Một tiến bộ và sáu bất hợp lý

Thứ Sáu 13:38 26-05-2006
Dự thảo Luật Đầu tư chung: một tiến bộ và sáu bất hợp lý

* Luật sư Trần Vũ Hải

Theo kế hoạch, Luật Đầu tư chung sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Dự luật này nếu được thông qua (cùng với Luật Doanh nghiệp chung) sẽ thay thế cho Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (Luật KKĐTTN) và Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Để chuẩn bị cho dự luật, nhiều nghiên cứu và hội thảo đã được tổ chức. Ban soạn thảo Luật Đầu tư chung cũng trực tiếp lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau từ giới doanh nghiệp, luật gia và các chuyên gia kinh tế. Dự thảo lần thứ 9 đã được trình Chính phủ, và là cơ sở để các cơ quan chuyên môn của Quốc hội xem xét trước khi đưa ra Quốc hội thông qua. Đáng tiếc, giới doanh nghiệp và chuyên gia trong nước đều nhận định rằng mặc dù Ban soạn thảo đã cố gắng lắng nghe, nhưng dự thảo lần 9 vẫn chưa thể hiện tính đột phá để khai thông và khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân. Có nhiều dấu hiệu cho thấy tư duy “quản lý cái không của mình” vẫn còn đeo đẳng. Vì thế, mặc dù ghi nhận sự tiến bộ đáng kể trong dự thảo, nhưng còn khá nhiều bất hợp lý trong dự luật nếu không kiên quyết thay đổi tư duy, khó có thể tháo gỡ được trong thời gian vài tháng tới.

Một tiến bộ lớn: Mở cửa cho tư nhân trong nước kinh doanh trong một số lĩnh vực trước đây được coi là độc quyền của Nhà nước.

Theo dự thảo, đấy là những lĩnh vực mà hiện nay chưa có bóng dáng của đầu tư tư nhân trong nước: xuất bản, truyền hình, phát thanh, quảng cáo có gắn phát hình quảng cáo, vận tải hàng không, cảng biển, sân bay, dầu khí. Đây là những lĩnh vực yêu cầu số vốn đầu tư rất lớn, đồng thời cũng có thể đạt lợi nhuận cao, rất hấp dẫn các chủ đầu tư tư nhân trong nước. Tư nhân Việt Nam hiện mới chỉ mon men đến những lĩnh vực với tư cách kẻ ăn theo, chứ chưa phải với tư cách nhà đầu tư, mặc dù tiềm năng của họ về vốn và chất xám để khai thác trong lĩnh vực này là không nhỏ. Nếu thật sự Nhà nước mở cửa cho tư nhân trong những lĩnh vực này, chúng ta sẽ chứng kiến một tốc độ phát triển chóng mặt của tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ trong thời gian tới.

Những bất hợp lý

Bất hợp lý thứ nhất: Tên gọi

Dự kiến ban đầu Luật Đầu tư chung ra đời nhằm thay thế Luật KKĐTTN và Luật ĐTNN, và cùng với Luật Doanh nghiệp thống nhất tạo thành môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế. Nói cách khác, Luật Đầu tư chung nhằm điều chỉnh các hoạt động của các nhà đầu tư kinh doanh. Nhưng vì đầu tư là khái niệm rộng, không chỉ là đầu tư kinh doanh mà gồm có đầu tư từ ngân sách nhà nước. Có vẻ như các nhà soạn thảo quá ôm đồm, đã muốn điều chỉnh luôn cả hoạt động đầu tư từ ngân sách. Đây là một sai lầm lớn vì đầu tư từ ngân sách cần quản lý chặt chẽ và theo một quy tắc khác, trong khi đầu tư từ tư nhân, nước ngoài (là đối tượng chính của Luật KKĐTTN và Luật ĐTNN) cần được khuyến khích mạnh mẽ, nên cần được quy định thông thoáng. Thế nhưng, hai tư duy “quản lý chặt”“thông thoáng” khó có thể gặp nhau trong một dự luật. Và có vẻ chính các nhà soạn thảo đã bị ảnh hưởng nhiều hơn của tư duy “ quản lý chặt”, khi quy định về hoạt động đầu tư của tư nhân.

