Nên hay không thừa nhận Cty TNHH một thành viên?
Nên hay không nên thừa nhận công ty TNHH một thành viên là cá nhân ở Việt Nam?
Phan Đức Hiếu
Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Giới thiệu
Công ty TNHH một thành viên là cá nhân không phải là vấn đề mới. Ở Việt nam, vấn đề này đã được thảo luận nhiều trong quá trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp năm 1999. Tuy nhiên, hình thức pháp lý tổ chức kinh doanh này cuối cùng không được thừa nhận. Hiện nay, khi Luật doanh nghiệp (thống nhất) đang trong quá trình soạn thảo, vấn đề nên hay không nên thừa nhận loại hình doanh nghiệp này cũng đang được thảo luận sôi nổi và dự thảo luật đã thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân.
Vì vậy, bài viết này nhằm trả lời cho câu hỏi có cần thừa nhận công ty TNHH một thành viên là cá nhân ở Việt Nam không. Nếu, câu trả lời là có, thì phải thiết kế loại hình này như thế nào cho phù hợp thực tiễn Việt nam. Kinh nghiệm tương tự ở châu Âu sẽ được tác giả coi như một kinh nghiệm hữu ích để học hỏi.
Kinh nghiệm ở châu Âu
Ở tất cả các nước thành viên châu Âu, một cá nhân được phép thành lập loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Hơn thế nữa, quy định về công ty TNHH một thành viên là cá nhân cũng đã được thống nhất bằng Chỉ thị lần thứ 12 của Hội đồng châu Âu ngày 21 tháng 9 năm 1989. Chỉ thị này nhằm mục tiêu trước tiên là đảm bảo rằng công ty TNHH một thành viên là cá nhân phải được thừa nhận ở tất cả các nước thành viên; đồng thời nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với bên thứ ba khi giao dịch với công ty loại này và khuyến khích cá nhân kinh doanh chuyển thành loại hình công ty này.
Theo quy định của chỉ thị này, có một số điểm đáng lưu ý là:
- Chỉ thị quy định rằng tất cả các nước thành viên phải cho phép một cá nhân có quyền thành lập loại hình công ty TNHH. Riêng, đối với loại hình công ty cổ phần, thì tùy mỗi nước quyết định thừa nhận loại hình công ty cổ phần có một thành viên là cá nhân.
- Công ty một thành viên là cá nhân có thể được thành lập mới hoặc được hình thành do số thành viên trong công ty giảm xuống còn một người.
- Về nguyên tắc, công ty một thành viên là cá nhân sẽ phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định tương ứng đối với từng loại hình công ty, đó là công ty TNHH hay công ty cổ phần. Nói cách khác, tất cả các quy định áp dụng đối với công ty cổ phần hay công ty TNHH, như là thủ tục thành lập, yêu cầu công khai hóa thông tin, tổ chức và quản lý hoạt động (Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát), chế độ lưu giữ tài liệu,... sẽ áp dụng đối với công ty một thành viên cho dù các công việc này đều do một thành viên thực hiện.
- Chỉ thị cho phép các nước thành viên có thể quy định những hạn chế thêm đối với công ty một thành viên là cá nhân áp dụng riêng trong phạm vi quốc gia đó; ví dụ như một cá nhân chỉ được thành lập một công ty TNHH một thành viên hay bản thân công ty TNHH một thành viên là cá nhân không được lập thêm công ty TNHH một thành viên nào khác.
