Luật Doanh nghiệp thống nhất qua các bài báo

Thứ Sáu 10:07 26-05-2006
[size=18]Xây dựng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chung cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Tạo ra một sân chơi bình đẳng, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế - mong muốn đó của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang được Chính phủ Việt Nam đáp ứng.

Một tin vui được đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 14.6 tại Hà Nội trước Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2004: Đề án xây dựng Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp hợp nhất áp dụng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đang được tiến hành.

Chi phí đầu tư cao
Tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, dễ tiên liệu, trong đó mọi thành phần được đối xử không phân biệt - đó là tiếng nói chung của các nhà doanh nghiệp (DN) Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia hay các doanh nghiệp tư nhân đưa ra tại diễn đàn. Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính phủ đã được các DN ghi nhận.

Tổ chức JETRO (Nhật Bản) đã công bố báo cáo khảo sát so sánh chi phí đầu tư của hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh với một số khu vực khác tại Châu Á, cho thấy, Chính phủ đã nỗ lực giảm chi phí kinh doanh cho người nước ngoài. Trừ giá điện, chế độ hai giá đã được bãi bỏ. Chi phí viễn thông đã giảm đến 61%, chi phí vận tải giảm 27%, nhưng ông Kenjiro Ishiwata, trưởng đại diện JETRO, nhận xét rằng, chi phí kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn khá cao so với khu vực, nhất là chi phí thuê văn phòng, tiền điện.

Các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, nhưng tỉ lệ nghịch với mối quan tâm ấy, đầu tư của Mỹ, Nhật, Châu Âu hay Australia vào Việt Nam vẫn thuộc loại thấp nhất trong khu vực.

Tiến tới sân chơi bình đẳng
Theo bà Phạm Chi Lan - cố vấn Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần Luật Doanh nghiệp hợp nhất (UEL) và Luật Đầu tư chung (CIL) để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế xã hội và thể chế hoá các cam kết của Việt Nam đối với các tiến trình hội nhập quốc tế. Luật mới sẽ được xây dựng trong quá trình soạn thảo mới, nhằm rút ngắn thời gian xây dựng luật, từ 3 -4 năm trước đây xuống chỉ còn hơn một năm.

Các luật mới sẽ đưa ra nhiều nội dung mới. Luật Đầu tư chung quy định các biện pháp đảm bảo đầu tư, lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư, các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, không phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Luật Doanh nghiệp hợp nhất quy định hình thức và thủ tục thành lập, tổ chức quản lý, giải thể DN, áp dụng chung cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.

Các luật mới sẽ mở rộng tự do kinh doanh cho DN, cụ thể là các DN có quyền kinh doanh và đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà luật phát không cấm. Mối quan hệ giữa Chính phủ và DN sẽ được chú trọng đổi mới, trong đó Chính phủ thực hiện chức năng chính là khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đối tượng khuyến khích đầu tư là tất cả các nhà đầu tư trong nước khi đầu tư ở Việt Nam hoặc nước ngoài, bao gồm các DN vừa và nhỏ, và tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều, người nước ngoài sống ở Việt Nam khi đầu tư dưới các hình thức khác nhau.

Theo lịch trình mà ban soạn thảo đề xuất, sẽ có sự phối hợp trong quá trình xây dựng soạn thảo hai luật, trình Quốc hội hai luật mới cùng lúc nhằm thông qua cuối năm 2005 và ban hành hai luật mới giữa năm 2006, cùng thời gian đó là ban hành các hướng dẫn thi hành luật.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận xét rằng, với khối lượng công việc xây dựng luật pháp rất lớn như hiện nay, việc thông qua Luật Doanh nghiệp hợp nhất và Luật Đầu tư chung khó mà thực hiện được đúng như dự kiến và có thể chậm một chút. Tuy nhiên, đề xuất về hai luật nói trên đã được Diễn đàn doanh nghiệp hoàn toàn hoan nghênh.

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, nói: "Theo đánh giá của WB và các nhà DN, các luật mới là những hướng dẫn tuyệt vời".

Đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu nhận xét: "Chúng tôi hoan nghênh và hy vọng chương trình nghị sự của hai luật mới sẽ được bám sát. Chúng tôi rất hài lòng vì khu vực tư nhân được tham gia soạn thảo luật ngay từ đầu". Vĩnh Nguyên

(Báo Lao động số 167 ra ngày 15.06.2004)

Các văn bản liên quan