Đề nghị của chúng tôi: Tên gọi của luật này phải là Luật Khuyến khích đầu tư, quy định chủ yếu về những hoạt động đầu tư mang tính kinh doanh (thu lợi nhuận).

Bất hợp lý thứ hai: Thiếu và thừa quy định

Một loạt các hình thức đầu tư rất đáng quan tâm như xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT); xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO); xây dựng – chuyển giao (BT), sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A). Và mới đây, ông thị trưởng Luân Đôn sang thăm Việt Nam đã giới thiệu thêm hình thức Hợp tác Công tư (PPP).

Đáng tiếc, các nhà soạn thảo chỉ ghi nhận các hình thức BOT, BTO, BT, M&A trong vài điều luật, còn PPP không được nhắc đến. Trong khi trên thế giới, những hình thức này càng phổ biến, huy động một lượng vốn khổng lồ để đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng trong xã hội. ở Việt Nam đã có một số dự án lớn dưới những hình thức này, thành công có và thất bại cũng có. Trong các cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đã kêu gọi Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp lý cho những hình thức đầu tư này, để giới đầu tư có quyết tâm hơn trong việc đổ tiền vào các công trình xây dựng hạ tầng trị giá hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đô la. Nhưng có vẻ như Ban soạn thảo không quan tâm và lưu ý đến những lời kêu gọi này. Như vậy, các nhà đầu tư lại phải mất nhiều năm để chờ đợi một sự hoàn thiện hơn. Trong khi đó, có những quy định mà có lẽ các nhà đầu tư kinh doanh khó lòng quan tâm đến đầu tư từ ngân sách, lập quy hoạch...lại chiếm vị trí quan trọng trong luật này (1/4 số điều khoản trong dự luật). Ngay đối với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của trung ương và địa phương, điều chủ đầu tư quan tâm nhất là lấy thông tin về quy hoạch từ đâu, ví dụ nhà đầu tư cần biết dự án của họ có phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội không, thì hỏi ai? Trong bao lâu được trả lời? Nếu thông tin cung cấp sai xử lý thế nào? Nếu địa phương chưa có quy hoạch, họ có được thực hiện dự án không?....Nhưng những quan tâm này có vẻ như không phải là những quan tâm của nhà soạn thảo.

Bất hợp lý thứ ba: Quy định về đăng ký đầu tư

Theo dự luật, mọi dự án đều phải đăng ký đầu tư bất kể là dự án nào (không tính những dự án phải xin giấy phép đầu tư) và các dự án sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ những dự án dưới 5 tỷ đồng và không thuộc trường hợp xin ưu đãi đầu tư). Vậy các nhà đầu tư đăng ký đầu tư để làm gì? Và Nhà nước cần họ đăng ký đầu tư để làm gì? Không có câu trả lời xác đáng. Ai cũng biết rằng, mọi thứ giấy tờ đều đẻ thêm thủ tục, cho dù nhà soạn thảo không muốn, nhưng các quan dân gần dân luôn nghĩ ra những mẹo để hành dân, hành doanh nghiệp. Ngay đến Giấy khai sinh đơn giản vậy mà có người phải đi đến 29 lần mới được cấp. Vậy đơn đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần đi bao nhiêu lần để nộp? Bao nhiêu lần để sửa? Và bao nhiêu lần nữa để đợi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư? Kèm theo đó bao nhiêu phong bì? Và đến khi có rồi để làm gì? Tôi mua sẵn 40 máy tính cho công ty để mỗi nhân viên có một chiếc sử dụng, đấy chắc chắn là dự án. Nhưng nếu tôi ít tiền, tôi mua 10 chiếc, hoặc 5 chiếc hoặc 1 chiếc, đây cũng là một dự án. Vậy tôi phải đăng ký đầu tư dự án mua một máy tính. Nhưng nếu tôi không đăng ký thì sao? Quy định mỗi dự án phổ thông phải đăng ký đầu tư rõ ràng là vô lý và chỉ phục vụ cho sự phiền hà, hành doanh nghiệp, không cần thiết cho doanh nghiệp và cho Nhà nước.

