Một số suy nghĩ về khái niệm “nguồn nguy hiểm cao độ”

Thứ Hai 11:47 22-05-2006
Một vài suy nghĩ về khái niệm “Nguồn nguy hiểm cao độ”
(Nguyễn xuân Đang*)

Dẫn đề: Trong bất kỳ một xã hội nào, con người đang chung sống với một số lợi ích bị xung đột và các hành vi của người này thỉnh thoảng gây ra thiệt hại cho những người khác… Và bất kể khi nào, một người phải gánh chịu những thiệt hại như vậy, thì đều có khuynh hướng đòi hỏi một sự bồi thường. Vì vậy, vấn đề trách nhiệm dân sự được đặt ra nhằm giải quyết những xung đột về lợi ích khi thiệt hại xảy ra.

Trong các quy định của BLDS về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng(TNBTTHNHĐ), Điều 627 về TNBTTH do nguồn nguy hiểm cao độ(NNHCĐ) gây ra chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là quy định mang tính nguyên tắc liên quan tới BTTH không cần chứng minh yếu tố lỗi ; và xét về tính chất, ý nghĩa thì điều 627 có vị trí quan trọng ngang bằng điều 609- là những căn cứ để xác định TNBTTHNHĐ.

Trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông, lao động…do NNHCĐ gây ra, đã trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp phòng ngừa thì việc giải quyết hậu quả các tai nạn trong đó có vấn đề BTTH đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần đựơc luận giải một cách thoả đáng.

Theo điều 627 BLDS thì trong TNBTTH do NNHCĐ gây ra, nguồn gây thiệt hại phải là NNHCĐ. Đây là một trong những điều kiện làm phát sinh TNBTTH do NNHCĐ gây ra.

Bài viết dưới đây nghiên cứu về khái niệm NNHCĐ trong bối cảnh các quy định của PLDS và chuyên nghành Việt Nam, có tham khảo, so sánh với một số quy định của pháp luật nước ngoài và bình luận đôi điều về những quy định này.

*Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ (NNHCĐ) :
Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện hành, chưa có khái niệm chung về NNHCĐ mà chỉ xác định những đối tượng nào được coi là NNHCĐ- cụ thể là - “NNHCĐ bao gồm phương tiện vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các NNHCĐ khác do pháp luật quy định”(khoản 1 điều 627BLDS).

Bài viết phân tích những đối tượng trên theo tinh thần của hướng dẫn trong Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/04/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC ): “Để xác định NNHCĐ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 627 BLDS và các văn bản pháp luật khác có liên quan hoặc quy định cuả cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó…”
-“Phương tiên vận tải cơ giới”

Mặc dù có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về “phương tiện vận tải cơ giới” trong pháp luật Việt Nam.Tại Luật giao thông đường bộ chỉ quy định: “…Phương tiện vận tải cơ giới đường bộ gồm: xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả xe cơ giới dành cho người tàn tật…”

Theo tinh thần của khoản 1, điều 627, BLDS thì phương tiện vận tải cơ giới bao gồm: phương tiện vận tải hoạt động trên đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không “ được trang bị và hoạt động bằng máy móc” .
Đặc điểm của phương tiện vận tải cơ giới là một loại tư liệu lao động vận hành bằng động cơ khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cao độ cho những người xung quanh, do đó đòi hỏi các điều kiện về người sử dụng, về an toàn kỹ thuật. phương tiện vận tải cơ giới. Hơn nữa, phương tiện vận tải cơ giới là một loại tài sản có số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, có giá trị và mang tính x• hội cao, là đối tượng thường được chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, thế chấp, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Trong các vụ tai nạn do NNHCĐ gây ra thì số vụ tai nạn do phương tiện vận tải cơ giới gây ra chiếm số lượng và có mức độ thiệt hại cao nhất.

Vấn đề đặt ra là: có phải tất cả các phương tiện vận tải cơ giới đều là NNHCĐ hay không? Với các quy định của pháp luật hiện hành, điều này không dễ xác định. Đối với các loại xe máy có dung tích xi lanh<50cm3 thì người điều khiển không bắt buộc phải có giấy phép lái xe... Ngoài ra còn có một số xe vừa có thể chạy bằng động cơ vừa có thể đạp, ví dụ: xe babetta, pôgiô. . .Hiện nay còn xuất hiện xe đạp điện với vận tốc có thể đạt tới 30 đến 60 km/h.. Tất cả những loại xe này có được coi là NNHCĐ?
Khái niệm “ phương tiện vận tải cơ giới’’ không bao gồm các loại xe máy chuyên dùng( gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp...) và các loại xe không vận tải. Khi các loại xe này tham gia giao thông và gây thiệt hại thì có thể áp dụng điều 627 BLDS để giải quyết việc BTTH hay không? Về lý thì không thể áp dụng nhưng thực tế các toà án vẫn áp dụng vì nếu không thì không có căn cứ pháp luật nào để giải quyết việc BTTH .

