Mười năm vận động chính sách của Hiệp hội công thương
MƯỜI NĂM VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH CỦA
HIỆP HỘI CÔNG THƯƠNG TP HÀ NỘI
Vũ Duy Thái
Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội
I. VẤN ĐỀ
Sau một thời gian thực hiện không thành công. Năm 1986 Đảng và Nhà nước quyết định “Đổi mới” mà trước hết là đổi mới về kinh tế, từ nền kinh tế chủ yếu là quốc doanh và HTX sang nền kinh tế với khu vực tư nhân chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng giá trị sản phẩm xã hội (GDP).
Đây có thể xem là cuộc cải cách cơ bản về thể chế, vẫn đang diễn ra theo hướng đề cao hơn nữa vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực và xác lập giá cả, nhờ đó, đã chặn được suy thoái, và thành công cả trên 2 bình diện: Tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nền sản xuất đã theo quy luật cung cầu và giá cả đã từng bước do thị trường quyết định. Công tác quản lý kinh tế và xã hội đang hướng tới Nhà nước pháp quyền mà đặc trưng cơ bản là công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, và nhà nước chỉ được làm những việc mà pháp luật cho. Song định chế này chưa được định hình rõ nét ở tầm vĩ mô và nhất là ở các địa phương. Nên trước một sự kiện cần xử lý thường có hai biểu hiện. Một là, lúng túng, thụ động dẫn đến buông lỏng. Hai là, muốn duy trì cơ chế xin- cho để ít ra là an toàn cho công tác của mình quản lý!. Điều này cũng “dễ hiểu”, vì các nhà nước (chuyên chế hay dân chủ) đều thông qua pháp luật và hệ thống cơ chế, chính sách để can thiệp (quản lý) vào các hoạt động kinh tế với mức độ khác nhau. Vấn đề là mục đích của sự can thiệp, nếu nhằm kiểm soát độc quyền, kiểm soát các nguồn lực trong xã hội, kiểm soát thông tin về sản phẩm, để bắt buộc các nhà sản xuất kinh doanh phải quan tâm đến an sinh xã hội và môi trường, là tốt, còn để thể hiện quyền uy mới là điều đáng ngại.
Nước ta đang thời kỳ chuyển đổi, Doanh nghiệp Nhà nước tuy đã giảm đi về số lượng, nhưng quy mô vốn bình quân của một DN lại lớn hơn rất nhiều (1)
------------------
(1) Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư vốn kinh doanh của 1 DN Nhà nước là 167 tỷ đồng/DN, Doanh nghiệp FDI là 134 tỷ đồng/DN. Trong khi DNNVV chỉ là 4,1 tỷ đồng/DN, còn ở Hà Nội số vốn tương ứng của các DN là 396 tỷ, 198 tỷ và 12,5 tỷ/DN.
Trong bối cảnh ấy, nhà nước có muốn đối xử khách quan cũng rất khó, thêm vào đó là qui trình soạn thảo văn bản pháp luật ở nước ta vẫn trong tình trạng luật của ngành nào ngành ấy biên soạn, trình duyệt, thiếu tính chuyên nghiệp và khoa học khách quan, nên chất lượng không cao, chậm đi vào cuộc sống, thậm chí phải sửa đổi nhiều mà hiệu quả, hiệu lực vẫn không cao.
Luật Đất đai là một ví dụ, từ năm 1983 đến nay đã sửa đổi nhiều lần, và lần sửa năm 2003 được tuyên truyền là công phu nhất, song vẫn phải có tới 5 Nghị định hướng dẫn, có Nghị định dầy hàng trăm trang, được đánh giá là siêu Nghị định! Nhưng vừa mới thực hiện đã bộc lộ vướng mắc, phải ban hành thêm Nghị định 17, nhưng có Nghị định 17 vẫn vướng mắc lại phải ban hành Nghị định 84 với rất nhiều điều khoản mới. Nhưng, những vấn đề nổi cộm hầu như vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đơn thư khiếu nại vẫn nhiều và 70-80% trong số đó vẫn là đất đai, nhà cửa?.
Vì thế, Chính phủ đã phải trình Quốc hội cho sửa đổi Luật Đất đại 2003, điều này đã được dư luận và cộng đồng DN dự báo, khi thấy Ban soạn thảo vẫn cố tình lảng tránh lợi ích và những giải pháp căn cơ mà người dân và doanh nghiệp đề nghị, khiến khối tài sản to lớn ấy đến nay vẫn chưa được sử dụng và quản lý chặt chẽ, dễ lưu thông như mọi người mong đợi!