Theo tôi, nếu duy trì đăng ký đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chỉ thực hiện trong trường hợp sau (khi xác định rõ lợi ích của nhà đầu tư và quan tâm của nhà nước):

a/ Khi nguồn vốn góp đầu tư được chuyển từ nước ngoài;
b/ Khi nhà đầu tư xin cấp ưu đãi đầu tư;
c/ Khi nhà đầu tư có nhu cầu cần cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thu xếp về đất;

Còn những trường hợp khác (trừ những trường hợp phải xin phép đầu tư), miễn cho họ việc đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bất hợp lý thứ tư: Thêm những giấy phép không cần thiết

Ngoài giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên, dự thảo còn dự kiến một số giấy phép “con” mới cho doanh nghiệp trong nước có phần vốn tư nhân. Giấy phép đầu tư (GPĐT): đối với

a/ Dự án có tỷ trọng sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên;
b/ Dự án không sử dụng vốn nhà nước có quy mô đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên.

Khái niệm dự án sử dụng 30% vốn nhà nước là không rõ ràng, nếu coi vốn của ngân hàng thương mại quốc doanh hoặc Quỹ hỗ trợ đầu tư cũng là vốn nhà nước thì hầu hết các dự án có vốn vay từ vài tỷ đồng trở lên cũng thuộc loại này, tức cần xin GPĐT. Lẽ ra, việc đầu tư như vậy cần do chính chủ đầu tư và nhà cho vay quyết định. Tương tự như vậy với vốn đầu tư tư nhân trên 300 tỷ đồng. Mặt khác có cơ sở gì để khẳng định một dự án 250 tỷ đồng của tư nhân không thể phát sinh đến 300 tỷ đồng. Vậy khi đó họ phải xin GPĐT mới được thanh toán cho khoản phát sinh? Mặc dù dự luật quy định chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ thì nhà đầu tư sẽ được cấp GPĐT. Thế nào là “hồ sơ hợp lệ”? Nếu quá 20 ngày làm việc họ không cấp thì sao? Trong trường hợp đó, sẽ phải hành động thế nào để được coi là “hợp lệ” và được cấp, nếu không muốn tiếp tục đi lại?

Một loại giấy phép con khác: Giám định giá trị và chất lượng của máy móc, thiết bị khi nhập khẩu để tạo tài sản cố định hoặc thực hiện dự án đầu tư của họ. Nếu nhà đầu tư (hoặc cổ đông của họ) cần, đương nhiên họ sẽ trưng cầu giám định, không cần điều luật này. Nhưng nếu họ không cần? Nhà nước sẽ làm gì? Phạt họ chăng? Không cho họ đầu tư? Một chuyên gia bình luận đấy là quy định trái những yêu cầu hội nhập và trái nguyên tắc thoả thuận trong giao dịch thương mại quốc tế? Phải chăng Ban soạn thảo lo rằng sẽ có gian lận, sẽ phải nhập hàng bãi rác. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu nghi ngờ điều đó phải chứng minh. Và nếu chứng minh có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Một loại giấy phép liên quan đến chuyển nhượng vốn hoặc dự án cũng được dự kiến. Đây vốn là quy định theo Luật ĐTNN nhưng hiện không áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước. Trên thị trường đầu tư, việc chuyển nhượng tài sản kinh doanh là việc bình thường, tự nhiên. Lẽ ra, Nhà nước chỉ quan tâm việc chuyển nhượng đó nếu sinh ra lợi nhuận của bên bán thì sẽ đánh thuế như thế nào? Giống như một ngôi nhà có đăng ký trước bạ, chủ sở hữu có quyền bán cho bất cứ ai với bất cứ giá nào, và cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải chứng nhận đăng ký việc chuyển nhượng và được quyền thu thuế từ việc chuyển nhượng đó. Chủ nhà không phải xin phép. Nhà nước không phải phê chuẩn. Dĩ nhiên trong việc mua bán, có thể có bội tín, thậm chí lừa đảo. Nhưng chuyện đó đương sự có thể yêu cầu Toà dân sự hoặc cảnh sát can thiệp. Còn nếu để phòng chống bội tín, lừa đảo, các nhà đầu tư có thể thuê nhà tư vấn, luật sư luôn luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ trợ giúp. Cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư không phải là vệ sĩ hay luật sư cho các nhà đầu tư.

