Chuẩn bị bước chuyển lớn
Chuẩn bị bước chuyển lớn
Bảo Duy – Báo Đầu tư ngày 17/08/2005
“Trong thời hạn 4 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp thống nhất có hiệu lực, các công ty nhà nước đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần” là đề nghị mới nhất vừa được bổ sung vào Dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất.
Với quy định mới này, Ban soạn thảo đã khẳng định rõ quan điểm là DNNN phải chuyển đổi để trở thành đối tượng của Luật Doanh nghiệp, chứ không phải đặt DNNN ra ngoài cuộc chơi như nhiều ý kiến đã đưa ra. Như vậy có nghĩa là, Luật Doanh nghiệp thống nhất, sau khi có hiệu lực, sẽ thay thế Luật DNNN năm 2003.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định này cũng bác bỏ một số ý kiến tranh luận từ trước rằng nên có một chương về DNNN trong Luật Doanh nghiệp thống nhất.
Bên cạnh những quy định về chuyển đổi, vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất đối với hoạt động của DNNN là chủ sở hữu lần đầu tiên được đặt ra một cách rõ ràng trong Dự thảo lần này. Cụ thể, về các nguyên tắc thực hiện quyền chủ sở hữu vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, đã tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước, với nghĩa vụ xã hội của Nhà nước, với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp và Nhà nước thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.
“Ban soạn thảo cũng đề nghị Chính phủ phải kịp thời xây dựng cơ chế, phân công chức năng cụ thể cho cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu tài sản nhà nước. Định kỳ hàng năm, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn chủ sở hữu nhà nước”, ông Cung cho biết trong buổi tọa đàm về Dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức cuối tuần qua. Ông phân tích thêm rằng, với đề nghị này, việc giám sát nguồn vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp sẽ được thực hiện chặt chẽ và đảm bảo được quyền của Quốc hội đối với toàn bộ tài sản, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thay vì chỉ quan tâm đến tình hình triển khai thực hiện ngân sách như hiện nay.
Rõ ràng, chế độ chủ quản mới được thiết kế (thay cho cơ chế hành chính chủ quản đang thực hiện từ trước đến nay), trên lý thuyết, hoàn toàn có thể giải toả được những lo ngại lâu nay về quản lý vốn nhà nước trong DNNN. Lý do là, với sự tách bạch và đặc biệt là cơ chế giám sát, kiểm tra rõ ràng của cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu tài sản nhà nước, câu hỏi lớn lâu nay chưa tìm được lời đáp là vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp đang ở đâu, cơ cấu như thế nào, giá trị bao nhiêu, lỗ lãi ra sao... sẽ có cơ hội được giải đáp.
Xét tổng thể, một sự thay đổi căn bản và rất nặng nề đang đặt ra trong hệ thống DNNN. Nếu như Luật Doanh nghiệp thống nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 như dự kiến, thì đến 1/7/2010, toàn bộ các công ty nhà nước (dự kiến khoảng 1.800 doanh nghiệp vào thời điểm 2006-2007) sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, vấn đề ở đây không phải là số lượng doanh nghiệp, mà là số doanh nghiệp này hiện nắm giữ khoảng 90% vốn nhà nước, với rất nhiều phức tạp do quy mô lớn, đa ngành và hoạt động rộng, đặc biệt là các tổng công ty nhà nước. Như vậy, nhiệm vụ của Chính phủ sẽ rất nặng nề, bởi nếu không kịp thời có được cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu, những đề án chuyển đổi DNNN cụ thể... ngay sau khi Luật Doanh nghiệp thống nhất được thông qua và ban hành, thì thời hạn 4 năm như đề nghị sẽ không dễ dàng đạt được.
Bảo Duy – Báo Đầu tư ngày 17/08/2005
“Trong thời hạn 4 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp thống nhất có hiệu lực, các công ty nhà nước đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần” là đề nghị mới nhất vừa được bổ sung vào Dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất.
Với quy định mới này, Ban soạn thảo đã khẳng định rõ quan điểm là DNNN phải chuyển đổi để trở thành đối tượng của Luật Doanh nghiệp, chứ không phải đặt DNNN ra ngoài cuộc chơi như nhiều ý kiến đã đưa ra. Như vậy có nghĩa là, Luật Doanh nghiệp thống nhất, sau khi có hiệu lực, sẽ thay thế Luật DNNN năm 2003.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định này cũng bác bỏ một số ý kiến tranh luận từ trước rằng nên có một chương về DNNN trong Luật Doanh nghiệp thống nhất.
Bên cạnh những quy định về chuyển đổi, vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất đối với hoạt động của DNNN là chủ sở hữu lần đầu tiên được đặt ra một cách rõ ràng trong Dự thảo lần này. Cụ thể, về các nguyên tắc thực hiện quyền chủ sở hữu vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, đã tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước, với nghĩa vụ xã hội của Nhà nước, với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp và Nhà nước thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.
“Ban soạn thảo cũng đề nghị Chính phủ phải kịp thời xây dựng cơ chế, phân công chức năng cụ thể cho cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu tài sản nhà nước. Định kỳ hàng năm, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn chủ sở hữu nhà nước”, ông Cung cho biết trong buổi tọa đàm về Dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức cuối tuần qua. Ông phân tích thêm rằng, với đề nghị này, việc giám sát nguồn vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp sẽ được thực hiện chặt chẽ và đảm bảo được quyền của Quốc hội đối với toàn bộ tài sản, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thay vì chỉ quan tâm đến tình hình triển khai thực hiện ngân sách như hiện nay.
Rõ ràng, chế độ chủ quản mới được thiết kế (thay cho cơ chế hành chính chủ quản đang thực hiện từ trước đến nay), trên lý thuyết, hoàn toàn có thể giải toả được những lo ngại lâu nay về quản lý vốn nhà nước trong DNNN. Lý do là, với sự tách bạch và đặc biệt là cơ chế giám sát, kiểm tra rõ ràng của cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu tài sản nhà nước, câu hỏi lớn lâu nay chưa tìm được lời đáp là vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp đang ở đâu, cơ cấu như thế nào, giá trị bao nhiêu, lỗ lãi ra sao... sẽ có cơ hội được giải đáp.
Xét tổng thể, một sự thay đổi căn bản và rất nặng nề đang đặt ra trong hệ thống DNNN. Nếu như Luật Doanh nghiệp thống nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 như dự kiến, thì đến 1/7/2010, toàn bộ các công ty nhà nước (dự kiến khoảng 1.800 doanh nghiệp vào thời điểm 2006-2007) sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, vấn đề ở đây không phải là số lượng doanh nghiệp, mà là số doanh nghiệp này hiện nắm giữ khoảng 90% vốn nhà nước, với rất nhiều phức tạp do quy mô lớn, đa ngành và hoạt động rộng, đặc biệt là các tổng công ty nhà nước. Như vậy, nhiệm vụ của Chính phủ sẽ rất nặng nề, bởi nếu không kịp thời có được cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu, những đề án chuyển đổi DNNN cụ thể... ngay sau khi Luật Doanh nghiệp thống nhất được thông qua và ban hành, thì thời hạn 4 năm như đề nghị sẽ không dễ dàng đạt được.