Một số ý kiến về “ Báo cáo tổng hợp…” – Giáo sư TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ĐTNN

Thứ Hai 08:21 07-11-2011

    Có thể đánh giá tổng quan rằng, Bản tổng hợp rà soát và kiến nghị về sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện 16 luật có liên quan đến doanh nghiệp là một công trình nghiên cứu có giá trị đối với việc hoàn thiện thể chế kinh tế của nước ta, được hình thành từ phương pháp khoa học thông qua việc khảo sát, đánh  giá của các nhóm chuyên gia và tổ chức các cuộc hội thảo.

   Ba tiêu chí chủ yếu để rà soát và khuyến nghị là tính minh bạch, tính thống nhất và tính khả thi đã được thực hiện nhất quán trong bản báo cáo này.

  VCCI đã chủ động trong việc hợp tác với Văn phòng chính phủ  tổ chức rà soát, là hoạt động đúng hướng để thu thập ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp vào chủ trương hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta.

  Tôi không có ý định góp ý một số nội dung của từng luật, vì có thể trao đổi trực tiếp với các tác giả, vì khung khổ cuộc hội thảo này không thể nêu chi tiết được.

   Tôi nêu lên một số gợi ý để các tác giả tham khảo khi hoàn chính Báo cáo. 

   1. Trong phần mở đầu cần làm rõ hơn nguyên nhân của việc phải rà soát  nhiều luật kinh tế của nước ta, mặc dù mới được ban hành cách đây 5- 6 năm.  Theo tôi có ba nguyên nhân chủ yếu:

-         Trong những năm vừa qua nước ta đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nhất là giai đoạn trước khi gia nhập WTO. Có những tiến bộ so với trước, nhưng ngay khi ra đời nhiều nội dung của luật đã không phù hợp với đòi hỏi của đời sống kinh tế- xã hội đất nước.

-         Trong 5 năm vừa qua, đất nước đã trải qua những bước thăng trầm về kinh tế, có mặt tích cực, có lạm phát cao và thiểu phát do tác động của khủng hoảng, nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được luật pháp hiện hành điều chỉnh như làm giá, tín dụng đen…

-         Nhiều nội dung của pháp luật hiện hành không đáp ứng được cung bậc cao hơn của sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước khi Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Quan hệ  nhà nước- doanh nghiệp- thị trường, mối quan hệ cơ bản của luật pháp kinh tế đang đặt ra nhiều vấn đề cơ bản đồng thời có tính thời sự đối với pháp luật, nếu muốn đất nước ta tiến lên nhanh hơn theo mô hình tăng trưởng mới hiệu quả và bền vững hơn.

  2. Việc chỉ rà soát luật mà không gắn với các Nghị định của Chính phủ và có trường hợp cả Thông tư của các Bộ có lẽ khó thấy hết những vấn đề cần giải quyết trong việc kiến nghị hoàn thiện luật pháp kinh tế. Ở nước ta luật hay pháp lệnh chỉ quy đinh chung chung, Nghị định và đôi khi Thông tư mới thực chất là văn bản luật có giá trị điều chỉnh hành vi của tổ chức và cá nhân trên thị trường. Cho dù có sửa đổi luật mà vẩn dành đất dụng võ cho Nghị định và Thông tư như hiện nay thì khó mà khắc phục được nhược điểm, do đó không hy vọng có bước đột phá về hệ thống luật pháp. Phải trả lại cho Luật do Quốc hội ban hành chức năng lập pháp, Nghị định và Thông tư của cơ quan hành pháp không làm thay luật, chỉ để giải thích và hướng dẫn thi hành luật.

   Có thể kể ra nhiều trường hợp Nghị định, Thông tư không ăn khớp, thậm chí sai luật. Các Nghị định của Chính phủ của những luật khác nhau không bảo đảm tính nhất quán, thậm chí mâu thuẩn nhau.

  3. Tình trạng phổ biến ở nước ta là luật chờ Nghị định cho dù thời hiệu luật đã có hiệu lực vẩn không thể điều chỉnh được hành vi kinh doanh trên thị trường. Khi thành lập Chính phủ mới vào tháng 7/2011, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra danh mục mấy chục Nghị định mà các Bộ “ còn nợ” (!). Tôi dẫn ra đây một ví dụ. Luật Doanh nghiệp dược Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, nhưng hơn một năm sau đó ngày 5/9/2007 mới có Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đó. Quốc hội nước ta có chức năng giảm sát việc thi hành pháp luật nhưng xem ra thiếu nghiêm khắc khi Chính phủ chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật trước khi luật có hiệu lực.

   Công việc rà soát luật pháp sẽ có được sự đồng thuận cao nếu chúng ta trao đổi với nhau một đôi điều về tư duy đối với luật pháp.

