Luật chứng khoán: “Co” lại rất khó?

Thứ Tư 10:51 20-10-2010

Luật chứng khoán: “Co” lại rất khó?

 

 

     

 (Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đưa ra sửa đổi, bổ sung 16 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 điều của Luật Chứng khoán hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý sai phạm.
 
Tiếp tục phiên họp thứ 34 của UBTVQH, ngày 16-9 các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và dự án Luật Kiểm toán độc lập.
 
“Thắt chặt” ngay là quá khó

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đưa ra sửa đổi, bổ sung 16 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 điều của Luật Chứng khoán hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý sai phạm.

Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế dù đã bổ sung và sửa đổi một số điều nhưng phạm vi sửa đổi của Luật vẫn còn hạn hẹp, chưa triệt để; do đó, có một số bất cập phát sinh chưa được giải quyết triệt để. Chẳng hạn: Số lượng công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời trong những năm qua rất lớn (hiện có trên 100 công ty chứng khoán), trong đó, có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý kém, đã gặp nhiều khó khăn khi thị trường biến động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vốn của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ quá dễ dàng, tuy nhiên dự thảo Luật lần này chưa đề cập tới  sửa đổi điều kiện cấp phép thành lập của các đơn vị này.

Giải thích cặn kẽ nguyên cớ khiến Luật này cần bổ sung, sửa đổi, và tại sao lại không “thắt chặt” quản lý thị trường chứng khoán để tránh phải bổ sung, sửa đổi Luật nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: thời điểm ban đầu khi xây dựng Luật Chứng khoán thì thị trường này chưa phát triển và chúng ta xây dựng Luật bị tác động nhiều của bối cảnh lúc bấy giờ. Thị trường chứng khoán ra đời cách đây khoảng 10 năm, nhưng thực sự phát triển chỉ khoảng 3, 4 năm nay. Thời kỳ đầu, người dân và doanh nghiệp không biết đây là thị trường gì và không muốn tham gia. Khi đó, thậm chí, nhà nước, các cơ quan chứng năng phải “dỗ dành” các doanh nghiệp tham gia thị trường này bằng nhiều chính sách ưu đãi như: miễn giảm cả thuế. Trong một bối cảnh như vậy nên đành phải xây dựng Luật tương đối “thoáng”. Chính vì vậy, giờ phải “bóp chặt” nó lại là rất khó khăn, nhất là trong sự phát triển sôi động của thị trường.” “Xu hướng của các quốc gia khác trên thế giới khi xây dựng Luật này là đầu tiên thì “co”, sau đó mới “mở” nhưng chúng ta lại là ngược lại”.

Từng bước hoàn thiện Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần rà soát và cân nhắc kỹ Luật Sửa đổi lần này, nếu không lại rơi vào tình trạng vừa sửa xong, chưa được môt vài năm đã trở thành lạc hậu. Ông Hiển còn tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề công khai minh bạch và công bố thông tin vì “đây là vấn đề then chốt trong việc đảm bảo niềm tin với nhà đầu tư và cũng là điều kiện cần và đủ để kiểm soát được tình trạng lừa dối nhà đầu tư”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại cho rằng:  “Đây là một lĩnh vực rất chuyên sâu, nên điều mà tôi quan tâm là tác động của Luật với người dân tham gia vào thị trường này”.Theo bà Mai, “thời gian vừa qua, khi thị trường bong bóng, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiệt hại rất lớn, tại sao chúng ta không bổ sung thêm những quy định trong Luật để bảo vệ họ?Về tính minh bạch của thị trường chứng khoán thì còn những khó khăn nào để đảm bảo tính minh bạch này và 5 hay 10 năm tới, liệu chúng ta có đảm bảo được sự minh bạch của thị trường này không?”

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng:  thị trường chứng khoán là thị trường mới mẻ, và Luật Chứng khoán cũng là một trong những Luật “trẻ” nhất Việt Nam, dù vừa kỷ niệm 10 năm thành lập, nhưng thực tế thị trường này mới chỉ phát triển khoảng 3 năm nay. Thế nhưng, nó lại “vắt qua” thời kì khó khăn vì khủng hoảng kinh tế. Theo Phó Chủ tịch “thực tiễn quá ngắn” nên chúng ta chưa có một đạo luật chính quy nhằm quản lý chặt chẽ, bao quát hết tất cả các vấn đề, mà phải hoàn thiện từng bước.

Sẽ không tồn tại công ty kiểm toán TNHH một thành viên
 
Một trong những quy định nổi bật mà Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung vào Dự án Luật Kiểm toán độc lập dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1-1-2012 là không tiếp tục duy trì hình thức Cty TNHH một thành viên đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Theo Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập được đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp của UBTVQH chiều 16-9, doanh nghiệp kiểm toán chỉ được thành lập dưới các hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 2 thành viên trở lên; công ty  hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, một số doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức công TNHH một thành viên. Chính vì vậy, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định liên quan đến doanh nghiệp này để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách pháp luật của Việt Nam về đầu tư nước ngoài.

 

Báo Đại Đoàn Kết - 17/09/2010

 

Các văn bản liên quan