Hộp 1 : Khoảng 9 giờ ngày 04/06/2003 tại cầu Chánh Hưng (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng là bị thương nặng một người do chiếc xe cẩu biển số 57K-0087 của đơn vị thi công cầu 12 khi cẩu một khung sắt, bỗng nhiên bị lật ngang .

Xe máy chuyên dùng thi công hiện nay ngày càng phát triển về số lượng, chủng loại, đa tác dụng. Hoạt động thi công đường bộ mở rộng và phát triển nhanh về tốc độ luôn gắn liền với các hoạt động giao thông vận tải khác, vì vậy cần phải có quy chế pháp lý điều chỉnh sự hoạt động của các loại phương tiện này.

Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn hiện nay, đường xá được xây dựng mới, nâng cấp với tốc độ nhanh, các phương tiện, xe máy phục vụ nông nghiệp không chỉ hoạt động trên đồng ruộng mà còn được sử dụng để đáp ứng các hoạt động giao thông vận tải khác, nên ảnh hưởng tới sự an toàn chung.

Để hạn chế những bất cập này, chúng tôi đề nghị quy định rõ hơn về “phương tiện vận tải cơ giới” bằng cách thay cụm từ “ phương tiện vận tải cơ giới” bằng cụm từ “ phương tiện giao thông cơ giới và xe máy chuyên dùng”.

Điều 6, Nghị định 36/CP quy định Bộ Công an có thẩm quyền cấp biển số và tổ chức đăng ký các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trừ phương tiện dùng vào mục đích quân sự. Việc đăng ký các loại phương tiện không thuộc thẩm quyền của Bộ công an giao cho các nghành chức năng khác.

Ngoài các phương tiện phải đăng ký như quy định hiện nay thì chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc đăng ký của các phương tiện cơ giới thi công, phương tiện giao thông vận tải cơ giới do quân đội quản lý .
“Đăng ký” là một sự kiện pháp lý. Đối với NNHCĐ, khi đăng ký đồng thời với việc xác lập quyền sở hữu, sự kiện này dự liệu việc phát sinh trách nhiệm dân sự và những bất lợi về tài sản mà chủ sở hữu phải gánh chịu trong quá trình sử dụng NNHCĐ mà gây ra tai nạn; đây cũng là cơ sở để xác định chủ thể của THBTTH do NNHCĐ gây ra.

Các loại phương tiện đặc chủng chuyên dùng vào lĩnh vực quân sự trước đây, trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, vì để đảm bảo bí mật quân sự và nhiệm vụ thời chiến nên tất cả mọi phương tiện giao thông cơ giới quân sự đều giao cho quân đội đảm nhiệm việc quản lý. Nay đất nước trong thời bình cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc để đảm bảo trách nhiệm chung .

“Phương tiện vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp” chỉ được coi là NNHCĐ khi chúng “ đang hoạt động”- tức là ở trạng thái “ động” vì khi ở trạng thái “tĩnh”- khi không hoạt động, chúng giống như các vật bình thường khác không tạo ra sự nguy hiểm cho những người xung quanh. Chính trạng thái “động” đã đưa đến cho chúng khả năng gây thiệt hại của NNHCĐ. Cho nên, nếu chúng gây thiệt hại khi không hoạt động thì thiệt hại đó không được giải quyết theo chế độ THBTTH do NNHCĐ gây ra. Ví dụ: xe ô tô đang chạy trên đường mà gây thiệt hại thì được giải quyết theo các quy định của Điều 627 BLDS nhưng nếu đang đậu ở bãi xe, ga ra mà gây thiệt hại thì phải căn cứ vào lỗi của chủ xe mà xác định trách nhiệm bồi thường.
-Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ...(Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định 47/CP ngày 12/08/1996).

Theo chúng tôi, không phải mọi loại vũ khí khi sử dụng đều mang tính chất nguy hiểm cao độ. Với các loại vũ khí thô sơ - nhiều khi là công cụ sản xuất, tư liệu sinh hoạt – như dao, gậy... thì không thể coi là NNHCĐ .
-‘‘Chất cháy, chất nổ” là chất lỏng, chất khí, chất rắn dễ xảy ra cháy nổ”( điều 3, luật phòng cháy chữa cháy).

Chất cháy với đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với oxy trong không khí, nước hoặc dưới tác động của các yếu tố khác ở nhiệt độ nhất định ( ví dụ: diêm tiêu(Kali nitrat), phốt pho, thuốc đạn, xăng, dầu...)

