Nên sớm thành lập Bộ Du lịch

Thứ Hai 14:58 22-05-2006
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Du lịch:Nên sớm thành lập Bộ Du lịch

Ngày 26.5, trước khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Du lịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được gợi ý tập trung vào 9 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có các nội dung được nhiều đại biểu đề cập như: Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong sự phát triển du lịch; vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước... Nhiều ĐB đề nghị: Để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nên thành lập Bộ Du lịch.

Mấu chốt là chất lượng du lịch

Theo ý kiến nhiều ĐB, du lịch là phục vụ con người, bởi vậy, chất lượng phục vụ là vấn đề mấu chốt nhất. Vậy tại sao dự luật lại chỉ đề cập đến vấn đề an ninh, an toàn - dù rằng đây cũng là vấn đề rất quan trọng hiện nay?

Về nội dung này, ĐB Trương Thị Mai (Trà Vinh) đặt vấn đề rất cụ thể: Chỉ có 30% khách du lịch quay lại Việt Nam lần hai, vậy có bao nhiêu phần trăm trong số 70% khách không quay lại vì chất lượng du lịch kém? Một trong những yếu kém của chúng ta là việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trong kinh doanh du lịch - đây cũng là nội dung được nhiều ĐB đề cập. Đặc biệt, hiện tượng ăn xin, níu kéo mua bán, vứt xả rác bừa bãi, ép giá... tạo hình ảnh không đẹp trong con mắt của du khách.

Tránh việc chỉ biết khai thác tài nguyên du lịch mà không có sự đầu tư, tái tạo cần thiết, nhiều ĐB đã đề nghị dự luật cần có những chương, điều nói cụ thể hơn về việc bảo vệ tài nguyên du lịch. ĐB Néang Kim Cheng (An Giang) cho rằng, hiện nhiều điểm du lịch chỉ thấy có khai thác, sử dụng mà không có tái đầu tư, khiến không ít điểm du lịch bị xuống cấp nhanh chóng.

Cũng về nội dung này, ĐB Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) nhận xét: Du lịch của chúng ta ít quan tâm đến quyền lợi của khách du lịch; do đó, trong dự luật cần nêu rõ hơn quyền lợi và cả nghĩa vụ của khách du lịch.

Nhà nước quản lý thế nào?

Trong dự án luật nói tương đối kỹ đến việc hiện đại hoá ngành du lịch, trong đó nhấn mạnh hiện đại hoá cơ sở vật chất. Tuy nhiên, có ĐB cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay chính là hiện đại hoá trong cung cách quản lý, điều hành du lịch. Hiện chỉ có khoảng 50% hướng dẫn viên du lịch có giấy phép hành nghề. Còn lại, để có nhiều lời một số Cty du lịch thuê sinh viên với giá thấp nhưng thiếu hiểu biết về di tích lịch sử, các danh lam, thắng cảnh - điều mà các du khách cần biết. Rồi sự chồng chéo của các ban quản lý du lịch trong cùng một khu du lịch... Vì lẽ đó, ĐB Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận) đề nghị nên có một chương riêng về quản lý nhà nước về du lịch.

Quyền lợi của cộng đồng dân cư trong khu du lịch cũng được nhiều ĐB quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta quan tâm chưa đúng mức quyền lợi của cộng đồng dân cư, khiến sự phát triển của các khu du lịch bị ảnh hưởng không nhỏ. ĐB Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) đề nghị, dự thảo cần phải thiết kế sao cho không chỉ là những người trực tiếp làm du lịch, mà mọi người dân đều phải có ý thức về du lịch. Ví dụ về việc làm du lịch ở địa phương mình, ĐB Chính cho biết: Để phát triển tốt du lịch, Đà Nẵng đưa ra khẩu hiệu "5 không 3 có" . Trong đó có "không có ăn xin", "không có người bán hàng rong níu kéo khách du lịch".

Về những nguyên nhân dẫn đến ngành du lịch phát triển chưa tốt, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng, Tổng cục Du lịch không hẳn là cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ được Chính phủ giao cho một số chức năng, nhiệm vụ cụ thể; không có quyền ra các văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó đã bó tay khâu quản lý nhà nước của Tổng cục Du lịch. Do đó, cần sớm thành lập Bộ Du lịch. Vấn đề này cũng được nhiều ĐB nhất trí và đề nghị: Ngay trong dự luật này cần có những điều khoản nói rõ hơn vai trò quản lý nhà nước, để làm tiền đề cho việc thành lập Bộ Du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng phát biểu tại QH, ngày 26.5:

Năm 1988, ngành du lịch của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Philippines, bằng 1/40 Singapore và được Tổ chức Du lịch quốc tế đánh giá là tụt hậu 20 năm so với các nước trong khu vực và dự kiến năm 2000 mới đón khách du lịch thứ 1 triệu. Tuy nhiên, năm 1994 Việt Nam đã đón du khách thứ 1 triệu, năm 2000 đón du khách thứ 2 triệu và đến năm 2004 đã đón du khách thứ 3 triệu. Tính đến năm 2004, lượng khách đến Việt Nam đã vượt Philippines và bằng 1/3 Singapore.

Cạnh tranh du lịch với các nước trong khu vực là rất lớn. Tuy nhiên, thế và lực của chúng ta hiện chưa cân sức với các nước trong cuộc cạnh tranh này. Cần phải có những giải pháp đồng bộ để vượt qua thử thách hiện nay.


Theo Lao Động

Các văn bản liên quan