Trên thực tế, chỉ thị này được các nước thành viên tuân thủ và trong thẩm quyền cho phép, quy định về công ty một thành viên là cá nhân có một số sự khác nhau ở một số nước. Ở Pháp, kể từ năm 1985, đã thừa nhận loại hình công ty có tên là Société à Responsabilité Limitée với duy nhất một thành viên. Đây là loại hình công ty TNHH (Enterprise Unipersonnelle à Responsibilité Limitée). Tuy nhiên, ở Pháp và Vương quốc Anh, một cá nhân không được thành lập loại hình công ty cổ phần. Để thành lập công ty cổ phần (Société Anonyme) ở Pháp cần tối thiểu 7 thành viên; ở Anh cần ít nhất 2 thành viên. Ngược lại, ở Cộng hòa liên bang Đức và Hà Lan, một cá nhân có thể lựa chọn thành lập công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Ngoài ra, ở một số quốc gia như Pháp, một cá nhân chỉ được phép thành lập một công ty TNHH; trong khi đó cũng có quốc gia cho phép một cá nhân thành lập nhiều công ty TNHH khác nhau.
Thực tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam đã có loại hình công ty TNHH một thành viên là tổ chức. Loại hình công ty này được điều chỉnh bởi những quy riêng, khác với quy định về công ty TNHH có hai thành viên trở lên. Luật pháp chưa cho phép một cá nhân thành lập công ty TNHH hay công ty cổ phần. Hơn thế nữa, luật mới chỉ quy định việc thành lập mới công ty TNHH một thành viên là tổ chức mà chưa có quy định về trường hợp công ty này được tạo thành do giảm số lượng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Trên thực tế, ý tưởng về cho phép việc thành lập công ty TNHH một thành viên là cá nhân đã tồn tại từ lâu và được thảo luận trên nhiều diễn đàn. Về vấn đề này, hiện nay có hai luồng quan điểm trái ngược nhau là phản đối và ủng hộ. Lý do mà quan điểm phản đối đưa ra thường là:
1. Nếu thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân thì có nguy cơ doanh nghiệp tư nhân sẽ chuyển hết sang loại hình này.
2. Nguy cơ lạm dụng chế độ trách nhiệm hữu hạn để gây thiệt hại cho bên thứ ba.
3. Với chuẩn mực kế toán như hiện nay, thì sẽ rất khó phân định tài sản của công ty và của cá nhân chủ sở hữu; chi tiêu của công ty và chi tiêu cá nhân chủ sở hữu.
Do đó, trên thực tế, khó xác định ranh giới tài sản của công ty để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi rủi ro xảy ra; dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại cho bên thứ ba.
Về lý do thứ nhất, thì rõ ràng là không thể nói DNTN là loại hình doanh nghiệp bất lợi hơn so với công ty TNHH. Có rất nhiều yếu tố mà một nhà đầu tư thông minh sẽ cân nhắc khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp, trong đó chế độ trách nhiệm hữu hạn chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Trên thực tế, luôn có sự đánh đổi giữa chế độ trách nhiệm hữu hạn và gánh nặng nghĩa vụ pháp lý, đó là quy định pháp luật thường nhằm bảo vệ lợi ích của bên thứ ba. Kinh doanh dưới hình thức công ty TNHH chịu gánh nặng pháp luật nhiều hơn, đó là tuân thủ các quy định về bảo toàn vốn, ghi chép sổ sách kế toán, cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành, yêu cầu công khai hóa thông tin, ... Trong khi đó, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền tự chủ trong tổ chức quản lý hoạt động, phân chia lợi nhuận, ... Hơn thế nữa, ranh giới trách nhiệm hữu hạn và vô hạn đôi khi không có ý nghĩa thực tế bởi quan hệ hợp đồng. Chủ nợ sẽ gắng thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để có được một bảo đảm khá chắc chắn trước khi quyết định cho vay. Tóm lại, những phân tích trên cho thấy, sự lo rằng nếu thừa nhận hình thức công ty TNHH một thành viên là cá nhân thì loại hình này sẽ thay thế doanh nghiệp tư nhân là không có cơ sở khoa học mà mới chỉ là sự ngộ nhận. Mà thậm chí điều này có là hiện thực đi nữa, thì nên coi là một hiện tượng bình thường trong nền kinh tế bởi nó không gây ra hậu quả tiêu cực nào.