Những sai sót trong việc soạn thảo văn bản, không phải do kỹ thuật mà chủ yếu do tư duy, quan điểm và tác phong chậm chạp làm tốn phí tiền của Nhà nước, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, khiến họ phải có ý kiến. Lúc đầu chỉ là những tiếng “kêu cứu” lẻ tẻ, ít được chú ý. Nhưng từ năm 1990 trở đi cùng với số lượng DN và nền kinh tế ngày càng phát triển. Các mối quan hệ về kinh tế xã hội, ngoại giao, pháp luật cùng lớn theo, càng bộc lộ sự yếu kém về năng lực và bất cập về cơ chế quản lý không theo kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế, bị dư luận hối thúc. Vì vậy, đã nảy sinh tư duy đáng sợ là “quản được đến đâu thì mở đến đấy” khiến người dân, Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và những Người nhiệt thành với “Đổi mới” phải dấy lên các cuộc vận động chính sách thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo để đề xuất, khuyến nghị những giải pháp tháo gỡ ngày càng nhiều và càng có bài bản, thiết thực hơn, cho dù đây không phải là “nghề” và mong muốn của họ.
II. KINH NGHIỆM
Hiệp hội công thương TP Hà Nội được hình thành từ sau đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khoá 6 và nguyện vọng của giới kinh doanh tư nhân, nhưng vì e ngại sẽ sảy ra như ở Hội công thương thành phố nọ ở phía Nam, nên mãi đến tháng 2/1996 mới chính thức được thành lập, sau nhiều năm kiên trì vận động nhiều cấp, nhiều ngành, ngay cả khi đã là một thương hiệu được nhiều người biết đến. Song để đứng vững và phát triển, Hiệp hội vẫn phải tiếp tục vận động với nội dung và phương thức ngày càng sâu sắc và phong phú hơn.
Bên cạnh cuộc vận động cho mình, Hiệp hội công thương TP Hà Nội đặc biệt chú trọng các cuộc vận động vì cộng đồng. Mở đầu là cuộc vận động Thành ủy Hà Nội quan tâm đến khu vực tư nhân với chủ đề “Làm gì để phát huy nội lực của DN tư nhân?” và hình thức hội thảo, Hiệp hội đã giới thiệu tiềm năng, ý nguyện của khu vực tư nhân đối với sự nghiệp xây dựng thủ đô và những rào cản cần tháo gỡ, đặc biệt là sự phân biệt đối xử cả về cơ chế chính sách và tâm lý đối với họ, lúc ấy còn khá nặng. Tiếp đến là các vận động về tạo lập môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, cải cách hành chính, xây dựng thể chế, pháp luật, truyền thông, báo chí bao gồm cả một số vấn đề có tính nguyên tắc như: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam”. Vấn đề: “Phân tầng và công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN”, vấn đề: “Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân” do Trung ương yêu cầu phân tích, đánh giá và kiến giải theo quan điểm của Hiệp hội – (với Tư cách là đại diện của khu vực kinh tế tư nhân )
Ngoài phương thức gián tiếp như tham gia diễn đàn, đóng góp ý kiến. Hiệp hội còn trực tiếp gặp Quốc hội, Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo Bộ, ngành để khuyến nghị về nhiều vấn đề như “Luật DN năm 1999”, “Phân chia lợi ích 3 bên tham gia quan hệ kinh doanh (thuế, ngân hàng, DN) để thúc đẩy xuất khẩu”, “Đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh”.v.v.
Trong các cuộc vận động trên, có cái thành công, có cái thành công một phần. Ví dụ Dự thảo Luật DN năm 1999 không được Ban soạn thảo ghi điều khoản “vốn và tài sản hợp pháp của chủ sở hữu đưa vào kinh doanh không bị quốc hữu hóa”. Chúng tôi khuyến nghị, Ban soạn thảo đồng tình, nhưng sợ đưa điều khoản này vào sẽ gây tranh luận, ảnh hưởng đến toàn bộ đạo luật, vốn đã có quá nhiều vấn đề tranh cải rồi!
Nhưng chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm và trực tiếp đến Ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội để trình bày. Lần thứ nhất không được, chúng tôi xin gặp lần thứ hai với lời lẽ tha thiết, mạnh bạo hơn: “Nếu Luật Doanh nghiệp không tái xác nhận nội dung này sẽ làm cho các nhà đầu tư tư nhân không yên tâm!” Cuối cùng, đề nghị được Quốc hội chấp nhận trở thành khoản 3 Điều 4 của Luật DN 1999!