Chất nổ là “loại hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất đặc biệt mà khi có tác động lý, hoá học hoặc nhiệt năng đủ liều lượng sẽ gây ra phản ứng hoá học biến hoá chất hoặc hỗn hợp chất đặc biệt đó thành năng lượng nổ và phá huỷ môi trường xung quanh”(khoản 1, TTLT số 01/TTLT-CN-NV ngày 13/11/1998 của Bộ công nghiệp, Bộ nội vụ hướng dẫn về quản lý kinh doanh, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp).

-“Chất độc” là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của con người, động vật cũng như đối với môi trường xung quanh( ví dụ: các chất độc bảng A như : A-cô-ni-tin và các loại muối của nó, kẽm phốt pho, ni-cô-tin, thạch tín, các loại muối thuỷ ngân...)

-“ Chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt động phóng xạ trên 70 kilo Becơren trên kilogam(70Kbo/Kg)(khoản 3, điều 3, Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ 1996). Là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân gồm các đồng vị không bền của các nguyên tố hoá học(Urani, Radi...) có khả năng phóng ra các chùm tia phong xạ không nhìn thấy(*,*...)gây nhiễm xạ với người, động vật và với môi trường sống, chất phóng xạ được coi là một NNHCĐ.
Trên thế giới thảm hoạ hạt nhân Tchernobyle(Ukraine) vẫn còn là một nỗi ám ảnh lớn đối với nhân loại.

-“Thú dữ” là “động vật bậc cao có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa, lớn , rất dữ, có thể làm hại người” .Ví dụ: hổ, báo, gấu, voi…trong vườn thú, rạp xiếc…
Còn một số loại động vật nguy hiểm khác nhưng không phải là “thú” như: cá sấu, trăn, rắn độc …thì về nguyên tắc không thể áp dụng trực tiếp Điều 627 BLDS mà chỉ có thể áp dụng tưong tự pháp luật để giải quyết TNBTTH của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng… khi chúng gây thiệt hại.

-“ Các NNHCĐ khác do pháp luật quy định”
Hướng mở của quy phạm đã gây không ít khó khăn cho các Toà án khi áp dụng pháp luật để xác định một nguồn gây ra thiệt hại có phải là NNHCĐ không?
Hộp 2: Trường hợp TAND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã phải có Công văn số 140/CV.TA xin ý kiến của TANDTC về sự định tính NNHCĐ đối với các loại thuốc tân dược trong vụ kiện dân sự gia đình nạn nhân Mai Thị Kim Anh khởi kiện đòi BTTH đối với y sĩ Trần Thị Diên Hồng …là một ví dụ thực tế .

Ngoài một số NNHCĐ đã được liệt kê, quy định này đựoc hiểu là khi pháp luật có quy định về các NNHCĐ khác ngoài các nguồn đã được liệt kê tại khoản 1 điều 627 BLDS thì mới được coi là NNHCĐ . Tuy nhiên, ngoài các quy định tại khoản 1 điều 627 nêu trên cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định thêm về vấn đề này.

Như vậy, NNHCĐ là những vật trong thế giới tự nhiên hay hoạt động của máy móc phương tiện khoa học kĩ thuật…mà hoạt động sản xuất, vận chuyển, bảo quản…có tiềm năng gây ra thiệt hại cho những người xung quanh mà con nguời không thể kiểm soát được tuyệt đối.

Hộp 3: Năm 1993, tại một sân bay lẻ ở Bắc nước Mỹ, liên tiếp đã xảy ra một số vụ tai nạn máy bay. Người ta đã phải mở một cuộc điều tra để rồi cuối cùng phát hiện ra nguyên nhân là: có một loài chim di cư từ nơi khác tới đã va vào máy bay khi máy bay chuẩn bị cất cánh hoặc hạ cánh. Tai nạn ở đây không phải do lỗi của người điều khiển máy bay cũng không phải do lỗi của khâu kiểm tra hay bảo dưỡng. Khoa học về động lực học đã giải thích nguyên nhân của tai nạn này: với vận tốc siêu lớn của máy bay( một NNHCĐ) chỉ cần va chạm nhẹ vào một vật thể khác là tai nạn hoàn toàn có khả năng xảy ra .

