Một số kiến nghị để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ Ba 23:48 22-05-2007


Một số kiến nghị để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
 
(Phát biểu tại Hội thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005:  Đánh giá thực tế triển khai và kiến nghị các giải pháp, Hà Nội, 22-5-2007)   
                                                                        
Vũ Quốc Tuấn*
 

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2006, đến nay đã được trên 10 tháng. Các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành tương đối đầy đủ. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện một bước đáng kể. Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành hai luật, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ phát triển và hội nhập, xin kiến nghị một số vấn đề sau đây.
 
1. Đánh giá ý nghĩa và tác dụng của Luật Doanh nghiệp và Đầu tư 2005
 
Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư 2005 đã tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, chủ yếu là trong việc thành lập doanh nghiệp (như mở rộng đối tượng thành lập và quản lý doanh nghiệp; một cá nhân có quyền thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn; thời gian cấp đăng ký kinh doanh được rút ngắn, v.v...) đồng thời khung quản trị doanh nghiệp cũng được xác định rõ thêm.
 
Theo chúng tôi, có lẽ nên đánh giá rõ hơn, đầy đủ hơn nữa ý nghĩa và tác dụng của hai luật đó trong tiến trình đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta. Đây là hai luật được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng khá chặt chẽ trước nay chưa từng có và được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Từ tháng 12-2003, Thủ tướng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của hai luật; tháng 6-2004, văn bản về nội dung này đã hoàn thành và được chấp nhận; đồng thời, trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo luật, cũng đã tổ chức nghiên cứu tác động của hai luật theo phương pháp RIA. Nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp và chuyên gia được tiến hành khá sôi nổi – có thể nói đây là một trong những dự thảo luật được tổ chức lấy ý kiến thảo luận kỹ lưỡng và công phu nhất trong thời gian qua. Có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là đối với Dự thảo Luật Đầu tư; trong đó đáng chú ý là giữa tháng 5-2005, ba phòng thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Châu Âu và Phòng Thương mại Ôxtrâylia) đã cùng liên danh gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bày tỏ quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp đối với một số điều trong Dự thảo Luật Đầu tư đang được nghiên cứu soạn thảo và chuẩn bị trình Quốc hội.
Thực tế đã cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và tổ chức quốc tế đối với hai luật này là rất có lý; vì một sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp đang là một yêu cầu bức thiết để giải phóng sức sản xuất, khai thác mọi tiềm năng của dân tộc cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Chính vì ý thức được yêu cầu cấp thiết đó, cho nên việc nghiên cứu xây dựng hai luật đã được triển khai tương đối bài bản, nghiêm túc và bảo đảm chất lượng.
 
Do vậy có thể nói rằng hai luật đã đánh dấu một bước phát triển mới, một bước đột phá quan trọng trong hệ thống thể chế của nền kinh tế thị trường nước ta: tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khắc phục mọi phân biệt đối xử; bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp trong kinh doanh không hạn chế về quy mô đối với những lĩnh vực mà pháp luật không cấm đi đôi với bảo đảm sự quản lý cần thiết, hợp lý của Nhà nước. Như Báo cáo 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 đã cho thấy: kết quả trong việc thi hành hai luật, nhất là trong thủ tục đăng ký kinh doanh tại nhiều địa phương đã chứng minh rất rõ tác động của hai luật. Có thể khẳng định rằng mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thị trường đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.
 
2. Phải kiên quyết trong việc xóa bỏ giấy phép không cần thiết
 
Giấy phép là một loại công cụ quản lý cần thiết trong việc thực thi các chủ trương, chính sách quản lý, tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành các loại thị trường; điều này đã được khẳng định. Vấn đề không phải là số lượng giấy phép nhiều hay ít, mà là ở chỗ nội dung giấy phép ấy có cần thiết hay không, tạo thuận lợi hay gây khó khăn gì thêm cho doanh nghiệp trong kinh doanh và việc ban hành giấy phép có đúng quy định của luật pháp hay không. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, kể từ sau Quyết định 19/2000/QĐ-TTg ngày 3-2-2000 bãi bỏ được 84 giấy phép con và Nghị định 30/2000/NĐ-CP ngày 11-8-2000 bãi bỏ 27 giấy phép, chuyển 34 giấy phép thành điều kiện kinh doanh cộng riêng năm 2000 xử lý được 145 giấy phép - được coi là một kết quả “hoành tráng” nhất cho đến nay, cuộc đấu tranh xóa bỏ giấy phép không cần thiết đã tỏ ra cực kỳ gian nan, vất vả. Số lượng bãi bỏ được quá ít, mà số giấy phép không cần thiết lại tăng thêm nhiều, mỗi tuần lễ lại thêm một giấy phép, không kiểm soát nổi.
 