Sau hơn 10 năm thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN, thông qua các hoạt động phản biện và vận động hành lang (vận động chính sách). Chúng tôi nhận ra rằng: Muốn thành công thì trước hết phải tạo uy tín làm cho “đối tác” tin tưởng vào sự trung thực của mình, cho dù có quyết liệt cũng chỉ vì thiện chí xây dựng muốn mọi cái tốt đẹp hơn, chứ không ẩn ý động cơ hay mưu toan nào khác, và một vấn đề dù lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp cũng phải:
1. Điều tra, nghiên cứu, cập nhật thông tin từ nhiều phía và xử lý một cách nghiêm túc để những vấn đề và ý kiến đưa ra là khách quan, cần thiết. Không phải cho lợi ích của riêng mình, mà cho người khác, DN khác, hoặc cho cộng đồng – mà mình là đại diện.
2. Phải lựa chọn và tham khảo xem vấn đề nên đặt ra vào thời điểm nào là thích hợp, nếu sớm quá hay muộn quá sẽ không được quan tâm, vì nhà nước có quá nhiều công việc phải ưu tiên chứ đâu chỉ có vấn đề của mình. Nếu không đúng lúc, đúng chỗ thì dù nội dung đề xuất có hay, cũng khó trở thành hiện thực!
3. Phải xem vận động chính sách “là một nghề rất có trách nhiệm” vì đây là một nghề chuyển tải ý nguyện của những người không có điều kiện, giao tiếp với cơ quan lập pháp hoặc những người có ảnh hưởng trong xã hội hay quan chức nhà nước, nên phải tinh tế và đa dạng, có thể thông qua nhiều con đường như: mời dự hội thảo, hội nghị mời giao lưu, phân phát tài liệu, hay mời “đối tác” giữ vai trò tư vấn chẳng hạn. Song dù bằng cách nào cũng không thể xem đây là một “áp phe” theo nghĩa không lành mạnh.
4. Cùng với khuyến nghị phải có giải pháphóa giải cụ thể cho từng vấn đề nêu ra, nếu được đáp ứng sẽ đem lại lợi ích cho ai, cá nhân hay cộng đồng. Cá nhân hay cộng đồng cũng không ngại; quan trọng là lẽ phải và sự công tâm Tuyệt đối, không phải là chuyện tiền trước việc sau! Người Việt Nam vốn trọng Nhân – Nghĩa, theo Khổng Tử “Nhân là người nói những lời phải, làm việc phải”, “Nghĩa là sự đền đáp lời nói phải, việc làm phải”. Người Nhân – Nghĩa là người có Đức và “Người có Đức thì mặc sức mà ăn” (ý nói giàu sang phú quý đời đời cho đi không hết). Bây giờ mỗi lần Tết đến, ta thấy cả chính khách, nhà kinh doanh và Nam thanh nữ tú đều đến Cửa Khổng Sân Trình xin chữ Đức về thờ.
Rất tiếc đến thời điểm này rồi mà mối quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và các Hiệp hội DN vẫn chưa được xác lập đầy đủ. Nhiều kiến nghị của DN được tiếp thu hay không tiếp thu không được giải trình. Và hội nhập rồi mà trong xã hội không ít người còn ngầm hiểu một cách lệch lạc, coi các cuộc “Vận động hành lang” là biến tướng của “Quan hệ ô dù”, “Tham nhũng hối lộ”.
Trước và sau khi họp Đại biểu Quốc hội thường tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều lắm mỗi buổi có chừng mươi lăm “đại cử tri” phát biểu, cách làm ấy phỏng có hữu hiệu bằng thông qua các Hiệp hội hoặc các tổ chức chuyên nghiệp điều tra khảo sát, ý kiến của doanh nghiệp, và cử tri, rồi truyền đạt ý nguyện của họ tới cơ quan lập pháp? Chắc chắn các Hiệp hội sẽ làm công việc này tốt hơn, mà còn qua đó còn làm cho doanh nghiệp thấu hiểu những khó khăn, phức tạp của giai đoạn chuyển đổi để chấp nhận và chia sẻ với Quốc hội và Chính phủ những khó khăn và sức ép mà Chính phủ và Quốc hội đang phải gánh chịu, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác cộng đồng trách nhiệm vì sự nghiệp chung có hay không!
Xin cảm ơn!
VDT