PLDS các nước có quy định khác nhau về khái niệm cũng như TNBTTH do NNHCĐ gây ra:

Theo đó NNHCĐ là “bất cứ sự vật chất nào được kéo, đẩy bằng máy móc(…), những vật có thể gây nguy hiểm bởi tính chất, mục đích hoặc sự vận hành cơ khí của chúng…”(điều 437, BLDS và thương mại Thái Lan) hay “các nhà máy chế tạo, nơi khai thác khoáng sản dễ gây cháy nổ, độc hại, phương tiện giao thông, vận tải cơ giới là NNHCĐ”( BLDS Nhật Bản).
Trong pháp luật dân sự Pháp, vấn đề TNBTTH do NNHCĐ gây ra không được đặt ra. Khái niệm NNHCĐ cũng không được đề cập đến trong BLDS . Điều đó có thể giải thích bởi chế độ trách nhiệm dân sự không dựa trên lỗi( La responsabilité sans faute): “ một người phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do(…)những vật mà mình coi giữ gây ra”( Điều 1384 BLDS Pháp). Như vậy, không quan trọng là vật có tính chất của NNHCĐ hay không nhưng nếu gây thiệt hại thì người có trách nhiệm trông giữ phải bồi thường tất cả nhưng thiệt hại do vật đó gây ra. Theo tư duy pháp lý của người Pháp: "Vì rất khó định nghĩa thế nào là NNHCĐ nên Pháp luật Pháp áp dụng Trách nhiệm bồi thường đương nhiên của người trông giữ vật đối với tất cả các vật, không kể tính chất của vật như thế nào ".

Liên bang Hoa Kỳ, theo Luật về hành vi gây thiệt hại, vói khái niệm “ sự thiệt hại tiềm tàng “( potential harm), với nguyên tắc tổng quát “ buộc mọi người phải thận trọng một cách hợp lý để không gây thiệt hại cho người khác”, “trách nhiệm tuyệt đối”( strict liability)- buộc một người có thể phải chịu TNBTTH cho dù không cố ý gây thiệt hại hay đã có một sự thận trọng cần thiết để tránh gây thiệt hại.

Theo các quy định nêu trên của pháp luật dân sự một số nước cũng như trong BLDS Việt Nam cho phép có thể hiểu khái quát: NNHCĐ là những đối tượng mà khi sử dụng, bảo quản, cất giữ, trông coi luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm, rủi ro cao độ đối với tính mạng, sức khoẻ, tài sản của con người.

Như nhiều nhà khoa học pháp lý đã nói, rất khó định nghĩa thế nào là NNHCĐ, ví dụ một viên gạch, hòn đá rơi từ một công trình xây dựng sẽ trở thành NNHCĐ nhưng bản thân viên gạch, hòn đá đó lại không phải là NNHCĐ. Trái lại; chúng ta có thể quan niệm một chiếc bình ga là một NNHCĐ vì nó có nguy cơ cháy nổ, còn đối với một vật bình thường như một chiếc bình hoa thì bản thân nó không phải là NNHCĐ mà chỉ trở thành NNHCĐ khi rơi từ trên cao xuống...

NNHCĐ là loại “ tài sản’” đặc biệt có tiềm năng gây thiệt hại rất lớn cho những người xung quanh, nên pháp luật quy định:
“Chủ sở hữu NNHCĐ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng NNHCĐ theo đúng các quy định của pháp luật

Cách tiếp cận khái niệm NNHCĐ tại khoản 1 là liệt kê các NNHCĐ-theo ý kiến cá nhân tôi- là một sự bất cập. Cách tiếp cận này vừa yếu lại vừa thiếu, không khái quát được đặc trưng, tính chất của NNHCĐ, gây khó khăn trong quá trình vận dụng pháp luật để giải quyết các trường hợp cụ thể, lại tiềm ẩn nguy cơ không thể liệt kê nổi những NNHCĐ mới phát sinh…

Trong BLDS sửa đổi, chúng tôi cho rằng cần tiếp cận khái niệm NNHCĐ một cách khái quát, xuất phát từ những đặc trưng của NNHCĐ. Hiện tại, để khắc phục những bất cập khi sử dụng khái niệm “ phương tiện giao thông vận tải cơ giới”, chúng tôi đề nghị thay thế bằng khái niệm “ phương tiện giao thông cơ giới và xe máy chuyên dùng”.

Theo điều luật, trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng NNHCĐ mới chỉ đặt ra đối với chủ sở hữu NNHCĐ mà chưa đặt ra với người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ cũng là một sự bất cập. Chúng tôi cho rằng cần bổ sung vào đoạn 2 khoản 1 cụm từ: “ người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ”.

Tiểu kết: Hiện nay, với sự pháp triển của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, số lưọng máy móc, thiết bị mang tính chất NHCĐ được sử dụng ngày một nhiều, tai nạn do NNHCĐ gây ra vì thế càng gia tăng và trở nên nghiêm trọng, trong khi mà cơ chế bảo hiểm trách nhiệm dân sự chưa là nghĩa vụ bắt buộc của chở sở hữu, chế độ bảo hiểm– sự chia sẻ gánh nặng trách nhiệm của toàn x• hội- chưa thực sự phát triển …thì TNBTTH do NNHCĐ gây ra còn đặt ra nhiều vấn đề cần có lời giải.

Hết

*Học viên cao học luật(DEA)-ĐH Toulouse1-CH Pháp

Các văn bản liên quan