Mô hình tập đoàn kinh tế: Hoạt động vẫn mang tính độc quyền

Thứ Hai 13:49 24-11-2008

Mô hình tập đoàn kinh tế: Hoạt động vẫn mang tính độc quyền

TT (Hà Nội) - Ngày 20-11, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế theo tinh thần nghị quyết trung ương 3.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, với bốn tập đoàn trực thuộc gồm Tập đoàn Dầu khí (Petro VN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than - khoáng sản (TKV) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex), trong đó đơn vị chuyển sang mô hình tập đoàn dài nhất mới chỉ ba năm, nhưng hầu hết đang làm ăn có lãi. Các tập đoàn thành lập mới đã giữ vai trò quan trọng trong bình ổn giá và các chính sách an sinh xã hội khác...

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, hiện hoạt động của một số tập đoàn vẫn mang tính độc quyền, chưa phù hợp cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Việc mở rộng đa ngành ra những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, viễn thông... đã phần nào làm giảm năng lực và sự tập trung nguồn lực của các tập đoàn.

Cần đánh giá lại vai trò, đóng góp?

Mở đầu phần thảo luận, ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT TKV, cho rằng mô hình tập đoàn đã đem lại lợi ích lớn cho cán bộ công nhân viên ngành mình, với thu nhập cao hơn và tầm đầu tư đã sang cả Lào, Campuchia... Tuy vậy, ông Kiển nhanh chóng chuyển sang đề tài khác và sau đó đề tài này đã trở thành trọng tâm thảo luận của cả bốn lãnh đạo tập đoàn trực thuộc Bộ Công thương.

Theo ông Kiển, dư luận, báo chí thời gian qua coi các tập đoàn như thủ phạm gây ra lạm phát, những yếu kém của nền kinh tế... Trong khi nghị quyết của Đảng nói chú trọng thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, các tập đoàn được phát triển theo hướng đa ngành thì dư luận lại cho rằng các tập đoàn làm trái. Ông Kiển kết luận: “Như vậy không thể chấp nhận được. Bộ Công thương không lên tiếng bênh vực, là khuyết điểm của bộ”.

Tương tự, ông Đinh La Thăng, chủ tịch HĐQT Petro VN, thắc mắc: “Tập đoàn của Nhà nước, báo chí cũng của Nhà nước mà sao báo chí cứ đi nói xấu các tập đoàn”. Theo ông Thăng, nếu không có các tập đoàn, việc chống lạm phát thời gian qua sẽ rất khó điều hành, nhưng nhiều lúc các tập đoàn bị coi như những “con vi trùng”. Thậm chí, có tiến sĩ kinh tế nói hơn 40.000 tỉ đồng đầu tư cho các tập đoàn, Nhà nước đem gửi tiết kiệm còn lãi hơn. Theo ông Thăng, cách suy nghĩ này đã làm nản lòng những người quan tâm xây dựng các tập đoàn.

Ông Đào Văn Hưng, chủ tịch HĐQT EVN, lấy ví dụ Siemen có Siemen y tế, giáo dục, điện lực, viễn thông và cho rằng về việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của các tập đoàn còn nhiều ý kiến phiến diện, gây hại cho các tập đoàn. Giải thích việc tham gia lập ngân hàng, ông Đào Văn Hưng cho hay thay vì chỉ gửi tiền và nhận lãi suất, EVN góp 30% vốn vào ngân hàng, 30% lợi nhuận ngân hàng được EVN giữ lại.

Dù nói khá nhiều về việc cần thiết đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính nhưng hiệu quả của những đầu tư đó đến nay thế nào, đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản lãi lỗ ra sao, lãnh đạo các tập đoàn không ai nhắc tới.

Băn khoăn mô hình

Ông TRẦN THẢO, phó Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ Công thương):

Phải có tiêu chí thành lập tập đoàn

Việc thành lập các tập đoàn là cần thiết nhưng phải có tiêu chí như thế nào mới được thành lập. Dự thảo nghị định Chính phủ của Bộ KH-ĐT về quản lý các tập đoàn có quy định vốn phải từ 7.000 tỉ đồng trở lên. Đầu tư của các tập đoàn ra ngoài lĩnh vực chính, bốn tập đoàn thuộc Bộ Công thương quản lý mới từ 15-20%, chưa vượt mức 30% mà Thủ tướng cho phép. Chúng tôi đã yêu cầu các tập đoàn tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề chính của mình. Bộ Công thương trên cơ sở tổng kết sẽ xem xét có nên thành lập tiếp các tập đoàn hay không và khung pháp lý sẽ nên sửa như thế nào.