   Thẩm phán toàn án tối cao Mỹ O.W. Holmes cho rằng “ Cuộc sống của luật không phải là logic, mà ở kinh nghiệm”. Hermando đe Soto, một nhà hoạt động xã hội của nước Peru nhỏ bé, khi đi tìm nguyên nhân của tình trạng nghèo đói của các nước đang phát triển đã nhận ra rằng, một nguyên nhân quan trọng để nước Mỹ trở thành cường quốc đứng đầu thế giới chỉ hơn 150 năm lập quốc vốn xuất phát từ thuộc địa của Anh là do  “Hệ thống pháp luật Mỹ nhận được sinh lực của mình bởi vì nó được xây dựng trên kinh nghiệm của những người Mỹ bình thường và trên những dàn xếp ngoài pháp luật mà họ đã tạo ra, trong khi từ chối một số học thuyết thông luật Anh không mấy thỏa đáng đối với các vấn đề riêng của Hoa Kỳ”. Ông cũng khẳng định: càng nhiều cản trở pháp lý- càng nhiều tình trạng ngoài pháp luật. ( Bí ẩn của vốn, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 161 ).

    Các nhà làm luật của chúng ta nên xem lại từ tư duy về luật pháp, không thể ngồi trong các phòng kín tranh luận với nhau từng điều luật, mà luôn phải dựa trên đòi hỏi của cuộc sống mà ở đó người dân và doanh nghiệp là chủ thể, họ là đối tượng được điều chỉnh bằng luật pháp do đó luật pháp phải được hình thành từ kinh nghiệm và lợi ích của họ thì mới có hiệu lực thi hành.

   Từ cách đặt vấn đề như vậy, tôi đồng tình với các tác giả Bản báo cáo gửi kiến nghị đến Chính phủ và Quốc hội về việc hoàn thiện hệ thống luật pháp kinh tế nước ta, bao gồm 16 luật đã được rà soát lần này.

  Theo tôi không chỉ cần sửa đổi, bổ sung nội dung từng luật, mà là đổi mới hệ thống luật pháp, trình tự và thẩm quyền ban hành luật để đáp ứng đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp.

   1. Rà soát cả luật, Nghị định, Thông tư để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thông luật pháp kinh tế trên căn bản từ kinh nghiệm của đời sống kinh tế- xã hội của nước ta, đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới đang đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh, đồng thời tranh thủ được cơ hội mới từ trong nước và quốc tế.

   

   2. Sửa đổi phương thức và trình tự xây dựng luật pháp, không chỉ dựa vào các bộ, thậm chí tập đoàn kinh tế ( đối với luật chuyên ngành ) như hiện nay, khi mà lợi ích nhóm đang là nguy cơ can dự vào nội dung luật xâm hại đến lợi ích chung. Ngoài Chính phủ, khuyến khích đại biểu hoặc nhóm đại biểu Quốc hội và nhất là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trình dự thảo luật để Quốc hội thảo luận và quyết định.

    Để làm thí điểm, đề nghị UBTVQH giao cho VCCI chủ trì tập hợp các chuyên gia pháp luật, kinh tế, đại diện doanh nghiệp làm thí điểm việc xây dựng dự thảo Luật doanh nghiệp theo hướng có đủ chi tiết điều chỉnh hành vi kinh doanh; sau khi luật này được Quốc hội thông qua thì chỉ có duy nhất một Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành luật được ban hành ít nhất ba tháng trước khi luật có hiệu lực thi hành.

    3. VCCI nên tranh thủ thiết lập quan hệ hợp tác với Ủy ban pháp luật của Quốc hội, các Ủy ban chuyên ngành, các Bộ để phối hợp có hiệu quả quá trình rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống luật pháp với chương trình xây dựng luật pháp trong 5 năm và hàng năm để không xẩy ra tình trạng “ lệch pha” làm chậm trễ việc hoàn thiện luật pháp; từ quá trình thực hiện đối với 16 luật đã được rà soát, hoàn chỉnh cách làm để thu hút trí tuệ của nhiều chuyên gia luật pháp và kinh tế, đại diện doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đợt sau.

   Chúng ta đang ở vào một giai đoạn mà nếu vượt qua được chính mình, đổi mới được mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế có hệ thống thì đất nước sẽ tiến lên với nhip độ nhanh hơn, có hiệu quả và bền vững hơn, nếu không  thì nguy cơ “ cái bẩy thu nhập trung bình” đang hiển hiện ngày càng rõ nét.  “Đổi mới trở thành yếu tố thúc đẩy , thể hiện sự cấp bách, nếu không muốn nói là một sự hối thúc về đạo lý…, đổi mới được  xem như yếu tố quyết định nhằm thúc đẩy quá trình hướng đến tương lai” ( Tư duy lại khoa học, Nxb Tri thức, 2009, tr.36 ).

Các văn bản liên quan