Luật hoá hoạt động các VPĐD và CN thương nhân nước ngoài

Thứ Hai 14:21 22-05-2006
Luật hoá hoạt động các văn phòng đại diện và chi nhánh thương nhân nước ngoài

Theo Đầu tư

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các văn phòng đại diện (VPĐD) và CN thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của khu vực này, Bộ Thương mại đang tiến hành soạn thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hiện diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cho đến nay, dự thảo lần thứ hai của Nghị định đã cơ bản hoàn thành và đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan và của các doanh nghiệp nước ngoài.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo lần 2 là nội dung hoạt động của VPĐD. Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thương mại), Trưởng ban soạn thảo Nghị định, dự thảo lần này có bổ sung một số quy định cụ thể nhằm quản lý nội dung hoạt động của các VPĐD và khắc phục tối đa tình trạng hoạt động sinh lời trực tiếp của các VPĐD nước ngoài, từ đó tránh để xảy ra thất thoát nguồn thuế và hoạt động sinh lợi bất hợp pháp của các VPĐD.

Một điểm đáng chú ý nữa là dự thảo lần này có đưa ra thời hạn cụ thể cho hoạt động của VPĐD thương nhân nước ngoài tại Việt Nam với dự kiến là 3 năm và đối với chi nhánh là 5 năm. Theo ông Nam, mục đích của việc đưa ra thời hạn là nhằm khuyến khích thương nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài để kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, đồng thời đây cũng là một cách hiệu quả để tránh việc các VPĐD hoặc CN nước ngoài đóng cửa hoạt động, nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp VPĐD muốn gia hạn thì thương nhân nước ngoài phải nộp đơn đề nghị gia hạn.

Cùng với VPĐD và CN thì doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một trong những đối tượng được đưa ra nhiều quy định điều chỉnh trực tiếp và cụ thể tạidự thảo lần này. Trong đó, đáng chú ý là các quy định về đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp thương mại liên doanh, thành lập VPĐD. Theo ông Nam, đây là điểm bổ sung hình thức hoạt động tại Việt Nam so với văn bản hướng dẫn trước đây, trong lĩnh vực này, Theo đó, thương nhân nước ngoài có thêm nhiều cơ hội lựa chọn hình thức hiện diện hoạt động tại Việt Nam, phù hợp với quy mô và tiềm lực của mình.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan. Thứ nhất, liên quan đến hình thức hiện diện thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, hiện nay nảy sinh vấn đề là có nên cho phép thương nhân nước ngoài ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam để hoạt động thương mại tại Việt Nam. Theo quan điểm của Ban soạn thảo, chỉ nên hạn chế hoạt động này ở một số lĩnh vực được áp dụng như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề thứ hai liên quan đến chính sách đối với doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Nam cho biết, Ban soạn thảo đang tiếp cận theo hướng quy định danh mục lĩnh vực, ngành nghề thuần tuý thương mại mà doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nên quy định danh mục này ngay trong Nghị định hay ban hành tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại, vì điều này sẽ quyết định hiệu quả và sự phù hợp của danh mục với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các văn bản liên quan