Chỉ có bốn tập đoàn do Bộ Công thương quản lý trong tổng số tám tập đoàn đang được thí điểm nhưng qua buổi sơ kết đã thấy cách vận hành của các tập đoàn theo mô hình khá khác nhau. Theo ông Đoàn Văn Kiển, tại TKV, các công ty thành viên chỉ làm nhiệm vụ khai thác, còn bán hàng thế nào là quyền của tập đoàn, lợi nhuận thu được được tập đoàn nắm và có cơ chế đầu tư lại cho các công ty con. Nếu không tập trung nguồn lực kiểu này, theo ông Kiển, TKV không thể có tiền để đầu tư mở nhà máy điện, đầu tư khai thác bôxit ở Tây nguyên...

Đại diện Vinatex lại cho thấy một mô hình mà theo tập đoàn này cũng rất hiệu quả. Bộ máy công ty mẹ từ nhiệm vụ chính là kiểm tra, ra quyết định giờ đã chuyển sang tham mưu, cung cấp thông tin là chính. Đã có nhiều hợp đồng kinh tế của các công ty con yêu cầu công ty mẹ cung cấp thông tin, thẩm định dự án. Với cách làm này, Vinatex dù chỉ chiếm 7% lực lượng lao động nhưng đã góp 20% tổng hàng xuất khẩu và đang giữ vị thế đầu tàu ngành dệt may.

Không có người đứng đầu

Dù cách vận hành khác nhau nhưng diễn giải những vướng mắc, ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn khá thống nhất ở chỗ thiếu cơ chế người đứng đầu. Theo ông Đinh La Thăng, hiện các tập đoàn có “hai cái đầu”. Chủ tịch HĐQT do Thủ tướng bổ nhiệm, tổng giám đốc do HĐQT bầu nhưng cũng phải xin ý kiến các bộ ngành và Thủ tướng phê chuẩn nên hai vị này không biết ai to hơn. Theo ông Thăng, đây là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến mất đoàn kết giữa hai cá nhân, rồi dẫn đến chia hai phe trong các tập đoàn.

Ông Đào Văn Hưng khẳng định cơ chế hiện nay nhiều khi người đứng đầu vừa không phải là chủ tịch HĐQT, vừa không phải tổng giám đốc. Có trường hợp tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT đồng ý nhưng HĐQT biểu quyết không quá 50% phiếu thuận nên vẫn không quyết được.

Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết về cơ chế nhưng theo Bộ Công thương, hiện đã có bốn tổng công ty đang làm đề án để trở thành tập đoàn, gồm tổng công ty hóa chất, xăng dầu, thép và thuốc lá. Ba tổng công ty đầu sẽ giữ nguyên tên, chỉ thay tổng công ty bằng tập đoàn, riêng Tổng công ty Thuốc lá xin chuyển thành Tập đoàn Công nghiệp thực phẩm VN.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng thời gian thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn mới từ năm 2005 nên chưa thể đánh giá đầy đủ cái được, chưa được của mô hình này. Thậm chí, ngay một số bộ ngành cũng còn băn khoăn về vai trò, đóng góp của các tập đoàn. Vì thế, các vấn đề đặt ra mới chỉ là sơ bộ bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu.

CẦM VĂN KÌNH - Theo Tuổi trẻ ngày 21/11/2008

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG:

“Đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường”

Tối 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công thương và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bộ.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo bộ và các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng đã nêu bật những thuận lợi và khó khăn của đất nước trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, VN đã vượt qua nhiều khó khăn về kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng... Đạt kết quả này có đóng góp rất lớn của ngành công thương, trong đó có các tập đoàn và tổng công ty trực thuộc bộ đã góp phần duy trì tăng trưởng và bình ổn giá cả. Thủ tướng yêu cầu ngành cần khắc phục những hạn chế, đảm bảo cân đối hàng hóa, kiểm soát giá cả, phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15-16%...

Về kế hoạch năm 2009, Thủ tướng nhận định đây là năm gặp rất nhiều khó khăn thách thức bởi theo dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm dẫn đến giá cả giảm sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch... nước ta sẽ giảm. Do vậy các doanh nghiệp dệt may, than, hóa chất... phải thấy hết được khó khăn để chủ động đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương phải tìm mọi cách để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo đó, bộ cần tính toán cơ chế chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước để rà soát các dự án đầu tư, vừa giải quyết việc làm vừa kích cầu, đồng thời mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là các thị trường có lợi thế như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, ASEAN...

TTXVN

Các văn bản liên quan