Về khả năng lạm dụng chế độ TNHH gây thiệt hại cho bên thứ 3, đặc biệt là chủ nợ. Việc lạm dụng có thể có, nhưng khả năng gây thiệt hại cho bên thứ ba là rất khó. Như trên đã nói, ranh giới giữa trách nhiệm hữu hạn và vô hạn sẽ là không rõ ràng trên thực tế bởi quan hệ hợp đồng. Các nghĩa vụ pháp lý thường áp dụng đối với công ty có chế độ TNHH như quy định về kế toán, công khai hóa thông tin, ... cũng sẽ áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân này, do đó cũng là một công cụ hữu ích để bảo vệ chủ nợ. Việc thừa nhận một cách chính thức công ty TNHH một thành viên là cá nhân cùng với các quy định về công khai hóa thông tin sẽ làm cho loại hình công ty này dễ nhận biết hơn đối với bên thứ ba; đo dó, tạo sự an toàn hơn cho bên thứ ba khi mà họ dễ dàng thấy được những rủi ro khi giao dịch với loại hình công ty này. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy có những chế tài hữu hiệu để hạn chế khả năng lạm dụng chế độ TNHH, chẳng hạn như “phá vỡ đội lốt công ty”. Do đó, việc áp dụng chế tài này sẽ tăng cường đảm bảo cho bên thứ ba.
Về những lo ngại là khó khăn trong việc tách biệt tài sản của công ty và tài sản của cá nhân. Sự lo ngại này cũng là chính đáng. Về lý thuyết, thì việc tách bạch tài sản công ty và chủ sở hữu công ty không phải khó. Một hệ thống kế toán hiện đại cùng với các quy định nghiêm ngặt về ghi chép và lưu giữ sổ sách kế toán và kiểm toán bắt buộc có thể giải quyết được cơ bản vấn đề trên. Hơn thế nữa, lo ngại nói trên không chỉ có đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân, mà thiết nghĩ đối với mọi loại hình công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn.
Tóm lại, những lý do nói trên thiếu cơ sở thuyết phục và không đáng lo ngại. Trái lại, việc thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân còn có những điểm lợi sau:
Một là, hạn chế rủi ro, tăng mức độ an toàn cho nhà đầu tư sẽ khuyến khích người đầu tư bỏ vốn kinh doanh; từ đó số người đầu tư và số vốn huy động được cũng sẽ đều tăng lên. Thừa nhận và quy định một cá nhân có quyền thành lập công ty TNHH là một trong số các công cụ hữu hiệu thực hiện mục đích nói trên.
Hai là giúp cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam phần nào minh bạch hơn và giảm hoạt động phi chính thức. Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay ở Việt nam là đa số các công ty TNHH hai thành viên trở lên theo Luật Doanh nghiệp về thực chất là sở hữu của một cá nhân. Một hay vài thành viên khác tham gia chỉ là hình thức để phù hợp với quy định pháp luật; họ không góp một đồng vốn nào cũng như chẳng tham gia gì vào hoạt động của công ty. Việc thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên không những về cơ bản khắc phục được thực tế này, hoạt động công ty nhờ đó ổn định hơn mà còn loại bỏ được những chi phí không cần thiết trong thành lập và điều hành công ty, đặc biệt là chi phí thuê thành viên danh nghĩa, chi phí giải quyết tranh chấp có thể xảy ra giữa chủ sở hữu thực sự và các thành viên danh nghĩa,...
Ba là, tạo thêm cơ hội lựa chọn loại hình kinh doanh và mở rộng kinh doanh cho nhà đầu tư và đáp ứng được một thực tế ở Việt Nam là tâm lý ưa chuộng kinh doanh một mình của các doanh nhân (tức là một mình làm chủ và trực tiếp tổ chức quản lý). Như vậy, loại hình kinh doanh này sẽ góp phần thu hút và thúc đẩy thêm nhiều nhà đầu tư bỏ vốn ra kinh doanh.
