Một số ý kiến về dthảo 4 giai đoạn II BLHH

Thứ Hai 14:38 22-05-2006
KS. Nguyễn Tường Luân

Điều 48.2
“ Khi tàu hoạt động ở nước ngoài, thuyền trưởng trình kháng nghị hàng hải tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự có thẩm quyền của Việt Nam hoặc trình cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương...”.
Trên thực tế, khi tàu hoạt động ở nước ngoài, kháng nghị hàng hải thừơng được trình tại Phòng công chứng (Notary Public)

Điều 73.1“Đối với số hàng hoá bị thiệt hại do có tai nạn trong khi tàu đang hành trình, thì dù với bất cứ nguyên nhân nào cũng được miễn tiền cước vận chuyển, nếu đã thu thì phải hoàn trả lại”.
Nếu đã thu cước trước thì gọi là cước trả trước (prepaid freight), mà đã là cước trả trước thì không bao giờ hoàn trả lại (prepaid freight is not recoverable even if the goods are lost, demaged and never delivered).

Điều 74.b
...“Ghi rõ người giao hàng hoặc những người do người giao hàng chỉ định phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn theo lệnh”.
Nên thống nhất người nhận hàng làm cơ sở định nghĩa vận đơn. Định nghĩa trên không thống nhất với quy luật của “a” và “c”. Nên định nghĩa lại như sau: “ Không ghi rõ tên người nhận hàng mà chỉ ghi giao hàng theo lệnh của ai, gọi là vận đơn theo lệnh”.

Điều 88
“Nếu các điều khoản của hợp đồng thuê tàu chuyến đã được đưa vào vận đơn, thì các điều khoản này sẽ được áp dụng”.
Nếu quy định như vậy thì sẽ có câu hỏi đặt ra là hợp đồng thuê tàu chuyến hay vận đơn điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển? Nên quy định lại cho rõ như sau: “Nếu các điều khoản của hợp đồng thuê tàu chuyến đã được đưa vào vận đơn, thì các điều khoản này sẽ được áp dụng và hợp đồng thuê tàu chuyến điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển”.

Điều 92.1“Người vận chuyển có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho người thuê vận chuyển hoặc người giao hàng về việc tàu đã đến cảng bốc hàng và sẵn sàng để nhận hàng, sau đây gọi là thông báo sẵn sàng”.
Định nghĩa như vậy thì có thể hiểu là chỉ giao thông báo sẵn sàng ở cảng xếp hàng còn ở cảng dỡ hàng thì không. Tham khảo định nghĩa về thông báo sẵn sàng của các sách nước ngoài đều nói giao thông báo sẵn sàng ở cả cảng xếp và cảng dỡ. Đề nghị ban soạn thảo xem xét lại định nghĩa này.

Điều 189.1“Tai nạn đâm va là tai nạn xảy ra do đâm va trực tiếp giữa tàu biển với tàu biển, tàu biển với phương tiện thuỷ nội địa, tàu biển với thuỷ phi cơ hoặc giữa các phương tiện nổi khác...”.
Nên thay chữ giữa bằng chữ “với”, vì đây là tàu biển đâm va với các phương tiện nổi khác chứ không phải các phương tiện nổi khác đâm nhau.

Điều 216.3
“Trong trường hợp người thuê vận chuyển mua bảo hiểm cho tiền cước vận chuyển, thì tiền cước này được tính gộp vào giá trị bảo hiểm của hàng hoá”.
Trong trường hợp nào thì người thuê vận chuyển mua bảo hiểm cho tiền cước vận chuyển và tiền cước này được tính gộp vào giá trị bảo hiểm của hàng hoá như thế nào?
Nên nói rõ những ý này, vì thông thường người vận tải là người mua bảo hiểm cước vận chuyển và tiền cước này không liên quan tới giá trị bảo hiểm của hàng hoá.

Điều 220“Đơn bảo hiểm hàng hải có thể chuyển nhượng bằng cách người được bảo hiểm ký bổ sung trên đơn hoặc theo tập quán thương mại”.
Nên thay “ký bổ sung” bằng “ký chuyển nhượng” vì nếu nói ký bổ sung thì có nghĩa là người được bảo hiểm đã ký trước đó trên đơn bảo hiểm một lần, nhưng thực tế trước đó người được bảo hiểm không hề được phép ký gì trên đơn bảo hiểm.

Điều 224
“Người bảo hiểm” có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm cho người bảo hiểm...”
Thay “người bảo hiểm” bằng “Người được bảo hiểm”.

Điều 227“ Người bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho người được bảo hiểm mọi chi phí hợp lý và cần thiết do người được bảo hiểm chi ra để ngăn ngừa hoặc hạn chế tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm... Các chi phí này phải được bồi hoàn theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm”.
Quy định này không đúng, vì chỉ trong trường hợp bảo hiểm dưới giá trị thì mới bồi hoàn theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm.

Điều 228.1“Người bảo hiểm... còn phải bồi hoàn những chi phí quy định tại Điều 227 mặc dù tổng số tiền phải trả cho người được bảo hiểm có thể vượt quá số tiền bảo hiểm”.
Trong mọi trường hợp, người bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường vượt quá số tiền bảo hiểm trên đơn bảo hiểm.

Điều 228.3“Hợp đồng bảo hiểm thân tàu có thể mở rộng để bồi thường thêm các tổn thất liên quan đến các trách nhiệm trong tai nạn đâm va,... mặc dù tổng số tiền bồi thường có thể vượt quá số tiền bảo hiểm”.
Trong tai nạn đâm va, người bảo hiểm thân tàu chỉ chịu 3/4 số tiền bảo hiểm ghi trên đơn bảo hiểm do mình cấp cho tàu mình bảo hiểm. Số 1/4 trách nhiệm còn lại do bảo hiểm P & I bồi thường.
Cũng có cách giải quyết khác là bảo hiểm P & I chịu toàn bộ 4/4 trách nhiệm đâm va với bên thứ ba.

Điều 232.2
“Khi lập bảng phân bố tổn thất chung, người được bảo hiểm có nghĩa vụ quan tâm thích đáng các quyền lợi của người bảo hiểm”.
Nên nói rõ hơn điều này, vì các quyền lợi của người bảo hiểm khi lập bảng phân bổ tổn thất chung là gì? Tại sao phải quan tâm thích đáng?

Các văn bản liên quan