Nhà nước đang buông lỏng quản lý tập đoàn

Thứ Ba 11:06 18-11-2008
(TBKTSG 8/5/2008) - Không có kiểm toán độc lập, các báo cáo tài chính của các tập đoàn kinh tế chưa được kiểm chứng và chưa thể hoàn toàn tin cậy nên những thông tin về đầu tư, hiệu quả đầu tư mà các tập đoàn kinh tế đưa ra gần đây chỉ là thông tin một chiều, chỉ có giá trị tham khảo, không có căn cứ để tin cậy.

Để có thể đánh giá một cách chính xác, khách quan cần có những nghiên cứu độc lập, thẩm định lại số liệu đã báo cáo.
Điều cần chỉ rõ ở đây là sự buông lỏng quản lý vốn của chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế. Trong khi vốn dự án vay của nước ngoài được quản lý chặt chẽ, tiền nào dùng vào việc ấy, thì ở các tập đoàn kinh tế nhà nước dường như chủ sở hữu không hề đặt ra tiêu chí và ràng buộc cụ thể nào về sử dụng đồng vốn, dẫn đến tình trạng tập đoàn đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chuyên môn đã được giao và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

Để triển khai số dự án quá lớn, trải rộng ra rất nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, các thủ tục nghiêm ngặt về luận chứng kinh tế kỹ thuật, giám định đầu tư, xét duyệt thông qua hội đồng... đã không được tuân thủ và để lại những di họa không thể lường hết về tài chính, môi trường... Khung pháp lý để quản lý và giám sát các tập đoàn kinh tế chưa hình thành, cho phép “các hoàng tử” không chỉ vừa lòng “săn bắn mặc sức trong khu vườn cấm đã được giao” (mà điển hình là vụ xuất lậu tài nguyên than antrazit của đất nước), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn sẵn sàng phiêu lưu vào những lĩnh vực khác mà chuyên môn chưa được chuẩn bị như khách sạn, hàng không giá rẻ. Dường như tham vọng là vô bờ bến và nguy hiểm tạo ra cũng không thể lường trước.
Để xảy ra tình hình này rõ ràng không chỉ có buông lỏng quản lý mà còn có những biểu hiện rõ rệt của lợi ích nhóm, của quan hệ thân hữu của những người có trách nhiệm quản lý nhà nước với lãnh đạo tập đoàn.

Ở Trung Quốc, các tập đoàn được quản lý bằng một hệ thống các tiêu chuẩn được giao cụ thể cho từng năm: tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn, tỷ lệ đổi mới công nghệ, mức tăng năng suất lao động, tỷ lệ tăng xuất khẩu, chỉ tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ tiêu giảm tiêu hao năng lượng, nước, chỉ tiêu về môi trường... Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, tổng giám đốc sẽ được thay thế, vậy mà hiệu quả vẫn chưa thể hài lòng.

Việc nuông chiều, đưa tiền vay để tiêu xài không kèm theo ràng buộc trách nhiệm giải trình là lỗ hổng lớn nhất trong quản lý đối với các tập đoàn kinh tế. Tỷ lệ 30% vốn đầu tư ra các lĩnh vực khác chỉ là một tiêu chí, không thể nào giải thích được có tập đoàn hiện nay đã có đến 5-6 công ty tài chính chứng khoán, thậm chí có cả công ty tài chính chứng khoán công đoàn dầu khí; 5-6 công ty đầu tư bất động sản, cạnh tranh lẫn nhau. Không thể nào biện bạch cho cách tiếp cận tùy hứng, chạy theo lợi nhuận ảo như vậy bằng tiền của Nhà nước.

Các tập đoàn cũng thi nhau đầu tư vào những lĩnh vực của các tập đoàn khác như điện đầu tư vào viễn thông, than khoáng sản và dầu khí đầu tư vào điện. Có tập đoàn hiện nay không giải trình được chính xác đã đầu tư vào bao nhiêu doanh nghiệp, tỷ lệ vốn bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp đó ra sao.

Tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có, tỷ lệ nợ tồn động ở một số tổng công ty và tập đoàn đã vượt qua giới hạn an toàn. Thanh khoản của một số tập đoàn, tổng công ty bị hạn chế nhiều so với số vốn trên sổ sách. Cần sớm tiến hành thanh tra và lành mạnh hóa tình trạng này, thực hiện nghiêm túc các quy định về kế toán, kiểm toán, giám sát trong hoạt động tài chính.

Để xảy ra tình hình này rõ ràng không chỉ có buông lỏng quản lý mà còn có những biểu hiện rõ rệt của lợi ích nhóm, của quan hệ thân hữu của những người có trách nhiệm quản lý nhà nước với lãnh đạo tập đoàn. Các địa phương cho biết đã có không ít trường hợp can thiệp trực tiếp để giao đất cho tập đoàn này, tổng công ty kia trong khi hồ sơ chưa rõ ràng, thủ tục chưa hoàn thành và hiệu quả kinh tế không thuyết phục. Vì lợi ích của đất nước, rất mong Đảng và Quốc hội chú ý giải quyết tình trạng này.

LÊ ĐĂNG DOANH

Các văn bản liên quan