Cuối cùng là cá nhân người nước ngoài đã và đang được phép thành lập và hoạt động kinh doanh ở Việt Nam theo hình thức công ty 100% vốn nước ngoài (về bản chất là loại hình công ty TNHH) theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, có thể nói người đầu tư trong nước hiện đang chịu thiệt thòi hơn so với người đầu tư nước ngoài. Việc thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân sẽ loại bỏ được bất bình đẳng này cho nhà đầu tư trong nước.
Kết luận
Từ những phân tích trên đây và sau khi nghiên cứu các quy định về công ty TNHH một thành viên trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất), tác giả có một vài kiến nghị sau thay cho kết luận như sau:
- Cần thiết phải cho phép một các nhân nhà đầu tư được thành lập công ty TNHH. Việc một cá nhân có được phép thành lập công ty cổ phần hay không cần có nghiên cứu thêm.
- Công ty TNHH một thành viên nên bị hạn chế hơn trong một số quyền và quy định chặt chẽ hơn trong một số nghĩa vụ, cụ thể quy định rõ một nhà đầu tư chỉ được phép thành lập công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH một thành viên là cá nhân không được thành lập công ty TNHH một thành viên khác.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị lần thứ 12 của Hội đồng châu Âu, công báo châu Âu số 395, ngày 31/12/1989.
2. Dự thảo Tờ trình UBTVQH về dự án Luật Doanh nghiệp (thống nhất), tháng 7/2005
3. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất), tháng 7/2005.
4. Harm-Jan de Kluiver: Disparities and similarities in European and American Company Laws.
5. Luật Doanh nghiệp năm 1999
6. Maitland, Julian and Walker (1993) Guide to European Company Laws, London: Sweet&Maxwell.
7. Nguyễn Đình Cung (2004) Báo cáo đánh giá những điểm mạnh và yếu của Luật Doanh nghiệp và kiến nghị những giải pháp bổ sung sửa đổi.
8. Phan Đức Hiếu (2002) Lựa chọn loại hình doanh nghiệp, NXB thống kê, 2002.
9. Schuit, Steven. R (2002) Corporate law and Practice of the Netherlands, The Hague/London/New York: Allen&Overy c/o Kluver Law International
Phan Đức Hiếu
Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Giới thiệu
Công ty TNHH một thành viên là cá nhân không phải là vấn đề mới. Ở Việt nam, vấn đề này đã được thảo luận nhiều trong quá trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp năm 1999. Tuy nhiên, hình thức pháp lý tổ chức kinh doanh này cuối cùng không được thừa nhận. Hiện nay, khi Luật doanh nghiệp (thống nhất) đang trong quá trình soạn thảo, vấn đề nên hay không nên thừa nhận loại hình doanh nghiệp này cũng đang được thảo luận sôi nổi và dự thảo luật đã thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân.
Vì vậy, bài viết này nhằm trả lời cho câu hỏi có cần thừa nhận công ty TNHH một thành viên là cá nhân ở Việt Nam không. Nếu, câu trả lời là có, thì phải thiết kế loại hình này như thế nào cho phù hợp thực tiễn Việt nam. Kinh nghiệm tương tự ở châu Âu sẽ được tác giả coi như một kinh nghiệm hữu ích để học hỏi.
Kinh nghiệm ở châu Âu
Ở tất cả các nước thành viên châu Âu, một cá nhân được phép thành lập loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Hơn thế nữa, quy định về công ty TNHH một thành viên là cá nhân cũng đã được thống nhất bằng Chỉ thị lần thứ 12 của Hội đồng châu Âu ngày 21 tháng 9 năm 1989. Chỉ thị này nhằm mục tiêu trước tiên là đảm bảo rằng công ty TNHH một thành viên là cá nhân phải được thừa nhận ở tất cả các nước thành viên; đồng thời nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với bên thứ ba khi giao dịch với công ty loại này và khuyến khích cá nhân kinh doanh chuyển thành loại hình công ty này.
