vì quảng cáo ngoài trời ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt đô thị.

Theo ông Chi cần quy định độ rộng của đô thị qua đó đưa ra quy định về quy mô của các quảng cáo ngoài trời. Ngoài ra, bên cạnh việc cấp phép cũng cần có quy định một số quảng cáo được miễn giấy phép.

Mở rộng quảng cáo

Đối với quảng cáo báo chí, thay vì phải mở thêm trang nội dung để có thêm trang quảng cáo, các nhà quảng cáo đưa khuyến nghị nên mở rộng cho trang quảng cáo mà không cần mở thêm trang nội dung vì chính độc giả sẽ là người quyết định việc này.

Nếu độc giả không thích nhiều quảng cáo thì tự dưng bản thân tờ báo đó sẽ phải điều chỉnh. Điều này cũng tương tự như với quy định về thời lượng quảng cáo trên truyền hình vậy.

Theo ông Đán, để hoạt động quảng cáo được thông suốt và thuận lợi Nhà nước nên đưa ra chính sách quản lý chung tránh tình trạng mỗi địa phương một cách quản lý gây chồng chéo, tránh thiệt hại cho người làm quảng cáo và tham gia quảng cáo.

“Nếu chúng ta không điều chỉnh việc này thì vào thời điểm 1/1/2009, hàng hóa nước ngoài được vào tự do, ngành quảng cáo không điều chỉnh thì WTO cũng sẽ điều chỉnh nó”, ông Đán nói.

Ông Hà Văn Tăng, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng cần làm triệt để và nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống. Ông cũng đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành phần tham gia hoạt động quảng cáo (thiết kế, tư vấn, thực hiện dịch vụ...) khi có vi phạm.

Nếu không có gì thay đổi thì ngày 10/10/2010, Luật Quảng cáo sẽ được thông qua. Tuy nhiên, thông thường để luật đi vào cuộc sống, phải mất ít nhất hai năm, trong đó 1 năm ra nghị định, 1 năm ra bản thông tư.

Đăng Huân - VnEconomy 5/12/2008

Các văn bản liên quan