Những vấn đề cần xin ý kiến

Thứ Tư 22:35 10-05-2006

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành PLNH, có một số vấn đề còn có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Cụ thể là:

1. Người cư trú có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu lao động, dịch vụ hoặc từ các nguồn thu vãng lai khác phải chuyển, mang về nước gửi vào tài khoản ngoại tệ của mình mở tại các Tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam…

- Quan điểm 1:…trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày tính từ ngày được thanh toán
- Quan điểm 2:…phù hợp với thời hạn thanh toán ghi trong hợp đồng và các chứng từ thanh toán theo thông lệ quốc tế.

2. Vấn đề liên thông giữa các tài khoản:

Để phục vụ mục tiêu quản lý, giám sát các luồng vốn vào, ra, dự thảo Nghị định thiết kế các tài khoản Vốn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp), theo đó các giao dịch thu – chi trên những tài khoản này được qui định chỉ để phục vụ cho từng hoạt động đầu tư điều chỉnh và chuyển ra nước ngoài. Qui định như vậy sẽ đảm bảo chụp hình được các luồng vốn chuyển vào, chuyển ra trên tài khoản.

Vấn đề đặt ra ở đây là có nên cho phép liên thông giữa các tài khoản với nhau? Cụ thể là, có nên cho phép chuyển khoản tài khoản Vốn đầu tư trực tiếp sang khoản Vốn đầu tư gián tiếp và ngược lại? Có nên cho phép chuyển khoản từ các tài khoản Vốn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp) sang tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài thay vì buộc họ phải chuyển ra nước ngoài? Có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này:
            - Quan điểm 1: Nên cho liên thông, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN, hơn nữa qui định như vậy sẽ giữ lại đựoc luồng vốn này ở lại VN
            - Quan điểm 2: Không nên cho liên thông, vì như vậy sẽ không chụp hình, thống kê, theo dõi được các luồng vốn chuyển vào, chuyển ra đối với từng hoạt động đầu tư
           
3. Vấn đề thời hạn chuyển ngoại tệ mua được ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp)

            - Quan điểm 1: phải chuyển ngay ra nước ngoài
            - Quan điểm 2: quy định thời hạn (như sau 30 ngày kể từ ngày mua được ngoại tệ).

Quy định chuyển ngay ra nước ngoài có ưu điểm là hạn chế việc giữ lại ngoại tệ trên tài khoản của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để sử dụng cho các mục đích khác và đảm bảo tính chính xác trong việc thống kê luồng vốn chuyển ra nước ngoài từ lĩnh vực đầu tư này.

4. Đối với lĩnh vực đầu tư gián tiếp của Việt Nam ra nước ngoài:

Vấn đề này đã được nêu trong Luật đầu tư, tuy nhiên Luật đầu tư mới chỉ quy định hoạt động đầu tư gián tiếp của Việt Nam ra nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng. Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan nào có thẩm quyền quyết định và cấp phép cho hoạt động này? Có 2 quan điểm:
            - Quan điểm 1: Bộ KH & ĐT vì đây là cơ quan đầu mối quản lý các hoạt động đầu tư, kể cả vào Việt Nam và ra nước ngoài;
            - Quan điểm 2: Nên giao cho NHNN vì đây là lĩnh vực mới, cần theo dõi, quản lý chặt chẽ, cũng như căn cứ vào khả năng của hệ thống ngân hàng trong việc kiểm soát dòng vốn này.
           
5. Có nên mở rộng việc cho phép thanh toán ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp góp vốn đầu tư để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài, thanh toán của doanh nghiệp chế xuất với nhau và các dịch vụ trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài hay không?

            - Quan điểm 1: Nên, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN;
            - Quan điểm 2: Không nên, để hạn chế đôla hóa
           
6. Phạm vi sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới, có 2 quan điểm:

            - Quan điểm 1: Các đồng tiền của nước chung biên giới chỉ nên sử dụng trong khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu theo tinh thần các hiệp định song phương đã ký kết;
            - Quan điểm 2: Cho phép sử dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam theo tinh thần tự do hoá vãng lai và quyền được lựa chọn đồng tiền trong giao dịch.
           
7. Các giao dịch cho tặng, cầm cố, ký quỹ:

Theo Điều 22 qui định về hạn chế sử dụng ngoại hối tại PLNH: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối…Có 2 ý kiến khác nhau về vấn đề này:
            - Quan điểm 1: nên cho phép cá nhân được thực hiện bằng ngoại tệ để đảm bảo quyền về tài sản và cho rằng việc cho, tặng, cầm cố, ký quĩ không liên quan đến “tính giao dịch”.
            - Quan điểm 2: không nên vì sẽ làm gia tăng hiện tượng đôla hoá, không kiểm soát được việc lợi dụng giao dịch này để thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ.
           
8. Đối với vấn đề xử lý vi phạm, hiện nay chúng ra đã có Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 202 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có một số qui định liên quan đến lĩnh vực ngoại hối. Vì vậy, có 2 phương án xây dựng dự thảo các qui định về vấn đề này:

            - Phương án 1: Không qui định tại Nghị định này mà để bổ sung, chỉnh sửa nghị định 202. Phương án này có ưu điểm là tập trung được các qui phạm về cùng một vấn đề vào một đầu mối văn bản duy nhất nhưng lại có nhược điểm là việc bổ sung, sửa đổi Nghị định 202 phải mất thời gian, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung không chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực ngoại hối mà còn vào các lĩnh vực khác trong hoạt động ngân hàng nói chung.
            - Phương án 2: Qui định luôn trong Nghị định này. Ưu điểm là hệ thống hoá, chuẩn hoá được các qui phạm về hành vi vi phạm kèm theo chế tài xử phạt theo đúng các lĩnh vực chuyên sâu về ngoại hối, giải quyết được những bất cập hiện nay trong qui định tại nghị định 202, phù hợp với thông lệ quốc tế (Luật ngoại hối của nhiều nước cũng đã qui định tương tự)…Tuy nhiên, việc qui định tản mát tại nhiều văn bản cũng có thể gây khó khăn khi triển khai, thực hiện.
 

Các văn bản liên quan