Theo quy định của chỉ thị này, có một số điểm đáng lưu ý là:
- Chỉ thị quy định rằng tất cả các nước thành viên phải cho phép một cá nhân có quyền thành lập loại hình công ty TNHH. Riêng, đối với loại hình công ty cổ phần, thì tùy mỗi nước quyết định thừa nhận loại hình công ty cổ phần có một thành viên là cá nhân.
- Công ty một thành viên là cá nhân có thể được thành lập mới hoặc được hình thành do số thành viên trong công ty giảm xuống còn một người.
- Về nguyên tắc, công ty một thành viên là cá nhân sẽ phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định tương ứng đối với từng loại hình công ty, đó là công ty TNHH hay công ty cổ phần. Nói cách khác, tất cả các quy định áp dụng đối với công ty cổ phần hay công ty TNHH, như là thủ tục thành lập, yêu cầu công khai hóa thông tin, tổ chức và quản lý hoạt động (Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát), chế độ lưu giữ tài liệu,... sẽ áp dụng đối với công ty một thành viên cho dù các công việc này đều do một thành viên thực hiện.
- Chỉ thị cho phép các nước thành viên có thể quy định những hạn chế thêm đối với công ty một thành viên là cá nhân áp dụng riêng trong phạm vi quốc gia đó; ví dụ như một cá nhân chỉ được thành lập một công ty TNHH một thành viên hay bản thân công ty TNHH một thành viên là cá nhân không được lập thêm công ty TNHH một thành viên nào khác.
Trên thực tế, chỉ thị này được các nước thành viên tuân thủ và trong thẩm quyền cho phép, quy định về công ty một thành viên là cá nhân có một số sự khác nhau ở một số nước. Ở Pháp, kể từ năm 1985, đã thừa nhận loại hình công ty có tên là Société à Responsabilité Limitée với duy nhất một thành viên. Đây là loại hình công ty TNHH (Enterprise Unipersonnelle à Responsibilité Limitée). Tuy nhiên, ở Pháp và Vương quốc Anh, một cá nhân không được thành lập loại hình công ty cổ phần. Để thành lập công ty cổ phần (Société Anonyme) ở Pháp cần tối thiểu 7 thành viên; ở Anh cần ít nhất 2 thành viên. Ngược lại, ở Cộng hòa liên bang Đức và Hà Lan, một cá nhân có thể lựa chọn thành lập công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Ngoài ra, ở một số quốc gia như Pháp, một cá nhân chỉ được phép thành lập một công ty TNHH; trong khi đó cũng có quốc gia cho phép một cá nhân thành lập nhiều công ty TNHH khác nhau.
Thực tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam đã có loại hình công ty TNHH một thành viên là tổ chức. Loại hình công ty này được điều chỉnh bởi những quy riêng, khác với quy định về công ty TNHH có hai thành viên trở lên. Luật pháp chưa cho phép một cá nhân thành lập công ty TNHH hay công ty cổ phần. Hơn thế nữa, luật mới chỉ quy định việc thành lập mới công ty TNHH một thành viên là tổ chức mà chưa có quy định về trường hợp công ty này được tạo thành do giảm số lượng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Trên thực tế, ý tưởng về cho phép việc thành lập công ty TNHH một thành viên là cá nhân đã tồn tại từ lâu và được thảo luận trên nhiều diễn đàn. Về vấn đề này, hiện nay có hai luồng quan điểm trái ngược nhau là phản đối và ủng hộ. Lý do mà quan điểm phản đối đưa ra thường là:
1. Nếu thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân thì có nguy cơ doanh nghiệp tư nhân sẽ chuyển hết sang loại hình này.
2. Nguy cơ lạm dụng chế độ trách nhiệm hữu hạn để gây thiệt hại cho bên thứ ba.
3. Với chuẩn mực kế toán như hiện nay, thì sẽ rất khó phân định tài sản của công ty và của cá nhân chủ sở hữu; chi tiêu của công ty và chi tiêu cá nhân chủ sở hữu.
Do đó, trên thực tế, khó xác định ranh giới tài sản của công ty để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi rủi ro xảy ra; dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại cho bên thứ ba.
