Một số ý kiến đóng góp cua Trịnh Tuấn Hải, Chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thứ Sáu 13:41 26-05-2006

Một vài ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị Định Luật Đầu tư

I. Về nội dung Nghị định:


1. Điều 5.
Vì đây là phần các hình thức đầu tư, nếu dùng “và các quy định của Nghị định này” sẽ không hợp lý, vì Nghị định chỉ hướng dẫn thi hành Luật với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư chứ không quy định hình thức đầu tư nào khác. Mặt khác, Điều 1 đã quy định: Nghị định không điều chỉnh đầu tư ra nước ngoài và đầu tư gián tiếp, nên đưa Điều 26 vào là không cần thiết.
Đề nghị đổi tên Điều 5 thành “Các hình thức đầu tư trực tiếp” và nội dung Điều này chỉ nêu các Điều trong Luật Đầu tư tương ứng có liên quan đến đầu tư trực tiếp (Không có Điều 26).

2. Điều 8. Khoản 3.
Đề nghị ghi rõ: Có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam để tương ứng với khoản 3 Điều 7.

3. Điều 9. Khoản 2.
Dùng cụm từ: “theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan” để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư.

4. Điều 17.
Cần làm rõ Khoản 2 có liên quan như thế nào với khoản 1. Nếu cùng là quy định hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư thuộc danh mục ưu đãi thì chỉ cần gộp 2 khoản 1 và 2 và quy định: “Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng thuộc danh mục…” để bảo đảm khoa học, dễ hiểu. (Khoản 2 và 3 Điều 2 đã giải thích rõ thế nào là dự án đầu tư mới và mở rộng, không cần phải chép lại như khoản 2 Điều 17).

5. Điều 42.
Do điều này thuộc chương IV - Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, nên không cần quy định trách nhiệm, vì như vậy là thừa. Mặt khác Luật Đầu tư cũng không quy định trách nhiệm của nhà đầu tư - chương III - Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Do vậy, Điều 42 nên sửa là: Nghĩa vụ của nhà đầu tư.

6. Điều 77.

Khoản 1. Do việc ký kết hợp đồng BCC không dẫn tới thành lập pháp nhân, nên các cá nhân có thể ký kết hợp đồng BCC – đây là điểm mới so với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành. Vì vậy, đề nghị bổ sung “quốc tịch” của các bên tham gia hợp đồng BCC vào nội dung hợp đồng để đảm bảo chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước.
Phần cuối Điều 77 quy định: Hợp đồng BCC giữa bên Việt Nam và Bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, chưa có quy định về ngày có hiệu lực của Hợp đồng BCC giữa các bên Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hay thời điểm ký kết hợp đồng?).

II. Về kết cấu Nghị định và chỉnh sửa, thay đổi từ ngữ:


1. Phụ lục A2, phần VI, mục 4. Sửa “Đúng” thành “Đóng”.

2. Điều 23. Đề nghị sửa “về nước” thành “về Việt Nam”.

3. Điều 44. Đề nghị thống nhất sử dụng cụm từ: “Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư”. Không dùng: “nhà đầu tư chấm dứt hoạt động” như khoản 1, hay “chấm dứt dự án đầu tư” như khoản 4.

Các văn bản liên quan