Nhân đây, xin bàn về vụ án “Nguyễn Đức Chi lợi dụng dự án đầu tư để lừa đảo”. Chúng ta sẽ không lấy gì ngạc nhiên khi tại sao doanh nghiệp nhà nước hay “được” là người bị hại trong những vụ án lừa đảo có giá trị lớn. Nếu là doanh nghiệp tư nhân, khó có thể có sự dễ “bị lừa” như vậy. Theo tôi để giảm những vụ “Nguyễn Đức Chi”, loại nhà đầu tư nhưng “không có năng lực đầu tư”, Luật Đầu tư có thể quy định cho phép các địa phương khi giao đất cho các nhà đầu tư, yêu cầu họ phải cam kết và đặt cọc. Ví dụ được giao đất mà quá 12 tháng nhưng không khởi công xây dựng sẽ bị phạt đặt cọc và có thể bị thu hồi đất đã giao. Còn cái gọi là “thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư” chỉ là phù phiếm. (Ai sẽ đảm bảo các giấy tờ tiếng nước ngoài mà nhà đầu tư đưa ra là có giá trị, đáng tin cậy và đảm bảo rằng nhà đầu tư có đủ khả năng tài chính để đầu tư?)

Bất hợp lý thứ năm: Tiếp tục hệ thống ưu đãi thuế phức tạp.

Các nghiên cứu gần đây về ưu đãi đầu tư đưa ra những nhận xét đáng lưu ý sau:

a. Đại đa số nhà đầu tư quyết định đầu tư không phải vì ưu đãi đầu tư;
b. Hệ thống ưu đãi thuế rất phức tạp;
c. Chi phí để được cấp ưu đãi đầu tư rất tốn kém;
d. Trong tổng giá trị ưu đãi được hưởng, tuyệt đại đa số dành cho doanh nghiệp lớn (Chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);
e. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi đầu tư trong khi không thực sự đầu tư.

Thế nhưng các nhà soạn thảo đầu tư không để ý những nhận xét trên, về cơ bản tiếp tục duy trì một hệ thống ưu đãi phức tạp như trước đây. Mặt khác cũng chưa xây dựng được cơ chế hậu kiểm về ưu đãi đầu tư. Mọi mong đợi và đề xuất của các chuyên gia để xây dựng một hệ thống ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đơn giản, rõ ràng và minh bạch đã không được tiếp nhận.

Như vậy, có thể thấy trước những vấn đề về ưu đãi đầu tư nêu trên lại tiếp tục phát sinh, nếu nội dung về ưu đãi đầu tư trong dự thảo Luật đầu tư được thông qua.

Bất hợp lý thứ sáu: Tính khả thi của Luật Đầu tư

Luật Đầu tư ra đời đụng chạm đến hàng chục luật khác đang có hiệu lực thi hành. Vậy nếu quy định trong Luật Đầu tư này mâu thuẫn với quy định của luật khác thì giải quyết như thế nào? Dự thảo đã dự kiến trường hợp này, cho rằng Luật Đầu tư sẽ được ưu tiên áp dụng. Nhưng thực tế sẽ không phải như vậy. Các cơ quan của Việt Nam không có thói quen tôn trọng luật “của ngành khác”. Cán bộ thuế sẽ cho rằng Luật Thuế đối với họ to hơn Luật Đầu tư, nếu có vấn đề gì “mời ông lên Bộ Kế hoạch Đầu tư để theo Luật Đầu tư...”

Tiến bộ của Dự thảo Luật Đầu tư, như đã ghi nhận ở trên là dự liệu cho tư nhân đầu tư vào báo chí, phát thanh, truyền hình, hàng không, dầu khí... cũng khó thành hiện thực, nếu Quốc hội không sửa đổi các luật tương ứng để mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam trước khi chúng ta phải mở cửa cho tư nhân nước ngoài theo các cam kết quốc tế.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần có Luật sửa đổi một số luật có liên quan đến Luật Đầu tư để đảm bảo tính khả thi của luật này. Để có Luật Khuyến khích Đầu tư đúng tầm, theo chúng tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên mời một số chuyên gia luật và kinh tế hàng đầu vào Ban soạn thảo, nhanh chóng sửa chữa những bất hợp lý trên.

Nhân dân và doanh nghiệp đang mong đợi vào Luật Đầu tư (Luật Khuyến khích Đầu tư), nhưng đừng để họ thất vọng khi luật đó đi vào cuộc sống.

Các văn bản liên quan