Về lý do thứ nhất, thì rõ ràng là không thể nói DNTN là loại hình doanh nghiệp bất lợi hơn so với công ty TNHH. Có rất nhiều yếu tố mà một nhà đầu tư thông minh sẽ cân nhắc khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp, trong đó chế độ trách nhiệm hữu hạn chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Trên thực tế, luôn có sự đánh đổi giữa chế độ trách nhiệm hữu hạn và gánh nặng nghĩa vụ pháp lý, đó là quy định pháp luật thường nhằm bảo vệ lợi ích của bên thứ ba. Kinh doanh dưới hình thức công ty TNHH chịu gánh nặng pháp luật nhiều hơn, đó là tuân thủ các quy định về bảo toàn vốn, ghi chép sổ sách kế toán, cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành, yêu cầu công khai hóa thông tin, ... Trong khi đó, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền tự chủ trong tổ chức quản lý hoạt động, phân chia lợi nhuận, ... Hơn thế nữa, ranh giới trách nhiệm hữu hạn và vô hạn đôi khi không có ý nghĩa thực tế bởi quan hệ hợp đồng. Chủ nợ sẽ gắng thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để có được một bảo đảm khá chắc chắn trước khi quyết định cho vay. Tóm lại, những phân tích trên cho thấy, sự lo rằng nếu thừa nhận hình thức công ty TNHH một thành viên là cá nhân thì loại hình này sẽ thay thế doanh nghiệp tư nhân là không có cơ sở khoa học mà mới chỉ là sự ngộ nhận. Mà thậm chí điều này có là hiện thực đi nữa, thì nên coi là một hiện tượng bình thường trong nền kinh tế bởi nó không gây ra hậu quả tiêu cực nào.
Về khả năng lạm dụng chế độ TNHH gây thiệt hại cho bên thứ 3, đặc biệt là chủ nợ. Việc lạm dụng có thể có, nhưng khả năng gây thiệt hại cho bên thứ ba là rất khó. Như trên đã nói, ranh giới giữa trách nhiệm hữu hạn và vô hạn sẽ là không rõ ràng trên thực tế bởi quan hệ hợp đồng. Các nghĩa vụ pháp lý thường áp dụng đối với công ty có chế độ TNHH như quy định về kế toán, công khai hóa thông tin, ... cũng sẽ áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân này, do đó cũng là một công cụ hữu ích để bảo vệ chủ nợ. Việc thừa nhận một cách chính thức công ty TNHH một thành viên là cá nhân cùng với các quy định về công khai hóa thông tin sẽ làm cho loại hình công ty này dễ nhận biết hơn đối với bên thứ ba; đo dó, tạo sự an toàn hơn cho bên thứ ba khi mà họ dễ dàng thấy được những rủi ro khi giao dịch với loại hình công ty này. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy có những chế tài hữu hiệu để hạn chế khả năng lạm dụng chế độ TNHH, chẳng hạn như “phá vỡ đội lốt công ty”. Do đó, việc áp dụng chế tài này sẽ tăng cường đảm bảo cho bên thứ ba.
Về những lo ngại là khó khăn trong việc tách biệt tài sản của công ty và tài sản của cá nhân. Sự lo ngại này cũng là chính đáng. Về lý thuyết, thì việc tách bạch tài sản công ty và chủ sở hữu công ty không phải khó. Một hệ thống kế toán hiện đại cùng với các quy định nghiêm ngặt về ghi chép và lưu giữ sổ sách kế toán và kiểm toán bắt buộc có thể giải quyết được cơ bản vấn đề trên. Hơn thế nữa, lo ngại nói trên không chỉ có đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân, mà thiết nghĩ đối với mọi loại hình công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn.