Lần này, theo Báo cáo 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005, Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư đã rà soát các quy định của gần 300 loại giấy phép, kiến nghị bãi bỏ 33 giấy phép (ban đầu kiến nghị bãi bỏ 122 giấy phép, sau lùi dần), chuyển sang chế độ thông báo 9 giấy phép. Thế nhưng, theo thông tin, khi lấy ý kiến các bộ, ngành, trong số giấy phép được kiến nghị bãi bỏ, số được các bộ, ngành nhất trí chỉ chiếm gần 3%, lý do là những giấy phép đó vẫn cần thiết cho công việc quản lý của bộ, ngành đó (!?).
 
Xin không đi sâu vào những lý do cụ thể mà các bộ, ngành viện dẫn để duy trì từng loại giấy phép, song xin kiến nghị thay đổi cách làm. Nếu cứ làm theo cách hỏi ý kiến các bộ, ngành như hiện nay, thì chắc chắn các bộ, ngành vẫn có đủ lý do để không nhất trí với kiến nghị của Tổ Công tác và cuối cùng, môi trường kinh doanh không được cải thiện theo yêu cầu của cuộc sống, bởi lẽ các bộ, ngành khó tránh khỏi tư duy cục bộ, bản vị, thiếu khách quan. Trong thực tế, đã có nhiều chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và ủy ban hành chính địa phương “tự rà soát” các giấy phép không cần thiết, nhưng kết quả không nhiều; do nhiều lý do, như về tầm nhìn, trình độ, cũng có thể do lợi ích, “không ai tự đập vỡ niêu cơm của mình”. Vì vậy, thay vì hỏi ý kiến các bộ, ngành, rất nên tổ chức hỏi ý kiến doanh nghiệp về sự cần thiết duy trì từng loại giấy phép, qua đó, trao đổi ý kiến, đối thoại một cách thật thẳng thắn, khách quan, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp từ thực tiễn sản xuất kinh doanh và ý kiến của các chuyên gia, các hiệp hội doanh nghiệp.
 
Trong việc này, Tổ Công tác phải là cơ quan chủ trì, có tư duy đổi mới, cách làm việc khoa học, độc lập, khách quan và được sự tín nhiệm đầy đủ của lãnh đạo. Trên cơ sở ý kiến của Tổ Công tác, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định việc xóa bỏ, duy trì hoặc chuyển sang cách quản lý khác đối với từng loại giấy phép. Vấn đề đặt ra là phải đặt lợi ích toàn cục của đất nước lên trên lợi ích nhất thời (có khi không chính đáng) của bộ phận nhỏ là bộ, ngành, đồng thời đòi hỏi tầm nhìn, sự kiên quyết, quyết đoán của người lãnh đạo.
 
3. Khắc phục những vướng mắc trong việc thi hành hai luật
 
Trong Báo cáo 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005, đã nêu ra 18 điều vướng mắc trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, 10 điều trong việc thi hành Luật Đầu tư và những vấn đề chồng chéo, không tương thích giữa hai luật cũng như những điểm không tương thích giữa hai luật này với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về xây dựng, thuế, đất đai, bảo vệ môi trường, v.v...
 
Chúng tôi nghĩ đó là điều khó tránh, trong tình hình hiện nay của nước ta. Đó là kết quả của tình trạng: (i) thiếu một tư duy nhất quán theo hướng kinh tế thị trường trong việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, (ii) việc soạn thảo tiến hành riêng rẽ, nhất là lại được giao cho bộ, ngành chủ quản trực tiếp soạn thảo, khó tránh khỏi khuynh hướng cục bộ “thu dễ dàng cho mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp”; (iii) việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp cũng như của chuyên gia và của các cơ quan liên quan chưa thật có chất lượng, đôi khi còn hình thức.
 
Để tiếp tục hoàn chỉnh môi trường kinh doanh theo kinh tế thị trường, cần thực hiện cuộc “tổng rà soát” các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở đó, quy định rõ các điều kiện kinh doanh và thẩm quyền quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện như đã quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005. Rất khó thực hiện, nếu vẫn cứ giao cho mỗi bộ, ngành, ủy ban nhân dân địa phương “tự rà soát”, vì lý do như trên đã nói; hơn nữa, mỗi bộ, ngành cũng không kiểm kê thật đầy đủ hiện nay họ đã ban hành bao nhiêu văn bản thuộc loại giấy phép và bao nhiêu còn có hiệu lực. Vì vậy, xin kiến nghị thực hiện phương pháp rà soát “từ dưới lên”, như đã thực hiện trong những năm 1998, 1999 khi chuẩn bị kiến nghi bãi bỏ những giấy phép không cần thiết. Chính các cơ sở sản xuất kinh doanh là nơi biết rất rõ họ đang chịu gánh nặng của bao nhiêu giấy phép và họ cũng là nơi phát biểu chính xác nhất loại giấy phép nào nên bãi bỏ, loại kinh doanh nào cần Nhà nước quản lý và quản lý bằng cách nào (bằng giấy phép, hay điều kiện kinh doanh, hay bằng phương thức nào khác), v.v...
 