Tóm lại, những lý do nói trên thiếu cơ sở thuyết phục và không đáng lo ngại. Trái lại, việc thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân còn có những điểm lợi sau:
Một là, hạn chế rủi ro, tăng mức độ an toàn cho nhà đầu tư sẽ khuyến khích người đầu tư bỏ vốn kinh doanh; từ đó số người đầu tư và số vốn huy động được cũng sẽ đều tăng lên. Thừa nhận và quy định một cá nhân có quyền thành lập công ty TNHH là một trong số các công cụ hữu hiệu thực hiện mục đích nói trên.
Hai là giúp cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam phần nào minh bạch hơn và giảm hoạt động phi chính thức. Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay ở Việt nam là đa số các công ty TNHH hai thành viên trở lên theo Luật Doanh nghiệp về thực chất là sở hữu của một cá nhân. Một hay vài thành viên khác tham gia chỉ là hình thức để phù hợp với quy định pháp luật; họ không góp một đồng vốn nào cũng như chẳng tham gia gì vào hoạt động của công ty. Việc thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên không những về cơ bản khắc phục được thực tế này, hoạt động công ty nhờ đó ổn định hơn mà còn loại bỏ được những chi phí không cần thiết trong thành lập và điều hành công ty, đặc biệt là chi phí thuê thành viên danh nghĩa, chi phí giải quyết tranh chấp có thể xảy ra giữa chủ sở hữu thực sự và các thành viên danh nghĩa,...
Ba là, tạo thêm cơ hội lựa chọn loại hình kinh doanh và mở rộng kinh doanh cho nhà đầu tư và đáp ứng được một thực tế ở Việt Nam là tâm lý ưa chuộng kinh doanh một mình của các doanh nhân (tức là một mình làm chủ và trực tiếp tổ chức quản lý). Như vậy, loại hình kinh doanh này sẽ góp phần thu hút và thúc đẩy thêm nhiều nhà đầu tư bỏ vốn ra kinh doanh.
Cuối cùng là cá nhân người nước ngoài đã và đang được phép thành lập và hoạt động kinh doanh ở Việt Nam theo hình thức công ty 100% vốn nước ngoài (về bản chất là loại hình công ty TNHH) theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, có thể nói người đầu tư trong nước hiện đang chịu thiệt thòi hơn so với người đầu tư nước ngoài. Việc thừa nhận loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân sẽ loại bỏ được bất bình đẳng này cho nhà đầu tư trong nước.
Kết luận
Từ những phân tích trên đây và sau khi nghiên cứu các quy định về công ty TNHH một thành viên trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất), tác giả có một vài kiến nghị sau thay cho kết luận như sau:
- Cần thiết phải cho phép một các nhân nhà đầu tư được thành lập công ty TNHH. Việc một cá nhân có được phép thành lập công ty cổ phần hay không cần có nghiên cứu thêm.
- Công ty TNHH một thành viên nên bị hạn chế hơn trong một số quyền và quy định chặt chẽ hơn trong một số nghĩa vụ, cụ thể quy định rõ một nhà đầu tư chỉ được phép thành lập công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH một thành viên là cá nhân không được thành lập công ty TNHH một thành viên khác.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị lần thứ 12 của Hội đồng châu Âu, công báo châu Âu số 395, ngày 31/12/1989.
2. Dự thảo Tờ trình UBTVQH về dự án Luật Doanh nghiệp (thống nhất), tháng 7/2005
3. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất), tháng 7/2005.
4. Harm-Jan de Kluiver: Disparities and similarities in European and American Company Laws.
5. Luật Doanh nghiệp năm 1999
6. Maitland, Julian and Walker (1993) Guide to European Company Laws, London: Sweet&Maxwell.
7. Nguyễn Đình Cung (2004) Báo cáo đánh giá những điểm mạnh và yếu của Luật Doanh nghiệp và kiến nghị những giải pháp bổ sung sửa đổi.
8. Phan Đức Hiếu (2002) Lựa chọn loại hình doanh nghiệp, NXB thống kê, 2002.
9. Schuit, Steven. R (2002) Corporate law and Practice of the Netherlands, The Hague/London/New York: Allen&Overy c/o Kluver Law International