Những việc này, cũng nên giao cho Tổ Công tác thực hiện, vì ở đó, đã có đủ chuyên gia các ngành liên quan, có tầm nhìn với tư duy đổi mới, có cách làm việc khoa học, khách quan. Về lâu dài, nên có Nghị định về quản lý nhà nước đối với việc ban hành các loại giấy phép, cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp.
 
4. Phát huy tác dụng của các tổ chức xã hội dân sự
 
Xã hội dân sự được coi là một trong ba trụ cột của kinh tế thị trường (Nhà nước, xã hội dân sự và doanh nghiệp) có tác dụng rất quan trọng trong việc bảo đảm cho thị trường phát triển và hoạt động lành mạnh. Xã hội dân sự có nhiều loại hình tổ chức khác nhau; ở đây, chỉ xin đề cập một số vấn đề thuộc các hội, hiệp hội doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng.
 
a) Về các hội, hiệp hội, theo số liệu của Bộ Nội vụ, hiện nay đang có khoảng 300 hiệp hội hoạt động trong phạm vi cả nước, trong đó có khoảng 70 hiệp hội của các tổ chức kinh tế. Theo kết quả khảo sát của VCCI trong Báo cáo nghiên cứu về “Vận động chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” (tháng 10-2006), cả nước có khoảng 280 hiệp hội doanh nghiệp với khoảng 26% doanh nghiệp dân doanh tham gia các hiệp hội. Theo chúng tôi, số lượng hội, hiệp hội còn quá ít và hiệu quả hoạt động của nhiều hội, hiệp hội chưa cao. Tôi rất hoan nghênh cuộc khảo sát và nhất trí nhiều nội dung đã được đề cập trong Báo cáo nghiên cứu nói trên.
Xin được nhấn mạnh vai trò phản biện xã hội của các hội, hiệp hội doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung và riêng về việc rà soát các giấy phép, coi đây là một yêu cầu khách quan của quá trình dân chủ hóa. Để đạt hiệu quả thiết thực, cần có sự quan tâm về cả hai mặt:
 
- Đối với các hội, hiệp hội doanh nghiệp, điều quan trọng là các tổ chức này cần đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đóng góp được những ý kiến thiết thực, có giá trị và nhất là trên quan điểm xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước, không vì lợi ích riêng tư của một ngành nghề mà họ đại diện. Vì vậy, họ cần có cách làm để thu hút được nhiều ý kiến đóng góp, tập trung được tâm huyết và trí tuệ của đông đảo đội ngũ doanh nhân trong và ngoài hội, hiệp hội. để ý kiến đóng góp đủ sức thuyết phục.
 
- Đối với cơ quan chủ trì việc soạn thảo, điều quan trọng là tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các hội, hiệp hội. Đối với những ý kiến ngược lại, cơ quan chủ trì nên tổ chức đối thoại một cách khách quan, chân thành tiếp thu và sửa chữa, bổ sung vào dự thảo, khắc phục tình trạng người nói cứ nói, người nghe nói “tiếp thu”, song dự thảo vẫn giữ nguyên như cũ, dẫn đến có doanh nghiệp đã chán nản, không muốn phát biểu ý kiến.
 
b) Về các phương tiện thông tin đại chúng, thực tiễn đã cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng. Nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để có thể tập hợp được nhiều ý kiến đưa lên báo chí, để công luận bàn thảo thật rộng rãi. Điều quan trọng là có sự thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, với tinh thần xây dựng, đúng thực chất; những ý kiến khác với dự thảo cũng cần được đăng tải để rộng đường thảo luận.
 
***
 
Trên đây là một số ý kiến xin được đóng góp vào cuộc hội thảo hôm nay. Môi trường kinh doanh ở nước ta tuy đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khiếm khuyết khiến cho lực lượng sản xuất trong nước chưa được phát huy tốt, bạn bè quốc tế còn có chỗ băn khoăn khi đầu tư vào nước ta. Đó là tình hình chưa hoàn chỉnh về thể chế, chính sách và nhất là những thủ tục không cần thiết, đội ngũ công chức chưa xứng tầm và tệ nạn tham nhũng trong cơ quan hành chính nhà nước, v.v... mà chúng ta đang ra sức khắc phục. Việc thi hành nghiêm túc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng với việc rà soát, chấn chỉnh hệ thống giấy phép sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện môi trường kinh doanh ở nước ta.
 
 

* Ông  Vũ Quốc Tuấn là chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

------------------------

Các văn bản liên quan